- “Chúng tôi luôn thấu hiểu, kiên trì và đồng hành cùng con. Dù không am hiểu về lĩnh vực âm nhạc nhưng vẫn luôn khuyến khích con phát triển theo đúng năng khiếu và khả năng của bản thân”.

Trở thành nghệ sĩ thực thụ ở lứa tuổi thiếu niên, trong vòng 3 năm, Trần Minh Châu (2004) đã đạt được những thành tích đáng nể và trở thành một trong 20 ứng cử viên được đề cử vào danh sách những Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2017.

Đằng sau những thành công ấy phải kể đến vai trò của cha mẹ em – những người luôn sát cánh cùng con trong suốt hành trình chinh phục các giải thưởng quốc tế.

 

Bên con trên mọi hành trình

Nhìn bề ngoài, Minh Châu có vẻ khá nhút nhát. Nhưng khi đôi bàn tay của em bắt đầu lướt trên phím đàn, cô bé hạt tiêu như đắm chìm theo từng nốt nhạc.

Nhìn cô con gái nhỏ thả từng ngón đàn, anh Trần Đức Minh khẽ mỉm cười hạnh phúc.

Với anh, để con đi đến ngày hôm nay là cả một hành trình dài.

Cũng như cô con gái đầu, gia đình anh Minh cho Châu theo học piano tại trung tâm với tính chất như một hoạt động ngoại khóa.

Ở tuổi lên 4, vợ chồng anh không kì vọng quá nhiều vào việc con có thể ghi nhớ các nốt nhạc. Hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý khách sạn, bản thân anh chị cũng không ai có năng khiếu hay hiểu biết nhiều gì về âm nhạc. Do đó, việc con có thể đánh đàn ở mức chuyên nghiệp là điều anh chị chưa từng nghĩ tới.

Sau một thời gian theo học tại trung tâm, các cô giáo đã phát hiện ra năng khiếu của Châu trong việc cảm thụ âm nhạc. Lúc đó, cô đã khuyên gia đình nên đầu tư thêm để Châu có cơ hội bộc lộ khả năng của bản thân.

 

{keywords}
Trần Minh Châu. Ảnh: Gia đình cung cấp

Năm lên lớp 4, gia đình quyết định cho Châu thi tuyển vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Châu đỗ với điểm số khá cao. Kể từ đó, em theo học song song hai trường là Học viện Âm nhạc và Trường Marie Curie Hà Nội.

Khi bắt đầu theo con đường chuyên nghiệp, hiếm ngày nào cô bé không động đến cây đàn.

Anh Minh chia sẻ:

“Ngoài đảm bảo học văn hóa, Châu còn phải dành thời gian tương đối lớn cho việc luyện đàn. Chỉ cần 2, 3 ngày không chơi, đôi bàn tay cũng sẽ cứng lại”.

Piano là một môn nghệ thuật khắc nghiệt. Lúc mới bắt đầu, thời gian luyện tập của Châu chỉ chiếm khoảng nửa tiếng một ngày. Nhưng kể từ khi bước vào con đường chuyên nghiệp, thời gian tối thiểu dành cho việc tập luyện là 3 giờ.

Thậm chí, trước mỗi buổi biểu diễn, thời gian có thể tăng lên 6-8 tiếng mỗi ngày. Để cân bằng giữa việc học văn hóa và học đàn là một điều khó khăn. Có những khi việc học tập trên lớp khiến con trở nên quá tải, anh chị từng suy nghĩ cho con dừng lại. Song niềm đam mê mãnh liệt của cô con gái lại thôi thúc anh chị tiếp tục đồng hành. Cứ thế, trong suốt gần 10 năm kể từ khi luyện những nốt nhạc đầu tiên, người cha vẫn đồng hành với con tại các lớp học, trên sân khấu hay theo chân con đi biểu diễn khắp châu Âu, châu Mỹ.

Có những đêm, hai bố con phải thức tới khuya để luyện tập cho thuần thục bài. Tuy nhiên, sai ở đâu cũng chỉ đến khi gặp thầy mới có thể biết và được chỉnh sửa.

