- Bộ GD-ĐT mới đây đề xuất miễn học phí bậc THCS trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Tại hội thảo với Bộ Tư pháp ngày 1/12, các đại biểu còn đề xuất thêm: Nên miễn học phí cả bậc học mầm non.
Miễn học phí trong hệ thống giáo dục quốc dân - bậc học nghĩa vụ và chính sách học bổng là cách thức đảm bảo bình đẳng cơ hội giáo dục và phát triển quốc gia.
Nó cũng là nghĩa vụ của nhà nước và toàn xã hội.
Nhưng ta đang ở đâu? Trong khi Luật Giáo dục quy định giáo dục phổ cập đến hết bậc THCS thì thực tế học phí vẫn thu cả từ mầm non tới THPT và có xu hướng ngày càng tăng?
Tôi ủng hộ việc miễn phí sách giáo khoa và học phí từ mầm non tới hết THCS.
Trẻ mầm non được giữ ở những nơi không đảm bảo điều kiện |
Để có tiền làm việc đó, phải diệt trừ tham nhũng.
Ngay ở trong ngành, có thể thanh lọc lại quan chức, viên chức giáo dục, sắp xếp lại hệ thống giáo dục mà trước hết là cải cách hành chính giáo dục.
Ở Nhật Bản, hiện tại người ta đã miễn học phí 9 năm giáo dục bắt buộc và nhiều địa phương đã bắt đầu miễn học phí, cấp phát sách giáo khoa ở bậc THPT.
Đối với cấp học tiểu học và THCS, khi con đến độ tuổi đi học cũng không xin học ở đâu cả.
Ở chỗ nào thì học ở chỗ đó và tòa thị chính cũng như trường mầm non sẽ có hướng dẫn cả trực tiếp và gián tiếp cụ thể, chu đáo.
Khi ở Nhật, gia đình tôi gửi con đi nhà trẻ từ lúc 1 tuổi. Thủ tục đơn giản, đến trường mầm non gần nhà nhất xin một bộ hồ sơ (ba, bốn từ giấy họ làm sẵn chỉ điền vài thông tin cơ bản), viết và nộp cho trường, trường nộp cho tòa thị chính xét. Sau đó, thị trưởng kí giấy công nhận.
Trong giấy khi rõ được chấp nhận hay không và ghi chú nếu không thấy thỏa mãn có thể khởi kiện tại tòa án dân sự hoặc khiếu nại.
Về học phí, mỗi tháng trung bình nhà tôi đóng 3.500 yên tức khoảng 700.000 đồng tiền Việt Nam, trong đó có bao gồm cả tiền ăn trưa (không gửi thứ bảy, ngày thường gửi từ 8h đến 17h). Đổi lại, mỗi tháng nhà nước Nhật trợ cấp 1.5 vạn yên tương đương 3 triệu tiền Việt.
Đấy là trường công và các trường thuộc các tổ chức phúc lợi. Đối với trường tư, họ có quyền thu học phí nhưng chính phủ và chính quyền địa phương cũng có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính tùy theo đầu học sinh cho nên học phí rẻ đi đáng kể.
Khi về Việt Nam, thấy nhiều chỗ nhộn nhạo chạy vạy chuyện trường, chạy lớp mà nản.
Ai cũng chỉ có 24 giờ và chừng ấy năng lượng. Không ai sống mãi thế mà chừng ấy thời gian dành cho việc “chạy”: chạy trường, chạy việc, chạy chức, chạy sếp, chạy quan hệ...
Thử hỏi, thời gian đâu người ta tĩnh tâm để mà sống như một con người, để mà quan tâm yêu thương người khác, để mà dành năng lượng cho khoa học, văn chương, nghệ thuật?
Nguyễn Quốc Vương
Những nhầm lẫn về giáo dục ở Việt Nam
Có khá nhiều mâu thuẫn và cả những nhầm lẫn, thậm chí ngộ nhận trong giáo dục ở Việt Nam