- Trước phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT vừa có giải thích nội dung "tuyệt đối không được dạy ngoài sách giáo khoa" trong hướng dẫn mới ban hành.

{keywords}

Bộ GD-ĐT khẳng định không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Cụ thể, mới đây tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 với một số yêu cầu cho chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn:

"Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".

Trước những ý kiến của dư luận và giáo viên về việc Bộ yêu cầu không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa, ông Nguyễn Xuân Thành (Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học- Bộ GD-ĐT) cho biết:

"Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành".

Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu”, nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa.

“Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Thanh Hùng