- Vào 14h30 chiều thứ Hai 6/3, mời độc giả giao lưu cùng với 3 ứng viên Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2016 ở các lĩnh vực kinh doanh, quốc phòng và lao động sản xuất.
Các khách mời nhận hoa từ đại diện báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ba khách mời tham dự gồm:
Trần Lê Quang Tiến, sinh năm 2002, lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật
Đào Xuân Hoàng, sinh năm 1982, lĩnh vực Lao động sáng tạo
Đỗ Thúy Hà, sinh năm 1981, lĩnh vực Hoạt động xã hội.
Mời độc giả đặt câu hỏi cho các khách mời TẠI ĐÂY.
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:
Nguyễn Mạnh Hưng, 25 tuổi
Nghe nói anh Hoàng đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để làm startup và thậm chí rao bán nhà để phát triển Monkey Junior. Số phận 10 tỷ đồng ấy đến bây giờ thế nào rồi anh? Và tình hình tài chính của anh bây giờ ra sao? Anh đã phải… đi thuê nhà chưa?
Đào Xuân Hoàng: Con số chính xác là 10 tỷ đồng đó tôi đã tiêu hết trong vòng chưa đầy 2 năm. Giai đoạn đó rất nhiều áp lực, bởi là thời gian xây dựng và phát triển sản phẩm, mà sản phẩm giáo dục cần tốn rất nhiều công sức và tài chính.
Chúng tôi muốn xây dựng một chương trình có sự đầu tư về công sức và thời gian, đặc biệt có sự tham gia của nhiều chuyên gia về giáo dục trên thế giới, nên tốn rất nhiều chi phí. Đó là chi phí bắt buộc, chi phí đó đi vào sản phẩm, không chỉ cho người dùng ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Đã có hơn 1,5 triệu người dùng sản phẩm, trong đó có 70% đến từ nước ngoài như Mỹ, Canada…
Đào Xuân Hoàng trả lời trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trần Đức Hùng, 18 tuổi
Anh Hoàng ơi, anh đã vượt qua hơn 1.000 ý tưởng của các CEO đến từ 100 quốc gia trên thế giới để giành giải Nhất cuộc thi Sáng kiến toàn cầu tại Mỹ. Cảm giác đứng trên đỉnh “vinh quang” thế nào hả anh?
Đào Xuân Hoàng: Trước hết tôi xin gửi lời chào đến bạn đọc báo Vietnamnet. Khi đó, tôi cảm thấy rất bất ngờ và vinh dự vì những đội vào chung kết đều rất mạnh, đến từ nhiều nước khác nhau. Sản phẩm của họ có giá trị xã hội cao, thành công và có chất lượng tốt. Ban giám khảo gồm nhiều giáo sư đến từ ĐH Stanford và những doanh nhân thành đạt của Mỹ. Một trong những thành viên của ban giam khảo là cựu giám đốc và thành viên sáng lập của priceline.com - ông Jeff Hoffman.
Tất cả bạn bè gia đình đang live stream, nên cảm giác vui sướng càng nhân rộng hơn.
Thu Vân, 29 tuổi
Bill Gates từng nói rằng: “Cuộc sống vốn không công bằng - Hãy tập quen dần với điều đó”. Chị Thúy Hà nghĩ sao về điều này? Cuộc sống có công bằng với chị không?
Đỗ Thúy Hà: Cuộc sống có công bằng hay không là do mỗi chúng ta tự suy nghĩ và phán xử. Khi mỗi chúng ta không bằng lòng với bản thân mình thì mới có sự vươn lên. Có sự vươn lên thì mới phát triển được. Tôi nghĩ rằng con người không có sự nỗ lực, vươn lên thì cuộc sống rất tẻ nhạt. Còn công bằng hay không thì do mỗi suy nghĩ của mỗi chúng ta.
Với bản thân tôi, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì xung quanh chúng ta còn nhiều người tốt, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau.
Đỗ Thúy Hà trả lời trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngọc Hoa, 17 tuổi:
Là một người khiếm thị, chị Hà đã từng gặp, nghe hoặc trải qua sự kỳ thị từ những người xung quanh chưa? Chị phản ứng như thế nào khi bị kỳ thị? Chị có thể chia sẻ một vài câu chuyện về vấn đề ấy được không? Chị cảm thấy sự kỳ thị với người khiếm thị bây giờ như thế nào?
Đỗ Thúy Hà: Là một người khuyết tật, tôi đã gặp nhiều tình huống bị kỳ thị. Trước đây, tôi nghĩ rằng, tôi cũng đã phản ứng khá là mãnh liệt mỗi khi bị kỳ thị như vậy. Nhưng sau khi đi du học từ Nhật Bản về tôi nghĩ rằng họ chưa hiểu và cũng có thể là do nhận thức của họ thiếu nên mới kỳ thị như vậy.
Có lần tôi đi mua quần áo với mẹ. Khi mẹ tôi dắt tôi vào phòng thay đồ, người bán hàng biết tôi là người khiếm thị nói với mẹ tôi là: "Cháu không nhìn thấy thì mua quần áo đẹp làm gì?".
Lúc đó tôi đã nghĩ, mỗi một con người không phân biệt giàu nghèo hay già trẻ đều có quyền làm đẹp. Có thể người bán hàng chưa nhận thức ra điều này.
Tôi nghĩ rằng, bây giờ phương tiện thông tin đại chúng rất phát triển nên xã hội hiểu nhiều hơn với người khuyết tật nói chung và nguời khiếm thị nói riêng. Mọi người sẽ hiểu hơn về khả năng và hoạt động của người khuyết tật để chung tay giúp họ vượt qua được những khó khăn của bản thân, và sống lạc quan hơn trong xã hội ngày nay.
Mai Hương, 35 tuổi:
Làm Monkey Junior mang lại cho bạn Đào Xuân Hoàng điều gì và khiến bạn mất đi điều gì?
Đào Xuân Hoàng: Monkey Junior mang lại điều lớn nhất là tôi được làm một công việc mình đam mê và có giá trị lớn cho xã hội.
Đó là động lực khiến mỗi ngày trôi qua tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.Tôi được trau dồi thêm kinh nghiệm và kiến thức dạy con để áp dụng cho con cái mình. Điều đó khiến tôi cảm thấy hài lòng.
Còn khi dấn thân vào khởi nghiệp, mất đi lớn nhất là cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Mình có 2 con nhỏ, bình thường dành rất nhiều thời gian cho con, nhưng từ khi công ty phát triển và ngốn nhiều thời gian hơn thì thời gian dành cho con cái ít đi, khiến tôi khá băn khoăn.
Điều tôi biết ơn là các con không trách bố, tôi cũng luôn tận dụng thời gian về nhà để chăm sóc con, dẫn các con và gia đình đi chơi.
Các khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Lê Thanh Hiền, 19 tuổi:
Chị Hà ơi, em rất tò mò là với một người khiếm thị như chị thì khi tham gia các kỳ thi như Olympic tiếng Anh hay làm các hồ sơ để du học Nhật Bản, chị có dùng bút và giấy bình thường để viết không? Nếu không, chắc hẳn là chị đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội để tham gia vào một tổ chức hay công việc nào đó phải không? Chị có thể chia sẻ về những lần chị phải bỏ lỡ điều gì đó chỉ vì chị là người khiếm thị không?
Đỗ Thúy Hà: Thực ra thì ở mỗi một kỳ thi hoặc khi làm hồ sơ, đặc biệt là kỳ thi Olympic tiếng Anh, là thời điểm tôi chưa biết dùng máy vi tính nên phải nhờ một giám thị ghi chép lại bài giúp mình. Và khi đó có máy quay và ghi âm để có sự minh bạch trong bài thi.
Sau đó khoảng 3 năm, tôi đã học được cách sử dụng vi tính, và máy vi tính của tôi được trang bị phần mềm đọc màn hình dành cho người khiếm thị. Từ đó, tôi đã tự làm được từ hồ sơ đến những gì mà một người bình thường làm bằng máy vi tính.
Việc học và việc làm sau này cũng vậy. Tôi phải dùng máy vi tính có cài phần mềm dành cho người khiếm thị.
Ở thời điểm mà trường đại học không nhận học sinh khiếm thị vào học vì chưa biết cách giảng dạy cho người khiếm thị như thế nào, tôi đã bỏ lỡ mất ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh vì không thi vào trường sư phạm ngoại ngữ.
Vĩnh Nam, 22 tuổi: Đọc lý lịch của anh Hoàng có cảm giác anh là một người thông minh, mà thông minh rồi thì làm gì cũng dễ. Còn thực tế thế nào hả anh, anh có phải nỗ lực nhiều không? Anh có thể chia sẻ vấp ngã lớn nhất của anh trong quá khứ và những khó khăn mà anh đang phải đối mặt hiện tại?
Đào Xuân Hoàng: Bản thân tôi nghĩ thành công ít nhiều có được đến từ nỗ lực. Nỗ lực hết mình và đến từ chính đam mê, đam mê từ việc mình làm và yêu thích. Nỗ lực trong khởi nghiệp startup là đứng trong áp lực thường xuyên và đối mặt với nó.
Từ khi ra trường tôi đã bắt tay vào khởi nghiệp luôn, đã tiến hành rất nhiều dự án, có những dự án thành công nhưng không kéo dài. Tôi từng ấp ủ tạo ra 1 trang web giống như download.com và đã từng có, được hàng triệu người dùng nhưng vì nhiều yếu tố mà không thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trở thành 1 dự án thất bại khiến tôi đau đớn. Nhưng chính từ đó tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với tôi là là 1 startup chúng tôi cần phát triển nhanh, startup trong lĩnh vực giáo dục thì cần bài bản, tốn kém nhiều chi phí, cần chọn ra những người có năng lực và cùng đam mê, cùng tầm nhìn và cùng hướng phát triển. Thứ 2 là duy trì được nguồn tài chính dồi dào, ổn định để phát triển dài hơi.
Minh Hòa, 20 tuổi:
Người khiếm thị như chị vẫn có thể học tiếng Anh, trong khi nhiều bạn trẻ hiện nay lại rất yếu về ngoại ngữ. Chị có lời khuyên, bí quyết học tập gì cho các bạn ấy không?
Đỗ Thúy Hà: Nếu nói về bí quyết, tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người sẽ có một kinh nghiệm riêng. Với bản thân tôi thì ngoại ngữ là chiếc chìa khóa rất quan trọng để mở ra những cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài. Mỗi người sẽ có một cách học ngoại ngữ khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải là đam mê vì phải yêu thích mới học được. Còn nếu không yêu thích thì không thể tiếp thu được.
Ngay bản thân tôi, là một người khiếm thị tôi thấy rằng biết ngoại ngữ thì bản thân tôi tự tin hơn rất nhiều so với thời điểm chưa biết ngoại ngữ. Trong xã hội hội nhập hiện nay, ngoại ngữ là chìa khóa không thể thiếu. Các bạn trẻ nên biết ít nhất là một ngoại ngữ.
Đào Tới, 30 tuổi:
Ngoài Monkey Junior, thời gian tới anh có ý tưởng hay dự định nào với một sản phẩm mới nào khác không?
Đào Xuân Hoàng: Khoảng vài tuần nữa chúng tôi sẽ ra mắt chương trình tiếng Trung, Tây Ban Nha, Pháp và tiếng Việt giọng miền Nam, song song với bản tiếng Anh Mỹ, Anh Việt giọng miền Bắc đã có hiện tại.
Bởi đây là chương trình đa ngôn ngữ cho phép bé học nhiều ngôn ngữ khác nhau, hướng vào người dùng toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam, trong đó có Mỹ, bởi hơn 30% người dùng đến từ Mỹ, mà nhu cầu học tiếng Trung và Tây Ban Nha của người Mỹ rất cao.
2 tháng nữa chũng tôi sẽ ra mắt bộ truyện tranh tương tác gồm hàng trăm đầu truyện được xây dựng trong hơn một năm qua, cho phép các bé tương tác với từng nhân vật trong truyện, giúp bé học ngôn ngữ theo một cách hoàn toàn khác, học qua câu chuyện.
Hiện tại Monkey Junior cũng đang xây dựng chương trình Toán học, bởi tham vọng lâu dài của Monkey Junior là trở thành một trường học trực tuyến. Tại đó, các bé có thể học toán, ngôn ngữ, đọc truyện, tư duy logic, khoa học và chúng tôi đang đi theo lộ trình để làm việc này.
Tuyết Mai, 27 tuổi:
Với một người phụ nữ bình thường, vừa đảm nhận công việc cơ quan vừa đảm nhận việc nhà đã là một việc rất khó. Với chị thì sao, đó có phải là một việc khó khăn không? Chị có nhiều thời gian dành cho gia đình không?
Đỗ Thúy Hà: Không phải ai cũng dễ dàng cân bằng công việc cơ quan và việc nhà, bản thân tôi cũng vậy. Vì tôi là người khiếm thị nên công việc làm chậm chạp hơn là những người bình thường.
Vì vậy, để chăm sóc chồng, con mình tôi càng phải dành nhiều thời gian hơn. Có những lúc cơ quan chưa hết việc, nhưng về tới gia đình tôi dành thời gian cho gia đình, khi chồng con đi ngủ rồi thì tôi lại tiếp tục làm việc đến tận khuya để đảm bảo tiến độ công việc ở cơ quan.
Vũ Trung, 32 tuổi:
Tôi không hiểu gì về các ứng dụng điện thoại. Tôi nghĩ chỉ cần vài cái máy tính là làm được rồi. Anh Hoàng có thể cho biết sao phải cần những 10 tỷ không? Nếu cần nhiều tiền như thế để đạt những thành công như anh thì có vẻ sẽ rất khó cho những người trẻ muốn bắt đầu phải không, vì họ không có tiền? Và nếu thế thì cũng có thể hiểu rằng thành công của anh với Monkey Junior ngoài tài năng, nỗ lực thì cũng phải có tiềm lực tài chính mạnh, phải không anh?
Đào Xuân Hoàng: Monkey junior là hệ thống dành cho bé học trong thời gian dài, từ năm này qua năm khác. Chính vì vậy lộ trình học của Monkey Junior yêu cầu chương trình phong phú về nội dung.
Tất cả những nội dung này đều được xây dựng bởi chuyên gia nước ngoài với chi phí rất cao. Cách tiếp cận của chương trình là dạy trực diện dùng hệ thống hình ảnh và video phong phú để miêu tả nội dung học, mà những chương trình này chi phí rất đắt, phải mua bản quyền, chất lượng cũng rất cao.
Song song với đó là hệ thống kỹ thuật cần những người có năng lực và kinh nghiệm.
Nguyễn Tiến Đức, 20 tuổi:
Nếu một bạn trẻ tới hỏi anh rằng: “Anh Hoàng ơi, anh cho em tham gia vào nhóm của anh với”, anh sẽ yêu cầu điều gì đầu tiên với bạn ấy?
Đào Xuân Hoàng: Thứ nhất, bên tôi có rất nhiều mảng khác nhau như xây dựng nội dung, sale, thiết kế, marketing..., nên trước hết phải xem nhu cầu của bạn đó thế nào, năng lực chuyên môn có đáp ứng được nhu cầu hay không?
Thứ hai, người tôi cần là người phù hợp với văn hóa của công ty, đồng thời có niềm tin vào sứ mệnh cũng như những giá trị to lớn mà MJ có thể đem đến cho xã hội.
