Các trường tiểu học và trung học cơ sở của Pháp dự kiến sẽ đưa ra nội quy cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9/2018 – Bộ trưởng Giáo dục nước này xác nhận.

{keywords}
Điện thoại di động sẽ bị cấm sử dụng trong trường học Pháp bắt đầu từ tháng 9/2018

Điện thoại đã được cấm sử dụng trong các giờ học ở Pháp, tuy nhiên vào năm học tới, học sinh nước này còn bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, giờ ăn trưa và thời gian luân chuyển giữa các tiết học.

Phản ứng của giáo viên và phụ huynh trước lệnh cấm này được chia thành 2 phe đối lập. Một số nói rằng, trẻ phải được “sống trong thời gian riêng của mình”. Ở Pháp, khoảng 93% trẻ từ 12-17 tuổi sở hữu điện thoại di động.

“Ngày nay, trẻ không còn hứng thú với việc vui chơi chạy nhảy trong giờ ra chơi nữa. Tất cả chúng đều dán mắt vào điện thoại. Và dưới góc độ giáo dục thì đó là một vấn đề” – ông Jean-Michel Blanquer, Bộ trưởng Giáo dục Pháp nhận định.

“Điều này là để đảm bảo rằng các quy định và điều luật được tôn trọng. Việc sử dụng điện thoại bị cấm trong lớp học. Với các hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh, chúng ta phải tìm ra cách để bảo vệ học sinh khỏi việc bị mất tập trung vì màn hình và điện thoại” – ông nói.

“Chúng ta sẽ cấm điện thoại ở trường học? Câu trả lời là có”.

Các nghiên cứu cho thấy, mặc dù đã cấm nhưng vẫn có một số lượng lớn học sinh vẫn gọi, nhận cuộc gọi và nhắn tin trong lớp học.

Có tới 40% hình phạt là liên quan tới điện thoại di động – theo ông Philippe Tournier, một hiệu trưởng ở Paris, cho hay. Tuy nhiên, ông nói rằng rất khó để cấm triệt để điện thoại di động nếu không được phép lục tìm trong cặp của các em.

Chưa rõ liệu lệnh cấm này có hiệu quả hay không. Trước đó, ông Blanquer từng đề xuất các trường nên cung cấp tủ khóa để các em cất điện thoại di động trong giờ học.

Hồi đầu năm nay, ông Blanquer từng gợi ý rằng, nếu như các chính trị gia người Pháp có thể bỏ điện thoại di động ra khỏi người trong suốt các cuộc họp thì chắc chắn “điều này là khả thi với bất kỳ nhóm người nào, trong đó có lớp học”.

Ý tưởng về tủ khóa đựng điện thoại hiện đang được thực hiện ở nhiều trường tiểu học và đại học của Pháp.

“Điện thoại sẽ được cất trong  một chiếc hộp đặt trên bàn ở cửa lớp học. Tôi chưa từng gặp bất kỳ vấn đề nào với cách thức này. Sẽ mất khoảng 2 phút ở mỗi giờ học. Việc này cũng được thực hiện tương tự trong các trường tiểu học mà tôi làm việc ở Paris” – một giáo viên ở Rueil-Malmaison cho hay.

{keywords}
 Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer là người ký quyết định cho lệnh cấm này

Một cách làm khác ở khu vực Essonne là học sinh sẽ đặt điện thoại vào những chiếc túi có tên mình trong một văn phòng ở cổng trường. Cuối buổi học hôm đó, học sinh sẽ lấy lại điện thoại khi quay về.

Tuy nhiên, một hiệu trưởng ở Marseille, miền nam nước Pháp thì nói rằng ông chưa bị thuyết phục bởi giải pháp này. Ông cho rằng, làm theo cách đó, điện thoại có thể bị nhầm lẫn, mất và đánh cắp.

Được biết các thời bộ trưởng giáo dục trước đây không ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn điện thoại di động. Năm 2011, Luc Chatel – lúc đó là Bộ trưởng: “Việc sử dụng điện thoại đã trở thành thói quen hằng ngày ở thời điện địa. Chúng ta không thể lờ đi nhu cầu kết nối, đặc biệt là giữa trẻ em và cha mẹ - những người mà bản thân họ có nhu cầu, một cách tự nhiên ngoài các giờ học”.

Peep – một trong những hiệp hội phụ huynh lớn nhất nước Pháp – đã tỏ ra hoài nghi giải pháp này. “Chúng tôi không nghĩ rằng lệnh cấm đó có hiệu quả tại thời điểm này” – chủ tịch Hiệp hội, ông Gerard Pommier nhận định.

“Hãy tưởng tượng một trường trung học với 600 học sinh. Chúng sẽ đặt tất cả điện thoại vào trong chiếc hộp sao? Các vị cất giữ chúng như thế nào? Và còn trả lại lúc ra về nữa?” – ông nói.

“Con người ta phải sống trong thời đại của mình. Sẽ là thông minh hơn nếu đưa ra luật lệ và thảo luận ý nghĩa của nó với học sinh” – Peep nói và chi ra rằng “bản thân người lớn không phải lúc nào cũng làm gương”.

Tuy nhiên, với Bộ trưởng Giáo dục Blanquer thì vấn đề của điện thoại di động và máy tính bảng còn là vấn đề về “sức khỏe công cộng”. “Điều quan trọng là trẻ dưới 7 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình” – ông nói.

Vị Bộ trưởng cũng nhìn động thái này như một cách thức giúp hạn chế tình trạng bắt nạt qua mạng.

Lệnh cấm sử dụng điện thoại di động từng được tân Tổng thống Pháp Emmamuel Macron nêu ra trong bản tuyên ngôn trước lễ nhậm chức của mình hồi tháng 5.

Nguyễn Thảo (Theo Telegraph)