- Soi” là một thói quen rất điển hình và thường thấy của các "anh hùng bàn phím", mỗi khi có những câu chuyện về khác biệt của người khác.
Những nghi vấn "đi 25 quốc gia từ 700 USD"
Gần đây, trên một diễn đàn mạng đang xôn xao về chủ đề Huyền Chip và Xách ba-lô lên và đi.
Nội dung của topic này xoay quanh những nghi vấn rằng hành trình đi hơn 20 nước của Huyền Chip với 700 USD là có thật hay không.
Khá nhiều thành viên thắc mắc và muốn được chứng minh hành trình đi hơn 20 nước của Huyền Chip là thật. “Chỉ cần em đưa ra cuốn hộ chiếu + Visa + thị thực xuất nhập cảnh của đầy đủ 25 nước em từng đi qua…”.
Có ý kiến đọc vanh vách về “chiến lược ra sách” của Huyền:
“Chỉ cần doanh thu quyển 2 này khả quan, lại trở thành đại diện của vài nhãn hàng nữa thì sẽ có tiền để tái đầu tư vào đợt 3.
Lần 3 này địa điểm đến chắc sẽ là Châu Âu ( nơi an ninh khá tốt), em nó có tiền rồi thì sẽ đi thật, cập nhật chi tiết và hình ảnh…
Rồi với thành tích đi 50+ quốc gia, em nó trở thành đại sứ du lịch, đại sứ hình ảnh blah blah chỉ là vấn đề thời gian. Nếu khôn khéo xin chân vào các tổ chức nhân đạo, bảo vệ động vật hoang dã, từ thiện… nữa thì càng nổi”.
Hay có những bình luận để chứng minh rằng việc Huyền Chip đi được hơn 20 nước là điều khó tin:
“Thủ tục về cơ bản là giống nhau ở các nước, nhưng có 1 cái mà bất cứ nước nào cũng cần là: Chứng minh tài chính... Số tiền chứng minh tài chính nhiều ít tùy nước, nhưng không dưới 5000$ nhé. Vậy cho mình hỏi, với 700$ ban đầu, em Chip có thể làm được cái chứng minh tài chính hay không? Hay là 700$ dắt túi thôi, còn trong thẻ có vài nghìn $? Mình cam đoan nếu thiếu chứng minh tài chính, không 1 nước nào cấp Visa cho bạn hết”!!!
Rồi những ý kiến cho rằng Huyền Chip có nhiều tiền, quan hệ rộng, có tay to đỡ sau...
Huyền Chip lên tiếng
Một tác giả sau khi ra sách về những chuyến đi của mình đã phải ấm ức gọi điện về chia sẻ với người bạn thân: “Trang web đó là cái gì mà trên đấy quạ đậu nhiều thế?”, khi đọc thấy nguyên một topic mổ xẻ tơi tả quyển sách của mình.
Còn bây giờ, đến lượt Huyền Chip thốt lên “Tôi ghét nhất là bị chụp mũ lừa dối. Có thể chê tôi xấu, chê tôi viết không hay, nhưng tuyệt đối không được cho rằng tôi lừa dối”.
|
Cho tôi xem quyển hộ chiếu cộp đầy dấu, Huyền bức xúc: “Về chuyện xin visa, thì “ăn vạ để xin visa” chỉ là một câu nói chơi với bác Vũ Khoan, khi tôi gặp bác ở một cuộc hội thảo. Không ngờ các bạn lại cho rằng tôi áp dụng “biện pháp” này để xin visa khắp nơi và cười giễu tôi. Còn chuyện tại sao ít tiền mà vẫn xin được visa, không phải chứng minh tài chính, thì hãy xem lại lịch trình của tôi. Tôi đâu có đến những nước như Mỹ, Úc hay châu Âu. Những nước tôi đến đều là đang phát triển hoặc chậm phát triển, thủ tục xin visa khá đơn giản, nhiều khi chỉ cần nộp vài chục USD ngay cửa khẩu là được vào. Và cũng có những nước tôi không thể xin được visa, phải bỏ cuộc đấy thôi”.
“Các bạn thắc mắc tại sao tôi đi đâu cũng xin được việc làm? Tôi có thể nói điều này phụ thuộc vào năng lực và tính kiên trì của mỗi người. Khi tôi sang Tanzania, có một chị khi thấy tôi xin được việc đã hỏi rằng tại sao lại nhanh thế, trong khi chị đã ở đây 3 tháng mà vẫn chưa có việc? Tôi hỏi chị xin thế nào? Chị nói chị ngồi nhà và tìm việc trên mạng. Tôi nói luôn nếu làm thế sẽ không bao giờ xin được việc. “Bí quyết” của tôi là đi xin việc luôn ngay khi vừa tới nơi, có khi phải đi vài chục chỗ mới tìm được chỗ làm ổn. Ở Việt Nam cũng có người xin được việc, người không xin được việc mà.
Còn tại sao lại xin được việc khi không có bằng cấp gì, thì tôi có nhắm đến những công việc cần bằng cấp đâu?”
Trước những ý kiến bày tỏ sự lo lắng rằng những việc làm của Huyền cổ súy cho các bạn trẻ… liều mạng xách ba lô lên và đi, Huyền thẳng thắn:
“Đây là những điều lo lắng vô lý. Tôi không cổ súy điều gì hết. Bây giờ đang thời kỳ hội nhập, các bạn không ra nước ngoài mới đáng lo.
Tôi thấy có những bạn cho rằng tôi phạm pháp khi nhập cảnh vào Malawi mà không xin visa, thì, như tôi đã giải thích, “đi chui” là chuyện tình cờ, và điều đó đâu có nghĩa là tôi vẽ đường cho người khác. Chả lẽ hàng ngày báo chí đưa tin về tai nạn giao thông là cổ vũ cho mọi người phạm luật?”
Người trẻ thiếu niềm tin hay quá tự ti?
Ngoài bệnh “soi”, không ít bạn trẻ còn bị hội chứng “mình không làm được thì người khác cũng không thể làm được”.
Có khi là chuyện mình xin được visa 3 tháng vào Ấn Độ thì bạn kia không thể xin được visa 6 tháng – mà không hề nghĩ đến chuyện chính sách visa của mỗi quốc gia có sự thay đổi ở mỗi thời kỳ.
Hay gần đây là chuyện một cô bé chia sẻ việc đi xe đạp đến Tây Tạng trên một diễn đàn. Chuyến đi của cô bé phải dừng lại khi chưa đến đích có lẽ không làm cô bé ấm ức khi dừng topic, vì bài đưa lên, chi tiết, đầy đủ cả ảnh… nhưng vẫn vô số người lao vào bảo cô đang “chém gió”, không thể đi được vì “tôi đi ôtô còn mệt thì bạn không thể đạp xe”, hay rất vu vơ kiểu mặc quần bò thì không thể đạp xe đường dài...
|
Huyền Chip thật sự băn khoăn khi cho rằng:
“Tại sao mọi người sẵn sàng tin vào bất kỳ lời nói vu vơ của một nick ảo trên mạng mà lại không tin tôi?
Bút sa gà chết. Muốn kể chuyện linh tinh, thì nói miệng an toàn hơn nhiều. Đằng này, tôi ra sách như thế, lẽ nào lừa dối cả một đất nước? Tôi đâu có gan to như vậy. Tôi đưa cả tên người, địa chỉ cụ thể vào mà, làm sao tôi dám liều?”
“Tôi không ngại phản biện, nhưng tôi không muốn phản biện với những “anh hùng bàn phím” vô danh. Tôi đã định im lặng, nhưng không hiểu sao lại có những bạn lại nói năng “hung hãn” thế, và có những biệt danh “nhiệt tình” một cách đáng kinh ngạc, đưa hàng chục lời bình luận chỉ trong vài ngày. Điều này không những ảnh hưởng đến bản thân tôi, mà rất nhiều bạn bè đã bày tỏ bức xúc, lo lắng thay tôi. Tôi không muốn sự việc đi xa hơn nữa, nên quyết định lên tiếng. Nếu có bạn nào cần “bằng chứng” cụ thể, xin mời từ 9h - 11h ngày 19/9 này đến gặp tôi tại Trung tâm văn hoá Pháp L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội”.
- Chi Mai