- VietNamNet vừa nhận được bài viết của TS Đỗ Thị Ngọc Quyên tiêu đề “Biên chế và hiệu quả trong giáo dục” với nhiều thông tin thiết thực.
Bài viết được chia làm 2 phần. Phần 1 đề cập tới biên chế giáo viên và chất lượng trong giáo dục phổ thông trên thế giới; phần 2 đề cập tới biên chế và cải cách giáo dục đại học.
Dưới đây tòa soạn trân trọng giới thiệu nội dung bài viết.
Một lớp học tại Mỹ |
PHẦN I: Biên chế và chất lượng trong giáo dục phổ thông trên thế giới
Chủ trương xoá bỏ biên chế trong ngành giáo dục để dọn đường cho các cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Bộ GD-ĐT vừa qua đã gây ra một làn sóng các ý kiến trái chiều, ủng hộ có, phản đối chỉ trích gay gắt có, hoài nghi cũng có.
Câu hỏi đặt ra phổ biến trong các luồng ý kiến này chủ yếu xoay quanh mục đích và sự cần thiết của biên chế, liệu rằng xoá bỏ biên chế có nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không và qua đó có giúp nâng cao chất lượng giáo dục không.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng "Tây họ cũng/còn có biên chế, sao ta lại bỏ?".
Cuộc tranh luận này dường như ngầm định biên chế ở Việt Nam là chính sách "tenure" trong giáo dục ở nước ngoài.
Tiền đề này có thể không chính xác, do vậy thiết nghĩ để tranh luận hiệu quả và tích cực, nhất thiết phải hiểu rõ bản chất, cách thức áp dụng, triển khai cũng như xu hướng sử dụng biên chế trên thế giới cũng như hiện trạng biên chế trong giáo dục trong nước.
Sự ra đời và phát triển của biên chế trong giáo dục phổ thông ở Mỹ
Cơ chế 'tenure' trong giáo dục – thường được dịch sang tiếng Việt là biên chế, được cho là ra đời vào cuối thế kỷ 19 và áp dụng rộng rãi vào khoảng thời gian Thế chiến thứ Nhất và các phong trào đấu tranh nhân quyền nhằm bảo vệ giáo viên khỏi bị sa thải vì những lý do phi nghề nghiệp như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới, các động cơ chính trị hoặc việc thay đổi bộ máy lãnh đạo, quản lý của trường. Năm 2010, biên chế được áp dụng ở 46 bang của nước Mỹ với khoảng 2.3 triệu giáo viên nằm trong biên chế. Thông thường giáo viên trường công ở Mỹ sẽ được vào biên chế sau khoảng 3 năm thử thách.
Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Uỷ ban quốc gia về Xuất sắc trong Giáo dục dưới thời Tổng thống Reagan bày tỏ quan ngại về chất lượng giáo dục, đồng thời đề xuất xem xét cải cách chế độ biên chế cho giáo viên. Kể từ sau đó, các bang như Illinois, Georgia, California, Colorado, Ohio đều bắt đầu chiến dịch cải cách hệ thống biên chế. Ở cấp liên bang, năm 2009, Tổng thống Obama đã chính thức phát động chương trình Đường đua tới đỉnh cao (the Race to the Top) khuyến khích các bang cân nhắc yếu tố thành tích của học sinh khi đánh giá giáo viên và cho thôi việc những giáo viên kém bất kể trong hay ngoài biên chế. Công cuộc cải cách chính sách biên chế rõ ràng gây ra những phản ứng trái ngược, đôi khi là gay gắt từ phía giáo viên và nghiệp đoàn ngành giáo. Sẽ không phải là quá khi gọi đây là một cuộc đấu tranh giữa giáo giới với những người quản lý và xây dựng chính sách giáo dục.
Cùng với áp lực gia tăng về trách nhiệm giải trình, vấn đề hiệu quả giáo viên (teacher effectiveness) và chất lượng giáo dục ngày càng trở nên nổi cộm và cấp bách. Nghịch lý là việc sa thải những giáo viên kém hiệu quả trở nên vô cùng phức tạp và khó khăn do tấm khiên chắn vô hình - biên chế. Theo thống kê năm 2010, ở nhiều bang của Mỹ, trong nhiều năm tỷ lệ giáo viên bị sa thải chỉ rơi vào khoảng 0,1%. Biên chế được cho là rào cản đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và do đó, nhiều đề xuất thay đổi, điều chỉnh, cải cách hệ thống biên chế đã được đưa ra.
Các đề xuất này chủ yếu xoay quanh 3 nhóm giải pháp: (1) thay đổi các quy định biên chế và gắn biên chế với kết quả học tập của học sinh; (2) thay hoàn toàn chế độ biên chế bằng ký hợp đồng với giáo viên; và (3) kéo dài thời gian thử thách trước khi trao vị trí biên chế cho giáo viên.
Tính đến năm 2015, trong tổng số 51 bang có 35 bang lấy kết quả học tập của học sinh làm tiêu chí để xét biên chế. Có 3 bang là Washington D.C., Kansas và North Dakota không áp dụng chế độ biên chế. Chỉ còn lại 25 bang vẫn duy trì chế độ biên chế đương nhiên cho giáo viên (Doherty & Jacobs, 2015). Florida và North Carolina đã xoá bỏ hoàn toàn biên chế. Ngoài ra có 21 bang khác đã cải tiến chính sách biên chế theo hướng đặt ra quy trình khiến việc vào biên chế trở nên khó khăn hơn.
Biên chế trong giáo dục phổ thông ở Nhật Bản
Trong một lớp học ở Nhật Bản. |
Tenure – biên chế cũng được áp dụng để hỗ trợ giáo viên ngay từ những ngày đầu tiên vào nghề và trong suốt sự nghiệp sau này của họ. Giáo viên là công chức nhà nước được chính quyền địa phương tuyển dụng. Trái với ở Mỹ hay ở Úc, giáo viên ở Nhật không phải trải qua quá trình 2 năm tập sự hay thử thách. Nhưng họ phải trải qua quá trình sàng lọc và tuyển dụng rất khắt khe, nghiêm ngặt. Sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm phải vượt qua kỳ thi tuyển dụng do hội đồng giáo dục địa phương tổ chức. Kỳ thi này rất ngặt nghèo, tỷ lệ đỗ đôi khi chỉ 6%. Sau khi thi đỗ, giáo viên mới tuyển được cấp giấy phép hành nghề ở cấp địa phương, được phân về các trường trong phạm vi địa hạt hành chính của tỉnh/hạt đó và được hội đồng giáo dục ở đó quản lý.
Một khi đã được vào biên chế, theo luật công chức của Nhật thì giáo viên chỉ có thể bị sa thải trong các trường hợp hiệu quả công việc kém, mất năng lực hành vi do các vấn đề thể chất và tâm thần, thiếu trình độ chuyên môn, hoặc vị trí tuyển dụng không còn do tái cơ cấu tổ chức hoặc hạn chế tài chính.
Nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên để bước vào nghề giáo ở đây. Theo luật hiện hành, giấy phép hành nghề cho giáo viên Nhật Bản phải được xem xét và cấp lại sau mỗi 10 năm. Để được tái cấp phép, giáo viên phải tham dự một chương trình học 30 giờ về các vấn đề giáo dục đương đại, thực hành giảng dạy chuyên môn, hướng dẫn và tư vấn cho người học, và các vấn đề khác của ngành. Đáng lưu ý là quy định này mới chỉ được Nhật Bản đưa vào áp dụng kể từ năm 2009 trước áp lực và đòi của xã hội về chất lượng đội ngũ giáo viên và trách nhiệm giải trình của ngành giáo.
Hai luồng ý kiến trái chiều về biên chế
Những tranh luận về biên chế ở Mỹ và các quốc gia khác cho thấy cả hai phía ủng hộ và phản đối duy trì biên chế đều có những ý kiến đáng cân nhắc.
(Bấm vào hình để xem rõ hơn)
Nguồn: http://teachertenure.procon.org
Tham khảo việc áp dụng biên chế và việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở một số quốc gia khác Ở Đức, giáo viên các trường công lập được hưởng chế độ "biên chế" suốt đời với tư cách là công chức từ năm 1872. Chế độ này cho phép họ luôn được bảo vệ, không phải lo lắng về việc tinh giản bộ máy hay chấm dứt hợp đồng do năng lực kém. Để được nhận việc và vào biên chế, sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp phải trải qua các kỳ thi sát hạch quốc gia và kỳ tập sự kéo dài 2 năm. Trong khoảng thời gian này, họ phải đi dự giờ, rồi làm trợ giảng, và sau cùng là tập giảng dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm. Họ cũng phải tham dự các buổi seminar và được giáo viên hướng dẫn cùng giám sát seminar kèm cặp và đánh giá. Ở Canada, mỗi tỉnh có hình thức biên chế khác nhau dành cho giáo viên. Thông thường giáo viên phải trải qua hợp đồng thử việc 2 năm dưới sự kèm cặp, đánh giá chặt chẽ. Sau khi được vào biên chế, giáo viên chỉ có thể bị buộc thôi việc vì những nguyên nhân xác đáng. Ở Úc, biên chế giáo viên chủ yếu là do chính quyền cấp tỉnh quản lý. Giáo viên có trách nhiệm cung cấp các tài liệu (bao gồm giáo án, phiếu đánh giá dự giờ, ) chứng minh họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về kiến thức, thực hành sư phạm và cam kết với nghề để được "kiểm định" theo chu kỳ 5 năm. Các trường phổ thông chỉ được phép thuê tuyển các giáo viên được kiểm định. Ở Nam Hàn, giáo viên các trường công lập sau khi có bằng cử nhân phải thi lấy chứng chỉ sư phạm do các sở giáo dục địa phương tổ chức. Bài thi này đánh giá kiến thức chuyên ngành, kỹ năng giảng dạy và phương pháp sư phạm, và có cả một phần phỏng vấn sâu. Phải đỗ chứng chỉ này giáo viên mới đủ điều kiện được các trường phổ thông tuyển dụng. Trước khi được tuyển dụng chính thức, họ có 2 tuần đào tạo tại trường qua các trường hợp điển hình, các bài tập thực tế, học lý thuyết cũng như thực hành quản lý lớp học và hướng dẫn học sinh. Ngay sau khi được tuyển dụng, giáo viên được vào thẳng biên chế mà không qua thử việc và được đảm bảo công ăn việc làm cho tới khi nghỉ hưu. Sau khi tuyển dụng, họ được đào tạo 6 tháng về giảng dạy, kiểm tra và đánh giá, giám sát lớp học, các công việc hành chính và tư vấn học sinh. Ở Mehico, Tổng thống Enrique Pena Nieto đặt chất lượng giáo viên lên hàng đầu trong cải cách hệ thống giáo dục công của nước này. Và từ 2015, Mehico bắt đầu yêu cầu giáo viên phải trải qua kiểm tra định kỳ về kiến thức chuyên môn để tiếp tục được tuyển dụng. Giáo viên thi không đạt sẽ có 3 cơ hội để thi lại, nếu không sẽ bị sa thải. Kể từ 2013, giáo viên công lập nước này đã buộc phải nộp hồ sơ năng lực chứng minh khả năng giảng dạy, khả năng xử lý vấn đề sư phạm, và bảo vệ giáo án. Nguồn: Tenure around the world (2016). Phi Delta Kappan, (6), Academic Onefile, EBSCohost |
TS Đỗ Thị Ngọc Quyên
************************
Tài liệu tham khảo:
Ahn, R., Asanuma, S., & Mori, H. (2016). Japan's teachers earn tenure on Day On: a system that nurtures teachers and provides supports throughout the day and through their careers has helped propel the country to strong marks in international assessments while making teacher tenure a nonissue. Phi Delta Kappan, (6).
Concordia University. (2012). K-12 Teacher Tenure: Understanding the Debate. Retrieved from: http://education.cu-portland.edu/blog/reference-material/k-12-teacher-tenure-understanding-the-debate/
Hoffman, P. (2016). Reimagining tenure reform from a teacher's perspective: teachers support changes in tenure, as long as they're changes that strengthen the profession and improve opportunities for students. Phi Delta Kappan, (6).
Jacobs, S. (2016). Improve tenure with better measures of teacher effectiveness. Phi Delta Kappan, (6).
Kahlenberg, R. D. (2016). Teacher tenure has a long history and, hopefully, a future. Phi Delta Kappan, (6).
ProCon.org. (2016, October 14). Background of the Issue. Retrieved from http://teachertenure.procon.org/view.resource.php?resourceID=006636
ProCon.org. (2017, June 6). Teacher Tenure: Top Pro and Con Arguments. Retrieved from http://teachertenure.procon.org/
Tenure around the world. (2016). Phi Delta Kappan, (6).