- Tại bàn tròn về chủ đề thu hút, sử dụng nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng chỉ khi hiệu trưởng trường đại học chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước xã hội và cạnh tranh trước đơn đặt hàng của Chính phủ cũng như bên ngoài thì mới có động lực tìm kiếm nhân tài.
"Làm phong trào sẽ không thiết thực"
- Nhà báo Hạ Anh: Câu hỏi đầu tiên xin dành cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Xin ông cho biết, tới nay Bộ GD-ĐT đã triển khai đơn đặt hàng của Thủ tướng như thế nào?
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thu hút nhân tài nhiệm vụ tự thân của ngành, của đất nước. Nay lại được Thủ tướng giao nhiệm vụ, chúng tôi rất phấn khởi vì có được sự cộng hưởng.
Thực tế nhiều năm qua, đã có nhiều cuộc họp bàn về chính sách này, đề ra các kế hoạch chương trình song kết quả vẫn khá khiêm tốn. Khi còn làm ở ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi cũng nhận thấy rằng, nguyên nhân chính dẫn đến chủ trương thu hút sử dụng người tài lâu nay chưa hiệu quả là những người làm chính sách chưa thực sự lắng nghe những người mà mình muốn thu hút về. Đâu đó, việc thu hút người tài mới chỉ là ý chí của lãnh đạo.
Đợt này, tôi muốn đề xuất giải pháp mới. Đầu tiên là phải lắng nghe xem các nhà khoa học Việt Nam đang sống ở nước ngoài tư vấn làm thể nào để khi về có hiệu quả nhất. Tôi cũng làm việc với các cơ sở giáo dục đào tạo, các đơn vị cần thu hút nhân tài xem nhu cầu thực tế của họ như thế nào.
Sau khi trao đổi, lắng nghe, chúng tôi sẽ tập hợp, chọn lựa mô hình, chính sách phù hợp nhất. Ban đầu, có thể chưa làm đại trà cho tất cả mọi người mà sẽ tập trung cho một số có điều kiện về nước, đặc biệt là các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, KHCN.
Tôi tin rằng nếu làm tốt những cái đầu tiên thì mọi người sẽ hưởng ứng. Chứ nếu lại phong trào rồi đại trà thì với các nhà khoa học ở nước ngoài thì không thiết thực.
“Trở về là một quyết định đầy cam go”
- Nhà báo Hạ Anh: Cảm ơn cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Nhạ. Tinh thần của ông là rất muốn lắng nghe, vậy chúng ta có thể đi từ điểm xuất phát của vấn đề: Vì sao nhiều người Việt Nam đã học hành trưởng thành và lập nghiệp ở nước ngoài nhưng lại chọn ở lại nhiều hơn là về?
Bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ (phải) và GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
- GS Ngô Bảo Châu: Thực ra câu trả lời nằm trong câu hỏi rồi. Điều kiện sống ở nước ngoài tốt hơn, thu nhập cao hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là điều kiện phát triển con người.
Một bạn học xong đại học hoặc học xong tiến sĩ chưa thể gọi là nhân tài được vì chưa khẳng định được tài năng, chưa có đóng góp, trừ một vài trường hợp rất đặc biệt.
Họ cần rất nhiều thời gian để khẳng định mình, để trau dồi tiềm năng để trở thành một tài năng được cộng đồng quốc tế công nhận. Đối với họ, quay trở lại Việt Nam là quyết định hết sức cam go.
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là ở nước ngoài môi trường làm việc tạo rất nhiều cơ hội cho mọi người có thể "sáng" lên được. Sức hấp dẫn đối với những người ở lại là vì thế. Còn giải pháp như thế nào thì tôi tin rằng với đà chuyển của đất nước hôm nay, hy vọng chúng ta sẽ có môi trường và cơ chế cho người tài.
Chẳng hạn như buổi bàn tròn hôm nay xuất phát từ suy nghĩ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Qua buổi trao đổi, tôi thấy anh Nhạ là người thực sự tâm huyết, có khát vọng và thực sự là muốn làm.
Niềm tin và cách làm đều phải xuất phát từ những người đứng đầu.
Tôi nghĩ sau này có cơ chế chăng nữa mà không có những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu tâm huyết, muốn làm và làm đến cùng thì chúng ta cũng khó có thể biến những cơ chế đó thành hiện thực.
