- GS Đỗ Đức Thái, Thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán cho biết triết lý xây dựng chương trình giáo dục Toán học mới ở phổ thông thể hiện ở 4 yếu tố: tinh giảm, thiết thực, hiện đại và sáng tạo.
Tinh giảm nhiều kiến thức không cần thiết
Tại hội thảo "Toán học không xa cách" trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2017 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VISAM) tổ chức sáng 13/8, nói về chương trình môn Toán ở bậc phổ thông tới đây, ông Thái cho hay một trong những điểm mới là sự tinh giảm rõ rệt.
GS Đỗ Đức Thái, Thành viên Ban phát triển Chương trình GDPT tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán cho biết sẽ có sự tinh giảm kiến thức và nâng cao năng lực sáng tạo của học sinh với môn học này. Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
“Có thể hình dung đơn giản như chúng ta cố gắng đi đến cũng một đích đấy bằng một con đường ngắn nhất, đơn giản nhất và phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của học sinh. Chúng ta phải biết rõ đơn vị kiến thức đó có vai trò gì trên con đường đi đến cái đích mà chúng ta muốn. Một đơn vị kiến thức đưa vào thì dứt khoát phải trả lời được câu hỏi rằng để làm gì và nếu nó ra thì có ảnh hưởng gì không. Và nếu không ảnh hưởng thì dứt khoát nên bỏ”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, trong bối cảnh bùng nổ về thông tin thì nhiều đơn vị kiến thức trong chương trình cũ là không cần thiết và cần được tinh giảm.
“Chúng ta đừng kiến thiết Toán học theo hướng mà dành cho những người mà họ sẽ làm những nghề trực tiếp liên quan đến Toán hoặc trở thành nhà Toán học. Thế nhưng tinh giảm không có nghĩa là thấy kiến thức khó quá thì bỏ béng đi không dạy nữa mà nằm ở chỗ dạy để làm gì và dạy như thế nào?”
Ông Thái cho hay, chương trình giáo dục Toán học phổ thông mới thay cách tiếp cận nội dung trước đây là quan tâm nhiều đến chuyện được học những đơn vị kiến thức nào, giải được bao nhiêu dạng bài tập, đi thi được bao nhiêu điểm sang cách tiếp cận mới là tăng tính sáng tạo của người học. “Đỉnh cao nhất của sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề, phải nhìn thấy và hình dung được thành vấn đề rồi giải quyết được nó. Đó mới là quan trọng nhất”.
Ông Thái cho rằng sáng tạo cũng là khả năng quan trọng nhất trong việc khởi nghiệp.
“Trong vô vàn các lĩnh vực của xã hội, cái nào cũng có hàng trăm hàng nghìn người làm, chỉ sáng tạo thì mới nhìn ra cái gì là của riêng mình”.
Tuy nhiên, theo ông Thái, chương trình phổ thông mới về Toán nếu muốn tạo ra năng lực cho người học, cần phải có một không gian và thời gian vật chất nhất định để tự học, tự chuyển hóa những điều đó thành của mình.
“Muốn vậy thì phải học ít thôi, học nhiều quá sẽ không có thời giờ để dạy. Tôi rất kinh ngạc khi nhìn vào đề thi tuyển sinh đại học, các em phải giải những bất phương trình, phương trình mũ logarit, tích phân hay lượng giác,.... mà không biết về sau cuộc đời các em cần gì đến những phương trình đó. Các em đang tính những cái mà không hề ai dùng đến và tôi nghĩ sau này cuộc đời các em cũng không bao giờ dùng đến”.
Ông Thái chia sẻ: “Tôi hay nói đùa với các đồng nghiệp cùng biên soạn rằng tôi đòi hỏi ăn gì phải bổ nấy, không chứng minh được điều đó là cần thiết thì nên bỏ ra, chứ không phải tư tưởng không bổ dọc thì bổ ngang”.
Chương trình hiện nay vì triết lý xây dựng theo tiến trình logic của phát triển Toán học mà có xu hướng dồn từ lớp trên xuống lớp dưới mà lẽ ra cần ngược lại.
