- "Những bất lợi của điện hạt nhân lớn hơn các lợi ích của nó mang lại, đặc biệt khi một số lợi ích được đưa ra không thực sự đúng".

Đó là một trong những kết luận được đưa ra tại Hội thảo "Năng lượng nguyên tử ở Việt Nam và thế giới" diễn ra mới đây do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Quỹ FES và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức.

Theo ý kiến của các chuyên gia được trình bày tại hội thảo, lợi thế dễ nhìn thấy của điện hạt nhân là hiệu suất cao, không tốn nhiều diện tích khi tính lượng điện được sản xuất tương ứng trên đơn vị diện tích sử dụng.

{keywords}
Một nhà máy điện hạt nhân ở Đức. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì điện hạt nhân không phải là loại năng lượng bền vững, không hề rẻ, không đảm bảo được an ninh năng lượng, không góp phần giảm thiểu phát thải và không phải là công nghệ năng lượng của tương lai.

Theo đó, các chuyên gia này cho rằng, chi phí thực cho “đầu tư xây dựng” nhà máy điện hạt nhân không bao gồm 12 loại chi phí phát sinh trong vòng đời dự án mà ngân sách nhà nước phải chi trả, và được thu từ người sử dụng năng lượng và người đóng thuế như chi phí hoàn thiện chính sách, chi phí mua nhiên liệu, chi phí phòng sự cố, chi phí tháo dỡ…

Không giống các nhà máy điện thông thường, khi hết tuổi thọ, nhà máy điện hạt nhân phải tốn thêm chi phí xử lý chất thải hạt nhân và chi phí tháo dỡ.

Theo kinh nghiệm của Đức, những chi phí này thậm chí còn lớn và tốn kém nhiều thời gian hơn chi phí và thời gian xây dựng nhà máy. Đây thực sự đang là áp lực lớn đối với chính phủ và người dân Đức.

Theo ông Klaus-Peter Dehde, Thị trưởng vùng Elbtau - một cộng đồng sống gần nơi lưu giữ chất thải phóng xạ, cho biết Đức đã phải bỏ ra 15 tỷ EUR để hỗ trợ và vận hành các nhà máy điện nguyên tử, khoản tiền này không bao gồm các khoản chi phí đã phải chi ra và tới đây sẽ phải chi thêm cho việc lưu giữ rác thải hạt nhân. Nếu tính tổng thể thì phải lên đến hàng nghìn tỷ EUR.

Theo kế hoạch, tới năm 2022, Đức sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, do yếu tố kỹ thuật phức tạp, các nhà máy năng lượng hạt nhân thường xảy ra lỗi và sai sót. Thậm chí nếu không có vấn đề gì xảy ra trong một thời gian dài, các lò phản ứng vẫn phải dừng để bảo trì định kỳ, hoặc tái xây dựng từng phần để đảm bảo cầ các quy định về an toàn mới. Trong thời gian tạm dừng, có thể kéo dài nhiều tháng, vẫn phải đảm bảo độ ổn định của lưới điện và phải sản xuất các nguồn năng lượng thay thế khác.

Do đó, điện hạt nhân không đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngược lại, nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự cố đặc biệt trong điều kiện thiên tai bất thường và khi sự cố xảy ra thì gây ra thảm họa lớn khó có thể khắc phục. Hiện đây là loại năng lượng không công ty bảo hiểm nào tham gia đảm bảo 100%.

Chúng tôi có đến thăm quan nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ tại Đức, trong thời gian vận hành họ đã phải dừng hoạt động khoảng 500 lần vì gặp phải sự cố”.TS. Sonja Schirmbeck – Phó trưởng đại diện FES, cho hay.

Bà Kanna Mitsuta, Chương trình Năng lượng và Hạt nhân, Tổ chức Những người bạn Trái đất – Nhật Bản cho biết: “Thiệt hại (chi phí ổn định, dọn dẹp và sửa chữa) từ tai nạn hạt nhân Fukushima ít nhất là 13 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 130 tỷ đô la Mỹ), và có lẽ sẽ lên đến hàng chục nghìn tỷ yên. Đa số các chi phí này sẽ gánh vác bởi thế hệ trẻ ngày nay và các thế hệ tương lai.”

