Sáng 17/3, Giáo sư Ngô Bảo Châu và DN Đặng Lê Nguyên Vũ đã có hơn 1h chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành trong ngày hội “Hướng nghiệp & Khởi nghiệp 2013”.

Mở đầu câu chuyện về chủ đề Hướng nghiệp và khởi nghiệp cho học sinh và sinh viên, GS Ngô Bảo Châu tâm sự: “Tôi không tham vọng trả lời thấu đáo câu hỏi “Học như thế nào?” mà chỉ mong những trải nghiệm của bản thân sẽ giúp được các bạn trẻ phần nào trên con đường học tập. Các em phải biết tìm tòi, trải nghiệm thì mới tốt được.”

Trả lời câu hỏi của SV Lê Thị Hân - Khoa Kế Toán: “Thưa GS, GS nhận xét của ông đối với SV Việt Nam?”, GS Châu nói: “Các bạn ít có cơ hội hoạt động tập thể, mà ở đó, việc tranh luận sẽ rèn cho mình những kỹ năng rất có lợi trong học tập, nghiên cứu khoa học”. Theo ông, nếu không có kỹ năng tranh luận, người ta sẽ bị chi phối bởi xúc cảm và việc tranh luận chỉ dẫn đến sự giận dữ.

Tự nhận mình không có bí quyết học tập mà chỉ có niềm say mê, GS Châu cho biết: “Khi mở một cuốn sách có nhiều kiến thức rất khó, tôi tự nhủ do người viết sách tồi và phải làm sao để viết lại sách. Khi nghiền ngẫm việc đó, tôi đã dần hiểu được nội dung trong sách”. 

GS Châu quan niệm có 2 loại kiến thức sống và chết. “Kiến thức chết là không hiểu nhưng vẫn làm được bài. Kiến thức sống là phải tìm tòi vật lộn để trải nghiệm và tìm ra nó. Những việc đã trải nghiệm thì không bao giờ quên” - ông lý giải.
SV Phạm Thị Ánh Tuyết đặt vấn đề: “Sự trung thực nhiều khi mâu thuẫn với thành quả. Ví dụ, để đạt mục tiêu nghiên cứu khoa học, nhiều SV lơ là các môn khác hoặc giáo viên cũng làm lơ để đạt thành tích. Lại có người nói SV nghiên cứu khoa học đều không có ứng dụng thực tiễn”. 

GS Ngô Bảo Châu nói: “Sự trung thực nằm trong kết quả học tập. chúng ta không nên đặt những mục tiêu quá cao, ngoài tầm với để rồi phải gian dối nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu. Một khi đã bắt tay nghiên cứu khoa học là bạn đã trưởng thành.

Còn chia sẻ về con đường khởi nghiệp sau này, ông Đặng Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT Café Trung Nguyên chia sẻ: “Các bạn có nhiều cách lựa chọn, nhưng quan trọng nhất chính các bạn là lựa chọn cho bản thân mình, không có mà phải sợ hải, các bạn phải dấn thân, chấp nhận việc của mình làm thì sau này các bạn sẽ thành công”.

Đồng quan điểm trên TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng “Các em bây giờ điều kiện tốt hơn chúng tôi trước kia, các em muốn thành công thì các em phải có đam mê, cống hiến, chịu khó… thì tôi tin chắc các em sau này sẽ thành công.

Như vậy mỗi người mỗi cách, nhưng chắc chắn cả GS Ngô Bảo Châu lẫn DN triệu phú Đặng Lê Nguyên Vũ đều là những Người sáng tạo, cần cù. Họ nghĩ và làm theo cách riêng, không trùng lặp với bất kỳ ai trước đó, họ mày mò nghiên cứu - kinh doanh phù hợp với bối cảnh thực tế nhưng đầu óc tràn ngập những ước mơ táo bạo.

Trung Hiếu