Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố chiều 6/9 đã gây ngạc nhiên khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí khá thấp.
Nhóm chuyên gia độc lập gồm 6 thành viên đã thực hiện một đề án xếp hạng các trường đại học Việt Nam trong vòng 3 năm với các mục tiêu xây dựng một bảng xếp hạng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mang tính định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia này công bố, ĐHQG Hà Nội đứng đầu bảng với số điểm trung bình là 85.3. Các ĐH vùng và ĐHQG khác như ĐHQG TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế… đều nằm trong tốp 10.
Cụ thể, ĐH Đà Nẵng xếp thứ 4, ĐHQG TP.HCM xếp thứ 5, ĐH Cần Thơ xếp thứ 6 và ĐH Huế xếp thứ 8.
Nhóm chuyên gia độc lập thực hiện đề án bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam. |
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng này là các trường ĐH "trẻ" như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân đều có mặt trong tốp 10. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 với mức điểm 72.0 điểm còn ĐH Duy Tân xếp ở vị trí thứ 9.
Các trường ĐH khối kinh tế có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng này. Cụ thể Trương ĐH Ngoại thương xếp thứ 23. Trường ĐH Thương mại xếp thứ 29. Trường ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30. Học viện Tài chính xếp thứ 40 và Học viện Ngân hàng xếp thứ 47.
Nguyên nhân được nhóm chuyên gia giải thích là các trường này có quy mô đào tạo lớn song sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế thì không cao.
Tỉ lệ lượng hóa các tiêu chí do nhóm chuyên gia đưa ra là: 40% (nghiên cứu khoa học), 40% (giáo dục đào tạo) và 20% (cơ sở vật chất và quản trị).
Với "phép đo" này, một số ĐH được xếp các thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng của quốc tế như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ xếp hạng 7 trong bảng xếp hạng tổng thể của nhóm. Trường ĐH Y Hà Nội cũng khiêm tốn xếp ở hạng thứ 20.
Nhóm chuyên gia cũng xếp hạng các trường ĐH theo các nhóm tiêu chí bảng xếp hạng gồm: Nghiên cứu khoa học, Giáo dục đào tạo và Cơ sở vật chất và quản trị.
Theo đó, về nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 1. Về giáo dục đào tạo và cơ sở vật chất, ĐHQG Hà Nội đứng đầu.
Chi tiết các tiêu chí và trọng số tiêu chí được sử dụng để xếp hạng các trường ĐH. |
TS. Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu tại Melbourne, Australia, chủ biên của Báo cáo xếp hạng cho biết, nhóm thực hiện đề án vì đánh giá và xếp hạng đang là xu hướng trên thế giới nhưng không có bảng xếp hạng nào phù hợp với Việt Nam.
Trong khi đó, các đại học của Việt Nam lại đang thiếu động lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng, thiếu động lực minh bạch thông tin cũng như thiếu động lực đẩy nhanh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận việc xây dựng một bảng xếp hạng cho Việt Nam gặp vô số khó khăn, từ mô hình đại học không thống nhất, thiếu số liệu và đặc biệt là số liệu không thống nhất, tin cậy và cập nhật.
Nhóm chuyên gia cho biết đã triển khai thu thập số liệu của các cơ sở giáo dục ĐH trong năm 2016. Nếu thiếu số liệu năm 2016, họ sử dụng số liệu năm có số liệu trước đó. Đối với một số tiêu chí, do thiếu số liệu của các trường, nhóm chuyên gia mở rộng số liệu thu thập đến các năm 2015, 2014 và 2013 và cố gắng đề xuất một số ước lượng chấp nhận được.
Với những trường bị thiếu số liệu ở một chỉ số cho năm nào đó, nhóm cũng áp dụng biện pháp tương tự: Tính vị trí tương đối của trường đó so với các trường khác ở những năm có số liệu, sau đó nội suy để có được giá trị của năm cần tìm. Với những trường thiếu số liệu với chỉ số nào đó ở tất cả các năm, nhóm xếp vào vị trí cuối bảng, sử dụng số liệu của trường gần nhất có số liệu ở trên.
Chính vì vậy, từ 100 trường đã thu thập dữ liệu, nhóm đã rút gọn chỉ còn 49 trường.Tại buổi công bố, nhiều thắc mắc đã được đặt ra. VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.
Danh sách xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam như sau:
Điểm xếp hạng cụ thể của các trường như sau:
Xem báo cáo đầy đủ TẠI ĐÂY
TS Phạm Thị Ly: Chất lượng của dữ liệu có đáng tin cậy? |
Tự nhận mình là người "chống xếp hạng", song TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) vẫn bày tỏ sự ủng hộ nhóm tác giả về ý nghĩa tại sao phải có một bảng xếp hạng cho các trường ĐH của Việt Nam. Tuy nhiên, bà Ly cũng nhận định, việc xếp hạng giống như "con dao 2 lưỡi". "Khi chúng ta nói con dao hai lưỡi có nghĩa là nếu phương pháp và cách xử lý không khách quan và đúng đắn thì không phản ánh năng lực thực sự của các trường ngay cả trên phương diện chúng ta đo lường". Theo bà Ly, vấn đề của bảng xếp hạng nằm ở dữ liệu mà nhóm sử dụng. "Ai cũng đến đây cũng hỏi là dữ liệu ở đâu ra và kết quả có tin cậy hay không. Tuy nhiên, đó thực sự là một vấn đề của Việt Nam". Trong số nguồn dữ liệu quan trọng mà nhóm tác giả thu thập có báo cáo từ các trường. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kiểm định thì báo cáo tự đánh giá của các trường "chắc chắn là không đúng". "Nếu xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy" - bà Ly lập luận. "Nếu kết quả không đáng tin cậy thì hệ quả là gì? Ta góp thêm vào bức tranh nó đang tốt xấu lẫn lộn, có thể những người làm không tốt nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu. Đó là vấn đề phải suy nghĩ và đương đầu". |
Phần chìm sau bảng xếp hạng đại học đầu tiên ở Việt Nam
Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam đầu tiên do một nhóm nghiên cứu độc lập đang gây nhiều ngạc nhiên và cũng đặt ra nhiều vấn đề về bức tranh giáo dục đại học còn đang "tốt xấu lẫn lộn".
Anh lên ngôi, Mỹ tụt dốc trong bảng xếp hạng đại học thế giới
Ngôi trường được xếp hạng cao nhất của Mỹ đứng sau cả Oxford và Cambridge.
Thoát khỏi ám ảnh bảng xếp hạng đại học
Việc dùng thứ hạng để định hướng trường học khá phổ biến nhưng có phải một phương pháp tốt? GS J. Brenzel (Yale) có viết một bức thư về vấn đề này.
Các trường đại học đã minh bạch đến đâu?
Được coi là "chân phanh" giám sát của quá trình thực hiện tự chủ đại học song trách nhiệm giải trình đặc biệt là minh bạch thông tin của các trường ĐH vẫn là điều khiến nhiều người băn khoăn.