- Nam sinh chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật hai lần bị từ chối cấp visa vào Mỹ dự thi đã đoạt giải ba cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế tại Mỹ.
Clip: Khoảnh khắc Phạm Quang Huy nhận giải
Theo thông tin trực tiếp từ lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế 2017 (Intel ISEF) tổ chức tại Mỹ, Phạm Quang Huy (học sinh lớp 11A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) đã đoạn giải ba của cuộc thi này với sản phẩm cánh tay robot dành cho người khuyết tật, ở hạng mục "Robot và máy móc thông minh".
Bên cạnh đó, Huy còn được nhận một giải thưởng phụ khác là giải ba do Viện Kỹ nghệ và Điện tử Quốc tế trao tặng.
Giải thưởng của Huy cũng là giải thưởng cao nhất của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi.
Pham Huy trong khoảnh khắc nhận giải thưởng. Ảnh: Nguyen Van |
Cuộc thi năm nay đoàn Việt Nam tham dự với 8 sản phẩm. Ngoài giải ba, còn có 4 giải tư. Bên cạnh đó, 3 công trình còn nhận được 4 giải phụ do các quỹ và công ty công nghệ trao tặng.
Cuộc thi năm nay có 1.403 công trình tham gia, do hơn 1.700 học sinh của 78 quốc gia thực hiện.
Sản phẩm cánh tay robot của Huy là một trong 5 dự án giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía Bắc NĂM 2017, được Bộ GĐT- ĐT cử đại diện Việt Nam dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California, Mỹ.
Phạm Huy đã 2 lần bị từ chối cấp visa sang Mỹ để dự kỳ thi này. Sau khi báo Tuổi Trẻ và các tờ báo khác lên tiếng, Huy được phỏng vấn lần 3 và kịp đến tham dự cuộc thi sau đoàn Việt Nam 2 ngày.
Phạm Huy chia sẻ niềm vui về giải thưởng với bạn bè. |
Năm Huy đang học lớp 8, ý tưởng thiết kế cánh tay robot bắt đầu xuất hiện. Em mò mẫm tìm hiểu và nhờ lượng kiến thức trên internet, Huy bắt đầu hình dung chế tạo cánh tay robot điều khiển từ bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân người khuyết tật.
Việc điều khiển này do các ngón chân điều khiển bốn nút ở đầu mũi giày, tương ứng với cử động co duỗi 5 ngón tay. Cảm ứng chuyển động và cảm ứng nghiêng lắp ở cổ chân điều khiển cánh tay co duỗi, xoay các hướng. Sản phẩm có thể thiết kế cho người mất hoàn toàn hay một phần cánh tay.
Cánh tay có thể cầm nắm được vật nhẹ như thìa nhôm, ly nước, nâng tạ co duỗi nặng 2 kg, xách được vật nặng 11 kg. Quá trình hoàn thiện sản phẩm, Huy nhờ một người khuyết tật sử dụng thử và nhận được đánh giá tích cực.
Năm lớp 10, sản phẩm đầu tay của Huy dự cuộc thi của cộng đồng thiết kế trên mạng Internet và giành giải khuyến khích. Một năm sau, em cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường và dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Giải thưởng cao nhất trị giá 75.000 USD |
giải thưởng cao nhất trị giá 75.000 USD được giao cho Ivo Zell, nam sinh 18 tuổi đến từ Đức với những cải tiến về thiết kế máy bay. Tiếp đến, Amber Yang, nữ sinh 18 tuổi đến từ bang Florida (Mỹ) và Valerio Pagliarino (17 tuổi, Italy) giành giải thưởng trị giá 50.000 USD cho mỗi bạn. |
-
4 giải tư của đoàn Việt Nam Ở hạng mục Hóa học, đoàn Việt Nam có 2 giải tư:
Công trình của Trần Khuê và Vũ Nam Anh, học sinh trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Công trình của Bùi Đỗ Minh Quân và Đỗ Mai, học sinh trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng).
Ở hạng mục Robot và máy móc thông minh, Việt Nam giành một giải tư:
Chử Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) với dự án "Găng tay phiên dịch tương thích với điện thoại thông minh dành cho người khiếm thính".
Ở hạng mục Phần mềm hệ thống, Việt Nam giành một giải tư:
Trần Thị Anh Thư của trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng) với công trình "Phần mềm hỗ trợ học Hóa, tích hợp công nghệ thực tế tăng cường trên nền tảng Android.