Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa ra mức "thưởng" 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI/SCOPUS Q1 có IF>2.

Thưởng đúng hay không đúng?

Anh Nguyễn Xuân Thọ, nghiên cứu sinh Ngành Kinh doanh và Quản lý tại ĐH Khoa học và Công nghệ miền Nam Đài Loan, cho rằng việc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa mức thưởng 200 triệu đồng "là một quyết định có chiến lược và tầm nhìn tốt".

“Ở góc độ quản lý, khi đưa ra quyết định nào người ta phải dựa vào nhiều yếu tố. Trong trường hợp này, cá nhân tôi cho rằng khi ban hành quyết định này, lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã dựa vào một số yếu tố.

Thứ nhất là, nguồn lực tài chính – quỹ thưởng được trích từ nguồn của trường. Thứ hai là thực trạng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế hiện tại của trường. Thứ ba là chiến lược phát triển nhằm giữ vững uy tín của một trường top đầu trong khối các trường kinh tế. Thứ tư là thực trạng đào tạo tiến sĩ của trường, đặc biệt là chương trình bằng tiếng Anh có yêu cầu bài báo quốc tế. Tiếp đến là môi trường cạnh tranh mới, trong đó có sự xuất hiện của các trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn. Và cuối cùng là chiến lược hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học bên ngoài trường” - anh Thọ lý giải.

Một hội thảo tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (Ảnh: UEH)

Theo anh Thọ, nên đứng ở góc nhìn của người quản lý để ủng hộ, thay vì đứng ở khía cạnh cá nhân để phản đối chính sách này của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, và “quyết định này cũng gián tiếp hỗ trợ cho dự án nâng cao chất lượng Tạp chí Phát triển Kinh tế của trường hướng tới việc được đưa vào dữ liệu SCOPUS mà trường đang triển khai”.

Anh Phạm Hiệp, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa - Đài Loan, Trung Quốc, cũng nhận xét "mức thưởng này là xứng đáng", vì để có một bài báo đạt yêu cầu như trường đưa ra là vô cùng khó với người làm khoa học.

“Theo tôi biết, số lượng người Việt có những bài báo đạt mức IF>2 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu một trường nào đó công bố quốc tế đạt tiêu chí này là sự kiện lớn trong năm của trường" - anh Hiệp nói.

Với anh Hiệp, điểm thú vị nhất của chính sách mà Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa ra không phải là nằm ở số tiền lớn treo thưởng, mà ở nội dung đơn giản hoá thủ tục hành chính - điều từ lâu luôn được coi là “thủ phạm” triệt tiêu "sức chiến đấu" của các nhà khoa học.

“Tôi nghĩ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ rằng "Chúng tôi đặt niềm tin vào ý tưởng khoa học của các thầy, cô ngay cả khi bị các quỹ ngoài trường từ chối”. Vì thế, so với con số 200 triệu đồng treo thưởng thì việc đơn giản thủ tục hành chính có ý nghĩa hơn rất nhiều. Mặt khác, chúng ta đã nói nhiều về việc phải tin nhà khoa học, thì đây là lần đầu tiên tôi thấy niềm tin ấy được thể hiện bằng hành động cụ thể” - anh Hiệp nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS.TS Ngô Văn Lệ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, bình luận rằng khi hội nhập, trong đó có hội nhập học thuật, như một tất yếu thì việc khuyến khích công bố trên các tạp chí ở nước ngoài là cần thiết, nhưng cũng phải xem xét cụ thể.

"Hiện nay, các trường của Việt Nam không có nhiều công bố trên các tạp chí danh tiếng, nên việc thưởng cho các công bố này đã tạo những động lực nhất định. Nhưng khi các công bố nhiều lên thì việc khuyến khich như vậy cũng không còn có ý nghĩa, vì mỗi cán bộ khoa học coi việc công bố trên các tạp chí danh tiếng sẽ là công việc bình thường" - ông Lệ đưa quan điểm.

Cũng theo ông Lệ, hiện nay sự hiểu biết của chúng ta về những thông lệ quốc tế còn hạn chế, nên không ít những bài viết chưa hẳn đã  đáp ứng được kỳ vọng, mặc dù đăng trên các tạp chí có chỉ số cao.

"Ở Việt Nam đã có không ít những trường hợp để chúng ta suy nghĩ. Việc đi học nước ngoài để lấy bằng tiến sỹ là không đơn giản, nhưng không ít lần báo chí đã phanh phui về các trường hợp như "đi học tiến sỹ 10 ngày", hoặc trình độ tiếng Anh của nghiên cứu sinh quá yếu... Mặt khác, việc đăng bài trên các tạp chí ISI, SCOPUS là không dễ dàng nhưng có sự khác biệt giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Làm tiến sỹ là một nghiên cứu sâu về một vấn đề mà còn có trường hợp giả mạo được, thì một bài viết đăng trên các tạp chí có lẽ còn dễ hơn" - ông Lệ thẳng thắn nhận định.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói gì về mức thưởng 200 triệu đồng?

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường có Quỹ Hàn lâm khoa học. Trước đây, để khuyến khích giảng viên, trường đã đưa ra mức thưởng cao nhất 150 triệu đồng cho một công bố quốc tế.

Gần đây, trường sửa đổi một số quy định, bằng đơn giản thủ tục hành chính và nâng mức thưởng cho các công bố quốc tế. 200 triệu đồng là mức thưởng cao nhất cho một công bố quốc tế đạt ISI/SCOPUS Q1 có IF>2.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (Ảnh: UEH)

“Chúng tôi cho rằng 200 triệu đồng không phải là số tiền lớn, mà việc quan trọng là trường đã đơn giản các thủ tục hành chính. Nếu trước đây người nghiên cứu phải nộp đề tài để xét duyệt, giải quyết các thủ tục hành chính, chứng từ khá mất thời gian, thì hiện nay trường không xét duyệt các đề tài mà chỉ xét duyệt kết quả. Chúng tôi cho rằng một nghiên cứu để được công bố quốc tế thì đã được thẩm định bởi các chuyên gia của tạp chí quốc tế. Vì vậy, giảng viên chỉ cần công bố trên tạp chí có xếp hạng cao là được” - ông Hoài lý giải.

Theo ông Hoài, để có một công bố quốc tế đạt ISI/SCOPUS Q1 có IF>2 là điều không dễ. "Đối với các ngành khoa học xã hội, đặc biệt khối kinh tế, tác giả phải mất từ 2-3 năm nghiên cứu. Nhìn bên ngoài, việc khuyến khích này tăng giá trị lên một chút nhưng cũng đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tăng trách nhiệm, bởi các nghiên cứu phải được công bố trên những tạp chí có xếp hạng cao hơn so với trước. Theo đánh giá của chúng tôi, thách thức về mặt chuyên môn còn cao hơn so với mặt kinh phí” - ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng cho rằng không nên hiểu số tiền 200 triệu đồng là "thưởng", mà đây là chi phí trường hỗ trợ cho giảng viên điều tra dữ liệu, họp nhóm nghiên cứu, khảo sát bên ngoài, dự hội nghị, hội thảo quốc tế…

"Mặt khác, nếu so sới một đề tài cấp Bộ được chi từ 200-250 triệu đồng mà không yêu cầu phải công bố quốc tế, hay Quỹ NAFOSTED chi trung bình một công bố SCOPUS trở lên từ 300-400 triệu đồng, thì mức 200 triệu đồng của chúng tôi là không cao” - ông Hoài khẳng định.

“Sâu xa hơn, chúng tôi hướng tới mục đích tạo cho giảng viên thói quen nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế. Sau này, khi trường không tài trợ nữa, thì giảng viên cũng tự động làm vì trách nhiệm và thói quen. Nếu không có chế độ khuyến khích, giảng viên sẽ chỉ hoàn thành định mức công việc mà không đầu tư nghiên cứu, vì khối lượng công việc theo quy định cũng đã chiếm rất nhiều thời gian”.

Trước câu hỏi "Thưởng nghiên cứu khoa học có phải là "cuộc chơi" của những trường lớn?", ông Hoài khẳng định nhà trường không có mục đích đẩy việc nghiên cứu khoa học vào "cuộc chơi", mà đây là xu hướng quốc tế hóa của trường.

Một hội thảo khoa học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

“Trường chúng tôi không phải là một trường giàu, thậm chí so với các trường nước ngoài chúng tôi còn nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa không có nguồn kinh phí tối thiểu để hỗ trợ, thúc đẩy giảng viên làm nghiên cứu” – ông Hoài chia sẻ.

Ngoài việc thưởng, để thúc đẩy giảng viên, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn mời các nhà khoa học quốc tế tới trường làm việc. Ông Hoài cho biết trường sẽ đầu tư cơ sở vật chất, mở các lớp huấn luyện về phương pháp nghiên cứu, các lớp huấn luyện ngoại ngữ về học thuật, đưa giảng viên đi các trường khác học tập…

“Ngoài 15% giảng viên có năng lực công bố quốc tế thì 85% giảng viên còn lại phải được tạo cơ hội học hỏi đồng nghiệp nước ngoài để đi theo hướng này. Chúng tôi mời giảng viên nước ngoài cùng nghiên cứu theo xu hướng công bố chung. Họ là những người tương tác, chuyển giao kinh nghiệm nghiên cứu theo thông lệ quốc tế cho giảng viên trong trường, để giảng viên của trường từng bước lớn dần về mặt năng lực công bố quốc tế. Như vậy, công bố quốc tế là năng lực thực sự của giảng viên trong trường chứ không "mua" của những nhà nghiên cứu nước ngoài” - ông Hoài lý giải hướng đi của nhà trường.

Vị phó hiệu trưởng này một lần nữa khẳng định “Trường đã xây dựng đề án định hướng trường đại học nghiên cứu từ năm 2012. Trong xếp hạng đại học, nghiên cứu khoa học cũng là một tiêu chí để đánh giá. Vì vậy, đây không phải là việc để cạnh tranh mà là nỗ lực tự thân của trường”.

Lê Huyền