- Nhiều giáo viên nhìn nhận việc bỏ biên chế sẽ là động lực để hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, đây là vấn đề nằm trong tổng thể đa dạng và tự chủ giáo dục, nếu thực hiện phải tránh tình trạng chỉ cải cách hành chính đối với giáo viên, sẽ khó đạt mục tiêu nâng cao chất lượng.

Thúc đẩy chất lượng người thầy

Bộ GD-ĐT hiện đang rà soát, hoàn thiện mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; sắp xếp lại những đơn vị không có vai trò thiết yếu, hoạt động không hiệu quả; từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động, thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ.

{keywords}

Theo Bộ trưởng Giáo dục, vấn đề đối với các trường phổ thông là ở việc tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự.Hiện nay, các trường là người có nhu cầu tuyển dụng, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào thì thường là người bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Việc sắp xếp này không phải giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền.

Ông Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, Quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng điều này sẽ tạo động lực rất lớn để bản thân mỗi giáo viên phải tự giác nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, thay đổi phương pháp dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới và nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An) nhìn nhận:

"Tâm lý khi vào được biên chế thì việc xét hoàn thành nhiệm vụ hay không để có sự luân chuyển hay sa thải là việc rất khó làm, thậm chí là không làm được. Chỉ trường hợp vi phạm kỷ luật lao động đến mức buộc thôi việc mới có thể đào thải, nhưng vi phạm đến mức kỷ luật này là rất hiếm, và chỉ áp dụng với những lỗi rất nặng. Do đó, áp lực cho giáo viên phải cố gắng gần như là không có”.

Đồng quan điểm, ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng đây là việc rất nên làm. “Bởi như hiện nay thì đang cào bằng năng lực, nếu không muốn nói là giáo viên giỏi cũng như giáo viên kém vì làm việc có trách nhiệm hay không cũng như nhau. Và nếu giáo viên có làm việc không ra gì thì cũng chẳng sao, và việc này khiến cho cả tập thể trì trệ dần vì ai cũng như ai”.

Tăng sức ép

“Tôi nghĩ sẽ không ít thầy cô không thích việc này, thậm chí là phản đối gay gắt. Đây là việc tất yếu, bởi trước đây, nhiều người chỉ chăm chăm vào biên chế và quen với việc không làm hết trách nhiệm mà vẫn được hưởng lương, thì nay họ sẽ phải lo cạnh tranh năng lực” - ông Đạt dự đoán.

Bởi vậy, điều quan trọng là Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị được hệ thống các tiêu chí đánh giá năng lực khách quan và công bằng đối với các giáo viên.

Theo ông Trần Thế Sơn, cơ chế hợp đồng sẽ ràng buộc về việc giáo viên được quyền tiếp tục ở lại giảng dạy hay không, và khi đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì có quyền thanh lý hợp đồng. “Như vậy kể cả làm lâu năm đi chăng nữa nhưng làm việc không hoàn thành nhiệm vụ thì chuyện đào thải là bình thường”.

Ông Sơn cho rằng, với sự ràng buộc trách nhiệm đối với người lao động cao hơn biên chế, các giáo viên sẽ phải lo phấn đấu để tự bồi dưỡng, hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

“Bộ phận giáo viên phản ứng, theo tôi, là nhóm lâu nay tính vào biên chế và yên vị. Tôi tin lượng giáo viên tích cực vẫn chiếm đến 70%, nhưng do cơ chế cào bằng khiến họ dần đánh mất sự tích cực chứ không phải họ không muốn cố gắng. Tôi nghĩ cơ chế mới không ảnh hưởng đến đồng lương và chế độ mà tạo động lực khiến giáo viên tích cực hơn thì sẽ được các thầy cô ủng hộ”.

Bà Trần Thị Bích Hợp, Hiệu phó Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) nhận định “cần phải có lộ trình để sắp xếp bố trí, để giáo viên có thời gian tự bồi dưỡng. Bởi các giáo viên mới ra trường nếu xét tuyển không được thì có thể tìm công việc khác, nhưng đối với những giáo viên đang là biên chế rồi, nếu giờ không biên chế nữa, không đạt chuẩn thì sẽ làm gì? Chưa kể, với những người đã nhiều tuổi việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng khó.

Nhiều giáo viên đã nhiều năm công tác hay đứng lớp vẫn mong muốn tiếp tục được giảng dạy chương trình mới thì vẫn phải có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ” - bà Hợp chia sẻ.

