- Chị Đặng Phương, năm nay 28 tuổi, ở Hà Nội. Chị Phương đã tự dạy cho bé Bư – cô con gái đầu mới 4 tuổi - nói tiếng Anh rất tốt, ngữ điệu tự nhiên, giao tiếp với mẹ lưu loát và có vốn từ vựng khá phong phú.

Bé Siêu Tăm – mới hơn 1 tuổi - cũng đã bắt đầu nghe - hiểu các từ, cụm từ, câu đơn giản, và làm theo các yêu cầu đơn giản bằng tiếng Anh.

  {keywords}
Ba mẹ con chị Đặng Phương

Con không cần tốn thời gian học ngoại ngữ như tôi

Trước đây, chị học tiếng Anh như thế nào? Điều gì chị rút ra được từ việc học tiếng Anh của mình để áp dụng vào việc dạy tiếng Anh cho các con?

- Trước đây tôi học tiếng Anh theo kiểu truyền thống, như tất cả học sinh thời bấy giờ, tức là bên cạnh việc học ở lớp thì bố mẹ thuê gia sư dạy lâu dài cho tôi, chủ yếu là học ngữ pháp.

Hồi cấp hai, tôi được học ở một lớp chuyên Anh và có một thời gian ngắn theo học tại một trung tâm. Từ vựng, kĩ năng nghe, đọc, phát âm thì chủ yếu do bản than tự học qua ca nhạc, phim ảnh. Từ cấp ba tới đại học, tôi có một quãng thời gian 5 năm du học ở nước ngoài để hoàn thiện tiếng Anh hơn.

Điều gì tôi rút ra được từ sau những kinh nghiệm học tiếng Anh này để áp dụng cho các con ư? Sau khi tìm hiểu thì tôi thấy các con không cần phải trải qua quá trình học ngoại ngữ tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc như tôi ngày trước!

Việc tranh luận giữa hai trường phái - nên học tiếng Anh/ ngoại ngữ càng sớm càng tốt và chỉ học tiếng Anh/ ngoại ngữ khi đã vững tiếng Việt - vẫn còn chưa phân thắng bại. Chị có tham khảo các luận điểm của hai bên trước khi dạy hai bé học ngoại ngữ không?

- Tôi không tham khảo các luận điểm của hai “trường phái” đang tranh cãi nhau tại Việt Nam. 

Thay vào đó, tôi tham khảo những hiểu biết khoa học cập nhật nhất của phương Tây hiện giờ về các phát triển ngôn ngữ và quá trình học ngoại ngữ ở trẻ nhỏ.

Rất nhiều tài liệu ở trên mạng cũng như các sách hay bằng tiếng Anh về đề tài này đã có đủ hết rồi.

...

Điều hay nhất là… khi ra đường, mọi người luôn tưởng bé Bư là người nước ngoài! Sau khi phát hiện ra bé là người Việt Nam, người ta thường hỏi “Bé có học ở trường quốc tế không?”, hoặc “Bố của bé chắc là người nước ngoài?”. Sau khi nhận được câu trả lời “Không” cho cả hai câu hỏi, người ta thường trầm trồ “Ôi, giỏi quá, thần đồng!”.Có người lại còn tưởng bé Bư là … một bé người nước ngoài biết nói tiếng Việt.

Ở nước ta, quá nhiều phụ huynh và không ít các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về nhiều điểm, trong đó có lo lắng rằng học ngoại ngữ sớm thì trẻ nhỏ lẫn lộn các ngôn ngữ mất! 

Câu trả lời là: Trẻ nhỏ không hề lẫn lộn các ngôn ngữ, và chúng có thể học không chỉ giới hạn ở hai, mà còn có thể là ba hoặc bốn ngôn ngữ.

Tôi cũng có bằng chứng sống là hai bé nhà tôi nữa mà! 

Bé lớn nhà tôi 4 tuổi, sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt như nhau, trong khi bé thứ hai, mới 1 tuổi, đã bắt đầu hiểu một số từ, cụm từ và câu ngắn.

