- Sáng 5/11, Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 cho 703 người.

Đất nước đang trông đợi ở các GS, PGS

Theo GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước cho biết, năm 2016, số ứng viên ban đầu là: GS 118 người, PGS 813, tổng cộng 931, chỉ thấp hơn năm 2009 là 1.167, cao hơn tất cả các năm 2010-2015.

Sau xét tuyển ở ba cấp hội đồng, chỉ còn được 65 GS và 638 PGS, tổng cộng là 703, đạt tỉ lệ 75,51%.

{keywords}
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (trái) và GS Trần Văn Nhung trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2016. Ảnh: Lê Văn

Độ tuổi trung bình khi được phong/bổ nhiệm của GS Việt Nam từ năm 1980 đến 2016 là 57,13 và của PGS là 50,14. “Như vậy là già hơn các GS, PGS ở các nước phát triển” – ông Nhung nói.

“Trong lịch sử nước ta, khi được phong/bổ nhiệm, GS ở trong nước trẻ nhất là 37 tuổi và PGS là 29”.

Trong số 65 GS có 59 nam (90,77%), 6 nữ (9,23%), 73,85% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Trong 638 PGS có 449 nam (70,38%), 189 nữ (29,53%), 6 người dân tộc thiểu số, 79,62% là giảng viên trong các trường đại học và học viện.

Cũng theo ông Nhung, con số GS, PGS là nữ tăng dần theo hàng năm song vẫn còn chậm. Năm nay nữ GS chưa bằng 1/10 tổng số, nữ PGS bằng 1/3, trong khi nữ chiếm hơn một nửa dân số.

Năm nay, trong tổng số 703 GS và PGS, Hà Nội chiếm 66,43%, TPHCM 13,80%, các tỉnh thành khác 19,77%.

“Hà Nội đang cố gắng “chia dần” bớt GS, PGS cho cả nước, nhưng khá chậm. Cần học tập cách luân chuyển cán bộ khoa học của các nước để tăng số GS, PGS trẻ cho vùng sâu, vùng xa và các địa bàn khó khăn” – ông Nhung nói.

Cho đến nay trong lịch sử khoa giáo Việt Nam hiện đại có khoảng 50 trường hợp, 50 “cặp”, mà cả hai bố con đều là GS hoặc cả hai vợ chồng đều là GS hoặc cả hai anh em ruột đều là GS,…

Trong bài phát biểu của mình, ông Nhung cũng khẳng định: Đất nước đang trông đợi ở các GS, PGS.

Theo ông Nhung, các GS, PGS cần góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa, giáo dục, đạo đức và khẳng định tầm vóc khoa học quốc gia.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa cho Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ông Nhạ cũng được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS năm 2016. Ảnh: Lê Văn.

“Học hàm, học vị là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bằng cấp, chức danh là sự ghi nhận nỗ lực của cá nhân từ ngày hôm qua. Bản thân bằng cấp, chức danh không sinh ra ý tưởng mới, không tạo ra giá trị mới thay cho chủ nhân của nó” – ông Nhung cho hay.

“HĐCDGSNN mong rằng các tân GS, PGS nghĩ về trọng trách của mình từ ngày hôm nay. Sau khi đạt chức danh ta sẽ làm gì, đó là mong mỏi, là kỳ vọng cao hơn của đất nước, của nhân dân”.

Ông Nhung cũng cho rằng, Việt Nam còn còn có ít các nhóm nghiên cứu mạnh, ít các trường phái khoa học nổi tiếng. Đây là điểm yếu của các đại học và các viện nghiên cứu. Do đó các tân GS, PGS phải góp phần xây xựng được môi trường học thuật cho văn hoá tiến bộ.

Ông Nhung cũng khẳng định, các GS, PGS của Việt Nam cần phải tăng cường công bố quốc tế vì sự phát triển, tăng uy tín để bảo vệ chủ quyền, an ninh tổ quốc.

“Thử hỏi trong những thời khắc thử thách khốc liệt trên Biển Đông, chúng ta đã có được bao nhiêu bài báo khoa học và bao nhiêu bài viết đại chúng bằng tiếng Anh trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để bảo vệ chân lý và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia?” – ông Nhung nêu câu hỏi.

GS, PGS Việt Nam còn khiêm tốn so với thế giới

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chủ chốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo chuẩn quốc gia, dần tiệm cận chuẩn mực của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Ông Nhạ cho hay, từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét, trong 36 năm, tổng số lượt GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó có 1.680 GS và 9.939 PGS.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Văn.

Theo ông Nhạ, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu.

Ông Nhạ cũng cho biết, vViệc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 đã tiếp tục góp phần quan trọng để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức và giảng viên đại học, thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.

Ông Nhạ cũng khẳng định, việc công nhận đạt được tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm các chức danh này vào các vị trí công tác trên cơ sở chiến lược phát triển đội ngũ, cơ cấu và nhu cầu nhân lực của đơn vị.

"Đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã khó; phát huy được vai trò, năng lực, uy tín của các chức danh này tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan, đơn vị lại càng khó hơn. Tôi mong rằng, các tân GS, PGS năm 2016 tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với chức danh được công nhận và bổ nhiệm" - ông Nhạ khẳng định.

Lê Văn