- Trước phản ứng của một số địa phương đối với mô hình trường tiểu học mới VNEN, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng rằng Bộ vẫn sẽ tiếp tục nhưng không áp đặt.

Năm học 2016 - 2017, các tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh và Vũng Tàu đã quyết định dừng nhân rộng mô hình trường học mới VNEN.

Trước đó, vào đầu năm học 2015 - 2016, tại một số Trường THCS ở Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Trong khi đó, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định nếu địa phương bỏ hẳn VNEN là cực đoan

{keywords}

Sùng Thị Cha và Vàng Thị Nhứ - hai cô bé ở Trường Tiểu học Tả Phìn (Lào Cai) đang học bài theo mô hình VNEN. Ảnh: Phương Chi

Dừng lại với VNEN

Theo Báo Lao Động, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Hà Tĩnh với Sở GDĐT chuẩn bị triển khai năm học mới ngày 18/7, ông Đặng Quốc Khánh Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tạm dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới (VNEN).

Ông Đặng Quốc Khánh kết luận tạm dừng triển khai đại trà VNEN trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ tiếp tục triển khai VNEN ở những lớp, trường đã thực hiện mô hình thí điểm trong năm học 2015 – 2016.

Sở GDĐT sẽ phải tham mưu cho tỉnh thành lập hội đồng đánh giá về VNEN, đồng thời phối kết hợp với HĐND tỉnh và khối mặt trận có chương trình giám sát riêng cho nội dung này.

Mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012 - 2013. Hiện tại có 129/260 trường tiểu học, 32/150 trường THCS, 15/44 trường THPT áp dụng.

Ngày 25/7, ông Trần Ngọc Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu - người phát ngôn của Thành ủy TP Vũng Tàu, thông tin sau quá trình thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm, 100% thành viên BCH Đảng bộ đã thống nhất kiến nghị HĐND tỉnh cho phép TP Vũng Tàu tạm dừng mở rộng mô hình trường học mới VNEN năm học 2016 - 2017.

Theo Báo Pháp luật TP.HCM, sở dĩ có quyết định này bởi qua kiểm điểm, đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện mô hình trường học mới VNEN năm 2015 - 2016, TP Vũng Tàu nhận thấy các điều kiện cần và đủ để tổ chức thực hiện triển khai chưa đảm bảo, tâm lý phụ huynh học sinh còn nhiều bất an.

Mục đích của kiến nghị tạm dừng mở rộng VNEN là để TP Vũng Tàu có thời gian rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ thầy cô giáo; sơ tổng kết kết quả triển khai trong năm học 2015 - 2016 và điều tra xã hội học về sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Đối với các trường, lớp đã tiến hành triển khai thực hiện mô hình VNEN trong năm 2015 – 2016, nếu các điều kiện cần và đủ không đảm bảo và phụ huynh học sinh không tự nguyện cho con em tham gia lớp học mô hình VNEN thì tạm dừng triển khai trong năm học 2016 - 2017. Đồng thời sẽ giải quyết theo nguyện vọng đối với các phụ huynh có đơn xin chuyển lớp cho học sinh.

Trước đó, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Giang đầu tháng 7 đã đưa tin năm học 2016 - 2017, Hà Giang tạm dừng sử dụng tài liệu của mô hình trường học mới VNEN.

Theo thông tin được đưa ra, tại Hà Giang chương trình trường học mới VNEN bắt đầu triển khai từ năm học 2011 - 2012 tại 8 lớp ở 4 trường tiểu học. Đến năm học 2015 - 2016, số trường, lớp và học sinh học theo mô hình trường học mới đã là 88/226 trường tiểu học, 49/201 trường THCS.

Đánh giá cho thấy, mô hình VNEN đã tạo cho học sinh những thay đổi tích cực, nhưng mô hình cũng còn bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ngày 4/7, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị ngành GD-ĐT Hà Giang dừng việc sử dụng tài liệu theo mô hình trường học mới từ năm học 2016 – 2017.

Nói về lý do tạm dừng, Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh năng lực của đội ngũ giáo viên không đồng đều nên rất khó tổ chức các hoạt động theo mô hình trường học mới, cơ sở vật chất, tài liệu chưa phù hợp để triển khai. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí cũng là những cản trở ảnh hưởng đến việc tổ chức lớp học".

Ông Sử cũng cho rằng do việc UBND tỉnh giao cho ngành giáo dục tạm dừng sử dụng tài liệu của mô hình trường học mới là cần thiết.

Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm

{keywords}

Anh Lý Dào Phin có 2 con học ở Tiểu học Tả Phìn theo mô hình VNEN. Ảnh: Phương Chi

Liên quan đến việc một số địa phương vừa cho dừng mô hình trường học mới (VNEN) sau hơn hai năm triển khai, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện sau thời gian thí điểm.

Theo ông Nhạ, khi áp dụng mô hình này phải tính đến điều kiện thực hiện và sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

Ông Nhạ cho rằng những kinh nghiệm rút ra trong chuyện này là “Trước khi đưa ra một cái mô hình đổi mới phải nghiên cứu kỹ, hướng dẫn cẩn thận, phải có lộ trình thực hiện và mô hình phải sống được trong cuộc sống. Làm sao để chính những người ứng dụng nó họ thấy hay thì đó mới chính là thực tiễn...

Ngoài ra, tâm thế của người quản lý, tâm thế của thầy cô, học sinh và phụ huynh chưa theo kịp với yêu cầu của mô hình. Việc chuẩn bị điều kiện để áp dụng cũng chưa nhuần nhuyễn”.

Trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An sáng ngày 2/8 như VietNamNet đã đưa tin, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục khẳng định VNEN là mô hình tốt nhưng khi áp dụng vào từng nơi phải phù hợp.

“Một số địa phương có ý bỏ VNEN. Nhưng sau 3 năm làm thí điểm, Bộ GD-ĐT tổng kết đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên từng địa phương khác nhau.

Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan.

Bất kỳ mô hình mới nào cũng phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ. Cái mới nào cũng phải có lộ trình, cứ làm tốt thì sẽ có người theo" - ông Nhạ nhấn mạnh.

  • Ngân Anh tổng hợp
Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Sau hơn ba năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam (từ năm học 2012-2013), cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.

Theo văn bản của Bộ GD-ĐT đưa ra tháng 3/2016, dự án này kết thúc từ ngày 31/5/2016 và dự án bắt đầu ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường.