- Xung quanh vấn đề áp lực học hành, tòa soạn nhận được bài viết chia sẻ suy nghĩ của một học sinh về những gì đã trải qua trong cuộc đời đi học phổ thông của mình. VietNamNet xin giới thiệu bài viết và mong nhận được những chia sẻ khác.
Mẹ là giáo viên trong trường nên ngay từ nhỏ mình đã bị áp lực điểm số. Mẹ hay so sánh mình với con của những đồng nghiệp khác.
Mình nghĩ rằng bản thân mẹ không muốn gây áp lực cho con, nhưng những câu nói kiểu: “Con giáo viên mà lại học dốt à?” đã khiến mẹ khắt khe với mình như thế. Tuổi thơ của mình bao quanh là sách vở. Ngoài giờ học, mình lại đọc sách. Mình luôn sống trong niềm mong ước của mẹ là phải học thật giỏi.
Mình hiếm khi được đi chơi. Lúc vui nhất có lẽ là khi đến trường. Lúc đó, mình được đá bóng hay làm những gì mình thích.
Có lần, mình được 8 điểm toán và bị cô giáo gọi về “mách mẹ”. Về nhà, mẹ làm um sùm lên rồi mắng mình té tát.
Mẹ luôn trách móc: “Có mỗi việc học thôi còn không học thì làm được cái gì?”, rồi “Học thêm nhiều mà điểm không bằng đứa không đi học thì nghỉ ở nhà luôn đi”. Với mình, điểm số lúc đó là thứ vô cùng đáng sợ.
Mình cũng từng mong ước khi điểm thấp sẽ được mẹ an ủi. Nhưng mẹ luôn so sánh mình với người nọ, người kia, rằng “Sao bạn được từng này mà con chỉ được từng đó”. Mình cảm thấy rất mệt mỏi.
Mình luôn cố gắng đứng đầu trong đội tuyển. Mình luôn cố học để được điểm cao, học để mẹ vui lòng. Nhiều khi cố gắng hết sức nhưng không được như ý, mình cảm thấy như thế giới sụp đổ. Buồn bã, chán nản. Còn mẹ thì luôn nghĩ: “Hay do con mải chơi? Hay do ngủ nhiều quá?”
Có lần thi khảo sát bị điểm kém không muốn về nhà. Lúc tan học, mình chỉ đạp xe vòng vòng quanh trường. Mình sợ về nhà phải nhìn thấy ánh mắt của mẹ, sợ những câu hỏi kiểu “Có làm được bài không?”. Nếu làm tốt không sao, điểm thấp mẹ lại trách: “Uổng công học hết lớp này đến lớp khác”.
Cảm giác lúc đó như ở tù vậy! Mình không đi chơi, suốt ngày chỉ ở trong nhà, không nói năng gì nhiều. Có dịp nghỉ về quê chơi, mình cũng chỉ ngồi lỳ trong phòng.
Mình chưa áp lực đến mức muốn chết đi. Nhưng thỉnh thoảng mình chỉ hi vọng dừng việc đến trường vài ngày hay vài tuần gì đó. Có lúc mình nghĩ lớn lên đi làm còn sung sướng hơn học ở nơi ấy.
Bởi chỉ cần điểm kém mình cũng dằn vặt, mất tinh thần. Mình thấy tội lỗi vì bố mẹ bỏ tiền ra cho ăn học mà học cũng không xong. Rồi mình tự hỏi, việc nhỏ còn không làm được thì sau sao nuôi được bản thân và lo cho bố mẹ? Nhiều hôm mình mệt, mình khóc và muốn thoát khỏi những áp lực này.
Từ lớp 1 đến lớp 5 đều như vắt chanh, tháng 2 hàng năm thi học sinh giỏi Huyện. Nếu đỗ 2 tháng sau bắt đầu thi học sinh giỏi Tỉnh. Cảm giác sợ hãi nhất là khoảng thời gian một tuần ngồi chờ điểm. Thực sự rất sợ hãi bởi nếu không đạt giải sẽ bị chửi, bị chì chiết. Cấp 2, cấp 3 là trường chuyên, lớp chọn. Áp lực đội tuyển còn nhân lên gấp nhiều lần. Mình chán nản bởi học mà không biết để làm gì.
Đến giờ, khi lên Đại học rồi không còn nghe mẹ giục “Học bài đi con mình” là mình lại cảm thấy thiếu thiếu. Thỉnh thoảng trong giấc mơ, mình vẫn còn giật mình vì làm bài điểm kém, vì trượt học sinh giỏi. Nhưng mình vẫn không trách mẹ, vì mình nghĩ mẹ làm tất cả điều đó là vì thương con và muốn cho con một tương lai tốt đẹp.
Một học sinh
Cha mẹ tham lam và sợ hãi: Hãy dừng lại!
Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa chính mình để con cái có thể cảm nhân sự an định, tình yêu, và trí tuệ của chúng ta.
Nhồi nhét khiến con cái trở thành nạn nhân của chính chúng ta
Đổ tội cho ngành sư phạm là một sự thất bại! Nhồi nhét và chạy đua thành tích đã khiến con cái trở thành nạn nhân của chính phụ huynh chúng ta.
'30 năm đào tạo học sinh giỏi, tôi cho mình điểm 0 nghề giáo'
Hơn 30 năm công hiến cho ngành giáo dục, tôi thấy mình chưa làm được điều mình muốn. Tôi không muốn nhồi học sinh đến đờ đẫn, nhưng tôi vẫn phải nhồi!