- Trước những ý kiến phản ánh vướng mắc, tồn tại trong cơ chế tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho rằng, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này, phải coi đầu tư cho KHCN như đầu tư mạo hiểm.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết khoa học công nghệ sáng nay, 4/1, hầu hết các ý kiến đều khẳng định vai trò quan trọng của KHCN đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc khiến KHCN không thực sự là động lực của sự phát triển như chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường cho rằng, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức từ rất sớm vai trò của KHCN, tuy nhiên, trong thực tế các giải pháp thực hiện vẫn chưa đồng bộ nên không hiệu quả, dẫn đến KHCN bị thui chột.

"Để KHCN là động lực phải có cơ chế chính sách thu hút nhân tài. Những năm qua chúng ta thiếu cơ chế này nên người tài trong cơ quan nhà nước thì muốn ra ngoài còn người ở ngoài thì muốn đi nước ngoài" - ông Trường khẳng định.

Từ đó, theo ông Trường cần phải có một chính sách đồng bộ, nhất là về cơ chế tài chính để những người tài Việt Nam phát huy được, có động lực yêu đất nước, yêu Tổ quốc.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị sáng nay. 

Chỉ rõ hơn những vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với KHCN, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay cơ chế quản lý tài chính khá nhiều thủ tục rất "lằng nhằng". Vì vậy, bà Tiến cho rằng, cần phải biến sản phẩm công nghệ thành thị trường phục vụ và thực hiện cơ chế khoán và đặt hàng nhiều hơn.

"Bộ chúng tôi gần như khoán (đề tài), đặt hàng trong 6 tháng hay 1 năm phải ra sản phẩm. Việc thanh quyết toán thì có thể phải thẩm định nhưng cố gắng phải làm nhanh" - bà Tiến chia sẻ. Theo bà Tiến, nhờ hướng đi này, ngành Y tế đã thu được nhiều kết quả trong hoạt động KHCN và ứng dụng nhanh vào thực tiễn khám chữa bệnh.

GS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương cũng chia sẻ nhiều điểm về những bất cập trong cơ chế tài chính đối với nghiên cứu khoa học.

Theo ông Tấn, mặc dù 2 thông tư liên tịch giữa Bộ KHCN và Bộ Tài chính là Thông tư 55 (Thông tư hướng dẫn xây dựng định mức dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán đối với nhiệm vụ KHCN - PV) và Thông tư 27 (Quy định khoán chi với nhiệm vụ KHCN - PV) đã có những cởi mở nhất định về xử lý kinh phí nhà nước trong hoạt động KHCN nhưng vẫn còn "rất khó khăn".

"Những điều khoản liên quan đến chi kinh phí mà như tôi cũng chịu đầu hàng. Dứt khoát phải có chuyên gia về tài chính mới giải quyết được. Đến bây giờ vẫn phải là các tập hồ sơ rất dày mới quyết toán được" - ông Tấn nói.

Theo ông Tấn, khi xem xét đề tài khoa học, vấn đề quan trọng không phải là đống hồ sơ quyết toán mà là kết quả nghiên cứu thông qua một hội đồng khoa học tầm cỡ. Từ đó, ông Tấn đề nghị phải đổi mới cơ chế chi tiêu tài chính sao cho đơn giản, hiệu quả và gắn với trách nhiệm của nhà khoa học.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng nêu ra những bất cập trong thủ tục hành chính trong việc tiếp cận các chính sách KHCN của doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.

"Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ muốn hưởng chính sách tín dụng ưu đãi thì phải thực hiện thủ tục hành chính qua 5 Bộ và Văn phòng Chính phủ là 6 đơn vị. Điều này làm giảm động lực của các doanh nghiệp".

{keywords}
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng cần quan niệm đầu tư cho hoạt động KHCN ít nhiều là đầu tư mạo hiểm.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh khẳng định, các Thông tư 55 và Thông tư 27 là những nỗ lực lớn của Chính phủ để tháo gỡ cơ chế chính sách đối với hoạt động công nghệ.

Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này phải quan niệm đầu tư cho KHCN ít nhiều là đầu tư mạo hiểm, từ đó mới có thể xử lý căn cơ và thông thoáng được.

Trong bài phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhận định những vướng mắc hạn chế chính đối với sự phát triển của KHCN hiện nay chính là cơ chế chính sách.

Nói về chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước.

Trong 6 yếu tố tạo nên sự phát triển KHCN, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 2 yếu tố thể chế, cơ chế, môi trường và năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KHCN.

"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KHCN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Không phân bổ ngân sách theo kiểu chia đều

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay, KHCN được phân bổ kinh sách 2% (tổng chi ngân sách Nhà nước) nhưng khi quyết toán ở QH thì thường KHCN dư, một số địa phương phải phân bổ ngân sách sang hoạt đông khác.

Từ đó, bà Tiến cho rằng, phân bổ ngân sách chia đều là tốt nhưng cần phải xem lại theo hướng đầu tư ra tấm ra món, có trọng điểm trọng tâm. "Cần phải ưu tiên nơi nào có nhu cầu lớn, đặc biệt có nguồn nhân lực, hệ thống phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu chứ không thể hòa vào ngân sách phát triển hạ tầng, an sinh xã hội"

Bà Tiến cũng dẫn ví dụ ở các nước phát triển, ngân sách nhà nước chủ yếu dành cho các vấn đề lớn, còn lại chủ yếu là hợp đồng giữa nhà khoa học và doanh nghiệp và họ tự nuôi lấy nhau theo cơ chế tự chủ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng kiến nghị điều kiện ngân sách hạn hẹp nên tập trung vào mũi nhọn, dư địa có tác dụng lan tỏa nhanh và hiệu quả tức thì chẳng hạn như các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, dịch vụ du lịch và công nghệ thông tin.

Lê Văn