- Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Việt Cường (hiện làm việc tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong) cùng khảo sát mới đây của mình hiện đang nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội Facebook.

TS Nguyễn Việt Cường đưa ra phân tích của mình:

“Số liệu khảo sát mức sống của hộ gia đình (do Tổng cục Thống kê điều tra) có một câu hỏi về số tiền mà hộ gia đình chi bình quân trong 30 ngày qua cho việc cúng lễ. Số tiền này chỉ là tiền mua vàng mã, hương hoa và đồ cúng không phải thực phẩm (tức không bao gồm bánh kẹo, quả hay thịt...). Khảo sát được thực hiện vào 5 tháng trong năm, và không bao gồm tháng Tết, như vậy không bị ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, các hộ chi tiêu quá cao cho cúng lễ được bỏ ra khỏi tính toán.

Kết quả cho thấy bình quân một hộ gia đình nước ta chi 574 nghìn đồng cho cúng lễ vào năm 2012 và con số này tăng lên 654 nghìn đồng vào năm 2016 (đã loại bỏ ảnh hưởng lạm phát). Nếu nhân con số này với tổng số hộ cả nước của từng năm thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13 nghìn tỷ năm 2012 và tăng lên 16 nghìn tỷ đồng năm 2016. Đấy là chưa kể tiền đi lại, ma chay, giỗ chạp lớn…

Đáng lưu ý là chi tiêu cho đồ cúng của cả nước cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em (không bao gồm SGK). Nếu chỉ xét trong các hộ gia đình có trẻ từ 0-17 tuổi thì tỷ lệ này là 5 lần. Sách truyện và đồ chơi được cho là đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và là một trong những chỉ số đo lường nghèo đa chiều trẻ em của UNICEF. Theo báo cáo Nghèo đa chiều trẻ em của UNICEF thì ở Việt Nam, 20% trẻ em dưới 15 tuổi chưa có đồ chơi và hơn 50% trẻ em 0-4 tuổi không có truyện tranh. Tín ngưỡng là quan trọng nhưng chi tiêu ra sao cho hợp lý cũng quan trọng không kém. Thay vì lãng phí quá nhiều tiền vào vàng mã hay đồ cúng lễ, chúng ta nên mua thêm sách truyện cho trẻ nhỏ”.

{keywords}
Biểu đồ so sánh mức chi tiêu cho đồ cúng lễ, vàng mã với sách truyện, đồ chơi của các hộ gia đình của TS Nguyễn Việt Cường.

 

Những phân tích của TS Nguyễn Việt Cường nhanh chóng nhận được sự quan tâm, chia sẻ và nhiều bình luận từ cộng đồng.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc Công ty sách Long Mình bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm này. 

“Mua đồ thờ cúng và vàng mã là một việc đối thoại với quá khứ, còn mua sách là đối thoại với tương lai của xã hội. Khi người dân, quan chức và trí thức mua sách ít hơn nhiều lần mua vàng mã và đồ thờ cúng có nghĩa là xã hội chúng ta lo đối thoại với quá khứ và hiện tại nhiều hơn rất nhiều lần so với việc đối thoại với tương lai.

Một xã hội như thế sẽ càng tụt hậu và lạc hậu hơn nữa.

Thực tế ở nông thôn còn đau lòng hơn, khi những quan chức, trí thức, doanh nhân, người xa quê, cựu học sinh, đa số chỉ về quê để lo cúng giỗ và các công việc hiện tại, không có nhiều người lo mang sách và công nghệ mới về quê để khai trí nên nhiều nơi học sinh trường làng "đói sách đọc thêm", thiếu những điều kiện cơ bản để đối thoại với tương lai. Đó là một nỗi đau cần chữa ngay” - ông Sơn đưa quan điểm.

Chị Kiều Dung (Hà Nội) lại có cách nhìn nhận khác: “Thật ra, tín ngưỡng trường tồn là do đáp ứng được nhu cầu xoa dịu những bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống. Thế nên nói rằng thay vì đốt vàng mã, hãy mua sách cho trẻ em cũng chưa chắc đúng. Mỗi thế hệ cũng cần lo cho hạnh phúc của riêng mình, trong đó nhu cầu tâm linh cũng là một nhu cầu chính đáng".

Chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Việt Cường cho hay anh đưa ra phân tích này khi thấy việc cúng lễ và đốt vàng mã quá nhiều lãng phí và cũng được đề cập nhiều song chưa có số liệu nào so sánh.

“Ở Việt Nam, thì có thể có smartphone hay đồ chơi tự làm, nhưng thực tế là 20% trẻ em không có đồ chơi và 60% trẻ em từ 0-4 tuổi không có sách, truyện (theo báo cáo của UNICEF)".

Trước những ý kiến cho rằng việc đưa 2 chủ thể so sánh có phần chưa hợp lý, TS Cường cho hay: “Thực tế là giáo dục ở Việt Nam cũng khá tốt so với các quốc gia cùng GDP xét theo tỷ lệ đi học. Nhưng vấn đến sách, truyện, đồ chơi lại ít được quan tâm, đặc biệt ở nông thôn và miền núi. Nghèo đa chiều trẻ em cao cũng do yếu tố này. Trong khi đó lại lãng phí nhiều về cúng lễ và đốt vàng mã.

Cá nhân tôi thì thấy cúng lễ rồi đốt chút vàng mã cũng là một nét văn hóa của nước mình, nhưng đốt nhiều quá rất tốn kém và ô nhiễm môi trường, hại sức khỏe. Một số người trực ở nghĩa trang từng kể với tôi có gia đình đốt gần 1 xe ô tô chở vàng mã, trông như hỏa hoạn”.

Thanh Hùng

Vàng mã đốt nghi ngút, tiền lẻ rải kín phủ Tây Hồ rằm tháng Giêng

Vàng mã đốt nghi ngút, tiền lẻ rải kín phủ Tây Hồ rằm tháng Giêng

Hàng nghìn người đổ về phủ Tây Hồ đi lễ dịp rằm tháng Giêng, dòng người đã phải xếp hàng chờ dâng lễ, tiền lẻ đã rải kín phủ.

Theo bạn có nên cấm việc đốt vàng mã?

Theo bạn có nên cấm việc đốt vàng mã?

Hiện nay đại đa số người dân vẫn dựa vào quan niệm việc đốt vàng mã là do "trần sao âm vậy", tiếp tục mua nhà lầu, xe hơi, tiền đô la âm phủ đốt thật nhiều.

Nhiều nước không đốt vàng mã, xem ngày giờ sao vẫn thịnh vượng?

Nhiều nước không đốt vàng mã, xem ngày giờ sao vẫn thịnh vượng?

Nhiều nước không xem ngày giờ, không đốt giấy tiền vàng mã, không ai cúng sao giải hạn... mà sao xã hội đất nước họ phát triển thịnh vượng, dân trí cao, xã hội nhân bản văn minh?    

Trang Hạ: 'Sao dùng vàng mã để giao tiếp với cả Phật và người âm?'

Trang Hạ: 'Sao dùng vàng mã để giao tiếp với cả Phật và người âm?'

"Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay" - đoạn tả tiết Thanh Minh trong tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du). Nhưng Nguyễn Du chưa bao giờ nói rằng người Việt Nam đốt vàng mã...