- Đại diện tổ chức giáo dục Cambridge cho biết đặt mục tiêu thành lập một trung tâm đào tạo giáo viên đặt tại Việt Nam và hướng đến việc có thể đào tạo ra được những giáo viên Việt Nam nhưng đạt chuẩn quốc tế của Cambridge.

Đó là chia sẻ của TS Ben Schmit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Cambridge (thuộc ĐH Cambridge) tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục diễn ra sáng nay 16.3. 

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng.

Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm đào tạo song bằng bậc THPT.

Năm 2017, Hà Nội chính thức đưa chương trình quốc tế vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông và cụ thể là Trường THPT Chu Văn An và Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng.

Trường THPT Chu Văn An là trường đầu tiên được triển khai dạy thí điểm song bằng Chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level –được cấp bởi tổ chức giáo dục Cambridge. “Khóa học đầu tiên đã tuyển sinh đủ 50 học sinh chia làm 2 lớp. Ban đầu các em học khá vất vả bởi cấp THCS chúng ta chưa có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, đến nay học sinh tiếp thu được kiến thức và tương đối khả quan về khả năng nhận được chứng chỉ A-level”, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.

Theo ông Dũng, Hà Nội dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình này ở bậc THCS với 7 trường công lập tham gia thí điểm năm học mới 2018-2019 (gồm Trường THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương và THCS Ngô Sĩ Liên).

{keywords}
TS Ben Schmit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Cambridge. Ảnh: Thanh Hùng.

Đánh giá về học sinh của Việt Nam khi theo học chương trình này, TS Ben Schmit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Cambridge nói: “Chất lượng học sinh học chương trình song bằng ở Việt Nam rất tốt, các em đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Nếu so sánh với các trường khác ở trên thế giới thì có thể nói chất lượng ngang bằng hoặc thậm chỉ có thể tốt hơn".

Về hướng đầu tư cho phát triển đội ngũ giáo viên hiện có ở các trường thực hiện chương trình này, ông Ben Schmit cho hay Cambridge mong muốn phát triển đội ngũ giáo viên để giúp cho họ có được phương pháp giảng dạy mang tính chất hiện đại và tích cực tại lớp học.

“Mục tiêu của chúng tôi là sẽ thành lập một trung tâm đào tạo giáo viên của Cambridge đặt ngay tại Việt Nam. Chúng tôi hướng đến việc có thể đào tạo ra được những giáo viên của Việt Nam nhưng đạt chuẩn quốc tế của Cambridge”, TS Ben Schmit nói.

Được biết, về phía UBND TP Hà Nội cũng đã giao cho Sở GD-ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để hỗ trợ những trường công lập về kinh phí để người học có thể tham gia được chương trình này ở mức học phí có thể chấp nhận được.

“Học phí để học 5 môn chương trình Cambridge hiện nay của các trường như THPT Chu Văn An là 7,5 triệu đồng/tháng. Như vậy tính cả 3 tháng học bổ trợ thì tổng số tiết học trong 24 tháng với số tiền phải bỏ ra khoảng 180 triệu đồng/năm là có thể lấy được chứng chỉ A-level. Trong khi đó, các trường quốc tế trên địa bàn thành phố thì học phí dao động từ 320-400 triệu đồng/năm. Còn nếu ra nước ngoài học tập thì con số sẽ còn lớn hơn.

Đối với cấp THCS, hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng đề án với mức học phí là 5,6 triệu đồng/tháng. Tất cả số tiền học phí này chỉ nhằm mục đích chi trả lương giáo viên, phí bản quyền và tài liệu, học liệu chương trình Cambridge. Còn tất cả trang thiết bị cơ sở vật chất, phòng học thí nghiệm… ở cấp THPT do thành phố đầu tư, cấp THCS được cấp quận, huyện đầu tư”, ông Dũng cho hay.  

Thanh Hùng

Hệ song bằng Anh - Việt được dạy ở trường công Hà Nội vào năm học tới

Hệ song bằng Anh - Việt được dạy ở trường công Hà Nội vào năm học tới

Các thí sinh muốn học chương trình A-level tại Trường THPT Chu Văn An phải làm bài thi 4 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh