- Trước hàng loạt các sự việc đe dọa sự an toàn của học sinh, hiệu trưởng nhiều trường cho biết sẽ cảnh giác học sinh tới cả vấn đề đi vệ sinh.
Dạy kỹ năng tránh bị xâm hại tình dục
Theo cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 4, TPHCM) để đảm bảo an toàn cho học sinh việc đầu tiên là tổ chức các buổi dạy kỹ năng sống cho các em.
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta không nên trốn tránh dạy những vấn đề nhạy cảm cho các em nữa. Các em cần phải biết về bản thân mình, để bảo vệ chính bản thân mình”- cô Hà đưa quan điểm.
Theo cô Hà, hàng tuần trường luôn mời giáo viên ở trung tâm dạy kỹ năng sống về dạy cho học sinh trong trường. Ngoài ra, trường cũng kết hợp với một bác sĩ đang làm ở phòng y tế trong trường, tổ chức các buổi nói chuyện cho học sinh lớp năm.
“Sách giáo khoa lớp 5 hiện nay đã có các bài học về giới tính. Để các em không ngại, chúng tôi tách lớp theo giới tính của các em. nam học lớp riêng, nữ học lớp riêng. Sau đó, bác sĩ sẽ dạy các em cách tìm hiểu bản thân, bảo vệ bản thân ”- cô Hà cho biết.
Nhiều trường quan tâm hơn đến vấn đề an toàn trường học với các học sinh mà mình quản lý. Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Còn cô Đặng Thị C, một giáo viên tiểu học ở Thanh Hóa thì cho rằng, vấn đề lo ngại nhất hiện nay chuyện xâm hại tình dục trẻ em.
Vì vậy, các trường phải kiểm soát được tâm lý các nhân viên trong trường. Cụ thể là các nhân viên không có dấu hiệu bất thường, sẽ khiến phụ huynh và học sinh yên tâm hơn.
“Chúng tôi cũng luôn học sinh không cho người lạ tới quá gần, không đi theo người lạ hay ăn đồ ăn họ cho, đặc biệt không cho người khác tùy tiện động vào cơ thể” – cô Chung chia sẻ.
Còn cô Trần Thị Cậy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Sở (Hà Nội) nhìn nhận, vấn đề an toàn cho học sinh trong trường mới chỉ dừng lại trong những bài học trên lớp.
“Sau câu chuyện xâm hại tình dục ở các trường thời gian gần đây, chúng tôi luôn yêu cầu giáo viên quan sát, sâu sát học sinh nhiều hơn và nhắc nhở phụ huynh cũng quan tâm con hơn. Đặc biệt, việc bảo vệ trường học luôn được tăng cường, không cho người lạ vào trường”.
Lo từ bữa ăn tới lúc đi vệ sinh
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Quang (Hà Nội) thì cho rằng, an toàn cho học sinh đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều khía cạnh.
Theo cô Hương, hầu hết phụ huynh phụ huynh hiện nay đều đưa con tới trường sớm và đón con rất muộn. Trong khi đó chưa tới giờ làm việc thì chưa phải trách nhiệm của nhà trường. Vì vậy trường luôn nhắc giáo viên nhắc nhở học sinh chơi ở khu vực sân trường không bị khuất tầm mắt và khu vực xung quanh phòng bảo vệ khi chờ phụ huynh tới đón. Ngoài ra, giáo viên phải trực tiếp khóa cửa lớp, đảm bảo không có người ở lại, tránh chuyện cô về nhưng học sinh vẫn chơi ở trong lớp.
“Chúng tôi quy định, sau khi tan học trường sẽ khóa cửa hệ thống các khu vệ sinh, để tránh nguy cơ không chỉ người ngoài mà có thể chính ngay những cán bộ, giáo viên trong trường” - cô Hương cho biết.
Còn cô Trần Thị Cậy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Sở, Hà Nội thì cho rằng một mối lo ngại cũng rình rập học sinh là vấn đề an toàn thực phẩm khi hằng ngày các em mua đồ ăn uống trôi nổi từ các hàng rong.
Theo cô Cậy, quan sát xung quanh cổng trường có rất nhiều loại đồ ăn như thịt bò khô, thịt lợn, nem rán…được bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, với giá chỉ từ 2000 đến 5000 đồng. Vì vậy trường chỉ còn cách hạn chế tối đa điều này bằng cử giáo viên ra ngoài cổng trường để đón học sinh, yêu cầu các em không mang những thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trường ản để ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, trường cũng thành lập một nhóm học sinh có trách nhiệm đi kiểm tra, nhắc nhở, khuyên nhủ bạn mình khi thấy các bạn khác sử dụng các đồ ăn này.
Bảo vệ cũng phải có "chuẩn"
Còn cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP HCM) để bảo vệ an toàn cho học sinh, tất cả đội ngũ trong trường phải làm hết trách nhiệm của mình.
“Đối với giáo viên và bảo mẫu khi trẻ đi ra khỏi lớp phải biết trẻ đi đâu, làm gì, có đi vào nhà vệ sinh hay không, nếu đi vệ sinh thì đi bao lâu. Còn bảo vệ phải quan sát tất cả các hoạt động đi ra đi vào của người lạ. Thực hiện ghi chép cẩn thận và nắm rõ những người vào trường liên hệ công tác, giao nước, giao thực phẩm, chứ không phải chỉ ngồi trực ở cổng trường rồi quan sát”.
Cô Hà cho biết, trước đây trường cho phụ huynh đưa học sinh vào lớp, nhưng hiện nay phụ huynh chỉ được đứng ở cổng.
“Chúng tôi làm vậy nhiều học sinh bây giờ đi học đã đeo các loại trang sức. Nếu phụ huynh đưa con vào trường lại là mối nguy với học sinh khác ”- cô Hà cho biết.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Quang lại cho rằng, trường có tiêu chí rõ ràng trong việc tuyển chọn bảo vệ, vì môi trường giáo dục nhân viên bảo vệ phải có những tiêu chí riêng . Do đó, trước khi tuyển bảo vê sẽ xác minh cụ thể lý lịch, nhân cách và cách giao tiếp ứng xử, lời ăn tiếng nói với phụ huynh và học sinh.
Theo cô Hương, bảo vệ phải là nơi đầu tiên phải quản lý mọi vẫn đề ra vào của trường. Nếu khách đến trường liên hệ công tác hay làm việc, bảo vệ phải thông báo tới các bộ phận liên quan khi có phản hồi của các bộ phận, mới cho khách vào.
Song song với quy định này trường cũng đưa ra quy định giáo viên không được tiếp phụ huynh trong giờ học. Trong trường hợp đột xuất như học sinh ốm đau, phụ huynh xin đón sớm, cả phụ huynh và giáo viên phải viết giấy bão lãnh và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Còn cô Đặng Thanh Chung cho rằng, việc tuyển chọn bảo vệ sẽ có sự sàng lọc bằng việc khám kiểm tra sức khỏe tâm sinh lý trước khi ký hợp đồng.
“Ngoài hội tụ đủ yếu tố như sức khỏe, trình độ nghiệp vụ, các bảo vệ trường học cần phải có cái tâm. Nhân viên bảo là người đầu tiên tiếp xúc với học sinh khi vào trường. Nếu học sinh chào bác bảo vệ, bác cũng vui vẻ đáp lời sẽ hình thành thói quen chào hỏi, thận thiện với những người khác. Ngược lại nếu bảo vệ khó chịu, hay la mắng sẽ vô tình khiến học sinh sợ, không dám chào, hay mất dần thói quen thích chào hỏi người lớn”.
Thanh Hùng - Lê Huyền