Sau khi Dự thảo Chương trình (CT) giáo dục phổ thông các môn học được công bố rộng rãi, Báo VietNamNet nhận được bài viết góp ý cho CT môn Giáo dục công dân (GDCD) của độc giả Lương Cơ.

Theo độc giả Lương Cơ, “về hình thức rất ghi nhận nhóm tác giả đã cố gắng thiết kế khung CT môn học tiếp cận năng lực. Tuy nhiên, đọc kỹ nội dung, từ góc độ Khoa học luận, nêu ra hai vấn đề với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT, và nhóm tác giả CT môn GDCD”.

VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Lương Cơ.

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Vấn đề thứ nhất: Chương trình môn GDCD đã thực sự là một môn khoa học? 

Bất cứ môn khoa học nào cũng cần xác định rõ: 1. Đối tượng nghiên cứu, (phạm vi nghiên cứu); 2. Hệ thống lý thuyết (phạm trù, khái niệm, định lý, quy luật…, hệ thống lý thuyết đặc trưng, hệ thống lý thuyết kế thừa từ các khoa học khác); 3. Hệ thống phương pháp luận (đặc trưng và kế thừa); 4. Mục đích ứng dụng.

Bốn yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên cấu trúc logic nội tại của môn học. Theo 4 yếu tố này để nhận diện, môn GDCD đang được nhóm tác giả xây dựng đã có thể định danh là một môn khoa học hoàn chỉnh hay chưa?

Cụ thể:

Thứ nhất, chưa xác định rõ đối tượng, phạm vi của môn học.

Tác giả chưa làm rõ được nội hàm và ngoại diên của môn GDCD – tức chưa xác định rõ đối tượng, phạm vi của môn học.

Nói cách khác, trong cả CT tổng thể lẫn CT môn học nhóm tác giả CT chưa đưa ra một định nghĩa đầy đủ, cụ thể cho môn học này, mà mới chỉ nêu lên được đặc điểm của môn học (1). Chính vì vậy, những nội dung của môn học không rõ ràng vừa thừa vừa thiếu (sẽ phân tích ở phần sau).

Do chưa xác định rõ nội hàm và ngoại diên của môn học, nên cấu trúc logic nội tại của môn học đang thiếu các nội dung quan trọng sau.

1. Lập trường Đạo đức đang được đặt ở đâu trong CT môn học này?

Như ta đã biết, không có thứ đạo đức chung chung, phổ quát mà mọi nền đạo đức đều dựa trên một lập trường Triết học, hoặc tư tưởng chủ đạo của quốc gia, dân tộc đó. Nếu không xác định được lập trường đạo đức thì chắc chắn không thể xác định được cơ sở của các giá trị xã hội, chuẩn mực hành vi đạo đức, cũng như tiêu chí đánh giá hành vi đạo đức.

2. Định hướng phát triển công dân trong mối tương quan với định hướng, mục tiêu chung của đất nước, đang được tác giả đặt ở đâu?

Với các môn học khác, tùy theo nội dung, có thể ít nhiều hoặc trực tiếp, gián tiếp đề cập đến bản sắc dân tộc, đến lập trường của Đảng, Nhà nước, nhưng môn Giáo dục Đạo đức – GDCD không thể không đề cập đến vấn đề này. Phải chăng, tác giả CT môn học chưa/ không nghĩ đến hay cố ý bỏ qua?

CT GDCD không nhắc tới về bản chất xã hội, mục tiêu xã hội Việt Nam đang theo đuổi, lý tưởng mà Nhà nước Việt Nam đang hướng tới… liệu đã thành CT GDCD của riêng Việt Nam chưa?

3. Thiếu nội dung về thế giới quan và nhân sinh quan.

Thiếu nội dung này nảy sinh mấy vấn đề:

3.1. Công dân Việt Nam có thể sống mà thiếu thế giới quan và nhân sinh quan không? Câu trả lời là không thể. Ví dụ: công dân Việt Nam lấy gì để bảo vệ bản thân trước những hiện tượng mê tín, dị đoan?

3.2. Không giáo dục thế giới quan và nhân sinh quan cho công dân Việt Nam thì không giáo dục được bản chất xã hội, lập trường của cá nhân cũng như của Đảng, Nhà nước.

3.3. Không có tính liên thông với môn Triết học, Triết học Mác – Lênin, môn học cơ bản, bắt buộc ở bậc đại học, cao đẳng.

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Thứ hai, mục tiêu đặc thù của môn học về phẩm chất là gì?

Mục tiêu về phẩm chất của môn GDCD đang được đồng nhất với mục tiêu chung của CT Tổng thể về phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Vậy mục tiêu đặc thù về phẩm chất của môn GDCD là gì?

Nói cách khác, môn Đạo đức có mục tiêu phẩm chất đặc thù là gì, khác với hoặc ngoài các mục tiêu giáo dục phẩm chất chung,trong khi GDCD là môn học có ưu thế nhất để hình thành rất nhiều phẩm chất khác cần thiết cho công dân Việt Nam.

