- Sau cuộc họp hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ vào ngày 13/6, nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn vẫn chưa được kết luận. Nửa tháng sau cuộc họp, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) ngành Ngôn ngữ, trao đổi với VietNamNet về nội dung cuộc họp của hội đồng ngành và những diễn biến mới của vấn đề này. 

Phóng viên: Xin GS cho biết quan điểm của ông về những dư luận trên báo chí từ sau cuộc họp hôm 13/6 của HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học?

GS Trần Ngọc Thêm: Trước hết, cần nói rằng ngay từ đầu cuộc họp hôm 13/6, HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học đã thống nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ không chia sẻ thông tin về nội dung cuộc họp ra ngoài. Đến nay, chúng tôi đã gửi báo cáo và biên bản cuộc họp lên HĐCDGS Nhà nước được gần nửa tháng.

{keywords}
GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học

Mặt khác, trong vào ngày 15/6, GS Tồn đã có bài giải trình đăng trên báo Pháp luật TP.HCM Online, trong đó có chứa những thông tin không đúng sự thật về cuộc họp. Bài "giải trình" này đã làm nảy sinh hàng loạt điểm bất bình nêu trong bài "Ai cho phép ông Nguyễn Đức Tồn phán xét nghi vấn đạo văn của chính mình?" trên báo Lao Động Online ngày 22/6. Đồng thời, do thiếu thông tin chính thức nên thời gian qua đã lan truyền một số thông tin không chuẩn xác dẫn đến những suy đoán, đồn thổi. Trong tình hình đó, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc cần cung cấp thông tin chính thức về hoạt động trong thời gian qua của Hội đồng.

Vì sao Công văn 29 của HĐCDGS Nhà nước ký từ ngày 17/5 mà mãi đến ngày 13/6 Hội đồng ngành Ngôn ngữ học mới tổ chức họp?

- Thực sự, đối với tất cả các thành viên Hội đồng, đây quả là một công việc bất đắc dĩ, không ai muốn làm, nhưng chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của nó. Vì vậy, chúng tôi đã luôn cố gắng tối đa để công việc này được hoàn thành tốt nhất, sớm nhất. Sau khi nhận được công văn, ngay trong buổi tối cùng ngày (17/5), Thường trực HĐ CDGS ngành đã thảo luận về công việc được giao và do nhận thấy có một số khó khăn khiến cho công việc không đảm bảo tính khách quan và thiếu tính khả thi, nên Thường trực HĐ ngành đã liên hệ với Thường trực HĐ Nhà nước đề nghị thành lập một Hội đồng khác với thành phần đa dạng hơn, song đề nghị này đã không được chấp nhận.

Trong ngày tiếp theo (18/5), công văn 29 đã được chuyển tới toàn bộ các thành viên của HĐ ngành.

Qua email, Thường trực HĐ đã đề xuất một phương án thực hiện công văn 29 là thành lập một Tổ công tác gồm 4 thành viên và một Quy trình làm việc gồm 5 bước (trong đó có bước 2 là thông báo đến những cá nhân có liên quan đề nghị nộp bản tường trình và các minh chứng, và bước 4 là tiến hành họp trong một ngày để thảo luận về báo cáo thẩm định của Tổ công tác và kết luận).

Tuy nhiên, sau đó có một số thành viên đã gửi thư phản đối về hình thức "họp qua email", yêu cầu thảo luận mọi thứ trong một cuộc họp trực tiếp, mà việc chọn ngày họp phải được sắp xếp kỹ để phù hợp với khoảng trống trong công việc của tất cả các thành viên HĐ.

Chính vì vậy, đến ngày 28/5, HĐCDGS Ngành Ngôn ngữ học mới xác định được thời gian họp phiên thứ nhất để bàn việc triển khai công việc là ngày 13/06 và Thường trực HĐ đã gửi Tờ trình đề nghị Thường trực HĐCDGSNN cho gia hạn thời gian thực hiện Công văn 29.

Ông có thể cho biết cuộc họp của Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ ngày 13/6 bàn về những nội dung gì và kết qủa ra sao?

- Cuộc họp hôm 13/6 của HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học với sự tham gia của 11/13 thành viên (có hai thành viên vắng mặt do đang ở nước ngoài) và bốn vị khách mời từ Văn phòng HĐCDGS Nhà nước và ban Thanh tra của Bộ GD- ĐT.

