Đã có nhiều ý kiến về ý tưởng dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ cho hệ thống giáo dục. Từ CHLB Đức, TS Nguyễn Sỹ Phương gửi tới VietNamNet bài viết chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này.

VietNamNet giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Sỹ Phương và mong nhận được các ý kiến khác của độc giả theo địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn.

{keywords}

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, tổng số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người. Trong đó, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%)

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích cơ chế đề xuất khác trước đây: Đào tạo tiến sĩ phải gắn với sử dụng. Cơ sở nào có nhu cầu sử dụng tiến sĩ thì mới được đào tạo. Nhà nước hỗ trợ, nếu người đi học đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu, sẽ được cấp học bổng toàn phần hoặc một phần, mở rộng cho mọi đối tượng không phân biệt công lập hay tư thục.

Mối quan hệ giữa học vị tiến sỹ và nghề nghiệp

Tiến sĩ nước nào thì cũng chỉ là một học vị, tức kết qủa đào tạo tác động qua lại giữa nhà trường và nghiên cứu sinh ngoại trừ “tiến sỹ danh dự" do luật về giáo dục và đào tạo nước đó điều chỉnh. Số lượng tiến sỹ ra trường tại một thời điểm nào đó là kết quả quan hệ giữa “cung" (do nhà trường cấp học vị đó) và “cầu“ (do nhu cầu người học muốn có học vị đó), được hiểu là “điểm cân bằng cung cầu“ tại thời điểm đó.

Ra trường, họ có quyền hiến định được tự do mưu sinh, chọn lựa nghề nghiệp và chỗ làm, không thể buộc họ phải hành nghề được đào tạo ban đầu (giảng dạy tại các trường đại học hoặc làm việc ở công sở tổ chức doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều do mối tương quan giữa lợi ích của cả bên thuê việc lẫn bên nhận việc quyết định).

Đến như nghề điều dưỡng ở Đức hiện thiếu nhân lực trầm trọng, tuyển sinh từ Việt Nam sang học để sau đó ở lại làm việc, cũng chỉ có thể ký được hợp đồng lao động ba, bốn năm, còn sau đó làm tiếp hay đổi nghề là quyền của họ. Thậm chí, đang học họ bỏ dở hay cưới vợ chồng Đức rồi đoàn tụ tìm việc khác cũng đành phải chấp nhận, vì đó là quyền hôn nhân và gia đình được hiến pháp bảo đảm.

Do đó số lượng tiến sỹ làm việc ở các trường viện tại một thời điểm là kết qủa, điểm cân bằng giữa “cung" (số tiến sỹ tìm được việc trên thị trường lao động) và “cầu" (số lượng tiến sỹ do “chủ thuê việc", đặc biệt viện, trường đại học thuê tại thời điểm đó).

Như vậy, số lượng tiến sỹ làm việc đúng chuyên môn (chủ yếu trong viện, trường, cơ quan quản lý liên quan) là kết qủa hai mối quan hệ, điểm cân bằng cung cầu học vị tiến sỹ trên 2 thị trường đào tạo và lao động bậc cao tác động lẫn nhau (về mặt toán học có thể biễu diễn bằng đồ thị nguyên lý trên).

Phân biệt quan hệ cung cầu theo mô hình kinh tế

Trong mô hình kinh tế quản lý tập trung nước ta theo đuổi trước đây, về mặt thể chế, cả đào tạo lẫn sử dụng tiến sỹ đều được Nhà nước kế hoạch hoá, dù học trong hay ngoài nước cũng phải chấp hành. Nghĩa là Nhà nước quyết định mối quan hệ cung cầu tiến sỹ trên cả thị trường đào tạo lẫn lao động.

Đề án 911 hiện hành và ý tưởng 12 nghìn tỷ đào tạo 9.000 tiến sỹ không có gì phải phản biện nếu lấy mô hình thể chế trên cả về lý do lẫn cơ chế đã nêu làm căn cứ thước đo.

Với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập và di dân như vũ bão ngày nay, Đề án 911 cho kết quả thực tế, dù chỉ tiêu kế hoạch đã xác định thì trong 5 năm triển khai (2012 – 2016) cũng chỉ đạt được khiêm tốn 800 tiến sỹ tốt nghiệp nước ngoài về nước. Sắp tới có 900 nghiên cứu sinh trúng tuyển, nhưng cũng chỉ khoảng 400 người đang làm thủ tục cho niên khoá 2018. Còn sau khi hoàn thành, tỷ lệ bao nhiêu người trở về chưa thể khẳng định.