Những bản nhạc cổ điển ban đầu rất khó. Châu phải chia ra từng đoạn để luyện. Tiếng đàn vang khắp nhà. Thậm chí các em của Châu nghe tiếng đàn như thể một sự “chịu đựng”.

Đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường, từ một người không biết gì về âm nhạc, giờ đây anh Minh cũng biết thưởng thức thứ âm nhạc cổ điển vốn kén người nghe này.

Dành cho con tất cả thời gian khi có thể, vì thế trong nhà anh cũng chẳng có Tivi. Buổi tối, hai vợ chồng thường chia nhau kèm cặp 4 đứa con nhỏ. Châu là người được bố “ưu ái” dành nhiều thời gian nhất.

Nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân trên trường quốc tế, anh Minh không khỏi lo lắng khi Minh Châu là bé gái có vóc dáng hạt tiêu nhất trong số các ứng cử viên. “Trái tim tôi lúc đó như ngừng đập vì run và vỡ òa khi nghe được kết quả”. Người cha ấy khá kiệm lời khi nói về những thành tích đã đạt được của cô con gái nhỏ.

Với anh, những gì Châu đạt được trong suốt 5 năm qua chỉ là bước đệm đầu tiên trên hành trình còn lắm gian nan để trở thành một “pianist” chuyên nghiệp.

Bí kíp để thành công

Trong suốt 3 năm kể từ 2015, Châu đã đạt được nhiều thành tích đáng nể tại các cuộc thi quốc tế như giải nhất cuộc thi International Piano Competition Milan (Ý); Huy chương Vàng Liên hoan Asia International Piano Academy & Festival Hàn Quốc; Giải nhất Bảng cuộc thi Lansum Internation Music Festival California (Hoa Kỳ); Giải nhất cuộc thi Piano Quốc tế Ricard Vines dành cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi (Lleida, Tây Ba Nha);….

Trong số các cuộc thi ấy, anh Minh nhớ nhất về lần “xuất quân” chinh phục giải International Piano Competition Milan tại Ý.

Đó là giải Quốc tế đầu tiên trong cuộc đời Minh Châu và cũng là giải thưởng ấn tượng nhất.

“Tôi vẫn còn nhớ vẹn nguyên sự vỡ òa của con sau khi thi xong và vào xem kết quả. Còn reo hò ầm ĩ khi biết mình giành giải nhất. Đó là giải quốc tế đầu tiên con nhận được mặc dù các bạn của con cũng là những đối thủ khá “nặng ký””.

Châu cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất của GS. TS NGND Trần Thu Hà. Để con đạt được thành tích như ngày hôm nay, anh Minh cũng không khỏi xúc động khi nhắc tới người thầy đáng kính của con gái – GS. TS NGND Trần Thu Hà. 

Minh Châu cũng dành cho người thầy của mình một thứ tình cảm đặc biệt. Với em, GS. Thu Hà cũng giống như một người bà đáng kính.

“Ngoài việc học bà còn dạy em cách làm người, cách ăn nói, tác phong cử chỉ. Bà luôn hỏi han, động viên hay lo lắng cho em từ việc ăn uống đến nghỉ ngơi sau những giờ tập luyện căng thẳng. Trước những cuộc thi nếu có thể bố trí được thời gian, nhất định bà sẽ sát cánh cùng em. Có những lần không thể đi được, trước giờ thi bà vẫn không quên gọi điện động viên, dặn dò em thi thật tốt. Bà là người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời em. Nếu có thể em luôn muốn nói lời biết ơn và yêu bà rất nhiều”.

{keywords}
Trần Minh Châu và bố mẹ. Ảnh: Thúy Nga

Tính đến nay đã tròn 10 năm kể từ khi Minh Châu biết nhấn những phím đàn đầu tiên, vợ chồng anh Minh vẫn luôn kiên trì với phương pháp giáo dục và định hướng cho con.

Anh Minh chia sẻ:

“Tôi nghĩ với con, cha mẹ cần thấu hiểu, đồng hành và kiên trì. Giống như những mầm cây được ươm trồng, sẽ có hạt lép, hạt nẩy. Nhưng khi mầm mọc thành cây, chúng ta cần phải có trách nhiệm vun trồng. Khi phát hiện ra tài năng của trẻ, cha mẹ cần tiếp tục nuôi dưỡng để “mầm non” ấy liên tục phát triển.

Nhắc đến cô học trò nhỏ, cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên chủ nhiệm của Minh Châu tại THCS Marie Curie nhận xét:

“Minh Châu là một cô bé bản lĩnh, đầy nội tâm và cảm xúc. Bên cạnh tài năng về piano, Minh Châu có năng lực học tập tương đối tốt. Em có khả năng học các môn xã hội. Nếu chỉ tiếp xúc một lần ít ai nghĩ rằng Minh Châu có năng khiếu bẩm sinh giỏi như thế. Bề ngoài Minh Châu là người trầm tính, nhút nhát và ngại giao tiếp. Nhưng khi ngồi trên cây đàn, Minh Châu hoàn toàn khác hẳn”.

Trao đổi với VietNamNet, NSND Thu Hà cho biết: Hiện nay, đã xuất hiện những lứa học sinh nghệ thuật không phải sinh ra trong gia đình "con nhà nòi". Thế hệ bố mẹ sinh ra trước và sau 1975 đã có nhiều con đường đầu tư cho con cái. Trường hợp của Minh Châu là một minh chứng cho thấy sự đầu tư và quan tâm đúng cách của cha mẹ sẽ góp phần đắc lực trong việc khám phá và phát triển những sở trường đặc biệt của trẻ. 

{keywords}
Trần Minh Châu. Ảnh: Gia đình cung cấp

 

Một số thành tích đã đạt được của Trần Minh Châu:

- 4 năm liền là học sinh có thành tích xuất sắc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (từ năm 2013 đến năm 2016, năm 2017 nhà trường chưa xét)

- Năm 2015:

+ Giải nhất cuộc thi International Piano Competition Milan(Ý)

+ Huy chương Vàng Liên hoan Asia International Piano Academy & Festival Hàn Quốc.

+ Giải ba cuộc thi Internationnal Rosario Marciano (Vienna, Áo).

+ Giải Nhì cuộc thi Internationnal Piano Competition Hà Nội.

- Năm 2016:

+ Giải ba Bảng Beethoven cuộc thi Lansum Internationnal Music Festival California (Hoa Kỳ)

+ Giải nhất Bảng Russian Composer cuộc thi Lansum Internation Music Festival California (Hoa Kỳ)

+ Giải nhất Bảng Romantic cuộc thi Lansum Internation Music Festival California (Hoa Kỳ)

+ Giải nhất bảng Chopin cuộc thi Lansum Internation Festival California (Hoa Kỳ)

- Năm 2017:

+ Giải nhất cuộc thi Piano Quốc tế Ricard Vines dành cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi (Lleida, Tây Ban Nha)

+ Giải nhất cuộc thi tranh tài Piano Quốc tế Việt Nam- Tây Ba Nha (EL Tiemblo, Tây Ban Nha)

+ Giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Maria Herrero (Granada, Tây Ban Nha)

 

+ Giải nhất cuộc thi AFAF Piano Internation Concerto Competition (Hoa Kỳ)

+ Giải nhất cuộc thi Future Stars Piano Competition (Ba Lan)

+ Tháng 12 năm 2017 được đặt cách tham gia thi tuyển và đạt kết quả xuất sắc đỗ vào "Hệ đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 2016-2025 tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

 

 Thúy Nga

Hồ sơ đáng nể của nữ sinh 13 tuổi người Việt theo đại học sớm tại Đức

Hồ sơ đáng nể của nữ sinh 13 tuổi người Việt theo đại học sớm tại Đức

Theo đuổi chương trình đại học sớm có 6 bạn nhưng đến phút chót chỉ còn Mai và một bạn lớn tuổi hơn.

Gặp nam sinh 2 lần HCV quốc tế vừa trúng học bổng viện công nghệ hàng đầu thế giới

Gặp nam sinh 2 lần HCV quốc tế vừa trúng học bổng viện công nghệ hàng đầu thế giới

Hiếu nói mình tự “thức tỉnh” bản thân rằng huy chương vàng Olympic quốc tế thực ra cũng chỉ là một kỳ thi mà thôi và phải tiếp tục cố gắng.