Dự kiến, đây chỉ là một cuộc họp chuẩn bị nên chương trình cuộc họp được thông qua chỉ gồm hai nội dung là xác định giới hạn nhiệm vụ của Hội đồng và trao đổi về cách thức thực hiện nhiệm vụ. Kết quả là cuộc họp hôm ấy chỉ hoàn thành được 2/3 chương trình cuộc họp đã thông qua.

{keywords}
GS Nguyễn Đức Tồn bị nghi đạo văn của học trò

Đó trước hết là việc xác định giới hạn nhiệm vụ của Hội đồng. Theo Công văn 29, Hội đồng chỉ có đúng một nhiệm vụ là "khẩn trương kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi HĐCDGSNN trước ngày 01/6/2018" về việc "một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh việc "đạo văn" của ông Nguyễn Đức Tồn".

Tuy nhiên, sau khi thảo luận, nhiệm vụ này đã được cụ thể hóa thành hai việc: Một là làm rõ mối quan hệ giữa những phản ánh "đạo văn" mà báo chí đã nêu với Hồ sơ đăng ký chức danh GS của ứng viên Nguyễn Đức Tồn năm 2009, rà soát lại xem hồ sơ này có đáp ứng các tiêu chuẩn của chức danh GS hay không. Hai là, xem xét và cho ý kiến về dư luận do báo chí nêu ra về việc "đạo văn" của GS Nguyễn Đức Tồn có đúng sự thật hay không.

Xin nói rõ, việc Hội đồng quyết định rà soát lại Hồ sơ đăng ký chức danh GS năm 2009 của ông Tồn là do trong quá trình thảo luận, tất cả thành viên Hội đồng đều thấy thực sự cần làm rõ một cách chính thức việc này và hai nội dung đã thông qua.

Như vậy, ngoài hai nội dung đã thông qua, trong chương trình cuộc họp phát sinh thêm nội dung thứ ba là rà soát lại hồ sơ đăng ký chức danh GS năm 2009 của ông Tồn, quy trình thẩm định hồ sơ và mối quan hệ của hồ sơ này với những phản ánh "đạo văn" mà báo chí đã nêu.

Vậy kết quả việc xem xét lại hồ sơ năm 2009 của ông Nguyễn Đức Tồn ra sao thưa ông?

 - Về việc làm rõ mối liên hệ giữa phản ánh "đạo văn" mà báo chí đã nêu với hồ sơ đăng ký chức danh GS của ứng viên Nguyễn Đức Tồn năm 2009, Hội đồng nhận thấy: (1) Theo tinh thần "án tại hồ sơ" thì hồ sơ của ứng viên Nguyễn Đức Tồn năm 2009 không chứa các công trình mà dư luận hiện nay cho là có đạo văn (các chuyên khảo và giáo trình cũ đều đã được thay thế); (2) Hội đồng năm 2009 đã thành lập một tổ công tác gồm 4 người để xem xét hai đơn thư khiếu nại nặc danh tố cáo ứng viên Tồn đạo văn và tổ công tác này thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận về việc đạo văn; (3) Trên cơ sở đó, Hội đồng (hiện nay) cho rằng kết luận của Hội đồng CDGS ngành Ngôn ngữ học năm 2009 về việc hồ sơ của ứng viên Nguyễn Đức Tồn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn công nhận chức danh GS do HĐCDGS Nhà nước ban hành là đúng. Kết luận này đã được tuyệt đại đa số thành viên của Hội đồng biểu quyết tán thành. 

Kỳ hai: "Ông Tồn mang công trình chứa nội dung đạo văn dự giải thưởng Hồ Chí Minh

"Ông Tồn mang công trình chứa nội dung đạo văn dự giải thưởng Hồ Chí Minh"

"Ông Tồn mang công trình chứa nội dung đạo văn dự giải thưởng Hồ Chí Minh"

GS Trần Ngọc Thêm lý giải những việc đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn, cho hay ông Tồn "coi thường người đọc đến mức mang công trình có chứa nội dung đạo văn đăng ký giải thưởng trí tuệ danh giá nhất nước là giải thưởng Hồ Chí Minh". 

 Lê Huyền - Nguyễn Thảo (thực hiện)