Nếu lấy kết quả, thực tế trên làm căn cứ thước đo, thì để đạt được mục tiêu đề án đã định, cần tham khảo thực tế thế giới đang làm để có chính sách thích ứng, nếu không khó tránh khỏi bất khả thi.

Dẫn liệu từ nước Đức

Cầu học vị tiến sỹ ở Đức hình thành như thế nào?

“Cầu" trong kinh tế học được hiểu “có khả năng thanh toán", tức đo bằng số tiền chi cho nhu cầu đó.

Để có bằng cấp đào tạo, phải có qũy tài chính trang trải cuộc sống khi đi học, và học phí (ở Đức hầu như được miễn), do mình có hoặc được tài trợ, tức học bổng. Tổng hợp quỹ đó cho cả nước trong một khoảng thời gian chính là “cầu" về học vị tiến sỹ trong thời gian đó.

Khác với nước ta cấp học bổng tiến sỹ chỉ xuất phát từ Đề án 911 (nghĩa là không mang tính chế tài đối với Nhà nước, tuỳ thuộc nhận thức và quyết định của cơ quan hành chính), học bổng ở họ được điều chỉnh bởi Luật hỗ trợ đào tạo giáo dục BAföG, gồm 68 điều, dài trên 15.000 chữ, ban hành từ năm 1971, sửa đổi lần gần nhất mới đây ngày 29/3/2017, mang tính chế tài cơ quan hành chính Nhà nước, vi phạm bị khiếu nại, viện đến toà án phán quyết, và thi hành án, tức hoàn toàn tự động không phụ thuộc người hành xử.

{keywords}
Trường ĐH Universität Leipzig 

Với Luật BAföG, học bổng được coi là quyền hưởng trợ cấp xã hội (tức Nhà nước phải cấp, chứ không phải xin cho) với mục đích bảo đảm tài chính cho bất kỳ học sinh sinh viên nghiên cứu sinh nào, dù gia đình hay bản thân thu nhập không có hoặc thấp, đều có quyền được đào tạo.

Học bổng đủ cho họ trang trải được chi phí cuộc sống cá nhân và người họ phải chu cấp, được hưởng tiêu chuẩn bảo hiểm xã hội (sức khoẻ, tai nạn, hưu trí sau này). Mức học bổng được lượng hoá, người đệ đơn có thể tự tính được, tùy thuộc vô số yếu tố: ngành nghề, trường, hệ, cấp học, thời gian đào tạo, khả năng tốt nghiệp, độ tuổi đối với từng cấp đào tạo, hoàn cảnh cá nhân gia đình (con nhỏ, thai sản, bệnh tật) trừ đi thu nhập cá nhân (làm thêm) và phần gia đình có khả năng chu cấp, tài sản có thể bán hiện có...).

Học bổng mức tối đa đối với nghiên cứu sinh niên học 2017 là 735 Euro/tháng, một nửa dưới dạng cho vay không lãi trả sau khi ra trường có việc làm với mức thu nhập vượt mức sống tối thiểu.

Với Luật BAföG, nhu cầu có khả năng thanh toán về học vị tiến sỹ ở họ hầu như được bảo đảm cho bất kỳ ai đủ chuẩn kiến thức đều có thể làm luận án tiến sỹ (nghĩa là cầu không bị giới hạn), khác với Đề án 911 ấn định số lượng tiến sỹ tức giới hạn trên (kinh tế học gọi đó là thị trường không đầy đủ hay không hoàn thiện).

Kích “cầu“ tiến sỹ

Học bổng ở Đức không chỉ do Nhà nước cấp mà còn có tới 2.300 tổ chức cơ quan doanh nghiệp cấp (tạm gọi “cơ quan tài trợ“) cho những người tài năng (tạm gọi học bổng ưu tiên), với tỷ lệ dành cho nghiên cứu sinh chiếm trên 20% cấp theo đề tài hoặc lĩnh vực.

Nhờ vậy, học vị tiến sỹ họ được kích cầu không giới hạn. Bất kỳ ai tài năng đều có thể đệ đơn xin cấp kể cả người nước ngoài nếu cơ quan tài trợ chủ trương. Tên cơ quan tài trợ có thể tìm kiếm trên mạng và liên hệ với họ, sẽ có tới 10 đến 20 nơi chào học bổng thích hợp cho một đề tài hay một lĩnh vực mình muốn.

