Cả nước hãy làm “cầu thủ” đi, đừng làm “trọng tài” nữa. Đứng ngoài mà phê phán, chỉ trích thì rất dễ nhưng hãy làm để biết nó khó đến thế nào.
Có không ít ý kiến về việc học sinh phổ thông phải học quá nhiều, không còn thời gian để vui chơi, giải trí, lao động giúp đỡ gia đình. Có quá nhiều lời kêu ca, phàn nàn về chương trình học, về sách giáo khoa về giáo dục không toàn diện...
"Cả nước hãy làm “cầu thủ” đi, hãy làm để biết nó khó đến thế nào" (Ảnh minh họa) |
Tất cả đều có một ý chung đó là học sinh học kém, chán học, học không toàn diện... là lỗi của ngành giáo dục đào tạo và nhà trường mà không thấy một chút trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Chúng ta hãy thử có một cái nhìn toàn diện hơn về điều này.
Chương trình không có gì là nặng
Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng trên đường lối, quan điểm của Đảng về giáo dục con người toàn diện phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chương trình có đầy đủ các môn học khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, phụ trợ… nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nhân cách, thẩm mỹ, sức khỏe… cho người học từ bậc tiểu học đến hết THPT.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện tại so với thời Việt Nam dân chủ cộng hòa về cơ bản không thay đổi nhiều và không có gì nặng cả đối với những học sinh bình thường.
Giáo viên tại các trường phổ thông ngày nay đủ về phân môn và được chuẩn hóa về bằng cấp hơn hẳn trước kia. Lượng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ở mọi trình độ cũng đang rất dồi dào ngoài xã hội.
Như vậy không thể nói chúng ta không có đủ nguồn lực cho giáo dục để triển khai giáo dục toàn diện. Vậy kết quả giáo dục không toàn diện và dẫn đến chán học, sợ học đối với người học có nguyên nhân sâu xa từ đâu.
Có phải học quá tải nên chán?
Điều đầu tiên phải nói là có nhiều học sinh có chịu học đâu mà nói học quá tải nên chán. Không ít học sinh quá lười học, chỉ thích chơi games, đá bóng, yêu đương sớm… từ bậc trung học cơ sở. Số ít còn lại ham học thì lại thường học lệch theo định hướng của gia đình hoặc người thân dẫn đến chểnh mảng các môn học phụ tạo nên kết quả giáo dục lệch.
Học lệch đi liền với học thêm theo kiểu luyện gà nòi làm tràn đầy quỹ thời gian của trẻ thơ. Không thể nói học sinh chán học, sợ học là do học quá nhiều môn học hay thời lượng học quá tải.
Về nguyên nhân, sơ bộ có thể thấy rõ trên 3 khía cạnh:
Thứ nhất là bệnh thành tích trong giáo dục.
Các trường từ tiểu học đến THCS và THPT hiện nay đều bị ép về bệnh thành tích, bởi vì chỉ cần không đạt chỉ tiêu là giáo viên bị cắt thi đua và bị coi là người có vấn đề.
Các môn học chính phải đạt 90% học sinh có điểm trung bình từ 5,0 trở lên, còn môn học phụ phải đạt 98%. Nhưng thực tế trung bình một lớp phải có tới 30% học sinh không có khả năng đạt được điều này. Thế thì thầy cô phải làm gì để đạt yêu cầu, ai mà chẳng biết?
Thử hỏi sức mạnh giáo dục của nhà trường còn nữa không khi mà giỏi, kém, trắng, đen phải lẫn lộn như thế? Chính điều này là cái phao quá to để học sinh lười, không cần học, không cần phấn đấu, không sợ kỷ luật của nhà trường như một bài thơ đã có từ những năm 1980.
Cái học ngày nay đã hỏng rồi
Mười thằng đi học chín thằng chơi
Cuối năm tất cả đều lên lớp
Có trượt thì thầy cũng vớt thôi
Nên trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, cấp bách ngay bây giờ vẫn là phải dẹp ngay bệnh thành tích theo kiểu khoán chỉ tiêu lên lớp một cách không tưởng để đưa giáo dục về kỷ cương, nền nếp chứ chưa phải là cải cách chương trình, là sách giáo khoa như đang làm. Vì đây mới là nguyên nhân chính để trẻ em lười học, chán học và ham chơi.
"Không ít những vấn đề phức tạp đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến động cơ học tập của học sinh" (Ảnh minh họa) |
Thứ hai, kết quả giáo dục của gia đình kém.
Nhiều gia đình muốn con phải học, phải rèn luyện nhưng con, em họ lại không thấy họ là tấm gương về học tập và rèn luyện mà chỉ thấy những điều ngược lại.
