- Báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng việc học sinh tự chọn môn học ở THPT là phương thức dạy học phân hóa phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay và kiến nghị Việt Nam nên áp dụng.
Nội dung báo cáo được đưa ra tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam do Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức từ 10-12/1.
Theo đó, báo cáo cho rằng, chương trình THPT hiện hành của Việt Nam đang thực hiện theo phương thức phân ban, tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng như các đánh giá chung đều cho thấy, việc tổ chức phân ban có nhiều hạn chế và chưa phù hợp với xu hướng quốc tế.
Bên cạnh những nội dung cốt lõi, dạy học phân hóa là phương thức phân chia học sinh thành các nhóm khác nhau để học theo cách thức phù hợp. Dạy học phân hóa đang là xu hướng tất yếu.
Ở cấp THPT, dạy học phân hóa được thực hiện ở mức cao hơn, có tác dụng định hướng nghề nghiệp cho từng học sinh.
Dạy học phân hóa theo hình thức tự chọn đang là xu thế của thế giới. |
Theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì hiện nay, hầu hết các quốc gia đều áp dụng phương thức bằng tự chọn. Hình thức phân ban chỉ được sử dụng ở một số ít quốc gia.
Việc dạy học tự chọn cũng có nhiều hình thức khác nhau. Báo cáo cho biết, tại nhiều nước, học sinh sẽ học một số môn học bắt buộc và chọn học một số môn học theo năng lực nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của cá nhân.
Số môn học bắt buộc có thể khác nhau trong chương trình các nước, song 3 môn Tiếng mẹ đẻ, Ngoại ngữ, Toán học được hầu hết các nước lựa chọn bắt buộc. Một số nước có thêm môn Lịch sử (Lịch sử quốc gia) là môn học bắt buộc.
Trong các môn bắt buộc và tự chọn ở nhiều nước chia theo các mức độ/trình độ cơ bản và nâng cao, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp.
Chẳng hạn như ở Australia, mỗi học sinh THPT phải chọn 5-6 môn học, trong đó phải có môn tiếng Anh.
Các môn học được cấu tạo theo 4 unit. Mỗi unit sẽ được thiết kế để được dạy trong khoảng nửa năm học (khoảng 50-60 giờ bao gồm cả thời gian đánh giá và thi). Mỗi môn phân thanh 3 mức. Môn Toán học có thêm mức đặc biệt.
Để xét tuyển vào ĐH, học sinh cần chọn ít nhất 4 môn ở trình độ mức 2 trở lên và thi 4 môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chương trình THPT ở Hoa Kỳ quy định học sinh phải học một số môn cốt lõi (môn bắt buộc) và có thể chọn học một số môn khác tùy theo năng lực, nguyện vọng của cá nhân.
Các môn học bắt buộc là tiếng mẹ đẻ (Tiếng Anh), Khoa học (Tự nhiện), Khoa học Xã hội và Toán học và một số môn tùy thuộc các bang.
Phần lớn các trường học ở Hoa Kỳ yêu cầu 4 tín chỉ tiếng mẹ đẻ và 3 tín chỉ Toán học để tốt nghiệp (một số trường yêu cầu 4 tín chỉ Toán học). Một số môn bắt buộc có thể học nâng cao. Các môn học tự chọn chia làm 8 nhóm. Từng trường yêu cầu học sinh hoàn thành số lượng tín chỉ nhất định cho các môn học tự chọn.
Xét từ cấu trúc năm học của THPT, báo cáo cũng cho biết, việc dạy phân hóa theo hình thức tự chọn thực hiện ở 2 năm cuối cấp, lớp 11-12. Lớp 10 được coi là có vai trò định hướng cho việc phân hóa.
Từ đó, viện này đề xuất Việt Nam nên thực hiện phân hóa bằng tự chọn thay cho phương thức phân ban như hiện nay để phù hợp với xu thế quốc tế.
Theo đó, sẽ có một số ít môn học bắt buộc với tất cả mọi học sinh, đồng thời học sinh được tự chọn một số môn học và một số chuyên đề học tậpt heo quy định và phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp của các em sau THPT.
Việc phân hóa sẽ được thực hiện sâu ở lớp 11-12. Lớp 10 là giai đoạn chuẩn bị để học sinh bước đầu định hướng nghề nghiệp sau này (gọi là dự hướng nghề nghiệp), lớp 11 và lớp 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao.
Các môn học có thể xây dựng theo 2 mức độ là cơ bản và nâng cao để phù hợp với năng lực của từng học sinh.
GS Nguyễn Minh Thuyết khi giới thiệu nội dung dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại hội thảo cũng cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp THPT sẽ được coi là giai đoạn định hướng nghề nghiệp , do đó, ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp. Dự kiến lớp 10 có 11 môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2. Lớp 11-12 học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc). Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Chương trình mới cũng cho phép học sinh có thể học các môn học mình yêu thích ở trường khác nếu như nhà trường không tổ chức được lớp học riêng. Kết quả học tập tại trường khác vẫn được nhà trường công nhận và ghi vào học bạ. |
Không thực hiện ngay "Một chương trình, nhiều SGK" Đối với vấn đề biên soạn sách giáo khoa (SGK), báo cáo của Viện Khoa học giáo dục cho rằng, Việt Nam có thể thực hiện chủ trương "Một chương trình nhiều sách giáo khoa" đang là phương thức nhiều nước thực hiện. Tuy nhiên, cần hình dung những khó khăn có thể nảy sinh trong việc thực hiện chủ trương này. Trên thực tế, có những cuốn SGK được ít nhà xuất bản nhóm tác giả đăng ký viết đồng thời có những cuốn lại có nhiều nhà xuất bản, tác giả muốn viết. Có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận động để được tham gia viết SGK, để được hội đồng thẩm định đánh giá tốt, vận động để được nhiều trường mua sách của mình. Mặt khác nếu không giám sát tốt, Nhà nước có thể không chủ động được trong việc đảm bảo đủ SGK cho học sinh học tập. Để phòng ngừa khó khăn này, báo cáo đề xuất trước mắt không làm ngay như các nước đã có truyền thống lâu năm về phương thức "Một chương trình, nhiều SGK" mà cần có lộ trình từng bước. Bên cạnh đó, Nhà nước tham gia chặt chẽ vào quá trình biên soạn SGK từ khâu đăng ký thẩm định hồ sơ, xét chọn NXB cho tới giám sát đôn đốc quá trình biên soạn và đánh giá thẩm định chất lượng và cho phép ban hành SGK. |
Lê Văn