Quan trọng nữa là hiểu biết và tâm huyết của bạn đối với mảng giáo dục sớm. Đó là điểm cộng khi bạn muốn tham gia vào đội ngũ của chúng tôi.
Hồng Hà, 37 tuổi:
Chị cho rằng khó khăn lớn nhất với những người khiếm thị ở Việt Nam là gì? Chị có dự định gì để xây dựng cộng đồng này lớn mạnh hơn không?
Đỗ Thúy Hà: Khó khăn của người khiếm thị thì rất nhiều, ví dụ như là học tập, đi lại..., nhưng tôi nghĩ rằng khó khăn lớn nhất là thiếu sự đồng cảm của cộng đồng. Nếu cộng đồng có thể hiểu được, chia sẻ, có thể thông cảm, nhận thức được khó khăn của người khiếm thị thì đó có thể là niềm hạnh phúc nhất của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung.
Hiện nay, tôi chưa có dự án cụ thể nhưng cũng đang ấp ủ mong muốn rằng là sẽ có thời gian để tuyên truyền về những khó khăn của người khiếm thị và khả năng mà họ có được trong cuộc sống của mình, để cộng đồng hiểu hơn, biết hơn về người khuyết tật, từ đó sẽ có thông cảm và chia sẻ với người khiếm thị.
Anh Hữu, 28 tuổi:
Nhiều người cho rằng Tiến là “thần đồng”. Thế làm “thần đồng” nhìn chung là sướng hay khổ hả Tiến? Anh nghe nói, thần đồng là hay bị mất tuổi thơ lắm?
Trần Lê Quang Tiến: Thực ra thì danh hiệu “thần đồng” không làm thay đổi gì cuộc sống của em. Em cũng không nghĩ em là thần đồng vì em cũng lớn tuổi rồi, vì thần đồng ám chỉ những đứa trẻ có tài năng xuất sắc hơn em. Những thành công của em là sự nỗ lực của bản thân, cộng với nhiều may mắn và sự dạy dỗ của thầy và sự hỗ trợ của gia đình.
Trịnh Tâm, 31 tuổi:
Theo anh Hoàng, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Anh thấy các bạn trẻ khởi nghiệp gặp những khó khăn gì là phổ biến?
Đào Xuân Hoàng: Theo tôi, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi hơn, có thêm nhiều quỹ đầu tư, bản thân Nhà nước cũng có chương trình khuyến khích, động viên khởi nghiệp.
Tuy nhiên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các nước và sẽ còn mất rất nhiều thời gian để tạo dựng, trong đó tạo ra môi trường thuận tiện cho khởi nghiệp phát triển. Bài toán này đến từ nhiều phía: Nhà nước, chính sách, bản thân người khởi nghiệp, giáo dục, các quỹ đầu tư...
Khó khăn lớn nhất của các bạn trẻ khởi nghiệp là kinh nghiệm và vốn. Ở Việt Nam không có bất kỳ trường học nào dạy khởi nghiệp, không có nhiều khóa học dạy các bạn trẻ chuẩn bị hành trang vào con đường khởi nghiệp, đặc biệt là những kinh nghiệm quản lý nhân sự, tài chính, định hướng sản phẩm, định hướng phát triển.
Đồng thời, nhiều người cũng hay mặc định ý tưởng của mình là ý tưởng hay, tuyệt vời, làm ra sản phẩm sẽ được đón nhận. Điều đó hơi ảo tưởng vì từ suy nghĩ của bản thân đến sự đón nhận của xã hội là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Vậy nên bạn trẻ khi có ý tưởng thì nên tham khảo người dùng tiềm năng của mình, khảo sát xem liệu giải pháp của mình đã thực sự giúp ích cho khách hàng đó không, họ có sẵn sàng bỏ tiền để mua những giải pháp đó không.
Nghĩa, 22 tuổi:
Chơi piano từ khi lên 5 và chuyển qua violon từ năm lên 9, dường như gia đình đã định hướng rằng em phải trở thành một nghệ sĩ. Em có cảm thấy như thế không? Em có muốn trở thành ai khác ngoài việc là một nghệ sĩ không? Ví dụ như là đầu bếp, kỹ sư, doanh nhân chẳng hạn…
Trần Lê Quang Tiến: Em cũng đã thử nghiệm nhiều thứ khác nhau. Khi trở thành một nghệ sĩ, em cảm thấy có một sự gắn kết, kết nối với âm nhạc. Em cũng từng thử nghiệm làm đầu bếp và vẽ, nhưng đó cũng chỉ là một thú vui hằng ngày, chứ em cũng không có ý định theo đuổi những công việc đó.
Minh Tâm, 25 tuổi: Trẻ em hiện nay đang bị hội chứng nghiện smart phone, phần mềm của anh liệu có tăng thêm nguy cơ này với trẻ? Bởi hiện nay các phụ huynh đang tìm cách hạn chế smart phone khuyến khích con học từ mọi thứ trong cuộc sống, thiên nhiên?
Đào Xuân Hoàng: Tiếp cận với thiên nhiên luôn luôn tốt. Bản thân tôi cũng khuyến khích con mình và những người khác cho trẻ tiếp cận với thiên nhiên.
Vừa chủ nhật rồi tôi cũng cho con đến thăm vườn bảo tồn quốc gia Mê Linh để con có cơ hội được tiếp cận với cuộc sống thiên nhiên, có những trải nghiệm thực tế.