Tác giả CT môn học bị bó hẹp trong mục tiêu của CT tổng thể hay “quên” mở rộng các phẩm chất khác cũng rất cần thiết cho việc hình thành phẩm đức cho công dân Việt Nam, hay không có thời lượng CT để xây dựng nội dung?

Phân tích nội dung kế hoạch giáo dục cấp Tiểu học, có thể thấy ngay một sự thiên lệch về định hướng giáo dục, giáo dục nhân cách cho công dân Việt Nam.

Thứ ba, một số khái niệm hết sức “mơ hồ”.

Từ đầu đến cuối CT, thuật ngữ, khái niệm đặc trưng của môn học chưa được giải thích. Một số khái niệm, nhóm tác giả CT đưa ra hết sức “mơ hồ”.

Ví dụ: khái niệm: “năng lực điều chỉnh hành vi đạo đức”, “năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật”…, hai khái niệm này không được định nghĩa, và theo như sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, tra cứu một số từ điển năng lực trên thế giới, thì không thấy có hai loại năng lực này. Nếu đây là sáng tạo của nhóm tác giả thì rất cần tường minh nội hàm hai khái niệm này. Tiếp đó, nhóm tác giả cần phải làm rõ các thành tố và các chỉ số hành vi của các năng lực này.

Phải chăng, do không tường minh được những phẩm chất đặc trưng cần hình thành cho HS của môn học nên, nội dung giáo dục Đạo đức đã lấy các phẩm chất của CT tổng thể làm nội dung?

Trong khi, để tạo nên một nhân cách hoàn chỉnh cho công dân Việt Nam còn cần rất nhiều các phẩm chất đạo đức khác nữa, như: Niềm tin, lương tâm, công bằng, dũng cảm…

Thứ tư, chưa đề cập cơ sở khoa học, nền tảng tư tưởng của các chuẩn mực đạo đức, giá trị sống.

Các tác giả CT đề cập đến các chuẩn mực đạo đức, các giá trị sống nhưng chưa đề cập đến cơ sở khoa học, nền tảng tư tưởng của các chuẩn mực, giá trị đó. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng các tiêu chí đánh giá các mức độ hình thành phẩm chất, giá trị, năng lực của học sinh. Do vậy, đề nghị nhóm tác giả công bố các chuẩn mực hành vi đạo đức, cũng như các chỉ số hành vi của các năng lực để làm căn cứ cho học sinh thực hiện, giáo viên dựa vào đó để kiểm tra, đánh giá sự hoàn thành/hoàn thiện về phẩm chất cho học sinh.

Như vậy, có thể thấy, giữa tên gọi môn học với những nội dung cần giáo dục phải có (hệ thống khái niệm, phạm trù cốt lõi) để làm nên môn học GDCD đang còn chưa tương xứng.

Nói cách khác, theo dự thảo CT, kết cấu, nội hàm, logic nội tại của môn học chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, đối tượng giáo dục.

(Xem phần tiếp theo TẠI ĐÂY)

Lương Cơ

.................................

(1) Tham khảo quan niệm của Trung Quốc về nội dung môn học này, theo Bách khoa toàn thư giáo dục thành nhân Trung Quốc: “Về ngoại diên, đức dục (khái niệm tương thông với GDCD) bao gồm giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng, giáo dục phẩm chất đạo đức. Giáo dục chính trị giải quyết các vấn đề cơ bản như: phương hướng, giác ngộ, lập trường, thái độ chính trị của con người. Giáo dục tư tưởng giải quyết các vấn đề nhân sinh quan và thế giới quan của con người. Giáo dục phẩm chất đạo đức giải quyết các vấn đề hành vi đạo đức của con người. Về nội hàm, đức dục phải theo nhu cầu của một xã hội nhất định, một giai cấp nhất định, có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch, có hệ thống, lấy việc nội hóa phẩm chất đạo đức, tư tưởng, chính trị của xã hội hoặc giai cấp đó làm thành phẩm chất đạo đức, chính trị, tư tưởng của cá nhân, từ đó làm nên một đặc trưng nhân cách ổn định.” 林崇徳 (总主编), 李春生 (主编), 中囯成人敎育百科全书, 南海出版社公司, 1994, 页.233.

Trên thực tế, Chương trình GDCD hiện hành của Việt Nam đang đi theo kết cấu này. Nhưng Dự thảo Chương trình GDCD mới thì không.

Chương trình phổ thông mới: Quyết làm từ 2019, nhất định đổi mới thi cử

Chương trình phổ thông mới: Quyết làm từ 2019, nhất định đổi mới thi cử

Buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình môn học phổ thông mới diễn ra từ 16h chiều ngày 19/1 thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới.

Dự thảo môn Giáo dục công dân chương trình phổ thông mới

Dự thảo môn Giáo dục công dân chương trình phổ thông mới

Dưới đây là dự thảo môn Giáo dục công dân chương trình phổ thông mới.

Hôm nay công bố dự thảo chương trình môn học phổ thông

Hôm nay công bố dự thảo chương trình môn học phổ thông

Chiều nay 19/1, Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới.