- Nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ tạm dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng trong năm học 2017-2018.
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong năm học 2017 - 2018, Bộ quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng để rà soát kỹ lưỡng.
Lý do mà đại diện Bộ GD-ĐT đưa ra quyết định này là qua tổ chức rà soát trên quy mô cả nước, số lượng các cuộc thi dành cho học sinh hiện còn nhiều và chồng chéo. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung vào kiểm tra kiến thức lý thuyết mà học sinh đã học trong trường, hạn chế việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực.
Ngoài ra, do có một số trường sử dụng kết quả của một số cuộc thi trong việc xét tuyển sinh khiến một số học sinh tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên, gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục.
“Các cuộc thi kiến thức như giải Toán, tiếng Anh qua mạng những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường vận dụng kiến thức được học từ các môn trong nhà trường. Tuy nhiên, do đã được tổ chức khá nhiều năm nên cũng cần rà soát lại cả về nội dung lẫn phương thức tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới”, ông Thành nói.
Sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh bày tỏ sự ủng hộ bởi cho rằng như vậy bớt được áp lực cho cả thầy lẫn trò khi nhiều trường lấy kết quả cuộc thi này để làm tiêu chí đánh giá giáo viên.
Tuy nhiên, số khác thì cho rằng những sân chơi trên mạng không chỉ giúp học sinh, thậm chí giáo viên có thêm kiến thức mà còn giúp phát hiện được những em có tố chất.
Không ít người băn khoăn khi những cuộc thi được chính Bộ GD-ĐT thừa nhận là mang lại kiến thức cho học sinh mà bị dừng liệu có phí khi nguyên nhân vì gắn vào bệnh thành tích của nhà trường hay địa phương, thậm chí là của học sinh khi xét tuyển đầu cấp.
Rất nhiều thầy cô không ngại chia sẻ vì các cuộc thi này mà ban giám hiệu áp chỉ tiêu, dẫn đến giáo viên và cả học sinh cũng áp lực, do đó họ ủng hộ nên dừng.
Thầy Ngọc Sơn, một giáo viên một trường tiểu học tại TP HCM chia sẻ:
“Nếu không giải quyết được những bất cập và hệ lụy từ những cuộc thi này thì nên dừng. Bệnh thành tích hiện hữu trong không ít trường học. Ngay trường tôi có năm lập cả một đội tuyển thi giải Toán qua mạng, thậm chí còn trả thù lao cho giáo viên để luyện “gà” nữa”.
Có hai con tham gia cuộc thi này và giành được huy chương Bạc và Đồng cấp quốc gia, chị Ngọc Mai (TP Đồng Hới, Quảng Bình) dù muốn các cuộc thi tiếp tục nhưng vẫn chỉ ra nhiều điểm bất cập:
“Ở chỗ tôi, bên cạnh những học sinh có nhu cầu và tự nguyện tham gia thi, vẫn có trường hợp học sinh bị ép tham gia dù nhiều cháu không muốn. Cuộc thi được tổ chức từ cấp trường đến cấp quốc gia đã tạo sức ép lớn cho cả nhà trường lẫn phụ huynh khi cái danh giải quốc gia là ước mơ của nhiều người. Tham gia để tích luỹ kiến thức nhưng không nặng chuyện thi, các cháu sẽ có được điều mình cần, thay vì thành như những con robot suốt ngày ôm máy tính. Chưa kể vào cao điểm trước các vòng thi cấp tỉnh, quốc gia..., số tiền đổ vào mua thẻ để luyện thi rất nhiều. Một số cháu không có nền tốt về các môn học nhưng khi tham gia có thể điểm vẫn cao dù các cháu hoàn toàn không hiểu bài bởi đơn giản là làm nhiều thì nhớ đáp án và thao tác nhanh mà thôi”.
Chị Trần Ánh, một phụ huynh ở Hà Nội nhận xét:
“Thực tế thi trên mạng kiểu này chưa thể quản lý chặt được độ trung thực và chất lượng, vì thế sử dụng kết quả của nó thay cho việc xét tuyển sinh đầu cấp dẫn đến rất nhiều hệ luỵ. Song tôi nghĩ cũng không cần phải dừng mà chỉ cần không dùng kết quả các cuộc thi để tuyển sinh đầu cấp vào các trường thì mọi việc nhẹ nhàng hơn. Còn ai thích tiếp tục thì đó coi như sân chơi cho các cháu tự đánh giá bản thân”.
Chị Vũ Huệ (Quảng Ninh) chia sẻ: “Đây là sân chơi rèn luyện tốt cho trẻ nhưng đừng lấy kết quả của nó làm thành tích, cộng điểm hay ưu tiên xét tuyển lên cấp. Thật không công bằng vì sân chơi này cũng không đảm bảo công bằng”.
Là người trực tiếp hướng dẫn học sinh giải toán qua mạng, cô Đặng Nhung, một giáo viên tại Nam Định chia sẻ:
“Bản thân tôi thấy cuộc thi này khá hay, là sân chơi cho học sinh trau dồi thêm kiến thức và là cơ hội cho giáo viên bồi dưỡng thêm chuyên môn. Tôi thấy học trò tôi rất thích và giáo viên cũng đã phát hiện ra học sinh có tố chất toán thông qua cuộc thi này”.
Phụ huynh Phạm Quỳnh (Hà Nội) nói:
“Vì thành tích nên mới thành áp lực cho nhà trường, giáo viên và học sinh dự thi. Tôi nghĩ vẫn nên duy trì các thi để các cháu học sinh có nhu cầu rèn luyện, kể cả không có giải gì cũng không sao, chỉ cần không đưa vào tính thi đua hay làm tiêu chí để xét tuyển đầu cấp là được”
Về điều này, trao đổi với VietNamNet, TS. Lê Thống Nhất người được coi là “cha đẻ” của cả 2 cuộc thi giải Toán qua mạng (ViOlympic) và tiếng Anh qua mạng (IOE) cho rằng, những nguyên nhân biến tướng hoàn toàn nằm “trong tay” Bộ GD-ĐT.
Ông Nhất nói việc xây dựng ngân hàng nội dung của cuộc thi IOE là do các chuyên viên chỉ đạo bộ môn tiếng Anh của Bộ GD-ĐT chỉ đạo và kiểm duyệt tất cả mọi câu hỏi.
Ông Nhất thắc mắc đại diện Bộ GD-ĐT có nói đến việc “ưu tiên tổ chức hình thức thi trực tuyến”, vậy tức là ưu tiên cho cuộc thi nào khi dừng 2 cuộc thi vốn đã phát triển được nhiều năm.
“Cần làm rõ điều này, bởi nếu không sẽ nảy sinh tình trạng “xin cho” đối với các cuộc thi”.
TS Lê Thống Nhất nhìn nhận nguyên nhân của những biến tướng của các cuộc thi: “Nguyên nhân quan trọng nhất là chủ trương không thi vào lớp 6 (trừ trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM), làm cho các phòng GD-ĐT bối rối trong việc chỉ đạo tuyển sinh lớp 6 ở những trường mà nhu cầu vào học vượt quá nhiều lần chỉ tiêu. Các phòng giáo dục cũng không nghĩ ra cách gì ngoài cách xét ưu tiên từ giải các cuộc thi, kể cả các cuộc thi văn nghệ, thể thao,... chứ không chỉ 2 cuộc thi qua mạng.
Một nguyên nhân gây bức xúc cho giáo viên bộ môn là một số hiệu trưởng có tính chất ép buộc họ phải tham gia cuộc thi, thậm chí giao “chỉ tiêu” về số lượng học sinh tham gia, kể cả việc có giải. Ngoài ra, một số phụ huynh cố gắng ép con mình luyện quá sức để chạy theo thành tích”.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho rằng không nên dừng các cuộc thi giải Toán và tiếng Anh qua mạng.
"Ngành giáo dục đang phải đấu tranh, giành giật với các môi trường game trên mạng,… thì đây là môi trường rất cần với học sinh”.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng. |
Trao đổi với VietNamNet sáng 21/8, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quan điểm của Bộ là tạm dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng trong năm học 2017-2018 để rà soát lại.
“Việc tạm dừng chỉ về phía Bộ, còn các cuộc thi diễn ra hay không thì Bộ không hề ngăn cấm. Có điều, Bộ sẽ không ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính chỉ đạo các địa phương phải thi hay tổ chức mà để các cuộc thi đúng nghĩa là sân chơi cho các em. Các đơn vị vẫn có thể tổ chức, đặc biệt các sân chơi trên mạng khi đã thực sự cuộc thi đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia thì Bộ muốn cũng không dừng được. Bản thân học sinh nếu muốn thì tham gia”.
Ông Thành cho biết, theo công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương rà soát. Nếu các địa phương tổ chức các cuộc thi thì phải đảm bảo yêu cầu không chỉ kiểm tra kiến thức một cách thuần túy mà phải đáp ứng yêu cầu sân chơi trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.
“Công văn này cũng nêu rõ việc là sân chơi thì kết quả chỉ mang ý nghĩa ở sân chơi chứ không sử dụng trong việc đánh giá thành tích hay ưu tiên xét tuyển sinh,…”.
Ông Thành nhấn mạnh quan điểm của Bộ là không lấy kết quả của các cuộc thi này để xét thành tích thi đua của các nhà trường, địa phương.
Trước câu hỏi của VietNamNet vể việc có hay không việc Bộ GD-ĐT đang tính thay thế các cuộc thi này bằng một cuộc thi mới, ông Thành khẳng định Bộ không tổ chức một cuộc thi qua mạng nào khác. “Chúng tôi sẽ có văn bản cụ thể nói rõ tổ chức những cuộc thi nào có thông tư cụ thể mà thôi”, ông Thành nói.
Thanh Hùng