Một “sân chơi” trên mạng của học sinh phổ thông lại được phụ huynh lên tiếng báo động vì những biến tướng mà có lẽ những người tổ chức đã không thể ngờ tới.
Phụ huynh lên tiếng
Mới đây, nhiều phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện của một phụ huynh tên Le Dung về cuộc thi Violympic (giải toán trên mạng). Ý kiến này cho rằng cuộc thi đã bị chính phụ huynh đẩy thành cuộc chạy đua “khủng khiếp”, để có “thành tích, kiểu thuần Việt”.
Một kết quả thi "đáng nể" |
Độc giả Le Dung viết: “Cuối tháng 11, cô giáo lớp 1 thông báo con đại diện lớp đi thi Violympic của trường. Vợ chồng về sục sạo coi cái đó là cái gì, rồi cho con làm thử. Thấy có mấy chỗ rất đánh đố, mà một đứa trẻ học đúng trình tự không thể làm được, kiểu 2+1+…< 3+0+…< 4-0+…, sau khi con vừa làm vừa chơi, vừa cười vì có mấy chỗ tranh vẽ buồn cười, nhởn nhơ như bò gặm cỏ, thỏ đi đua, hết 30 phút, và xếp thứ hạng 147 ngàn trong cả nước!
Mình vào lại kiểm tra kết quả, đứng đầu là 5 phút 47 giây. Một kết quả mà ngay chính bản thân mình, chắc chắn mình không làm được với 8 vòng thi, mỗi vòng 4 bài nhỏ. Thật khủng khiếp...
Hôm sau mình vào mạng xem lại, thấy các bạn làm rất nhiều nick, mỗi lần lần lại làm đi làm lại rất nhiều lần, chứ không chỉ một lần, mình đem chỉ cho con và giải thích, nó mới nguôi ngoai. Nhưng bố con thống nhất cùng nhau là con không cần làm thế, mình là đàn ông mà, làm cú một thôi, với lại đây chỉ là trò chơi, chơi chán chuyển qua trò khác. Thế giới tươi đẹp này đâu chỉ mỗi trò đó đâu, con nhỉ?
Nhưng các bạn ạ, vào trang web mới thấy sự khủng khiếp của các bậc cha mẹ trong việc xua đuổi con làm cái việc đó một cách cuồng nhiệt thế nào. Nó chỉ là trò chơi thôi mà, tại sao phải làm thế?
Phân tích ra mới thấy, các quận có nhiều trường đại học đóng trên địa bàn, kết quả thật kinh khủng. Bọn trẻ chỉ lệch nhau vài giây, xếp hàng san sát tranh đua thứ bậc. Về địa lí, quận Hoàn Kiếm là trung tâm, nhưng về mặt này, nó phải gọi Hai Bà Trưng (nơi có trường XD, BK, KTQD đóng đô), Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân... bằng “ông nội” về thành tích.
Một đứa trẻ bình thường mất từ 30 - 50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, thì nó có thể biến kết quả đó thành 10 phút sau vài chục lần làm đi làm lại. Đó có phải trí tuệ và sự sáng tạo không? Hoàn toàn không, đó là thành tích, kiểu thuần Việt. Nó không khác mấy trò chơi điện tử, càng chơi càng thành thục, càng thành thục càng nhanh. Vậy người lớn chúng ta cần gì từ việc đó?..
Người lớn chúng ta đã làm gì chúng thế này?”.
Đến giáo viên cũng kinh ngạc
Một giáo viên toán ở TP.HCM cho biết khi cho học sinh luyện thi giải toán trên mạng, anh kinh ngạc khi thấy kết quả thi của những em đứng đầu.
Kết quả thi đáng kinh ngạc |
“Đa số làm bài dưới 2 phút 1 vòng thi gồm 3 bài thi. Điều này là khó có thể hoặc không thể bởi có những bài thi cần tốn rất nhiều thời gian như vòng: Sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, chọn đáp án giống nhau...
Chưa tính tới những câu rất khó, học sinh cần phải mất thời gian suy nghĩ, cho dù những học sinh giải nhất đường lên đỉnh Olympia cũng chưa chắc giải quyết hết 3 bài thi của 1 vòng thi với thời gian này” – anh khẳng định.
Giáo viên này nhận xét “Có rất nhiều bài hay trong VOE - Nội dung đề hay, cần tư duy. Cũng có những bài khó mà giáo viên dạy toán như tôi hay những giáo viên trong tổ toán mới nhìn thấy cũng phải lắc đầu. Vậy mà học sinh làm được với kết quả như thế thì hoặc là bị hack, hoặc là đã luyện thuộc bài đến không cần suy nghĩ”.