Thế nhưng không phải bất kỳ điều gì muốn dạy con cũng có thể cho con trải nghiệm trực tiếp được, mà phải cho con trải nghiệm qua những thiết bị điện tử.
Ví dụ, tôi muốn dạy con về con tê giác, ở Việt Nam rất khó để con có thể tiếp cận được và không phải lúc nào cũng có cơ hội, thời gian để cho con trải nghiệm thực tế. Vì thế chương trình học qua smartphone là phương pháp tối ưu nhất. Và xin nhắc lại chương trình MJ có giới hạn về thời lượng bài học, đồng thời khuyến khích phụ huynh cùng tham gia học với con.
Cô Thảo, 30 tuổi:
Chào Tiến, cô có con năm nay 4 tuổi. Cô cũng muốn cho em học nhạc từ sớm, nhưng cô phân vân không biết nên chọn loại nhạc cụ gì. Cô đang cân nhắc giữa piano và violon. Cháu đã từng học cả hai loại nhạc cụ này, vậy cháu có thể cho cô lời khuyên không? Piano và violon đòi hỏi những tiêu chí khác nhau như thế nào ở người chơi?
Trần Lê Quang Tiến: Câu hỏi của cô cũng không phải là hiếm. Nhiều nhà có thiên hướng cho con học piano hơn. Thực ra là khi mới bắt đầu học, piano đúng là một nhạc cụ dễ học hơn và đỡ tốn công sức hơn. Còn violon thì qua giai đoạn dành cho người bắt đầu rất khó và gian nan. Nếu muốn học violon thì cũng nên học piano trước, vì piano sẽ cho bạn ấy có một âm chuẩn nhất định mà rất khó có thể đạt được ở violon.
Nếu bạn ấy thực sự muốn theo đuổi học một trong hai nhạc cụ thì nên cho bạn ấy cơ hội để tiếp cận với nhạc cụ mà bạn ấy thích.
Võ Tòng, 21 tuổi: Dường như anh đã có thời gian 3 - 4 năm để tìm hiểu trước khi ra sản phẩm đầu tiên. Trong quãng thời gian khá dài đó, anh đã tìm hiểu và nghiên cứu những gì?
Đào Xuân Hoàng: Từ khi con gái đầu ra đời, tôi rất may mắn được tiếp cận với giáo dục sớm. tôi dành nhiều thời gian đọc sách, giao lưu với những ông bố bà mẹ có kinh nghiệm, gặp gỡ chuyên gia. Bản thân tôi tìm hiểu giáo dục sớm là gì, tìm hiểu những chương trình phù hợp và cách thức cho bé tiếp cận chương trình đó, xây dựng học liệu dạy con thế nào cho phù hợp, đặc biệt những phương pháp giáo dục sớm khác nhau.
Tôi hiểu từ lý thuyết đến thực hành khó khăn đến thế nào.
Tôi cũng áp dụng những cái được học vào dạy con. Hai vợ chồng tôi cùng nghiên cứu rất nhiều học liệu đặt mua từ nước ngoài và áp dụng trực tiếp với con.
Tôi gặp gỡ những người có tâm huyết dạy con trong cộng đồng để hiểu rõ khó khăn họ đang gặp phải.
Khi tôi bắt đầu có manh nha về ý tưởng chương trình, tôi cũng tìm hiểu xem ý tưởng sản phẩm như vậy có được phụ huynh đón nhận hay không, có cần điều chỉnh về ý tưởng cho phù hợp hơn với thực tế.
Chi Phạm, 35 tuổi:
Violon dường như là một nhạc cụ “kén” người nghe ở Việt Nam. Cháu có mong muốn là sẽ phổ biến hay đem nó gần gũi hơn tới mọi người không?
Trần Lê Quang Tiến: Cháu rất mong muốn không chỉ mang violon mà còn các nhạc cụ khác gần gũi hơn với mọi người.
Đã có những bằng chứng cho thấy nhạc cổ điển giúp ích cho việc học tập và phát triển não bộ, nên cháu kỳ vọng là nhạc cổ điển sẽ gần gũi và phổ biến hơn với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Trần Lê Quang Tiến, ứng viên nhỏ tuổi nhất của giải thưởng năm 2016. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bình An, 34 tuổi:
Tôi thấy hiện nay có rất nhiều đoàn nghệ thuật của người khiếm thị dựng sân khấu ở ngay vỉa hè để hát và quyên góp tiền. Chị có ủng hộ hình thức này không? Hội người mù quận Đống Đa nơi chị đang công tác có đoàn nghệ thuật nào không? Nếu không thì chị có ý định thành lập một đoàn nghệ thuật như thế không?
Đỗ Thúy Hà: Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có khá nhiều đoàn nghệ thuật mà có những người khiếm thị tham gia. Tôi thì không có ý kiến về những hình thức hoạt động nghệ thuật này. Bởi vì có những đoàn do người khiếm thị tổ chức nhưng cũng có những đoàn không do người khiếm thị tổ chức.
Nhưng ở Hội người mù quận Đống Đa không có đoàn nghệ thuật như vậy và tôi cũng không có ý định tổ chức những đoàn nghệ thuật như thế này. Tôi có những kế hoạch và dự án riêng để giúp các bạn về tinh thần và vật chất mà tôi cho rằng, thiết thực hơn về tinh thần và vật chất đối với các bạn.
Hiện nay, Hội người mù quận Đống Đa đang tổ chức 2 lớp tiếng Anh dành cho những bạn có nhu cầu và yêu thích ngoại ngữ. Có tổ chức một phòng xoa bóp bấm huyệt chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng do trực tiếp những bạn khiếm thị tại quận làm.
Bên cạnh đó có những lớp học chữ nổi dành cho những bạn không có điều kiện đến trường. Có những lớp học hỗ trợ cho các bạn những kỹ năng mềm như làm CV xin việc làm, giao tiếp ứng xử, thuyết trình trước đám đông để các bạn tự tin hơn.
Ngoài ra, hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi có những câu lạc bộ như âm nhạc, cờ vua, phổ biến kiến thức cho các bạn thanh niên trong độ tuổi đi học hoặc có những buổi phổ biến kiến thức về dân số, hôn nhân xã đình đối với những người lớn tuổi hơn....
Những hoạt động này đều phải dựa vào sự đóng góp của cộng đồng xã hội. Các bạn tham gia rất nhiệt tình và nhờ hoạt động như vậy các bạn tìm việc làm cũng dễ hơn, tự tin hơn. Ví dụ các bạn học mát-xa đi làm không những nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ được cho gia đình của các bạn.
Lâm Mai, 35 tuổi:
Người ta nói học tiếng Anh phải giao tiếp với người sử dụng ngôn ngữ tương đồng, học văn hóa của bản địa trong khi đó phần mềm của anh lại hướng các con giao tiếp với smart phone, liệu phần mềm này có hiệu quả?
Đào Xuân Hoàng: Cách tốt nhất để học ngôn ngữ là được sử dụng nó hằng ngày trong cộng đồng. thực tế thì không phải ai cũng có cơ hội này. Rất nhiều bậc phụ huynh phải bỏ rất nhiều tiền cho con học ở trung tâm, từ 300 - 400 ngàn đồng/ buổi để con có cơ hội học với người nước ngoài trong khi hiệu quả không hứa hẹn tốt như mong muốn.
Trong khi đó, MJ đem lại một cơ hội để con có thể tiếp cận việc học tiếng anh ngay từ khi còn nhỏ với một mức phí hợp lý. Chỉ với khoảng 500 ngàn đồng, con bạn được thực hành sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, được nghe tiếng Anh bản xứ và học theo lộ trình khoa học, có những phương pháp học đã được kiểm chứng trên thế giới.
Bản thân smartphone không phải vật gây hại, quan trọng là cách sử dụng nó cho phù hợp.
Kim Oanh, 25 tuổi:
Tiến ơi, tình hình học tập văn hóa của em thế nào? Em có ý định sẽ theo nghiệp violon không? Nếu có thì em có cho rằng cũng không cần phải tập trung vào học văn hóa nhiều lắm không?
Trần Lê Quang Tiến: Em không có khó khăn trong việc học văn hóa. Dù em biết là em sẽ theo nghề đàn suốt đời, em vẫn nghĩ việc học văn hóa rất quan trọng. Nếu mình có những kiến thức về lịch sử, địa lý... thì không chỉ giúp cho việc học đàn mà nó còn tốt hơn với việc thích nghi và hòa nhập với cuộc sống.
Duyên Anh, 18 tuổi:
Một ngày em luyện violon bao nhiêu tiếng hả Tiến? Suốt ngày chơi nhạc như thế, em có hay mỏi cổ hay đau nhức xương không?
Trần Lê Quang Tiến: Thời gian em dành tập violon mỗi ngày khác nhau. Những ngày em bận học, thi văn hóa hoặc có những việc quan trọng, em tập khoảng 3 tiếng.
Thực ra em cũng không để ý đến thời gian lắm. Khi tập em chỉ quan tâm mình tập cho tốt, chứ không nhất định phải tập trong một khoảng thời gian nhất định.
Lê Phước, 25 tuổi:
Xin bạn chia sẻ một chút về hoàn cảnh gia đình và thành công của bạn ngoài nỗ lực của bạn thân còn có sự hỗ trợ thế nào từ phía gia đình? Cha mẹ đã tạo ra niềm đam mê violon ở bạn như thế nào? Xin cảm ơn bạn.
Trần Lê Quang Tiến: Như em đã nói thì gia đình em ủng hộ em hết mình và tạo cơ hội cho việc học đàn của em. Từ khi còn bé, mẹ em hay cho chị và em nghe những bản nhạc khác nhau. Em nghĩ là mẹ em cho nghe nhạc cổ điển nhiều hơn các loại nhạc khác. Khi mẹ đang có bầu em, thường hay ngồi xem chị em tập piano. Em nghĩ là hai điều đó đã giúp em có niềm đam mê với âm nhạc cổ điển.
Lê Văn, 32 tuổi: Chị kỳ vọng gì vào con của mình?
Đỗ Thúy Hà: Thật ra bố mẹ nào cũng kỳ vọng vào con chứ không chỉ riêng bản thân tôi.
Tôi dành cho con những tình cảm yêu thương nhất và mong muốn con mình hiểu được những vất vả của mình đã từng trải qua và nỗ lực bản thân để mai sau bố mẹ được vui. Có nghĩa là con sẽ nỗ lực hết sức, còn kết quả thế nào là do do chính sự nỗ lực ấy chứ bố mẹ sẽ không áp đặt một khuôn mẫu nào dành cho con. Vì tôi nghĩ rằng, áp đặt như vậy sẽ gây cho con những áp lực và có thể tạo ra phản ứng ngược.
Phương Mai, 30 tuổi: Mình có bé trai năm nay mới 3 tuổi. Mình rất muốn cho bé chơi violon. xin bạn cho biết là bé nên bắt đầu học từ độ tuổi nào thì phù hợp?
Trần Lê Quang Tiến: Nếu bạn ấy muốn theo đuổi nghề nhạc thì bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc càng sớm càng tốt. Nếu bạn ấy có dấu hiệu yêu âm nhạc thì nên cho bạn ấy tiếp xúc với âm nhạc, không chỉ là violon. Sau này, nếu bạn ấy muốn tiếp tục với âm nhạc thì cho bạn ấy học tiếp. Còn nếu bạn ấy không muốn học thì cũng không sao cả.
Trần Lê Quang Tiến thích thú với câu hỏi của độc giả. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thu Trang, 19 tuổi: Có kỷ niệm hay sự cố nào trên sân khấu mà em nhớ mãi không?
Trần Lê Quang Tiến: Kỷ niệm mà em nhớ nhất là lần đầu tiên đánh với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam hồi tháng 7/2015, chỉ có 2 - 3 ngày sau khi em đi học hè ở Texas.
Đó cũng là lần thứ 2 hoặc thứ 3 em đi một quãng đường dài như thế và em cũng cảm thấy hơi mệt mỏi và yếu sức khi quay trở lại. Ngày đầu tiên tổng duyệt với dàn nhạc, em bị ù tai vì sau khi đi máy bay. Em cũng bắt đầu lo lắng vì lệch múi giờ và rất khó ngủ ban đêm, còn ban ngày rất buồn ngủ. Nhưng khi lên sân khấu thì tất cả mệt mỏi biến mất.
Em sẽ nhớ mãi kỷ niệm này vì đó là lần đầu tiên em được biểu diễn một tác phẩm lớn như vậy với dàn nhạc.
Thùy Linh, 17 tuổi: Theo nghệ thuật sẽ phải đánh đổi thời gian học văn hóa, bố mẹ em có ý kiến như thế nào về việc này?
Trần Lê Quang Tiến: Gia đình em rất ủng hộ em học nghệ thuật. Như em đã nói thì em cũng không có khó khăn gì trong việc học văn hóa. Trường em cũng rất tạo điều kiện, cơ hội và ủng hộ em trong việc học đàn. Nhiều lúc giờ học đàn có trùng với giờ học văn hóa, trường em cũng rất vui lòng cho em nghỉ học tiết đó để đến Nhạc viện để học.
Chung Anh, 27 tuổi: Ai là người có ảnh hưởng nhất đến Tiến?
Trần Lê Quang Tiến: Người có ảnh hưởng nhất đến em là mẹ em. Mẹ là người nói chuyện và tâm sự với em nhiều nhất. Mẹ là người hằng ngày đưa em đến nhà thầy để học và cũng là người đưa đón em đến rất nhiều nơi.
Nguyễn Điệp, 24 tuổi: Được biết, Tiến từng có thời gian bỏ dở giữa chừng trước khi lại quay trở lại với Violon, Tiến có thể chia sẻ về giai đoạn này và động cơ nào khiến em quay trở lại?
Trần Lê Quang Tiến: Giai đoạn đó là khi em nghỉ violon để quay lại với piano, vì em thấy khi đó chơi violon có vẻ hơi quá sức.
Em quay lại với violon vì nhà em đã có chị gái học piano. Em yêu cả hai nhạc cụ như nhau, nhưng em nghĩ là vì chị em đã học piano rồi và đã quá nhiều người học piano rồi, nên em muốn thử học violon một lần nữa.
Cũng vì chị em thuyết phục mà em quay trở lại với violon. Từ nhỏ hai chị em đều thích tiếng đàn violon.
Lê Vĩnh Bảo, 25 tuổi: Theo anh Hoàng, khởi nghiệp ở lĩnh vực nào có khả năng thành công cao nhất? Khi có một ý tưởng thì những việc đầu tiên phải làm là gì?
Đào Xuân Hoàng: Không có một số liệu nào, công thức nào nói lên lĩnh vực nào thành công nhất. Các bạn nên tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp từ vấn đề bạn đang gặp phải hằng ngày, từ niềm đam mê, sở thích của bạn.
Khi có ý tưởng, việc đầu tiên là khảo sát ý tưởng, cần làm đánh giá sơ bộ khảo sát người dùng tiềm năng để hiểu rõ vấn đề họ đang gặp phải...
Tú Anh, 36 tuổi: Khi chơi nhạc cháu có cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhàng không? Có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chán chường khi cứ chơi nhạc suốt ngày như thế không?
Trần Lê Quang Tiến: Khi biểu diễn trên sân khấu và tập đàn hằng ngày trong phòng thì rất khác nhau. Trên sân khấu mình có cảm giác "bốc" và phiêu", cho mình cảm giác rất đặc biệt, khác ở trong phòng tập - tập trung vào nâng cao kỹ thuật.