Mức học bổng toàn phần thường 1.300 Euro/tháng, ngoài ra còn học bổng bán phần cho từng công đoạn chẳng hạn cho giai đoạn khảo sát tìm đề tài, giai đoạn in ấn, tham gia chuyên đề, đi lại...

Ví dụ, Quỹ học bổng của Hiệp hội công nghiệp hoá chất hiện đang mời nghiên cứu sinh với mức học bổng 1.600 Euro/tháng trong 2 năm (có thể gia hạn), điều kiện ứng viên phải tốt nghiệp đại học hoá thời gian học 5 năm, kết quả xuất sắc, dành cho tất cả công dân EU.

Hay Đại học Tổng hợp Universität zu Lübeck cấp cho nghiên cứu sinh học bổng đi lại tham gia hội thảo, chuyên đề mức 500 Euro/tháng trong vòng 6 -18 tháng, điều kiện đã học đại học y, kết qủa xuất sắc...

Còn nữa, kể cả sau khi tốt nghiệp tiến sỹ, sẽ được cấp học bổng qúa độ trong thời gian tìm việc tranh thủ nghiên cứu khoa học, như Trường ĐH Tổng hợp Posdam cấp học bổng cho phụ nữ thoả mãn điều kiện trên, mức 1.300 Euro/tháng, trợ cấp con 160 Euro/tháng trong vòng 6 tháng, với điều kiện bảo vệ luận án xuất sắc.

Kết quả, do học bổng vừa từ luật BAföG vừa từ ưu tiên, điểm cân bằng cung cầu học vị tiến sỹ Đức luôn được đẩy lên.

Hiện tiến sỹ ở Đức chiếm chừng 1,3 % dân số (tức 1.000 người dân có 13 tiến sỹ), ở Mỹ chừng 1,5 %. Tính từng năm, theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2013 Đức cấp 27.707 bằng tiến sỹ (so với năm 2010 cấp 25.500), vượt xa cả tổng số 10 năm đào tạo tiến sỹ theo Đề án 911 ở ta, trong khi dân số 2 nước ngang ngửa nhau, phản ảnh trình độ lao động bậc cao tiến sỹ ở họ gấp 10 lần ta.

Vấn nạn tiến sỹ “giấy", “giả", “mượn", “không bảo đảm quy chuẩn"

Thị trường nghĩa là có người mua khắc có người bán, tranh nhau mua thì đổ xô bán. Đó là quy luật cầu tăng kéo theo cung (và ngược lại). Lúc đó có thể xảy ra cung tăng giá/đơn vị, chất lượng giữ nguyên (tức đắt đỏ), hoặc giá giữ nguyên, chất lượng giảm để tăng số lượng.

Đến thuốc men gắn với sinh mệnh còn xảy ra thật, giả, độc hại, thì học vị tiến sỹ bất kỳ nước nào cũng không thể tránh được tuyệt đối giả (mua chứng chỉ), giấy (bằng thật chất lượng kém), mượn (tức đạo văn).

Hiện không chỉ nhiều bằng cấp nước ta không được nước ngoài thừa nhận, mà bằng ở chính nước họ cũng không ngoại trừ do không đạt quy chuẩn nước họ. Các cơ quan tuyển dụng nhân lực vì lợi ích chính mình họ có quyền công khai không thừa nhận bằng gì nơi nào cấp nếu được cơ quan thẩm quyền giám định.

Vậy nên, để rút ngắn khoảng cách cả về số lượng lẫn chất lượng học vị tiến sỹ giữa ta với Âu Mỹ, muốn bảo đảm cho mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta được thực thi không thể không xuất phát từ nguyên lý, quy luật, điểm cân bằng “cung cầu", nguyên tắc kích cầu, giám định chất lượng như thực tế Đức đã cho thấy trực quan.

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

Nóng bỏng đề án 9.000 tiến sĩ, ấm áp tri ân thầy cô

Nóng bỏng đề án 9.000 tiến sĩ, ấm áp tri ân thầy cô

Các ý kiến tranh luận xoay quanh đề án đào tạo 9.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, lời chúc thiết thực của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước thềm 20/11... là những điểm nhấn giáo dục trong tuần qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo 9.000 tiến sỹ không phải tràn lan

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo 9.000 tiến sỹ không phải tràn lan

Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định, đề án đào tạo 9.000 tiến sỹ với kinh phí dự kiến 12.000 tỷ không phải cử đi học xong không về.

Sẽ chi 12.000 tỷ, đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Sẽ chi 12.000 tỷ, đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Một đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) sẽ được trình lên Chính phủ.