- Ngoài việc chỉ ra những cách hiểu sai của giáo viên về Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những giải thích để gỡ rối trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ GDĐT, trong đánh giá học sinh tiểu học, hiện nhiều giáo viên đang có những cách hiểu chưa đúng với tinh thần của Thông tư 30.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thứ nhất là việc quá trọng việc ghi nhận xét do hiểu sai rằng đánh giá thường xuyên là phải viết nhận xét vào vở học sinh và đồng thời ghi vào sổ theo dõi của giáo viên.  

Về điều này, Bộ GD - ĐT giải thích cách làm đúng như sau: “Đánh giá thường xuyên cần nhận xét kịp thời, thể hiện được cả sắc thái tình cảm của giáo viên để giúp học sinh học tập, rèn luyện tốt. Do đó giáo viên cần coi trọng nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh, không nhất thiết phải ghi nhận xét trong đánh giá thường xuyên trên lớp học”.

Thứ hai, không ít giáo viên cho rằng thêm gánh nặng bởi hàng ngày phải dành rất nhiều thời gian để ghi nhận xét, nhất là giáo viên dạy các môn chuyên biệt (thể dục, âm nhạc...)  không còn thời gian cho việc học tập bồi dưỡng, chuẩn bị bài giảng,... Thậm chí, nhiều giáo viên cho rằng ghi nhận xét quá nhiều dẫn đến tình trạng nội dung trùng lặp, sáo mòn, để đối phó là chính.

Bộ GD - ĐT cho rằng các quy định trước đây đều yêu cầu giáo viên đánh giá thường xuyên vừa bằng điểm số và bằng nhận xét.

Do đó, nay yêu cầu giáo viên phải nhận xét chu đáo hơn và bỏ chấm điểm trong đánh giá thường xuyên nhìn chung là không thêm việc cho giáo viên. Nếu yêu cầu giáo viên phải ghi chép quá nhiều là là không đúng tinh thần của Thông tư 30.

Do tính chất đặc thù của các môn chuyên biệt, việc nhận xét bằng ghi chép có tác dụng rất hạn chế. Do đó giáo viên càng cần phải chú ý quan sát, nhận xét bằng lời nói trực tiếp để hướng dẫn học sinh.

Thứ ba, một số giáo viên lúng túng khi nhận xét vì nghĩ rằng nói hoặc viết nhận xét lúc nào cũng phải thật cụ thể, không được dùng những câu nhận xét khái quát, chung chung, quá ngắn gọn như: “cô khen em”, “em có tiến bộ”, “em cần cố gắng”,...

Về điều này, theo Bộ GD - ĐT, đối với lời khen, có những lúc giáo viên khen chung chung như “cô khen em” cũng đủ có tác dụng với học sinh.

Nhưng nếu học sinh liên tục được khen như vậy thì lời khen sẽ không còn nhiều tác dụng. Vì vậy, tùy hoàn cảnh mà giáo viên đưa ra lời khen phù hợp. Song nhìn chung, nếu học sinh biết rõ vì sao được khen thì sẽ tốt hơn một lời khen chung chung, không rõ khen điều gì.   

Đối với lời chê, lời góp ý luôn cần cụ thể, chân tình. Những lời chê chung chung thì không có tác dụng hướng dẫn mà lại làm cho học sinh hoang mang, mất tự tin.

Cuối cùng, một số giáo viên lo ngại việc áp dụng Thông tư 30 chỉ xếp loại hoàn thành và chưa hoàn thành (trong khi cách đánh giá cũ, học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình) và không chấm điểm sẽ làm mất tính cạnh tranh, không tạo ra động lực phấn đấu cho học sinh.

Bộ GD-ĐT cho rằng đó là một cách hiểu sai. Với mục đích phát triển phẩm chất và năng lực trong giáo dục thì giữa các học sinh sự hợp tác là quan trọng hơn sự cạnh tranh. Mỗi học sinh cần sự tiến bộ so với chính mình trên tất cả các lĩnh vực nên phải coi trọng việc nhận xét, hướng dẫn để học sinh nhận ra tính chất và mức độ tiến bộ trên từng khía cạnh. Qua đó bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện của từng quá nhân. Không xếp loại học sinh theo cách đánh giá tổng hợp, lấy mặt này bù cho mặt kia và vô tình khuyến khích sự ganh đua không lành mạnh giữa các học sinh như trước đây.

Thanh Hùng