Không cần tới phòng thí nghiệm, chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối Internet, người học có thể tự tay pha dung dịch, làm thí nghiệm chỉ bằng những cái “click” chuột với nền tảng giáo dục Open Classroom.

Open Classroom là sản phẩm dịch vụ giáo dục do 2 nhà khoa học trẻ Nguyễn Hữu Hải và Phạm Thành Nam tới từ Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sáng lập.

Trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ở bậc giáo dục phổ thông, bản thân là những nghiên cứu viên ngành công nghệ thông tin, anh Nguyễn Hữu Hải và Phạm Thành Nam coi đây là thách thức, cơ hội, trách nhiệm của mình với xã hội.

“Chúng tôi rất trăn trở với việc đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy năng lực của người học. Chính vì vậy, chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu và xây dựng nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom với mong muốn mang đến một môi trường giáo dục tương tác chất lượng cao, tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới” – anh Nguyễn Hữu Hải cho biết.

Mục đích của nền tảng giáo dục này là giúp mỗi học sinh học tập chủ động, tư duy sáng tạo và phát triển kỹ năng phù hợp với yêu cầu cuộc sống.

Open Classroom chứa hàng nghìn bài học trực quan, các phòng thí nghiệm ảo tương tác sống động, đáp ứng nhu cầu truy cập của hàng triệu học sinh.

Anh Hải cho biết, khác với các hệ thống giáo dục trực tuyến hiện có, Open Classroom tập trung vào yếu tố thực hành và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đảm bảo học đi đôi với hành. Mỗi bài học là một khám phá, mỗi khóa học là một hành trình, mỗi thí nghiệm là một trò chơi sáng tạo.

{keywords}
Nhóm nghiên cứu sản phẩm Open Classroom

Ở trong nước hiện nay, các website vẫn đang tập trung vào bài giảng dạng văn bản, hình ảnh, video và vẫn là cách tiếp cận một chiều. "Điểm khác biệt nhất của Open Classroom là có sự tương tác, tự tay kéo thả, rót dung dịch, đặt thông số…" - đồng tác giả Phạm Thành Nam cho hay.

“Ví dụ như với thí nghiệm con lắc lò xò, qua “click” chuột, người học có thể tự tay đặt con lắc lò xo tại một thời điểm, thả ra sẽ có giao động, biểu đồ thông số, có thể thay đổi dữ liệu đầu vào để thay đổi dữ liệu đầu ra”.

Hiện tại, nền tảng đang tập trung nội dung vào các môn khoa học tự nhiên trước, như: toán, lý, hóa, sinh, địa lý, thiên văn… Các môn khoa học xã hội là mục tiêu của nhóm tác giả trong thời gian tới.

Để xây dựng được sản phẩm hoàn thiện như ngày hôm nay, trong vòng 2 năm, nhóm tác giả đã phải tham khảo các kho kiến thức mở đã được thế giới công nhận, cộng với sự hỗ trợ của các chuyên gia về một số lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Không chỉ nhắm đến đối tượng học sinh phổ thông, sản phẩm còn cung cấp các công cụ giúp giáo viên dễ dàng tạo ra các bài học và chia sẻ kiến thức, giúp phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em và giúp các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách.

Open Classroom sử dụng nhiều công nghệ mới nhất hiện nay như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tại ảo và áp dụng các tiêu chuẩn kết nối hiện đại. Đặc biệt, nhóm tác giả giữ độc quyền công nghệ siêu máy tính nano duy nhất trên thế giới, được sử dụng rất hiệu quả cho máy giải toán tự động.

{keywords}
Open Classroom là một trong 3 sản phẩm đạt giải Nhất cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017 do Trung ương Đoàn và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức

Về mặt công nghệ, nền tảng còn cho phép phát triển các ứng dụng giáo dục trên nó (mỗi thí nghiệm hoặc bài học tương tác là một ứng dụng). Học sinh có thể sử dụng Open Classroom trên nhiều thiết bị khác nhau, trên tất cả các hệ điều hành và trình duyệt phổ biến. Đặc biệt, các nội dung bài học được hỗ trợ cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong 2 năm xây dựng sản phẩm, cả nhóm gồm 6 thành viên đã trải qua rất nhiều khó khăn từ việc khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục phổ thông cho đến việc tìm hiểu các mô hình giáo dục trên thế giới, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với học sinh Việt Nam.

Bài toán đặt ra trước mắt cho nhóm là làm sao để sản phẩm tiếp cận và triển khai được tới 15 triệu học sinh phổ thông trên cả nước. Anh Hải cho biết, sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017, đầu năm 2018 sắp tới, đơn vị tổ chức giải thưởng là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ ngồi lại với nhóm để cùng nhau có những giải pháp và hỗ trợ cụ thể nhằm phát triển sản phẩm.

Tham gia cuộc thi, Open Classroom được các chuyên gia, ban giám khảo tới từ Bộ GD-ĐT đánh giá cao về tính sáng tạo, sự dày công nghiên cứu và hiệu quả thực tiễn.

“Hiện tại, tốc độ phát triển của sản phẩm rất khả quan. Sau 2 tháng ra mắt đã có hàng nghìn tài khoản đăng ký, lượng truy cập lớn mỗi ngày và vẫn tiếp tục tăng mạnh” – anh Hải vui mừng chia sẻ.

Kế hoạch của nhóm vẫn là cho phép người dùng sử dụng miễn phí trong vòng 1-2 năm tới, đồng thời trong thời gian này ghi nhận những phản hồi, đóng góp của học sinh, giáo viên và các nhà giáo dục.

Nguyễn Thảo

Sản phẩm nhận diện khuôn mặt chính xác 96% của sinh viên

Sản phẩm nhận diện khuôn mặt chính xác 96% của sinh viên

Nhóm sinh viên đến từ 3 trường ĐH đã nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm được đánh giá là có khả năng giải quyết nhu cầu thực tiễn cao và có triển vọng để đưa ra thị trường