Chương trình mới hứa hẹn sẽ giảm tải kiến thức cho học sinh. Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Ông Thái lấy ví dụ có những bài tập khó ở sách giáo khoa lớp 4, trong khi đó ở các nước khác cũng bài tập đó được dạy ở chương trình lớp 6 hoặc 7.
“Tôi có một đứa cháu khi 12 tháng thì phát âm tên tôi vô cùng khó khăn và không thể đúng nhưng chỉ sau đó 2 tháng thì cháu có thể nói rất dễ dàng. Có nghĩa nhiều việc với hôm nay là khó đối với trẻ nhưng ngày mai là việc hiển nhiên. Vậy cái gì hiển nhiên với đứa trẻ vào ngày mai thì phải dạy ở ngày mai chứ sao lại bắt học vào hôm nay. Vậy cần phải theo nguyên tắc đẩy lên, kiến thức từ lớp 1 đẩy lên các lớp trên, cái gì lên lớp 12 hết chỗ thì có nghĩa nó vượt khỏi chương trình phổ thông. Chúng ta không thể đem khoa học Toán học ép vào nhà trường phổ thông mà trước khi vào phải được lọc qua một tầng lọc là lăng kính sư phạm. Ngay bản thân tôi không thể đem những hiểu biết của mình để bắt học sinh học được”.
Học không chỉ nhằm mục đích thi cử
GS Thái cho rằng điểm mới nhất của chương trình Toán mới chính là chuyển từ việc tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực của người học, đặc biệt việc học phải chỉ nhằm mục đích để phục vụ đi thi.
“Việt Nam chúng ta có một điểm mà đã thành truyền thống là học sinh thi gì cũng giỏi. Thường chỉ một 2 năm đầu kém thôi còn sau thì kết quả rất cao".
Ảnh: Thanh Hùng. |
Theo ông Thái đó là do việc luyện thi và không đâu xa, ngay chính bản thân ông cũng từng bỏ công ra luyện học sinh tới hơn chục buổi.
“Gần đây tôi có dẫn học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế cấp Tiểu học. Mấy năm đầu tiên thì chả được giải nào, điểm kém lắm, thậm chí có năm điểm không hết, nhưng năm ngoái cả thế giới có 26 giải Nhất thì học sinh Việt Nam chiếm tới 11”, ông Thái kể.
Tuy vậy, ông Thái cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế: “Thi gì cũng giỏi, nhưng dân tộc ta không để lại một dấu ấn nào trong cái đỉnh cao trí tuệ về Toán học hay Khoa học kỹ thuật của thế giới trong nhiều năm. Chỉ cho đến khi dấu ấn đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu, và sau đó thì không biết bao lâu sẽ có nữa”.
Ông Thái đánh giá mặt bằng chung học sinh chúng ta học tốt, thi gì cũng tốt nhưng lại không sáng tạo. “Mà không sáng tạo thì chỉ có thể đi làm thuê mà thôi”, ông Thái nói.
Những kiến thưc và kỹ năng không hướng đến chuyện đi thi mà sẽ hướng đến thực tiễn cuộc sống. “Toán học như một cái cần câu để cho phép mỗi con người tìm ra hướng mưu sinh trong cuộc đời mình”.
Chính vì vậy, điểm mới quan trọng nhất, quyết định nhất ở chương trình phổ thông mới về Toán mà Ban phát triển chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cố gắng thực hiện gồm 4 mục tiêu: tinh giảm, thiết thực, hiện đại, sáng tạo.
“Đừng hy vọng chương trình mới sẽ đưa ra những đơn vị kiến thức rất mới, chuyện hay ho này khác, sẽ không như vậy mà sẽ bớt đi nhiều so với hiện nay. Cái thay đổi là chúng ta hướng giáo dục toán học đến sự mưu sinh của mỗi một con người sau này”, ông Thái khẳng định.
Thanh Hùng