Nhiều lúc, cháu cũng cảm thấy hơi mệt mỏi khi phải đi học đàn hay tập đàn. Nhiều lúc cháu cũng cảm thấy hơi nản. Nhưng cháu chưa bao giờ có ý định từ bỏ đàn.
Cháu cũng không cảm thấy chán chường khi ngày nào cũng phải chơi nhạc, vì khi mình chơi nhạc thì các màu sắc mình có thể làm là vô hạn, nên mỗi ngày khi chơi đàn, cháu tìm thấy những cái mới. Âm nhạc không bao giờ là chán nản.
Giành được học bổng của Chính phủ Australia để đi du học, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, chàng trai xứ Nghệ Đào Xuân Hoàng trở về quê hương khởi nghiệp và gặt hái được nhiều thành công nhờ sản phẩm giáo dục “Khỉ con tinh nghịch Monkey Junior”. Monkey Junior nằm trong Top 20 chương trình giáo dục cho trẻ em được tải và mua nhiều nhất ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên App Store và Google Play.Hiện nay sản phẩm có hơn 1.5 triệu người dùng trong đó 30% tới từ Mỹ.
Monkey Junior- là ứng dụng đầu tiên phát triển trên nền tảng di động, đa phương tiện chuyên biệt dành cho trẻ nhỏ từ 6-12 tháng tuổi với các chương trình dạy nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Việt… Chương trình gồm hàng trăm nghìn hình ảnh, video, để em bé có thể học hằng ngày, theo một lộ trình với dữ liệu khổng lồ. Sau hơn 1 năm ra mắt, Monkey Junior là chương trình học đọc được tải nhiều nhất trên App Store và Google Play, hơn 1.5 triệu người dùng và hơn 90% khách hàng hài lòng với đánh giá 5 sao.
Đặc biệt, như một giấc mơ theo như Xuân Hoàng chia sẻ, là chương trình của anh đã giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016 kết thúc vào 25.6 – cuộc thi được Chính phủ Mỹ tổ chức thường niên nhằm chọn ra những tổ chức, công ty công nghệ có giá trị cộng đồng cao.
Đào Xuân Hoàng cũng nhận được nhiều giải thưởng khác như: tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ IX năm 2016, Giải Nhất Nhân Tài Đất Việt 2016, Giải Vàng ICT các nước Asean tại Brunei, Giải nhất thiết kế Doanh nhân Châu Á.
Đỗ Thúy Hà là chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội. Người phụ nữ khiếm thị này là một trong bảy đại diện của bảy nước châu Á - Thái Bình Dương từng giành học bổng Duskin du học Nhật Bản.
Hơn 10 năm theo đuổi giấc mơ tiếng Anh, 2 năm du học Nhật tìm kiếm kỹ năng lãnh đạo với người mù..., giờ chị vừa đứng lớp dạy chữ Braille (chữ nổi) và tiếng Anh cho người khiếm thị nhưng vẫn ấp ủ “giáo án đừng sợ người khuyết tật.
“Chị Đỗ Thúy Hà là một người rất đặc biệt với nghị lực phi thường. Chị là tấm gương tiêu biểu về người tốt, việc tốt với những việc làm đầy nhân văn, giúp những người cùng cảnh ngộ sống tự tin, tự kiếm sống và sống có ích cho xã hội” Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói về Thuý Hà như vậy trong buổi tôn vinh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016.
Bén duyên với violon khá muộn, nhưng cậu bé 15 tuổi Trần Lê Quang Tiến sở hữu khối thành tích đáng nể trong bộ môn nghệ thuật này. Với tài năng âm nhạc thiên bẩm, cộng với sự động viên rất lớn từ phía gia đình,mà cậu đã sớm bộc lộ những khả năng “phi thường”. Nhìn vào bảng thành tích đáng nể: giải nhất Cuộc thi Violon quốc tế tại Thái Lan năm 2014, học bổng Toyota năm 2015 và giải nhất Thi Violon quốc tế tại Kazakhstan (International Violin Competition Kazakhstan) năm 2016. Liên tục đạt danh hiệu học sinh Giỏi văn hóa các năm; học sinh Giỏi của Học viện Âm nhạc quốc gia các năm… mới hiểu vì sao người ta đặt cho cậu biệt danh là “thần đồng”.
Cuộc thi Violon quốc tế tại Kazakhstan là cuộc thi uy tín Châu Âu được tổ chức hàng năm tại thành phố Astana - thủ đô của Kazakhstan dành cho lứa tuổi từ 10 đến 28. Việc Trần Lê Quang Tiến đạt được giải Nhất cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa riêng trong quá trình học tập của cậu mà kể từ khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997 thì Trần Lê Quang Tiến là người thứ hai đã ghi dấu về thành tích đào tạo tiêu biểu đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại cuộc thi Violin Quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của Châu Âu và quốc tế.
Nói về cậu học trò cưng của mình,nghệ sỹ violon nổi tiếng Bùi Công Duy chia sẻ: Trần Lê Quang Tiến “không chỉ xuất sắc mà phải nói là quá xuất sắc”.
Xem thêm các thành tích và đề cử cho gương mặt mình yêu thích TẠI ĐÂY.
- Nguyễn Thảo