- Phản biện lại lập luận cần có nội quy sử dụng mạng xã hội, Hà Chi cho rằng việc nhà trường, phụ huynh và học sinh cùng nhau bàn luận để ra quy định chỉ là trên lý thuyết bởi thực tế nhà trường và giáo viên vẫn có sự ép buộc học sinh theo quan niệm của mình.
Trường Teen là một chương trình thi tranh biện dành cho học sinh phổ thông trên cả nước của kênh truyền hình giáo dục VTV7.
Đề tài tranh biện của số này là vấn đề "Có nên đưa ra nội quy cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội?", do 2 nữ sinh là Hà Chi (học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Yên Bái) và Lưu Ly (học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) dẫn đầu 2 đội.
Ở phía ủng hộ những quy định đối với học sinh khi sử dụng mạng xã hội, Lưu Ly cho rằng những nội quy này là do nhà trường, phụ huynh và học sinh cùng ngồi lại với nhau để bàn luận, thống nhất dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nên không có sự ép buộc từ phía nhà trường đối với học sinh ở đây.
Trước ý kiến của đội bạn cho rằng việc chia sẻ và phát ngôn trên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận, Lưu Ly phản biện: Khi bạn cảm thấy tức giận, mâu thuẫn với ai đó, bạn buông ra những lời nói không hay, xúc phạm người khác thì có phải là tự do ngôn luận hay không?
Nữ sinh này cho rằng tự do ngôn luận cũng cần phải trong khuôn khổ. “Nội quy là khung đối chiếu để học sinh soi vào xem những hành động của mình là đúng hay sai. Nếu sai, sẽ sửa đổi để hoàn thiện bản thân…”. Từ đó sẽ xây dựng một cộng đồng tốt đẹp, môi trường sống lành mạnh và học sinh sẽ học được cách hi sinh vì cộng đồng – Lưu Ly nói.
Phản biện lại những lập luận của đội bạn, Hà Chi cho rằng việc nhà trường, phụ huynh và học sinh cùng nhau bàn luận để đưa ra những quy định chỉ là trên lý thuyết. Còn trên thực tế, nhà trường và giáo viên vẫn có sự ép buộc học sinh theo quan niệm của mình.
Thừa nhận rằng học sinh có quyền nói lên ý kiến của mình, nhưng nếu ý kiến đó lại trái với ý giáo viên thì giáo viên sẽ bác bỏ nó, vì thế về cơ bản nội quy vẫn do nhà trường quyết định.
Đồng ý với thực trạng môi trường mạng xã hội hiện không an toàn, nhưng Hà Chi không đồng ý với giải pháp của đội bạn là đưa ra nội quy. Giải pháp mà Hà Chi đưa ra là sử dụng các trang “confession”.
Theo nữ sinh này, mục đích của giáo dục là chỉ ra cái sai để sửa đổi, chứ không phải là tìm ra cái sai để áp dụng hình phạt.
Ngoài ra, em khẳng định nội quy sẽ xâm phạm đời sống riêng tư của học sinh bằng cách trao quyền cho ban giám hiệu, giáo viên và các học sinh khác soi mói những chia sẻ, trò chuyện của học sinh, từ đó đưa ra hình phạt với những hành động vi phạm nội quy. Từ đó sẽ gây ra tâm lý dè chừng với những người xung quanh, hoang mang, cảnh giác và mất niềm tin vào thầy cô, bạn bè. Và sau cùng sẽ dẫn đến cách sống không chia sẻ, lên tiếng, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
“Nếu một xã hội mà những người sống trong đó chỉ biết sống cho bản thân mình, không nghĩ tới người khác, không có đoàn kết dân tộc thì đất nước đó không thể phát triển được” - Hà Chi kết luận.
Kết thúc lượt thi này, Lưu Ly tới từ THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái giành trọn 30 điểm của cả 3 giám khảo trong khi Hà Chi của THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam không giành điểm nào.
Kết quả sau 3 vòng thi, đội THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành giành 50 điểm, đội THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam giành 40 điểm.
Tuy nhiên, ở phần cuối cùng, khi giám khảo được chọn một thành viên xuất sắc nhất của 2 đội chơi để tặng 5 điểm của mình thì cả 3 giám khảo đều chọn Thanh Giang của THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, giúp kết quả chung cuộc của đội này tăng lên 55 điểm và đánh bại đội của THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành để giành chiến thắng. THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tiếp tục bước vào vòng tứ kết của cuộc thi năm nay.
- Nguyễn Thảo (Clip: VTV7)