Chuyện dạy kĩ năng sống (KNS) đã được những nhà giáo dục VN nói đến rất nhiều từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn khó triển khai ở nhiều trường học.
Trăm điều khó
Trường TH Kim Đồng (Q. Gò Vấp, TP.HCM) vừa tổ chức cho 500 học sinh vào siêu thị “đại náo” để học cách xài tiền. Tuy nhiên, để tiết học sống động đó diễn ra, nhà trường phải “huy động tổng lực” giáo viên và kết hợp với một công ty tổ chức sự kiện. Trường Kim Đồng cũng như bao trường công lập khác, muốn tổ chức một tiết học ngoại khóa, nhà trường rất vất vả.
Tại TP.HCM, nhiều trường phổ thông công lập không mấy thiết tha với môn kỹ năng sống (KNS) vì học sinh và giáo viên cả ba cấp học đều quá tải với các môn chính.
Chẳng những không có thời gian, trường nào muốn dạy KNS cũng sẽ đối diện khó khăn về việc không có đội ngũ giáo viên. Hiện giáo viên KNS chủ yếu được đào tạo những chuyên ngành gần với KNS như tâm lý học, giáo dục học, nhân học, xã hội học… Các cử nhân này chủ động học hỏi thêm về KNS để đứng lớp. Trường nào có ban giám hiệu thực sự quan tâm đến môn KNS, sẽ mời các giáo viên này về cộng tác.
Tại một số trường tư thục quan tâm đến dạy KNS cũng chưa đưa KNS vào thành môn chính khóa mà chỉ dạy theo từng “gói” chương trình, mỗi năm thực hiện một “gói” đào tạo trong 6 tuần.
Đưa KNS thành môn chính
Hai năm nay, trường chuyên Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã chủ động mời giáo viên KNS về dạy định kì cho học sinh bán trú, 1 tiết/ tuần. Kinh phí giảng dạy do nhà trường năng động tạo ra.
Ngoài ra, trường THPT tư thục Thái Bình (Q. Tân Phú, TP.HCM) cũng đưa KNS vào giảng dạy như một môn chính, được đông đảo phụ huynh hưởng ứng tích cực.
Thạc sĩ tâm lý Ngô Thị Mỹ Duyên, giáo viên giảng dạy KNS tại trường chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Tôi khảo sát nhu cầu học của học sinh và soạn giáo án các chủ đề mà học sinh quan tâm như quản lý cảm xúc, tình yêu tuổi học trò, phòng chống xâm hại tình dục… Chúng tôi xác định KNS như một môn chính khóa, yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch và giáo viên đánh giá sau khi học xong mỗi chủ đề. Với mỗi chủ đề, học sinh được học 1 tiết lý thuyết và 1 tiết thực hành”.
Vài năm nay, ngành giáo dục khu vực Tây Nguyên như được thổi một làn gió mới khi xuất hiện ngôi trường liên cấp I, II, III Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột), có quy mô lớn hàng đầu cả nước, được xây dựng trong khuôn viên lên đến 10,7 ha. Một trong những điều đặc biệt của trường là đưa môn KNS vào chính khóa, thành lập một tổ bộ môn KNS với giáo viên chuyên biệt. Học sinh ở Hoàng Việt được học định kì 1 tiết KNS/ tuần (đối với cấp 1), 2 tiết KNS/ tuần (đối với cấp II. III) và hầu như mỗi tháng đều được điền dã để trải nghiệm thiên nhiên, thực hành kĩ năng sinh tồn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Phương (Tổ trưởng Tổ KNS-Trường liên cấp Hoàng Việt) cho biết: “Trường Hoàng Việt là đơn vị tiên phong đưa KNS trở thành môn chính. Kĩ năng nào cũng cần được trường tạo điều kiện để rèn luyện, nhất là những kĩ năng sinh tồn và tự chăm sóc bản thân. Giáo viên KNS ở đây có lợi thế khi Hoàng Việt có một trang trại nuôi trồng nông sản rộng 14 ha, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho học sinh, vừa là nơi để các em thực địa.
Ngoài ra, nhà trường cũng có một khu thiên nhiên với rừng, ao hồ, vườn cây ăn trái để học sinh có thể đến đây cắm trại, thực hành các kĩ năng. Với KNS để triển khai thực địa như thế này rất quan trọng”.
Trường liên cấp I, II, III hiện đang giữ kỉ lục về quy mô xây dựng (khuôn viên 10,7 ha). Nhờ lợi thế về cơ sở vật chất, trường này đã giúp học sinh được thụ hưởng việc học KNS đúng nghĩa. |
“Hoàng Việt là trường tư nên thời lượng được linh động hơn. Các giáo viên môn khác cũng được yêu cầu để thực hiện đồng bộ và hiệu quả việc tích hợp nội dung dạy KNS. Đơn cử, có thể dạy kĩ năng thuyết trình đối với môn Văn, dạy kĩ năng phản biện đối với môn Toán. Ngoài ra, các chủ đề như bộ giá trị sống, cảm xúc xã hội (nhận thức bản thân về cảm xúc, năng lực, biết tạo mối quan hệ, kĩ năng ra quyết định, học thông qua trải nghiệm…) cũng được dạy và học rất nghiêm túc và hiệu quả”, Ths Xuân Phương cho biết thêm.
Học sinh thực nghiệm cách trồng và thu hoạch rau. Nhờ có trang trại riêng, Trường Hoàng Việt tổ chức cho học sinh điền dã hàng tuần. |
Quang Anh