Các chuyên gia cũng cho rằng, tăng sản xuất điện hạt nhân không giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Do việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tốn rất nhiều năm (trung bình 10 năm) trong khi không còn nhiều thời gian để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm không quá 1,5 độ C, nỗ lực tăng sản xuất điện hạt nhân để cứu hành tinh sẽ trở thành những nỗ lực muộn màng.

Hơn thế nữa, theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), điện hạt nhân chỉ có thể đóng góp 6% trong tổng lượng khí thải toàn cầu phải cắt giảm tính đến năm 2050.

Các chuyên gia này cũng cho rằng, điện hạt nhân điện hạt nhân không phải là một tiến bộ công nghệ. Rất ít các cải tiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ bắt nguồn từ điện hạt nhân.

Ngược lại chi phí để sản xuất và nghiên cứu về điện hạt nhân có thể được sử dụng cho các lĩnh vực khoa học khác hiệu quả hơn. "Tương lai không còn là của điện hạt nhân mà của năng lượng tái tạo" - kết luận của hội thảo khẳng định.

{keywords}
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Việt Nam.

Từ đó, các chuyên gia bày tỏ lo ngại với những rủi ro, thách thức đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam khi nhìn thấy tỉ trọng đóng góp của điện hạt nhân hiện không đáng kể (dự kiến 3,6% công suất vào năm 2030).

Bên cạnh đó, tính cấp thiết đối với việc đối với phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn còn là một câu hỏi.

Ở Việt Nam, nhu cầu về sản xuất điện hạt nhân đã giảm rõ rệt thể hiện trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Tuy nhiên, việc có xây nhà máy điện hạt nhân hay không vẫn còn đang chờ quyết định.

Cho dù chỉ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, tất cả các giải pháp về thể chế và cơ sở hạ tầng như đã đề cập ở trên (từ việc xây dựng mới Luật tới cơ quan quản lý độc lập, cho tới kế hoạch di dời cho cộng đồng cũng như nơi lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân) vẫn cần phải được thiết lập.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu sản xuất điện hạt nhân có thực sự là một đầu tư xứng đáng, có thể bù đắp cho các phí tổn phải bỏ ra để quản lý nó nhất là khi nguồn năng lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu điện quốc gia hay không.

Chưa rõ thời điểm khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1 và 2 được Quốc hội phê duyệt vào 11/2009. Theo đó, dự án NMĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào cuối 2014 và hoàn thành vào năm 2020 với tổng công suất trên 4.000 MW.

Vào giữa tháng 1/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời điểm khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận có thể phải lùi lại tới năm 2020.

Trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016, thời điểm chạy tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là năm 2028. 

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông K.B. Komarov - phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga cho biết, thời điểm khởi công NMĐHN đầu tiên của Việt Nam có thể là năm 2027 hoặc 2028 chứ không phải 2021 hay 2022 như dự kiến.


7 lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc "sát nách" Việt Nam

Hiện tại, 7 tổ máy của 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc với công suất hàng ngàn MW nằm sát biên giới phía Bắc của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Có tổ máy nằm cách biên giới Việt Nam chỉ 50km.

Thông tin được Bộ KHCN cung cấp tại cuộc họp báo đầu tháng 10.

Theo ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), hiện tại có 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (Quảng Tây) với 2 tổ máy; nhà máy điện hạt nhân Xương Giang (trên đảo Hải Nam) với 2 tổ máy và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang (Quảng Đông) với 3 tổ máy đã đi vào hoạt động.

"Trong đó nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành nằm rất sát Việt Nam, các điểm gần nhất của biên giới Việt Nam chỉ 50km" - ông Quang cho biết. "Theo lộ trình xây dựng thì tại các nhà máy này có thể xây dựng tới 6 tổ máy".

Như vậy, khi cả 3 nhà máy này được xây dựng hoàn thiện, sẽ có tới gần 20 lò phản ứng hạt nhân nằm sát biên giới phía Bắc của Việt Nam.


Lê Văn