Nghiên cứu mới về so sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) do TS-BS Vương Thị Ngọc Lan (bộ môn Phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM) và các cộng sự tại Bệnh viện Mỹ Đức thực hiện được đăng tải vào ngày 11/1 trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) – một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay trên thế giới.
BS Ngọc Lan và BS Hồ Mạnh Tường, đồng tác giả nghiên cứu cũng là người bạn đời của BS Ngọc Lan, đã chia sẻ với Vietnamnet về chặng đường để đi tới kết quả đó.
Bệnh nhân Việt Nam đã được hưởng thụ kết quả sớm nhất
Theo một số tài liệu khá phổ biến và cả những lời “đồn đại”, thì tỷ lệ thành công của chuyển phôi đông lạnh cao hơn 5% trở lên so với chuyển phôi tươi. Tại sao anh chị lật ngược lại tài liệu đã có lâu năm như vậy?
- BS Ngọc Lan: Nói lật ngược thì không hẳn, nhưng có những câu hỏi đặt ra cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu và thực tế nghiên cứu xuất phát từ lâm sàng.
Hơi dài dòng một chút, nhưng tôi muốn kể về câu chuyện IVF từ phôi đông lạnh.
Ban đầu, IVF luôn chuyển phôi tươi vì với kỹ thuật trữ lạnh, rã đông phôi khi đó chưa đủ tốt nên tỷ lệ có thai thấp. Và thường thì do chuyển nhiều phôi tươi một lần nên dễ có biến chứng đa thai.
Sau đó, kỹ thuật rã đông phôi phát triển tốt hơn nên mọi người mới chuyển phôi đông lạnh, tỷ lệ có thai cũng tốt. Vì vậy dẫn tới trào lưu không chuyển phôi tươi nữa mà hễ có phôi là đông lạnh toàn bộ, sau đó chuyển phôi trữ đông.
Từ đó đã đặt ra 4 vấn đề: Thứ nhất, hiệu quả chuyển phôi đông lạnh có cao hơn chuyển phôi tươi, đáng để chuyển toàn bộ bệnh nhân sang phương thức này hay không?
Thứ hai, khi chuyển phôi đông lạnh, thai kỳ có phát triển như chuyển phôi tươi không, có biến chứng liên quan trong thai kỳ không?
Thứ ba, bệnh nhân khi đi làm IVF muốn có thai càng sớm càng tốt. Khi trữ phôi đông lạnh thì cơ hội có thai sẽ trễ lại tối thiểu một tháng.
Thứ tư, là chi phí cho hai cách làm này. Với nhiều bệnh nhân, làm IVF không chỉ là vấn đề hiệu quả mà còn là chi phí. Chi phí chuyển phôi đông lạnh cao hơn chuyển phôi tươi khá nhiều.
Đứng trước những vấn đề thực tế dó, chúng tôi quyết định làm nghiên cứu.
Và khi bắt tay thực hiện, đang có các nhóm của 10 nước trên thế giới làm nghiên cứu gần giống như chúng tôi. Ai cũng muốn trả lời các vấn đề nói trên, nhưng chúng tôi là người đến trước.
- BS Mạnh Tường: Nghiên cứu này không tìm ra sự khác biệt giữa hai phương pháp chuyển phôi, nhưng kết quả là kiến thức được áp dụng rõ ràng.
Tài liệu mà các bạn nhắc đến là bài báo của nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết chuyển phôi trữ tốt hơn phôi tươi. Nhưng đối tượng nghiên cứu của họ là bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Còn chúng tôi thực hiện nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân không mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Khi ra kết quả không có sự khác biệt (giữa hai trường phái), ban đầu chúng tôi cũng rất bối rối. Nhưng dữ liệu ra sao chúng tôi công bố như vậy, và ý nghĩa của nó là “chặn” được quan niệm sai trước đây.
Nhóm nghiên cứu do TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan làm trưởng nhóm |
Từ khi có kết quả nghiên cứu, việc tư vấn cho bệnh nhân của anh chị thay đổi ra sao? Và trước đó, anh chị căn cứ như thế nào để chuyển phôi tươi hay phôi trữ cho bệnh nhân?