Lo ngại quyền lực của "ông trời con"

Trên các diễn đàn, nỗi lo lớn nhất của giáo viên lại là lo sự thao túng, lạm quyền của hiệu trưởng khi được giao quyền tuyển dụng nhân sự bằng cơ chế hơp đồng. Ở nhiều nơi, hiệu trưởng chẳng khác gì "ông trời con", vị trí của họ có khi được hậu thuẫn của bộ máy quản lý phòng, sở.

"Việc tuyển dụng, sử dụng bộ máy quản lý giáo dục, ban giám hiệu các trường cũng phải theo cơ chế này" - một giáo viên đề đạt.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương, tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử giáo dục Nhật Bản cho biết: 

Ở Nhật, cuộc tranh luận về vị trí của giáo viên trong nền hành chính có lần đã diễn tiến thành vụ việc có đổ máu thật sự. Ở Việt Nam, biên chế hay "người Nhà nước" được ngầm hiểu như một dạng "sổ gạo" thời phi bao cấp. Vì thế, bỏ biên chế, về hình thức có vẻ như sẽ làm cho giáo viên có động lực hơn để khỏi phải dựa vào nó để tồn tại. Nhưng, khi hành chính giáo dục vẫn y nguyên như cũ mà áp dụng điều trên thì nó sẽ càng làm cho cái cuốn sổ ấy trở nên dữ dội hơn bao bao giờ hết. Khi xảy ra sự vụ gì người ta thường viện cơ chế, hay quy trình, nhưng thực chất bình thường trong cuộc sống hàng ngày thì người ta - bao gồm cả các giáo viên - chỉ thích săn sóc người làm lãnh đạo và sợ... người lãnh đạo.

Còn TS Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm tới giáo dục nhìn nhận: 

Bộ GD-ĐT cần "buông thả" để có nhiều chương trình giáo dục, nhiều mô hình trường học, lớp học, nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên có tự do sáng tạo cách dạy học và học sinh có tự do phản biện, sáng tạo. Vấn đề "biên chế Nhà nước" hay là "hợp đồng lao động theo thị trường" nên nằm trong tổng thể chuyện này.

Khi trên thị trường có đa dạng mô hình trường học, theo các chương trình giáo dục được tự chủ thì giáo viên mới có nhiều cơ hội chọn trường. Muốn đối xử với giáo viên "theo thị trường" thì trước hết phải có thị trường giáo dục. Muốn có thị trường giáo dục thì phải có sự đa dạng giáo dục và tự chủ giáo dục.

Cần nền tảng nghiên cứu và lộ trình thích hợp

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện nay đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, nhiều luận án tiến sĩ về tự chủ trong giáo dục, cũng đã có những ý kiến, đề xuất hạn chế, thậm chỉ bỏ biên chế trong giáo dục để nâng cao hiệu quả.... 

Nếu bỏ biên chế công chức, viên chức, không lấy tiền ngân sách để trả lương cho giáo viên mà các đơn vị sự nghiệp công sẽ tự chủ về thu chi, tự chủ về nhân lực thì sẽ là thay đổi lớn. Khi đó, trường công sẽ giống như các trường dân lập, tư thục hiện nay..., tính cạnh tranh sẽ cao hơn và cũng sẽ thiếu ổn định hơn.

Vì vậy, cần có những cơ chế, giải pháp đồng bộ và cần có lộ trình thích hợp cho việc này nếu tới đây Quốc hội sửa Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức theo hướng bỏ công chức, viên chức trong các trường học” – ông Cường nhận định.

“Việc này phải căn cứ vào những công trình nghiên cứu khoa học, cần có tổng kết, đánh giá thực tiễn và phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội "bấm nút". Tránh tình trạng quy định mới không có tính khả thi, không thể triển khai trên thực tế và gây khủng hoảng trong môi trường giáo dục” - ông Cường khuyến nghị.

TS Lương Hoài Nam: "Không nhìn tổng thể thì rất dễ bị phản ứng"

"Lẽ ra Bộ GD-ĐT cần ra được một bản "Đề án đổi mới giáo dục Việt Nam", trong đó nêu rõ đổi mới cụ thể những cái gì, đổi mới đến mức độ nào, bao giờ đổi mới? "Tiểu đề án" đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông (đến nay còn chưa xong) cũng là những bộ phận của Đề án tổng đó, ngoài ra Đề án tổng phải bao gồm nhiều nội dung khác nữa. Không nhìn thấy cái "tổng" thì rất khó bàn về những cái "tiểu". Nay, Bộ đưa ra một sáng kiến đổi mới, mai Bộ đưa ra một sáng kiến khác, ngày kia một sáng kiến khác nữa, người ta không thấy được chúng gắn kết với nhau như thế nào, nên dễ bị phản ứng".

  • Thanh Hùng