"Muốn lôi kéo người tài phải tạo động lực cạnh tranh"
- Nhà báo Hạ Anh: GS Ngô Bảo Châu có đề cập đến việc lựa chọn trở về là một lựa chọn đầy cam go. Các anh có lý giải tại sao những khó khăn từ phía trong nước khiến cho sự trở về trở nên cam go không?
- GS Ngô Bảo Châu: Trước hết tôi muốn đề cập đến điểm hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam, những vấn đề khác tôi sẽ đề cập tới sau.
Tôi nghĩ một vấn đề khá cơ bản là thị trường lao động ở các trường đại học Việt Nam cực kỳ kỳ "đóng".
Ở Việt Nam, rất ít khi có chuyện giảng viên chuyển từ trường nọ sang trường kia.
Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh tới vai trò của người đứng đầu tổ chức, cụ thể là các hiệu trưởng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thường là anh sinh viên giỏi thì ở lại trường đào tạo làm giảng viên, phấn đầu nhiều thì thành PGS, GS. Việc chuyển trường khác là vì có vấn đề chứ không phải tự nhiên.
Trong khi trong điều kiện xã hội bình thường thì chuyển từ công ty nọ sang công ty kia là bình thường. Điều này lại không tồn tại trong trường đại học ở Việt Nam.
Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ đại học làm gì có tiền nên lương phải thấp vậy thôi. Thực ra, phải để cho xã hội tự "mở" dần ra.
Khi một trường có nhu cầu thực sự muốn lôi kéo một người khác về thì tự họ sẽ nghĩ ra cách.
Và một trường khác muốn lôi kéo về hơn thì sẽ phải cạnh tranh. Như thế dần dần cơ chế sẽ thoáng hơn.
- Nhà báo Hạ Anh: Chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu làm tôi nhớ đến báo cáo của các GS của chương trình học bổng VEF nói về tình trạng tuyển dụng trong các trường ĐH hiện nay có tình trạng là "cận huyết" mà có 1 - 2 lần gì chính GS Châu cũng có đề cập đến. Đó cũng là điểm khác biệt của các trường đại học Việt Nam so với các trường ĐH thế giới. Hiện nay ở Trường ĐH Bách khoa đây có phải là khó khăn không thưa ông Hoàng Minh Sơn và trường có giải pháp gì cho vấn đề này?
- Ông Hoàng Minh Sơn: Điều anh Châu nói cũng đúng một phần. Nhưng những năm gần đây, tình hình cũng có thay đổi nhiều trong tư duy tuyển dụng.
Việc các trường cho phép cũng như khuyến khích giảng viên có thể từ trường mình đi hoặc từ nơi khác đến cũng đã diễn ra và khá năng động.
Trước kia, việc tuyển dụng rất khó khăn và các trường tốp đầu khó có thể tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp nơi khác về trường. Vì thế, thường là sinh viên giỏi đi học cũng lại về trường, đó là tự nhiên chứ không phải do trường muốn.
Ngày nay, thị trường lao động đặc biệt là đối với nhà khoa học mở hơn nhiều. Các trường tốp đầu sẵn sàng đón nhận và đưa những vị trí việc làm để anh em ở các nơi các trường khác, viện nghiên cứu khác ở nước ngoài về làm việc.
"Nhiều người lên hiệu trưởng rồi ung dung"
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Qua ý của anh Sơn và anh Châu, tôi thấy thấy rõ cái vướng mắc mình đã từng nhận thấy và tới đây phải làm đến cùng.
Việc "cận huyết" hay "đồng huyết" cho tới nay tôi vẫn cho rằng thuộc yếu tố văn hóa. Thầy bao giờ cũng muốn có người học trò của mình, học trò bao giờ cũng muốn bảo vệ thầy của mình. Hiện tượng này không phải ít.
Thầy trò trong nhóm nghiên cứu không phải là xấu, nhưng mở rộng ra thành hệ thống thì có vấn đề. Cái gốc của vấn đề này là tính cạnh tranh chưa cao ở ĐH Việt Nam.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Tôi thấy chỉ khi hiệu trưởng trường đại học chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước xã hội và cạnh tranh trước đơn đặt hàng của Chính phủ và bên ngoài thì sẽ biết ứng xử thế nào.
