Thay cho tiền boa, nhà vật lý học vĩ đại đã viết những lời khuyên bằng tiếng Đức cho người đưa thư với lời nhắn "nếu may mắn, những dòng nhắn gửi này sẽ có giá trị hơn nhiều một khoản tiền boa". 95 năm sau, nó được bán với giá 1,56 triệu USD. 

{keywords}
Những dòng nhắn gửi của Albert Einstein viết cho người đưa thư ở khách sạn Imperial, Tokyo vào năm 1922 được bán đấu giá ở Jerusalem. Ảnh: Reuters

Các nhà tổ chức đấu giá cho biết, một lời nhắn của Albert Einstein cho một người đưa thư ở Tokyo trong đó mô tả ngắn gọn lý thuyết của ông về việc sống hạnh phúc đã được bán ra ở Jerusalem với giá 1,56 triệu đô la. Trước đó, người ta  dự kiến những dòng nhắn nhủ này chỉ bán được với giá từ 5.000 – 8.000 USD.

“Đó là kỷ lục từ trước tới giờ cho một tài liệu được bán đấu giá ở Israel” – phát ngôn viên của sàn đấu giá Winner’s, ông Meni Chadad cho biết. Ông cũng tiết lộ, người mua là một người châu Âu không muốn công khai danh tính.

Một cuộc sống giản dị và yên bình mang lại nhiều niềm vui hơn việc theo đuổi thành công bị ràng buộc bởi những bất ổn không ngừng nghỉ
Albert Einstein

Dòng nhắn nhủ của Albert Einstein nói rằng, ở Đức “một cuộc sống giản dị và yên bình mang lại nhiều niềm vui hơn việc theo đuổi thành công bị ràng buộc bởi những bất ổn không ngừng nghỉ”.

Mức giá khởi điểm cho bản ghi chú của Einstein là 2.000 USD, cho phép cả đấu giá trực tiếp, online và qua điện thoại. Trong khoảng 20 phút, mức giá đã được đẩy lên rất nhanh cho tới khi có 2 người mua tiềm năng cuối cùng cạnh tranh với nhau qua màn đấu giá qua điện thoại.

Cả khán phòng đồng loạt vỗ tay khi phiên đấu giá kết thúc.

“Tôi thực sự rất vui khi có nhiều người ở ngoài kia vẫn còn hứng thú với khoa học, lịch sử và những thông điệp vượt thời gian trong một thế giới đang phát triển rất nhanh như thế nào” – người bán giấu tên chia sẻ sau phiên đấu giá.

Nhà đấu giá Winner’s cho biết, có một bản viết tay khác của Einstein cũng được viết cùng thời điểm này từng được bán với giá 240.000 USD. Bản viết tay này có nội dung là: “nơi nào có ý chí, nơi đó có đường đi”.

NNơi nào có ý chí, nơi đó có đường đi...
Einstein

Theo các nhà nghiên cứu, những bản viết tay này được tác giả của thuyết tương đối viết vào năm 1922, khi ông có một chuyến giảng dạy ở Nhật Bản. Ông được nhận giải Nobel Vật lý vào năm 1921, tuy nhiên danh tiếng của ông về những lĩnh vực ngoài Vật lý thì vẫn luôn được nhân loại quan tâm.

Được biết, nhân viên đưa thư người Nhật Bản đã tới Khách sạn Imperial, Tokyo để chuyển cho Einstein một bức thư. Không rõ nguồn gốc của lời nhắn viết tay là do người đưa thư từ chối nhận tiền boa (do văn hóa địa phương) hay do Einstein không có tiền lẻ.

Dù là lý do nào đi chăng nữa thì nhà vật lý sinh ra ở Đức vẫn không muốn người đưa thư ra về tay không, vì thế ông đã viết 2 bản ghi chú bằng tiếng Đức – theo người bán, một người thân của nhân viên đưa thư cho hay.

“Có thể nếu anh may mắn, những dòng ghi chú này sẽ có giá trị hơn nhiều một khoản tiền boa thông thường” – Einstein đã nói với người đưa thư như vậy, theo lời kể của người bán hiện đang cư trú ở thành phố Humburg, Đức.

Hai bức thư khác được Einstein viết vào những năm sau đó cũng được bán đấu giá vào hôm 24/10 với mức giá 33.600 USD và 9.600 USD.

Hồi tháng 6, những bức thư của Einstein viết về Chúa, Israel và vật lý cũng được bán với giá gần 210.000 USD tại một phiên đấu giá ở Jerusalem.

Einstein từng là một ủy viên hội đồng quản trị không thường trú ở ĐH Hebrew, Jerusalem. Khi ông qua đời vào năm 1955, những gì còn lại của ông đã được để lại ở ngôi trường này, khiến cho nó trở thành chủ sở hữu một bộ sưu tập lớn nhất những tài liệu về ông.

Nguyễn Thảo (Theo Guardian)