- Bài hát "Nối vòng tay lớn" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cấp phép nhưng đã được được đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9.

{keywords}
Bài hát "Nối vòng tay lớn" trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9

Cụ thể, ở phần Âm nhạc, tiết 8 thuộc bài 3 có nội dung học hát bài “Nối vòng tay lớn”, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn. 

Sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9 ghi nhận rất rõ dưới bài hát: “Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tiếng nói tình cảm của những người Việt Nam yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc”.

Ngoài việc yêu cầu học sinh tập hát đúng giai điệu và học thuộc lời ca bài Nối vòng tay lớn, sách cũng đưa ra bài tập phát biểu cảm nghĩ của mình sau khi học bài hát này và kể tên những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà em biết.

Chia sẻ về bài hát này, Hiệu trưởng một trường THCS ở Quận 1, TP.HCM cho rằng, bài hát “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Bài hát được đưa vào sách giáo khoa nhằm mục đích giáo dục tư tưởng cho học sinh về lịch sử dân tộc, vì bài hát đã cổ vũ tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước.

“Ngay tại TP.HCM bài hát này đã đi vào lịch sử, vào lòng chúng tôi. Tôi nhớ, vào trưa ngày 30/4/1975 bài hát được vang lên trên sóng của Đài phát thanh. Từng câu, từng từ trong bài hát “Rừng núi dang tay nối lại biển xa, Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà, Mặt đất bao la anh em ta về, Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng, Trời rộng bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam” đưa lại nhiều cảm xúc. Chúng tôi hát theo và nắm tay nhau, ôm lấy nhau, reo hò giữa thời khắc lịch sử ấy” – cô Hiệu trưởng nhớ lại.

{keywords}

Về việc bài hát chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép nhưng đã có trong chương trình sách giao khoa lớp 9, cô hiệu trưởng cho rằng, “Bất kì tác phẩm văn, thơ, nhạc nào được đưa vào sách giáo khoa là niềm từ hào của tác giả. Bài hát “Nối vòng tay lớn” được đưa vào sách giáo khoa là niềm tự hào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ tác giả và gia đình ông không đòi hỏi gì. Tuy nhiên về hoạt động thương mại, việc biểu diễn ca khúc này phải được sự cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn là đúng đắn”.

{keywords}
Sách đã được tái bản 11 lần

Cô Mai Thu Lan, phụ trách chuyên môn âm nhạc phòng giáo dục đào tạo của một quận trung tâm TP.HCM, cho biết bài hát “Nối vòng tay lớn”có trong SGK âm nhạc lớp 9 từ lâu, trách nhiệm của giáo viên là dạy cho học sinh những gì có trong chương trình, sách giáo khoa.

“Đây là bài hát có ý nghĩa rất lớn. Hôm qua khi nghe tin bài hát này chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép chúng tôi cũng rất bất ngờ và không hiểu sao bài hát này lại chưa được cấp phép. Tuy nhiên việc này không ảnh hưởng tới chương trình giảng dạy vì trách nhiệm của chúng tôi là cái gì có trong chương trình thì giáo viên phải dạy cho học sinh.

Ông Sỹ Luân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng, bài hát “Nối vòng tay lớn” đã quá nổi tiếng, đã được mọi người hát rất nhiều và hát ở khắp mọi nơi. 

{keywords}
Yêu cầu cho học sinh sau khi học bài hát "Nối vòng tay lớn"

Về việc bài hát chưa được Cục nghệ thuật biểu diễn cấp phép nhưng đã có trong SGK lớp 9, ông Luân cho rằng, “bài hát chưa được Cục Nghệ thuật cấp phép chỉ là thủ tục hành chính, do các ban ngành làm việc với nhau không chặt chẽ, cần phải xem lại thủ tục hành chính”.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM-cho biết, "sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT thẩm định và phát hành, đây là pháp lệnh, vì vậy những kiến thức trong sách giáo viên có trách nhiệm giảng dạy cho học sinh".

Thông tin bắt nguồn từ việc đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” do trường Đại học Y dược Huế và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào tối 21/4 tới gặp trục trặc khi 4 ca khúc nhạc Trịnh chưa được cấp phép lưu hành gồm: Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ.

Cả 4 ca khúc này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975 và không có tên trong danh mục những bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến được Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố trên webiste của Cục.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết phía trường Đại học Y dược Huế đã gửi hồ sơ xin cấp phép 1 ca khúc sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là "Nối vòng tay lớn". Tuy nhiên, hồ sơ trên thiếu sự xác nhận của chủ sở hữu hoặc người đại diện cho chủ sở hữu của tác phẩm xin cấp phép. Vì thế Cục chưa có đủ cơ sở pháp lý để cấp phép lưu hành ca khúc này.

 Đến nay, không chỉ ca khúc này mà cả 4 ca khúc trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa có cá nhân hay đơn vị nào đứng ra xin cấp phép nên Cục chưa có cơ sở nào để cấp phép phổ biến rộng rãi các ca khúc này.

Lê Huyền - Thanh Hùng