- BS Mạnh Tường: Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này trong hai năm, đến năm 2016 đã có kết quả. Ở Việt Nam, cho tới thời điểm có bài báo trên NEJM, nghiên cứu này không còn bất ngờ vì chúng tôi đã trao đổi với các đồng nghiệp trong nhiều hội nghị, hội thảo.
- BS Ngọc Lan: Trước đây chúng tôi thường tư vấn cho bệnh nhân dựa trên những kết quả xét nghiệm và mong muốn của bệnh nhân.
Bây giờ, không chỉ chúng tôi mà tất cả các bác sĩ về IVF đã biết sẽ trả lời như thế nào. Và bệnh nhân cũng sẽ tự tin trước sự lựa chọn của họ.
Những bệnh nhân tìm tới thụ tinh nhân tạo thường chịu áp lực rất lớn, bác sĩ cũng áp lực rất lớn, hẳn có nhiều trường hợp đặc biệt còn lưu lại trong tâm trí anh chị?
- BS Ngọc Lan: Thực ra chúng tôi không nhớ những trường hợp thành công mà chỉ nhớ thất bại.
Vì tỉ lệ thành công không phải là 100%, nên một ca được, chúng tôi nhẹ đi một chút. Còn thất bại, chúng tôi cứ trăn trở làm sao cải thiện và động viên bệnh nhân, để họ không bỏ cuộc.
Tôi nhớ một cặp vợ chồng ở Đức, đã từng làm IVF thất bại tới 15-16 lần. Họ về Việt Nam với niềm hy vọng. Tới chỗ chúng tôi, họ tiếp tục chuyển 5-6 lần nữa và kết quả là thành công. Khi mang thai rồi sinh em bé, năm nào họ cũng đưa con tới thăm chúng tôi. Chúng tôi nhìn ngắm cháu bé vui chơi và nghĩ điều này thật kỳ diệu...
Cũng có trường hợp thất bại rất nhiều lần và đến ngưỡng chia tay. Thông thường người chồng hay nản hơn vợ, nên không ít lần chúng tôi mời người chồng tới nói chuyện và động viên, nếu không họ sẽ không cho người vợ tiếp tục điều trị.
Ngay cả chuyện đăng NEJM cũng vậy. Sau khi trải qua, chúng tôi thấy nếu mình cho rằng không làm được thì điều đó chắc chắn không làm được. Còn khi cho rằng làm được, thì hoặc là thành công hoặc cũng có thể thất bại, nhưng ý chí ban đầu sẽ giúp mình đi tới cùng. Nếu ngay từ đầu mình không vượt được rào cản tâm lý thì đã thua chắc rồi.
Bài báo sửa 17 lần với 5% cơ hội được đăng
Về bài báo gây tiếng vang trên NEJM, BS Ngọc Lan cho biết từ khi bắt đầu tới khi nộp là gần một năm trời, với 17 lần viết đi viết lại. Và trước đó, chị không nghĩ một ngày nào đó lại có bài viết gửi tạp chí lớn như vậy.
- BS Ngọc Lan: Khi nhóm nghiên cứu đề xuất về ý tưởng thực hiện nghiên cứu, GS Ben Mol và GS Robert Norman, ĐH Adelaide, Australia rất ủng hộ và định hướng nên đầu tư công bố ở tạp chí uy tín nhất. Dù nghiên cứu đàng hoàng, chất lượng tốt nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng dường như đây là vấn đề ở ngoài tầm với.
Trước đó, chúng tôi chỉ mơ tới tạp chí Nature (Nature được xếp hạng làm một trong những tạp chí khoa học đa ngành có trích dẫn nhiều nhất – PV).
Chúng tôi đã phải nộp tất cả các tài liệu liên quan đến nghiên cứu, bao gồm bộ hồ sơ hàng trăm trang từ đề cương nghiên cứu chỉnh sửa ở thời điểm nào, kế hoạch phân tích ra sao, kiểm tra dữ liệu giữa kỳ ra sao...
Tới lần chỉnh sửa thứ 17, GS Ben Mol bảo được rồi, hãy nộp cho NEJM đi . Lúc ấy, chúng tôi thấy rất nhẹ nhõm.
Nhưng khi gửi mail thông báo là đã nộp, GS Ben Mol viết trả lời rằng “BS Lan, sẽ có 5% cơ hội được đăng trên báo này thôi. Bước kế tiếp, hãy xem những tờ tạp chí có chỉ số ảnh hưởng thấp hơn, xem họ yêu cầu gì để chuẩn bị viết lại. Để khi thất bại ở báo này thì có bài nộp ở báo tiếp theo”.
BS Vương Thị Ngọc Lan |
Đọc xong lá thư đó, anh chị cảm thấy thế nào?
- BS Ngọc Lan: Thật tình là tôi thấy… choáng váng.
Chúng tôi thật sự mệt mỏi và thất vọng. Ngày hôm sau, khi tìm hiểu chỉ số trích dẫn của NEJM, tôi đã viết thư lại cho GS Ben Mol rằng “Nếu tôi biết trước là ENJM có chỉ số ảnh hưởng là 72 và mình chỉ có 5% cơ hội, thì tôi sẽ không viết cho tạp chí này. Tôi sẽ viết cho tạp chí khác có chỉ số thấp hơn”.
Thế rồi chị có làm theo lời khuyên đó không?
- BS Ngọc Lan: Không, tôi nghĩ bây giờ cứ chờ đi xem có may mắn không. Nếu thất bại thật sự, tôi sẽ sửa lại và gửi cho tạp chí kế tiếp.
Nhưng sau đó, qua quá trình chờ duyệt đăng tải, chúng tôi biết 5% cơ hội vẫn còn là… nhiều. Bởi thực sự, qua các vòng xét duyệt của ban biên tập NEJM, sẽ chỉ còn lại 1-2% được đăng.
Trong khi đó, khi hoàn thành đề tài này, chúng tôi đã nộp cho Hội nghị thường niên của Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ, được chọn là 1 trong 6 đề tài trên thế giới có tính bùng nổ.
Chúng tôi cũng đã báo cáo ở một số hội nghị khoa học, trước cử tọa là rất nhiều nhóm nghiên cứu các nước “canh” để tìm ra sơ hở, nhưng chúng tôi đều vượt qua hết...
Chúng tôi làm nghiên cứu không chỉ để đăng bài mà ứng dụng của nó là bệnh nhân được gì, tìm ra cái gì phù hợp, điều trị như thế nào để bệnh nhân tốt hơn. Với việc gửi đăng bài ở NEJM, theo GS Ben Mol thì nghiên cứu của chúng tôi hay, như vậy tầm ảnh hưởng sẽ rất lớn, có nghĩa trách nhiệm của mình là rất lớn. Đăng lên tạp chí lớn như vậy để thông tin cho nhiều người trên thế giới biết và được thụ hưởng kết quả nghiên cứu.
Anh chị đã nhận được phản hồi từ trường phái “trữ đông” chưa?
- BS Mạnh Tường: Có một số tổng kết nhỏ lẻ nói rằng chuyển phôi trữ đông tỉ lệ có thai cao hơn, nhưng đó chưa được xem là chứng cứ mà chỉ là kinh nghiệm của một vài người. Tổng kết ấy cũng không dựa trên nghiên cứu phê duyệt, thiết kế chặt chẽ.
Trước đó cũng đã có tranh luận. Còn bây giờ, nghiên cứu của chúng tôi là bằng chứng mạnh nhất, chuyện tranh cãi không còn nữa.
- BS Ngọc Lan: Nghiên cứu này vừa chứng minh rằng chuyển phôi đông lạnh cũng tốt như chuyển phôi tươi, và hãy giảm số phôi tươi chuyển một lần xuống để đông lạnh rồi chuyển từ từ, tăng cơ hội có thai cộng dồn của bệnh nhân lên.
- BS Mạnh Tường: Bây giờ, thay vì chuyển cùng lúc 3 phôi, bệnh nhân và các bác sĩ có thể chia ra chuyển thành 3 lần, cơ hội vẫn còn nguyên và không bao giờ có đa thai.
Nghiên cứu này được chú ý vì giải quyết đúng khúc mắc của ngành này vào thời điểm này, biến việc chuyển phôi trở nên rất linh động.
Người bệnh chủ động về thời gian, quyết định chuyển phôi cũng như giảm thiểu đa thai.
