- Bỏ dở con đường học hành khi đang học năm thứ 2 ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Văn Lang (TP.HCM), Nguyễn Hải Đăng chọn con đường khởi nghiệp từ kiến thức thực tiễn mà cậu thu được sau những chuyến đi.

{keywords}
Nguyễn Hải Đăng (áo trắng) và các bạn. Ảnh: NVCC

Sinh năm 1991, đam mê kinh doanh, Đăng chọn ngành Quản trị kinh doanh. Nhưng sau hơn 1 năm học tập, chàng trai 9x nhận thấy môi trường học tập không mang lại cho mình những kiến thức như kỳ vọng. “Em cảm thấy nó đang khiến mình mất thời gian, tuổi trẻ và tiền bạc” – Đăng nói.                                      

Ý định bỏ học nhen nhóm từ đây nhưng ngay lúc đó Đăng cũng chưa biết mình sẽ làm gì, tương lai sẽ đi đâu về đâu, phần khác cậu cũng lo ba mẹ buồn phiền. Gác những trăn trở sang một bên, Đăng quyết định đi phượt xuyên Việt 2 tháng vào dịp hè sau khi kết thúc năm thứ nhất.

Hai tháng trải nghiệm là quãng thời gian giúp cậu tìm hiểu chính bản thân mình, khám phá những khả năng và mối quan tâm của mình. Cùng những người bạn, chiếc xe máy và 4 triệu đồng trong tay, chàng trai đất Mũi đi dọc đất nước, ngắm nhìn những cánh đồng, đồi chè Thái Nguyên, những vườn hoa…

Sau chuyến đi, Đăng quyết định nghỉ học. Được mẹ nhường cho chiếc vé đi Pháp của công ty, cộng với số tiền gần 20 triệu tiết kiệm sau khi kinh doanh một quán đồ uống “take away” (đồ uống mang đi) cùng với những người bạn, Đăng lên đường sang châu Âu vừa để đi thăm thú, mở mang hiểu biết, vừa để tìm hiểu những vùng đất mới, những trang trại trồng nho làm rượu vang, trồng hoa lavender làm nước hoa…

“Em nhận thấy cánh đồng của họ rất lớn nhưng rất ít người làm, sử dụng nhiều máy móc. Tuy nhiên, lúc đó em cũng chưa có suy nghĩ hay dự định gì hết” – Đăng chia sẻ.

“Sau này em qua Đài Loan tìm hiểu về nghề nuôi cá, cũng thấy nông dân ở đây sử dụng máy móc hết, nhân công rất ít. Rồi về Việt Nam, em chứng kiến nhiều nông dân quê mình nuôi tôm, cộng với gia đình em cũng kinh doanh mảng tôm, nên em quyết định làm tôm. Em thấy nông dân mình cực quá. Cũng làm lụng như người ta nhưng không giàu bằng người ta, do mình làm thủ công nhiều quá”.

Để tìm hiểu quá trình, Đăng xin vào nhà dân nuôi tôm, ở và làm việc cùng người nông dân khoảng vài tháng. Quãng thời gian lăn lộn cùng nông dân giúp Đăng nhận thấy việc cho tôm ăn hiện rất tốn sức lao động, thời gian và phụ thuộc vào thời tiết quá nhiều. “Ví dụ như mưa lớn là không cho ăn liên tục được vì thức ăn bị ướt, tôm dễ bị chậm lớn. Mà ở khu vực của em thì mưa rất nhiều, 6 tháng nắng, 6 tháng mưa”.

Từ đó, Đăng bắt đầu tìm hiểu về máy cho tôm ăn tự động. Cậu đọc tài liệu nước ngoài, tham gia các hội thảo, triển lãm về thủy sản, nông nghiệp ở Việt Nam có gian hàng của các doanh nghiệp nước ngoài. “Mặc dù tài liệu thì có nhưng họ không giới thiệu máy cho tôm ăn tự động. Em thắc mắc, tìm hiểu và cố gắng làm ra nó”.

{keywords}
Đăng (áo đen) đang giới thiệu máy cho tôm ăn tự động với khách hàng tại một hội chợ nông nghiệp. Ảnh: NVCC

Những ngày đầu, Đăng cùng một người em họ đam mê cơ khí mày mò để thành hình chiếc máy. “Em chỉ có ý tưởng thôi, cơ khí em cũng chả biết gì hết trơn” -  Đăng thật thà chia sẻ. “Sau này em với em em kết hợp lại. Ý tưởng và kết cấu máy do em vẽ ra,sau đó em em dựa trên ý tưởng đó để chế tạo, lắp ráp. Những chi tiết nào bọn em làm được thì làm, chi tiết nào phức tạp thì thuê bên ngoài gia công”.

Mất khoảng 3 tháng, chiếc máy cho tôm ăn tự động của Đăng mới hoạt động được nhưng chưa tốt, và mất thêm 3 tháng nữa tìm hiểu, cải tiến, máy mới hoạt động tốt như kỳ  vọng.