“Có những em ham, thi miết, phải thuộc tới 70 – 80% đáp án các vòng thi. Mở đề ra thầy chưa kịp đọc học sinh đã bấm chọn đáp án xong. Cũng phải nói tới các phụ huynh, nhiều người thúc giục con, thấy con mình kém con người khác là không chịu được, nên ép con luyện”.
Biến sân chơi thành áp lực thành tích
Nếu như độc giả Le Dung cho rằng đó là “sự khủng khiếp của các bậc cha mẹ trong việc xua đuổi con làm cái việc đó một cách cuồng nhiệt”, thì chính những giáo viên dạy toán lại thừa nhận trách nhiệm phần nào thuộc về họ, khi họ cũng chịu áp lực về thành tích từ phía nhà trường dội xuống.
Một giáo viên toán khác cũng tại TP.HCM cho biết anh chịu trách nhiệm luyện thi giải toán trên mạng, giải toán trên máy tính casio cho học sinh trong trường. Anh nhận định “Bản chất cuộc thi là sân chơi bổ ích cho học sinh, nhưng hình thức tổ chức không làm cho học sinh hào hứng, vào chơi tự nguyện như mong muốn của người tổ chức”.
Giáo viên này cho biết các văn bản của Bộ GD-ĐT về cuộc thi này không bắt buộc học sinh tham gia. Nhưng xuống tới Sở, rồi tới Phòng Giáo dục, đặc biệt là từ các Phòng Giáo dục, là bị biến tướng. Nếu Phòng “chưa kịp” ép thì xuống tới trường sẽ bị ép. Nói chung các chỉ đạo bị biến tướng ở bên dưới, vì bệnh thành thích của nhà trường.
Học sinh đang chịu nhiều áp lực (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
“Chính vì vậy mà giáo viên bị áp lực. Nhà trường đã giao việc, giáo viên phải có thành tích báo về. Học sinh của mình mà không có giải, ban giám hiệu không nói trực tiếp nhưng bàn tán mệt mỏi, nên cả giáo viên và học sinh phải cố gắng” – giáo viên này chia sẻ.
Sau khi chọn được những học sinh tốt nhất để thi VOE thì đến việc luyện. Giáo viên này phải tranh thủ các giờ học thể dục, nhạc họa, mỹ thuật để ôn luyện thi giải toán trên mạng cho học sinh. “Những giờ học “môn phụ” đó, tôi xin phép giáo viên để kéo học sinh lên phòng máy, cho làm bài. Tôi ngồi xem các em làm, lọc các câu hỏi khó để hướng dẫn, phân tích, dạy thêm cho các em.
Làm lần đầu tiên các em cũng mất từ 20 – 30 phút. Tôi khuyến khích học sinh lập từ 2 – 3 nick để luyện, nhiều hơn các em không chịu nổi”.
“Đã gọi là thi học sinh giỏi thì phải giỏi mới dạy được có kết quả khả quan. Nhưng học sinh giỏi cũng đâu có nhiều, nên đành chọn cả những em chăm chỉ. Với những em chăm chỉ chỉ có thể phát huy sự cần cù để luyện thôi, mà cũng không dám ép các em quá vì các em còn quá nhiều thứ để học”.
Nói thêm về áp lực phải có thành tích kể cả từ những “cuộc chơi”, giáo viên này cho rằng “Hiện nay bệnh thành tích đã thấm sâu vào trong đầu óc của đa số người dân, học sinh và đặc biệt là giáo viên, hơn hết là đội ngũ các nhà quản lí giáo dục... Nó đã trở thành một nét "văn hóa" giáo dục mà chỉ có Việt Nam mới có, chắc rất khó để thay đổi một sớm một chiều. Bệnh này xuất hiện ở tất cả các hoạt động của giáo dục từ vui chơi cho đến học tập và làm việc: Chơi cũng thành tích, học cũng thành tích, thi cũng thành tích và làm việc cũng thành tích...
Vì cái thành tích đè từ trên xuống nên giáo viên nặng nề, dồn ép lên học sinh khiến học sinh học như vô hồn, học như cỗ máy học, mất hết tư duy, sáng tạo vốn có trong bản năng con người dẫn đến vô vàn các hệ lụy như chán học, stress, trầm cảm...”.
Anh bày tỏ mong muốn “Bộ GD-ĐT có thay đổi và lãnh đạo giáo dục các cấp có nhận thức đúng đắn hơn để giáo dục nước ta phát triển hơn, học sinh đỡ khổ hơn, bớt áp lực, bớt nặng nề cho cả thầy và trò”...
Ngân Anh