Học song song các ngôn ngữ từ khi còn bập bẹ, trẻ nhỏ có thể thành thạo tiếng Anh trong 5 năm đầu đời và đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ trong tiếng Anh y như tiếng mẹ đẻ, và y như ở trẻ bản ngữ. 

Tất nhiên là với điều kiện được một người lớn có tiếng Anh tốt tương tác với bé bằng tiếng Anh hàng ngày, không qua tiếng Việt, mỗi ngày khoảng 2-3 tiếng.

{keywords}

Hai chị em Bư, Tăm được mẹ dạy tiếng Anh từ khi còn bé xíu

Tương tác ở đây có nghĩa là dùng ngôn ngữ một cách có ý nghĩa và phù hợp với khả năng nhận thức và tư duy, cũng như các mối quan tâm và ý thích của bé.

Dạy tiếng Anh như thế này không khác cách dạy tiếng Việt một chút nào cả! Và môi trường lý tưởng nhất chính là cuộc sống hàng ngày tại nhà, khi chỉ có một “thầy” và một “trò”.

Thực ra, nhiều cha mẹ cảm thấy áp lực phải cho con học ngoại ngữ sớm. Chuyện sớm hay muộn theo tôi không quan trọng.

Vậy điều gì khiến chị lựa chọn cho hai bé Bư, Tăm tiếp cận tiếng Anh từ khi còn nhỏ như vậy?

- Khi Bư lên 4 là đã “chém” về café như thế này: “I'm having breakfast in bed. I need to have a cup of coffee. Coffee is gonna help me stay awake. Ooh its bitter. No thanh đào, because thanh đào is gonna make me fall asleep. See? I told you. If you drink some thanh dao, you might fall asleep. Hey you stole my coffee. Coffee is bitter for babies”.

Nếu bạn đủ tiếng Anh và dạy con từ bé, con bạn khi lên 4 cũng sẽ nói được như thế. Trôi chảy, không một lỗi nào, đầy đủ câu cú, các thì đan xen không một sai sót.

Dạy tiếng Anh sớm cho con không phải là về chuyện điểm hay thi đua với ai hay về sau kiếm được bao tiền.Nó giúp cho não phát triển vượt trội, và mở ra vô vàn cơ hội nhận thức và học hỏi cho đứa trẻ, vì chính lợi ích phát triển của nó.

Nhiều phụ huynh lo lắng rằng nếu cho con học tiếng Anh từ nhỏ, đặc biệt là những phụ huynh muốn cho con học trường quốc tế, thì con sẽ rơi vào tình trạng giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt. Chị “giải quyết” chuyện này như thế nào?

- Trẻ nhỏ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt do trẻ dành nhiều thời gian hơn ở bên cạnh những người nói tiếng Anh. Ngược lại, trẻ nhỏ sẽ sử dụng tiếng Việt nhiều hơn nếu chủ yếu ở bên cạnh những người nói tiếng Việt.

Khi tôi dạy tiếng Anh và tiếng Việt cho con, con tôi cũng đã trải qua các giai đoạn khác nhau: lúc thì nói tiếng Việt nhiều hơn, lúc thì nói tiếng Anh nhiều hơn.

Quan sát kĩ thì tôi hiểu rằng con nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh là do mình dùng tiếng Anh ít hơn với con, và ngược lại, con nói tiếng Anh nhiều hơn là do mình đã xem nhẹ việc dạy tiếng Việt cho bé trong một khoảng thời gian nhất định.

 

{keywords}

Bé Bư mới 4 tuổi đã giao tiếp tiếng Anh rất tự nhiên


Học ngôn ngữ luôn cần có tương tác

Theo chị, những phụ huynh mà vốn liếng tiếng Anh ở mức độ vừa phải, hạn chế về cả từ vựng và phát âm, nên hỗ trợ con trong việc học như thế nào?

- Ngay cả với những phụ huynh có trình độ tiếng Anh vừa phải, lời khuyên của tôi vẫn là hãy nói chuyện với con bằng tiếng Anh tuỳ theo khả năng của từng người. Đó là cách tốt nhất để giúp trẻ có thể sử dụng được ngôn ngữ.Tiếp đó, nếu muốn giúp trẻ tiếp thì cha mẹ sẽ buộc phải học tiếp thì mới làm được điều đó.

Các phụ huynh cũng có thể cho con sử dụng thêm ứng dụng phù hợp. Hãy tìm hiểu kĩ về ứng dụng, và cố gắng chọn các ứng dụng có tính tương tác cao.

Xin lưu ý không dùng ứng dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.Đối với trẻ lớn hơn mới bắt đầu học, xin hãy ngồi cạnh con, học cùng con, và giải thích thêm cho con.Lý tưởng nhất là giải thích bằng tiếng Anh, tránh giải thích bằng tiếng Việt mọi lúc có thể nếu trình độ tiếng Anh của bạn cho phép.Và hãy luôn luôn giới hạn thời gian sử dụng màn hình của trẻ.Tốt nhất là không bao giờ vượt quá 1 giờ, ít hơn thì còn tốt hơn nữa.

Chúng ta cũng không nên cho rằng các ứng dụng có thể thay thế được toàn bộ vai trò của người dạy như cha mẹ có tiếng Anh tốt hoặc thầy cô. Học qua ứng dụng, trẻ chỉ có thể học được các từ đơn lẻ, chứ không thể dùng ngôn ngữ vào việc giao tiếp. Do vậy, việc gửi con đến một lớp học tiếng Anh chất lượng là vẫn cần thiết nếu cha mẹ biết quá ít tiếng Anh để có thể giúp con.

Rất phổ biến gần đây là “phương pháp” dạy trẻ học tiếng Anh qua “nghe vô thức”, tức là cứ bật audio cho trẻ nghe và tin tưởng tiếng Anh sẽ “ngấm”.

Sau khi tham khảo rất nhiều tài liệu của phương Tây, tôi chưa bao giờ thấy người ta nói đến “phương pháp” này. Mong các phụ huynh cân nhắc kĩ.Học ngôn ngữ luôn cần có tương tác.

Lời khuyên của chị, dành cho các phụ huynh nói chung, là…

- Xin hãy dành thời gian cho con để nói chuyện với con, để lắng nghe con và để hiểu con.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất phát triển theo tốc độ duy nhất, không trẻ nào giống trẻ nào. Tôn trọng con, trân trọng con, dành thời gian cho con, thể hiện tình cảm với con thường xuyên trong những năm đầu đời là cách tốt nhất để giúp não trẻ phát triển, chứ không phải là dạy trẻ các kiến thức như học số, chữ hay tiếng Anh.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng chúng ta không nên bắt ép trẻ học bất kì nội dung gì trẻ không thích. Lý do rất đơn giản, là không thích thì không thể “vào” được, thậm chí về lâu về dài trẻ sẽ còn liên hệ nội dung đó với cảm xúc tiêu cực.

Hãy cứ để con học thứ con thích và quan tâm. Những thứ khác có thể chờ!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

...

Cách đây một năm, khi sinh con thứ hai, chị Đặng Phương vốn là giáo viên tiếng Anh đã quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian của mình cho con, tự dạy con theo phương pháp do mình lựa chọn.

Riêng đối với việc dạy tiếng Anh, ban đầu chị trò chuyện với con bằng tiếng Anh khoảng 1-2 tiếng đồng hồ mỗi ngày vào một khung giờ cố định, các khoảng thời gian khác vẫn nói bằng tiếng Việt.

Sau đó, chị tăng dần thời gian nói tiếng Anh trong ngày với con.

Chị duy trì nói chuyện với con bằng tiếng Anh qua các hoạt động như cùng con làm việc nhà, chơi với con, dọc sách cho con...

Ngân Anh thực hiện

Xem thêm: