- Chiếm tới hơn một nửa nhân lực nghiên cứu khoa học của cả nước, song đầu tư, phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học còn nhiều hạn chế.

Báo cáo khảo sát hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2011-2016 được thực hiện bởi nhóm 21 tác giả đến từ nhiều trường, viện, cơ quan cho thấy khá nhiều tồn tại trong hoạt động này cần được tháo gỡ.

Theo báo cáo, tổng số nhân lực KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là 77.841 người, chiếm tới 50,08% tổng số nhân lực toàn quốc.

Trong số này, số nhân lực chất lượng cao, có trình độ tiến sĩ trở lên là 16.514 người, chiếm tỉ lệ hơn 21%.

Với 945 nhóm nghiên cứu, và hơn 1.413 tổ chức KH, các trường đại học đang có những đóng góp lớn vào thành tựu KHCN trong những năm qua.

Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định, kinh phí đầu tư trực tiếp cho hoạt động KHCN của các trường đại học là ít dù lượng sản phẩm nhiều hơn so với các viện nghiên cứu trong cả nước.

"Kinh phí ngân sách KHCN đầu tư cho hoạt động KHCN của ngành giáo dục là thấp. Đặc biệt, ngân sách KHCN đầu tư cho ngành giáo dục trong những năm qua có xu thế giảm, trong khi số lượng các nhà khoa học trong ngành ngày càng tăng, số lượng các sản phẩm KHCN của các trường đại học đóng góp cho tiềm lực KHCN quốc gia là lớn" - báo cáo viết.

"Trong khi đó, nhu cầu nghiên cứu trong các trường đại học ngày càng lớn đặc biệt trong bối cảnh tiến bộ KHCN ngày càng nhanh".

Xét về tổng mức đầu tư, ngành giáo dục được đầu tư thấp hơn một số bộ, ngành như Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương.

Nếu tính bình quân cho một đơn vị nghiên cứu của ngành giáo dục, con số đầu tư sẽ thấp hơn nhiều so với các đơn vị nghiên cứu của một số bộ ngành khác.

"Thực trạng tài chính cho hoạt động KHCN của các trường đại học hiện nay thực sự là rất khiêm tốn" - báo cáo nhận định.

Từ đó, báo cáo khẳng định cần phải thay đổi thực trạng đầu tư thấp cho KHCN ở các trường đại học, nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực KHCN (90%) mới có thể bắt kịp được các nước trong khu vực về giáo dục đại học.

{keywords}
Việc đầu tư và phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ trong các trường ĐH còn nhiều bất cập.

Việc phân bổ kinh phí cho hoạt động KHCN ở các trường đại học cũng còn những bất cập khi phần lớn dựa vào số cấp ban đầu chứ chưa theo nguyên tắc gắn theo sản phẩm đầu ra, chưa phân bổ theo số lượng cán bộ nghiên cứu. Các trường sống bằng số lượng đề tài chứ chưa sống bằng sản phẩm của đề tài.

Bên cạnh vấn đề kinh phí, vấn đề thiếu quy hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và đào tạo, hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN còn rất hạn chế và việc nhiều lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động KHCN và hoạt động dịch vụ KHCN đi kèm… cũng được coi là những "điểm nghẽn" của nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam.

Nhà khoa học được hưởng phần trăm từ đề tài, sản phẩm

Để giải quyết những vấn đề còn bất cập, tồn tại nêu trên, nhóm tác giả đã đều xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ KHCN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ 2 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách và đầu tư.

Về cơ chế chính sách, nhóm tác giả đề xuất thay đổi mô hình đầu tư cho hoạt động KHCN cho các trường đại học, không phân biệt công lập, ngoài công lập mà hướng tới sản phẩm đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí bằng mô hình xây dựng cơ sở vật chất dùng chung.

Thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ KHCN, tổ chức theo chương trình nghiên cứu gắn với mục tiêu từng giai đoạn, tránh dàn trải, trong đó tập trung vào các chương trình liên ngành: Công nghệ sinh học, Điện tử viễn thông, Cơ khí chế tạo, Công nghệ thông tin, Công nghệ vật liệu mới.

Thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách KHCN theo mô hình quỹ với phương thức đầu tư đặt hàng. Theo đó, kinh phí được đưa về quỹ và đặt hàng theo yêu cầu của thực tiễn, không bị áp lực giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN

Thay đổi chính sách hoạt động KHCN cho các nhà khoa học trong trường đại học, theo đó các nhà khoa học có thể huy động vôn, sử dụng nguồn lực trang thiết bị đầu tư cho phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm bằng cách hình thành các doanh nghiệp xung quanh trường đại học.

Thay đổi mô hình tổ chức các tổ chức KHCN trong các trường đại học, hướng tới phát triển sản phẩm gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Về đầu tư, nhóm tác giả đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng và chủ trì Đề án đầu tư phát triển hạ tầng KHCN gắn với tự chủ đại học của các trường đại học sau 2020. Trong đó có việc thành lập Quỹ phát triển KHCN ứng dụng và khởi nghiệp quốc gia (NARASUF) nhằm đầu tư cho các chương trình nghiên cứu về phát triển sản phẩm công nghệ ứng dụng gắn với khởi nghiệp.

Riêng đối với Bộ KHCN, nhóm tác giả đề nghị Bộ hỗ trợ các trường đại học tổ chức hoạt động nghiên cứu cho nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản thông qua học bổng nghiên cứu.

Phối hợp với Bộ Tài chính chỉnh sửa Thông tư 27 về thanh quyết toán đối với các đề tài nghiên cứu theo cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, một cách cụ thể hơn, theo đó: cần cắt giảm quy trình thanh toán; khoán chứng từ thanh toán cho hoạt động chuyên môn bằng chứng tư thanh toán Giấy biên nhận; thực hiện thanh quyết toán một lần theo một hợp đồng và thanh lý hợp đồng duy nhất.

Thay đổi cơ cấu đầu tư cho KHCN từ nguồn sự nghiệp KHCN theo tương quan số lượng các tổ chức KHCN, nhân lực KHCN và sản phẩm đầu ra.

Về vấn đề đầu tư, nhóm tác giả kiến nghị Bộ KHCN thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đó ưu tiên kinh phí sự nghiệp KHCN đầu tư phát triển hạ tầng KHCN của một số trường đại học trọng điểm để phát triển thành đại học nghiên cứu chủ công của ngành KHCN.

Đối với các trường đại học, nhóm tác giả kiến nghị quy hoạch phát triển tiềm lực KHCN gắn với các ngành đào tạo, hướng tới sản phẩm khoa học đỉnh cao cho các ngành có thể mình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN gắn với doanh nghiệp hướng tới tự chủ đại học dựa vào khoa học công nghệ.

Ngoài ra, nhóm tác giả kiến nghị các trường phải đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động KHCN và đào tạo của nhà trường hướng tới ứng dụng thực tiễn, liên ngành theo xu hướng tự chủ, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như hưởng % lợi ích kinh phí từ việc tạo ra các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, hưởng % kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp và địa phương.

Lê Văn