Phối hợp cùng với NXB Giáo dục Việt Nam để có bộ sách giáo khoa phù hợp, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay cả hai bên đã đấu tranh mạnh mẽ để giữ đội ngũ viết sách của mình.

"Sẽ phản biện đến cùng"

Phóng viên: Trong việc việc làm sách với NXB Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ giáo viên TP.HCM tham gia viết sách là bao nhiêu thưa ông?

- Ông Đỗ Minh Hoàng: Tôi không rõ! Nhưng đương nhiên sẽ phải có tỷ lệ người tham gia viết sách giữa hai đơn vị.

Về việc soạn sách người viết không quan trọng mà quan trọng là người chủ biên.

Có môn học giáo viên TP.HCM chủ biên như Giáo dục công dân, nhưng cũng có môn không phải giáo viên của chúng tôi chủ biên như Vật lý…Những nội dung nào không phù hợp, chúng tôi sẽ bác bỏ đến cùng để nội dung sách tốt nhất.

{keywords}
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định Sở GD-ĐT TP.HCM nắm quyền phản biện nên sẽ làm tới cùng để nội dung sách tốt nhất

Cả hai bên đưa ra những lợi thế như thế nào để thực hiện nội dung sách, thưa ông?

- Đây là một "cuộc chiến", vì giữ được quan điểm của mình không dễ.

Phía NXB đưa ra những người có học hàm, có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, còn đội ngũ của TP.HCM là người có kinh nghiệm thực tế giảng dạy.

Chúng tôi xác định, về chuyên môn là không thể nhân nhượng vì phải làm để có sản phẩm tốt nhất. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh trong việc hợp tác này TP.HCM nắm quyền phản biện nội dung sách nên sẽ đấu tranh để có bộ sách tốt nhất.

Hiện tại NXB Giáo dục Việt Nam đang độc quyền phát hành SGK, TP.HCM lại phối hợp với NXB Giáo dục để thực hiện sách mới. Ông có nghĩ điều này sẽ tiếp tục tạo ra sự độc quyền "con" trong việc phát hành SGK mới ở TP.HCM?

- Phát hành là việc kinh doanh và quyền phát hành là của NXB Giáo dục Việt Nam nên tôi nghĩ họ có chiến lược kinh doanh của riêng.

Còn về phương diện quản lý nhà nước, chúng tôi cũng có cách.

Chắc chắn khi sách mới ra, chúng tôi sẽ có biện pháp. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm điều tiết để học sinh không bị mất quyền lợi, không để lũng đoạn thị trường và học sinh được học bộ sách tốt nhất. 

Sẽ đến lúc thoát tư duy học theo SGK

Thưa ông khi có SGK mới công tác tập huấn chuẩn bị tư tưởng cho giáo viên sẽ được triển khai như thế nào?

- Khi sách mới ra chắc chắn sẽ phải tập huấn cho giáo viên. Trong giai đoạn đầu có thể mỗi trường sẽ có một bộ sách để tổ bổ môn họp để cùng chia sẻ, hướng dẫn nhau và thống nhất cách dùng.Tuy nhiên đến một giai đoạn nào đó các giáo viên sẽ phải tự làm điều này vì sau này đề thi sẽ định hướng theo chương trình khung chứ không phải sách giáo khoa nữa. Như vậy nhiệm vụ của giáo viên sẽ nặng nề hơn vì họ phải học tập, tự rèn luyện để định hướng, hướng dẫn cho học sinh.

Hiện tại chỉ có một bộ SGK, nhưng ông có nghĩ rằng khi có nhiều bộ thì phụ huynh sẽ rất rối và phân vân con mình học sách đó có tốt không?

- Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, không cần thiết phải có SGK, hoặc sẽ là SGK điện tử.

Chúng ta phải thoát tư duy học theo SGK. Lúc đó, giáo viên có thể giao cho học sinh các chuyên đề cụ thể, SGK chỉ là một kênh tham khảo mà thôi.

{keywords}
Giáo viên TP.HCM sẽ chọn bộ sách tốt nhất cho học sinh của mình

 

Mặt khác thời của 4.0 thì có thể giấy viết cũng không còn nữa nên phải thoát tư tưởng phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Hiện tại, một số trường học ở TP.HCM chúng tôi đã thực hiện điều này.

Các em được giáo viên cho đi thực tế chiêm nghiệm rồi về làm bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết. 

Nếu vẫn thi cử như hiện nay ông có sợ học sinh của thành phố sẽ thiệt nếu học bộ sách do giáo viên thành phố tham gia biên soạn?

- TP.HCM luôn đánh giá thực chất học sinh chứ không xếp hạng các trường. Chúng tôi đánh giá hiệu suất đào tạo và xem đây là một kênh tham khảo.

Phụ huynh TP.HCM cũng không đánh giá trường nào có tỷ lệ tốt nghiệp cao hay thấp mà đánh giá con họ học ở trường đấy được gì. Những danh tiếng của trường lớn ở TP.HCM không phải là tỷ lệ tốt nghiệp.

Tôi nghĩ phụ huynh của chúng tôi cũng rất thông mình để nhận định điều này. Về xếp hạng đại học càng không thể đánh giá được TP.HCM vì phần lớn học sinh chúng tôi không có nhu cầu học đại học trong nước.

Cảm ơn ông đã trao đổi! 

Lê Huyền