Tôi nghĩ, phải ở trong ngành mới hiểu được tại sao nghiên cứu này có giá trị lớn. Mặt khác, chúng tôi công bố trước 10 nhóm khác cũng đang cùng thực hiện đề tài, nên càng được chú ý.
BS Hồ Mạnh Tường |
Vậy là giữa các nhóm nghiên cứu có sự cạnh tranh về mặt thời gian?
- BS Ngọc Lan: Có cạnh tranh và có phối hợp với nhau.
Mỗi nước đều có nhóm làm, có nước nghiên cứu trên vài trăm ca, nhưng có nước tới cả nghìn ca. Ai tới đích trước, kết quả nghiên cứu sẽ đi đầu và công trình dễ được đăng trên tạp chí hơn.
Nhưng mọi người đều muốn ngồi chung với nhau ở chỗ nếu gom dữ liệu của tất cả 10 nhóm thì có tổng số liệu bệnh nhân lên tới gần 10.000 ca - câu trả lời sẽ càng chính xác.
Do đó, các nhóm vừa cạnh tranh, vừa hợp tác để có câu trả lời xác đáng.
- BS Mạnh Tường: Các trung tâm IVF ở nhiều nước không lớn như ở đây, cộng thêm chi phí rất cao. Mặt khác, để có một nhóm nghiên cứu phải trả lương rất cao, nên thuờng họ sẽ chuyển nghiên cứu tới làm ở nước thứ ba.
Nhóm chúng tôi có ưu thế là có công nghệ nghiên cứu. Như vậy nếu có công nghệ, có nguyên liệu và giá rẻ thì chắc chắn sẽ đi trước. Cụ thể, nghiên cứu của chúng tôi đã đi trước và thắng được nghiên cứu của các nước khác khi làm cùng lúc.
Chúng tôi không phải là người đi san lấp “ổ gà” cho học viên
Nói tới sự thụ hưởng, ngoài bệnh nhân và xã hội, đối tượng gần nhất với anh chị là học viên, sinh viên. Họ sẽ thụ hưởng kết quả từ công việc và quá trình nghiên cứu của anh chị như thế nào?
- BS Ngọc Lan: Ở nước ngoài, học viên sau đại đều phải làm đề tài nghiên cứu và công bố quốc tế. Ở Việt Nam, việc này không nhiều và cách tổ chức nghiên cứu cũng chưa bài bản.
Do vậy, quá trình nghiên cứu bài bản cho tới khi công bố quốc tế là kinh nghiệm quý để chúng tôi truyền dạy cho học viên.
Quan điểm của anh chị là trên con đường nghiên cứu, có “ổ gà” thì san phẳng cho học viên, hay để họ tự tìm cách đi?
- BS Ngọc Lan: Tôi nghĩ hay nhất là nên báo có “ổ gà” ở chỗ đó để các em có cách chuẩn bị. Mỗi người có cách tránh “ổ gà” khác nhau và không có công thức chung cho việc này.
Còn san phẳng “ổ gà” là không nên làm và thực tế cũng không làm được, vì “ổ gà” do khách quan tạo ra.
Nếu không có gì phải bí mật, anh chị có thể nói một số ý tưởng nghiên cứu mong muốn thực hiện trong thời gian sắp tới?
- BS Ngọc Lan: Chúng tôi đang làm hai đề tài khá lớn. Một là so sánh kỹ thuật IVF cổ điển - tức là trứng và tinh trùng được cho gặp nhau, hòa nhập một cách “tự nhiên” để hình thành phôi - với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Hiện tại đã có khoảng 3 nhóm nghiên cứu về điều này.
Đề tài thứ hai là về IVM – trưởng thành trứng trong ống nghiệm - dành cho nhóm bệnh nhân buồng trứng đa nang.
Xin cảm ơn anh chị và chúc anh chị tiếp tục có những nghiên cứu hữu ích, đem lại niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Chi Mai – Lê Huyền thực hiện
Nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm của VN gây xôn xao y khoa thế giới
Đó là nghiên cứu do TS- BS Vương Thị Ngọc Lan (bộ môn Phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM) và các cộng sự tại Bệnh viện Mỹ Đức thực hiện.