Khi đó, ông ấy sẽ biết cách giải quyết vấn đề làm thế nào có kinh phí để thực hiện được các nhiệm vụ của nhà trường.
Từ đó, ông ấy mới phải đi tìm người giỏi, phải đối đãi một cách rất chân thành.
Tính cạnh tranh sẽ buộc các ĐH phải suy nghĩ tới việc thu hút nhân tài.
Vì thế, tới đây, chúng tôi sẽ thử nghiệm rất mạnh vấn đề tự chủ đại học. Chỉ có tự chủ đại học thì các trường mới trách nhiệm giải trình trước xã hội, phụ huynh học sinh đồng thời có cơ hội thắng được các hợp đồng lớn, có môi trường để thu hút người tài, không chỉ ở nước ngoài mà còn ở trong nước.
Hiện nay, các trường ĐH chưa gắn chất lượng với người đứng đầu. Thành thử, nhiều người lên hiệu trưởng rồi thì ung dung.
Trong khi có những hiệu trưởng tâm huyết đổi mới mà không có chế để họ chịu trách nhiệm và tạo động lực cho họ.
Nếu tự chủ đại học, những người làm tốt thì họ sẽ có thành quả còn những ai mà làm không tốt thì họ sẽ phải chịu sự phê phán.
Chỉ có cách như thế mới thực sự bền vững, hiệu trưởng mới biết tôn trọng những người có năng lực.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nếu không cải cách mạnh thì nhiều hiệu trưởng sẽ không nhìn cán bộ, giảng viên của mình như những người thực sự tạo nên thương hiệu cho nhà trường.
Chừng mực nào hiệu trưởng còn trông chờ vào cấp trên để vững cái ghế thì chừng ấy các đại học sẽ khó khăn, chất lượng kém. Play
Qua ý kiến của anh Châu về việc mà thầy muốn trò ở lại và anh Sơn nói rằng chúng ta cũng đã có chuyển đổi nhưng quan trọng vẫn phải đi từ cơ chế của người đứng đầu, buộc họ phải trăn trở.
Giữ người tài ở trong, sẽ kéo được nhân tài ở ngoài
Tôi rất trăn trở điều đó. Tôi cũng đã trao đổi với các đồng chí có trách nhiệm là sẽ làm mạnh ở các trường đại học trực thuộc bộ, tiến tới là không có trực thuộc bộ nữa để các trường tự chủ ở các mức độ khác nhau.
Trường nào mạnh thì Nhà nước sẽ hỗ trợ để có vị thế có thể cạnh tranh được. Còn những trường khác yếu qua, bây giờ kiểm định chất lượng thì không bằng một trường cao đẳng ở nước ngoài thì phải biến thành phân hiệu của đơn vị khác hoặc phải có phương án giải thể.
Hiện nay, tình trạng của các trường đại học VN rất manh mún, dàn trải.
Các ông hiệu trưởng chưa thực sự thấy trách nhiệm, người này nhìn người kia, ai cũng thấy khuyết điểm cả nhưng thấy đó không phải của mình.
Thực hiện tự chủ đại học không phải sáng tạo gì, nhưng ở Việt Nam thì phải áp dụng dần dần chứ không thể "sau một đêm ban hành chính sách" thì tất cả đã tự chủ.
Đầu tiên, tôi dự lệnh 6 tháng cho các trường kiểm định lấy tiêu chuẩn AUN (Mạng lưới các trường ĐH ASEAN) cho phù hợp. Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả kiểm định đề đầu tư chứ không đầu tư theo kiểu "thường xuyên" thì trường mới khá lên được.
Khi đó, các ông hiệu trưởng mới cần tới người tài.
Khi đã cần đến người tài thì trước hết phải giữ chân người tài đã có đã.
Tôi thấy có quan niệm cực đoạn cứ nhìn bên ngoài mới là hay, nhưng bên trong rất nhiều người tài. Mình có người tài rồi cứ nhìn đi đâu. Làm tốt với người tài bên trong thì họ sẽ kêu gọi những người ở ngoài đến.
Phần 3: Sẽ có dịch vụ môi giới nhân tài
- Ban Giáo dục
Vào 14h chiều 8/8, VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước”. Khách mời tham gia chương trình:
|