So với những chiếc máy cho tôm ăn tự động của nước ngoài, Đăng cho biết, chiếc máy này dễ sử dụng, được cải tiến gọn hơn, thích hợp với quy trình nuôi tôm ở trong nước, và cũng vì thế mà giá thành thấp hơn rất nhiều. “Máy của nước ngoài hiện đại hơn nhưng tất cả các quy trình đều phải hiện đại thì mới sử dụng được. Bọn em cải tiến để phù hợp với mục tiêu sử dụng của nông dân Việt Nam và để có chi phí phải chăng. Làm như nước ngoài thì nông dân của mình không đủ tiền mua. Trong khi máy của bọn em vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, năng suất tốt”.

Ban đầu, khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường, Đăng cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Họ ngại sử dụng, nói là có máy này thì lính lác làm biếng, rồi người ta sợ cho ăn không tốt, tôm không ăn… cộng với tâm lý người nông dân ngại thay đổi”.

Đăng phải đến từng đại lý, ở đó vài ngày để giới thiêu,thuyết phục khách hàng. Đa số là bị từ chối, và nghi ngại vì thấy cậu còn trẻ. Vẫn quyết tâm làm hết sức mình, cuối cùng Đăng cũng nhận được một vài đơn hàng. Sau vài tháng sử dụng sản phẩm, nhận được kết quả tốt, khách hàng tự giới thiệu cho anh em, bạn bè và cho đến thời điểm hiện tại, doanh số bán máy của Đăng cũng tương đối ổn định. “Thời gian để sản phẩm được khách hàng tín nhiệm mất khoảng nửa năm” – Đăng chia sẻ.

Hiện tại, máy cho tôm ăn tự động của Đăng và cộng sự đã có mặt trên khắp cả nước, từ Quảng Ninh tới các tỉnh Đông Nam Bộ. Mỗi tháng nhóm của Đăng bán được từ 100-200 chiếc, tùy vào mùa vụ, thời tiết, lợi nhuận thu về khoảng 360 triệu/năm.

Mặc dù đang đẩy mạnh kênh bán hàng qua website, mạng xã hội nhưng Đăng cho rằng quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm và công tác chăm sóc khách hàng. “Khi sản phẩm chất lượng tốt, người ta sẽ tìm đến mình, chứ không nhất thiết phải quảng cáo rầm rộ tốn kém” – cậu nói.

Sau nhiều lần tìm hiểu, cải tiến, nhập máy móc thay thế lao động chân tay, máy cho tôm ăn tự động của Đăng hiện đang được bán ra thị trường với giá 2,6 triệu đồng. Cuối năm nay, nhóm của Đăng còn dự định cho ra mắt một phiên bản mới nhẹ hơn và giá thành rẻ hơn một chút.

{keywords}
Đăng giao lưu với những người đi trước trong ngành tôm tại Hội thảo triển khai mô hình nuôi tôm thẻ trong ao bạt. Ảnh: NVCC

Ngoài sản xuất máy cho tôm ăn, Đăng còn làm mảng nhân giống và bán tôm giống, cung cấp dịch vụ bán tôm chất lượng cho khách bằng cách kiểm tra, xét nghiệm. Hiện tại, Đăng đang làm cùng 3 bạn học đại học và thuê 5-6 lao động làm việc ở xưởng máy.

Mặc dù tình hình sản xuất và kinh doanh đang tiến triển rất tốt, nhưng dự định trong năm 2017 của Đăng “đầu tư cho bản thân”, như lời cậu nói. “Em sẽ sang Israel khoảng 1 năm để tìm hiểu,học tập về nền nông nghiệp của đất nước này. Dự định quý 1 năm nay em sẽ đi. Công việc hiện tại sẽ được bàn giao cho các bạn ở nhà và mọi người thường xuyên trao đổi qua email” – Đăng nói.

Lý giải tại sao chọn Israel, Đăng nói, “Israel là quốc gia khởi nghiêp về nông nghiệp gần như lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Điều kiện khí hậu của Israel cũng tương đồng khu vực Cà Mau quê em là nóng nhiều, nhưng họ vẫn làm tốt mảng nông nghiệp, phát triển gần như mạnh nhất thế giới”.

Đăng cũng cho biết, cậu rất quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam.“Hiện nay, nhiều bạn trẻ thích khởi nghiệp nhưng đa số các bạn chọn mảng công nghệ. Tuy nhiên, theo em nghĩ, quốc gia của mình là quốc gia nông nghiệp, nên nếu làm gì hướng về nông nghiệp thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Đăng tin rằng tương lai của Việt Nam sẽ là nông nghiệp. Các bạn trẻ hay ngại chân lấm tay bùn, ngại vất vả nhưng em nghĩ làm về nông nghiệp rất thú vị”.

“Em cũng rất hi vọng và sẵn lòng được cộng tác, làm việc vớinhững bạn trẻ có đam mê về nông nghiệp” – Đăng bày tỏ nguyện vọng.

Cuối năm 2016, Đăng là một trong 85 thanh niên nông thôn khởi nghiệp được Trung ương Đoàn chọn trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ 11.

  • Nguyễn Thảo