Những thứ mà cha mẹ có, như về bằng cấp, không ít là “dởm” nên không giúp được con em học.
Hơn nữa, ngày nay những quan hệ xã hội “phù phiếm” để đạt được mục tiêu nhiều hơn rất nhiều so với những quan hệ nghiêm túc về chuyên môn và kỹ năng đã làm cho cha mẹ không còn là tấm gương về học và dạy con như ngày xưa nữa.
Không ít những vấn đề phức tạp diễn ra trong nhiều gia đình học sinh như cư xử vô văn hóa, ly hôn, tệ nạn xã hội… đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến động cơ học tập của các em.
Văn hóa đọc sách của trẻ em ở nhà không biết cũng biến mất từ bao giờ?
Một tư tưởng thật kỳ lạ, rất ích kỷ đó là việc học, việc giáo dục trẻ em chỉ là trách nhiệm của nhà trường và nhà trường đang trở thành nạn nhân của mọi sự chỉ trích.
Thứ ba, giáo dục xã hội không còn ảnh hưởng tích cực.
Ngày nay, ảnh hưởng lớn nhất của xã hội đến giáo dục trẻ em là mạng internet. Hãy thử nhìn xem, có bao nhiêu tấm gương người tốt, việc tốt được đưa lên báo chí đặc biệt là báo mạng mỗi ngày?
Đúng, báo chí là cơ quan phản biện xã hội rất tốt nhưng không phải thượng vàng, hạ cám đều đưa lên báo. Con người học cái tốt thì khó, theo Bác Hồ đó là như đi lên dốc, còn học cái xấu thì dễ như đi xuống dốc nhưng nếu trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.
Thực chất có quá nhiều thông tin báo chí đưa là “vẽ đường cho hươu chạy” làm vẩn đục đầu óc và trái tim trong sáng của trẻ em, rất phản giáo dục.
Khi ra đường trẻ em thấy gì? Chúng ta biết não bộ của con người có khả năng phân tích hình ảnh rất tốt. Một bức ảnh có giá trị bằng hàng ngàn từ. Ở cạnh một trường THPT chăng đầy băng rôn giáo dục con người chấp hành luật giao thông, nhưng cha mẹ đưa con đến trường lại toàn đi ngược chiều ở đoạn đường gần cổng trường. Đó chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ đập vào mắt học sinh hàng ngày ngoài xã hội.
Thử hỏi những thứ đó sẽ giúp các em thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy ở chỗ nào?
“Mỗi người, nếu làm cha, làm mẹ hãy là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo cho các con của mình" (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Làm “cầu thủ đi, đừng là “trọng tài” nữa
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và là đầu tư cho tương lai. Điều này quá đúng cả về lý luận và thực tiễn.
Nhà nước và Bộ GD-ĐT đang cố gắng rất nhiều nhằm đưa giáo dục nước nhà ngang tầm của thời đại. Đó là chương trình giáo dục, sách giáo khoa, đổi mới thi cử, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại…
Tất cả những điều này đều rất quan trọng và rất đúng, nhưng có một điều còn quan trọng hơn để đạt được mục tiêu, đó là chúng ta quên mất sự thành công của giáo dục tại các nước tiên tiến như Hoa Kỳ và Châu Âu nằm trong một môi trường và một xã hội như thế nào?
Chủ nghĩa cá nhân đang là niềm tin, là lẽ sống của bao người, thì sao con em của chúng ta có thể trở thành con người toàn diện chỉ thông qua giáo dục ở nhà trường được?
Sau đó nữa, không phải chỉ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” mà “Mỗi người, nếu làm cha, làm mẹ hãy là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” cho các con của mình. Và sẽ thật tốt khi “mỗi nhà lãnh đạo của đất nước Việt Nam là một tấm gương sáng cho mọi người dân học tập”.
Thay cho lời kết, như người Trung Quốc có câu: “Nghe thì quên, nhìn thì nhớ và chỉ có làm mới hiểu”. Cả nước hãy làm “cầu thủ” đừng làm “trọng tài” nữa. Đứng ngoài mà phê phán, chỉ trích thì rất dễ nhưng hãy làm để biết nó khó đến thế nào.
Chỉ có cả xã hội và gia đình đồng hành với ngành giáo dục đào tạo trên con đường cải cách và đổi mới giáo dục thì đổi mới mới có thể thành công và một bộ phận con em của chúng ta mới không còn sợ học, mới không lười học và chán học nữa.
PGS.TS. Phan Quang Thế
Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên