- Trẻ dùng tay trái hay tay phải không quan trọng, không ai đi sửa cả. Cũng không có cô giáo nào cầm tay em để gò theo nét chữ. Chữ đẹp không quan trọng bằng việc trẻ tự do viết theo cách của mình.
Xem phần 1 TẠI ĐÂY
Vai trò đặc biệt của thư viện địa phương
Thư viện công cộng của địa phương là nơi hỗ trợ và dễ tiếp cận nhất cho các phụ huynh có nhu cầu. Mỗi thư viện đều có chương trình đọc sách cho trẻ, phân theo độ tuổi. Những trẻ không đi học ở nhà trẻ thì được cha mẹ, hoặc ông bà hoặc người trông trẻ đưa đến thư viện.
Hướng dẫn trẻ cách ngồi đúng tư thế tại khoá học "Tiền lớp 1" của trung tâm ngoại khoá ASP (Hà Nội). Ảnh: ASP cung cấp |
Trong giờ đọc sách đó, thủ thư cũng đọc sách như giáo viên trên lớp, nội dung cũng có chữ cái, chữ số, màu sắc, hình dạng và nhiều thứ khác được liệt kê như trên. Trẻ có cơ hội giao tiếp với các trẻ khác, học sách chia sẻ đồ chơi, đối xử lịch sự với bạn cũng như học cách hành xử lịch sự như giữ im lặng hoặc đi nhẹ chân ở trong thư viện. Trẻ cũng nhảy múa, hát hò, di chuyển theo hướng dẫn của thủ thư. Chỉ 15 hoặc 20 phút thôi, nhưng đó là thời gian trẻ cần để luyện tập trung.
Hết giờ đọc sách, ra ngoài là có bàn cho trẻ tự tô màu hoặc vẽ với giấy và bút chì màu cung cấp sẵn. Trẻ muốn cầm viết thế nào thì cầm, phụ huynh không sửa đâu vì thực tế, cơ tay của trẻ chưa phát triển, nhưng trẻ cần tập cầm viết sớm.
Thư viện cũng là nơi kết nối và cung cấp thông tin về giáo dục. Các trường học, cơ sở giáo dục, gia sư đều có thể đặt tờ rơi ở thư viện. Các phòng sở giáo dục khi cần tổ chức sự kiện cũng có thể thông qua thư viện mà kết nối với phụ huynh. Thêm nữa, tất cả các thư viện ở Mỹ đều có chương trình hỗ trợ trẻ khi trẻ gặp khó khăn khi làm bài tập về nhà, điều này giúp các gia đình không phải người bản xứ rất nhiều trong việc hòa nhập môi trường giáo dục.
Đối với trẻ có cha mẹ là người nước nước ngoài, khi 4 tuổi, có thể bạn sẽ nhận được thư gửi đến nhà yêu cầu đem con đi kiểm tra xem có cần phải học thêm tiếng Anh không vì nếu trẻ không biết tiếng Anh thì sẽ được sắp xếp học thêm lớp ESL.
Ngoài ra, phụ huynh còn được phát miễn phí lịch treo tường, trên đó có hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh các hoạt động cần thiết để giúp trẻ sẵn sang vào vỡ lòng. Lịch được tổ chức United Way in ấn và phát miễn phí thông qua thư viện. Các hoạt động cần thiết cho kỹ năng và kiến thức của trẻ đều được thiết kế theo ngày. Cho dù phụ huynh có bận đi làm nhưng khi về nhà, chỉ cần làm theo hoạt động ghi trên lịch trong suốt một năm thì cũng đủ giúp trẻ tự tin hơn khi vào vỡ lòng.
Trẻ được tự do viết theo cách của mình
Tôi thích đưa con đi đến các sự kiện ở địa phương. Ngay cả chợ trời bán nông sản vào cuối tuần cũng có thể có một quầy từ thư viện hoặc tổ chức giáo dục nào đó. Họ đọc sách cho trẻ, phát bong bóng, viết chì, phát nhưng quyển sách nhỏ để trẻ học chữ, tổ chức các trò chơi đơn giản để trẻ nhận diện chữ cái, số, màu sắc hay hình dạng. Trẻ cũng được vẽ, tô màu, cắt giấy, làm thủ công và cầm về nhà những sản phẩm sáng tạo của mình.
Một giờ học của học sinh Mỹ. Ảnh minh họa |
Và thay vì cho con cầm bút tập viết chữ thì phụ huynh Mỹ cho con làm thủ công cắt dán, cầm cọ vẽ, chơi với bảng màu, chơi với bột nặn. Những thứ này đều là kỹ năng vận động tinh, giúp cơ tay của trẻ, ngay các cơ nhỏ xíu nhất ở tay cũng phát triển. Khi các cơ tay phát triển, trẻ sẽ cầm viết chắc chắn hơn và tự điều chỉnh đúng cách.
Trẻ em Mỹ còn có cây viết chì to hơn thông thường để dễ cầm, có thể ko phải hình tròn mà là hình tam giác. Ngoài ra, họ có thể dùng một khay cát và bảo con dùng ngón tay tự vẽ chữ cái theo hình. Và con gái tôi, khi vào học vỡ lòng thì cũng chỉ đồ có vài chữ cái một ngày, sau đó là viết xiên viết xẹo tên của con.
Trẻ dùng tay trái hay tay phải không quan trọng, không ai đi sửa cả. Cũng không có cô giáo nào cầm tay em để gò theo nét chữ. Chữ đẹp không quan trọng bằng việc trẻ tự do viết theo cách của mình. Có đứa vẽ chữ o trước, xong gạch thêm 1 nét xuống thế là ra chữ a. Có em viết chữ N ngược, chữ S ngược… Không sao cả, dần dần trẻ sẽ nhận ra thôi. Điểm quan trọng là thông qua viết, trẻ nhận diện được chữ cái nhanh hơn.
Chồng tôi hỏi không cho con rèn chữ viết thì chữ con viết xấu thì sao? Tôi lại hỏi, thế chồng muốn con viết chậm cho đẹp hay là viết nhanh cho kịp bài? Nếu như rèn chữ viết làm con sợ viết – vốn là một kỹ năng để con biểu đạt suy nghĩ của mình - thì rèn chữ viết không còn tác dụng nữa.
Mấy quyển tập viết Tiếng Việt tôi đem từ Việt Nam qua đến giờ vẫn bị con gái xếp xó, dù tôi rất thích thú mỗi lần con gái đem "sách" con tạo ra và kể cho mẹ nghe về câu chuyện mà con nghĩ ra. “Sách” của con là mấy trang giấy nháp ba mẹ cho, con vừa vẽ vừa viết, chữ cái đầu lúc nào cũng to còn chữ cuối cùng phải thu thật nhỏ mới vừa bức tranh con vẽ. Thế nhưng, con đã thể hiện rất tốt cảm xúc của mình. Và cũng chỉ còn 1 tháng nữa là con nhập học lớp 1 rồi đó.
Lê Ngân Hà