"Trong Bộ Công thương thì may ra chỉ có 1 đồng chí đáp ứng được các tiêu chí của chủ tịch hội đồng trường là đồng chí bộ trưởng".

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương đã dẫn điều này tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật GD ĐH sáng 26/9 như một minh chứng cho những vướng mắc khi thành lập hội đồng trường - mấu chốt của vấn đề thực hiện tự chủ đại học.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện tự chủ đại học

Là đơn vị có 9 trường đại học và 25 trường cao đẳng trực thuộc, bà Giang cho biết, một trong những vướng mắc lớn khi thực hiện Luật GD ĐH chính là vấn đề xây dựng hội đồng trường.

"Câu hỏi đầu tiên đặt ra khi xây dựng hội đồng trường là vai trò của hội đồng trường bao gồm những nội dung gì? Khi tính việc này sẽ có những mâu thuẫn đáng kể với hệ thống hiện tại. Đặc biệt nổi lên là mối quan hệ cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường, Đảng ủy, ban giám hiệu".

Có nhiều chức năng, cơ chế Luật quy định giao cho hội đồng trường nhưng trên thực tế lại đang được thực hiện ở một cơ chế khác. Chẳng hạn như vấn đề bổ nhiệm.

Hiện nay, công tác bổ nhiệm đang làm theo quy trình 5 bước chặt chẽ, giới thiệu nhận sự cho vị trí hiệu trưởng, hiệu phó các trường. Tuy nhiên, trong Luật GD ĐH hì lại quy định hội đồng trường giới thiệu nhân sự cho chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường.

"Trong 5 bước chặt chẽ của chúng hiện nay thì hội đồng trường sẽ ở bước nào? Sẽ lồng ghép trong 5 bước hay thêm bước hay là bớt. Cái này là cái thực tế tại Bộ Công thương đang vướng mắc" - bà Giang đặt câu hỏi.

{keywords}
Quy định về hội đồng trường trong Luật GD ĐH hiện tại đang gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ảnh: Lê Văn.

Theo bà Giang, quy trình thành lập, hoạt động của hội đồng trường đến nay cũng còn vướng. Ở Bộ Công thương cho tới nay chỉ mới có 1 trường có hội đồng trường, các trường còn lại đều đang trong quá rình xác định xem ai là chủ tịch hội đồng trường.

Đây là vấn đề rất khó khăn với các trường vì quy định là hiệu trưởng, hiệu phó hiệu, phó không được là chủ tịch hội đồng trường. Như vậy thì đối tượng còn lại chỉ có thể là những người khác trong nhà trường hoặc là mời từ bên ngoài.

Mời từ bên ngoài thì lại vướng quy định là "phải là công chức, viên chức". Do đó, ở Bộ Công thương nếu muốn lấy người từ cơ quan quản lý như thứ trưởng, bộ trưởng cũng rất vướng vì quy định chủ tịch hội đồng trường phải đảm bảo điều kiện tiêu chí như hiệu trưởng.

Đại diện Bộ Công thương không có người nào đủ tiêu chuẩn như 5 năm giảng dạy, đã từng là hiệu trưởng hay từng có kinh nghiệm trong giáo dục đại học.. Để làm chủ tịch hội đồng trường. Còn chủ tịch hội đồng quản trị các doanh nghiệp chủ quản các trường như ĐH Dầu khí cũng không đủ tiêu chuẩn.

Vì vậy, cuối cùng, chọn đi chọn lại chỉ có cách chọn người là cán bộ, giảng viên của các trường thôi. Tuy nhiên, nếu chọn một người có vị trí thấp hơn hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng thì sợ rằng hội đồng trường sẽ không có được vị thế thực sự.

Dẫn ví dụ ở Trường ĐH Công nghiệp, bà Giang cho biết, trường đã mời một trưởng khoa, giáo sư, tiến sĩ làm chủ tịch hội đồng trường. "Về mặt quy định là đúng nhưng tương đối băn khoăn vì không biết hiệu quả tới đâu".

Ngoài bà Giang, cũng khá nhiều ý kiến nêu ra những vướng mắc, băn khoăn về hội đồng trường khi triển khai Luật GD ĐH. Chẳng hạn, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN cho rằng, quyền lực gắn với trách nhiệm của hội đồng trường chưa được thể hiện rõ khi hiện nay hiệu trưởng vãn chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường.

Bên cạnh đó, các quy định về nhiệm kỳ của hội đồng trường theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng, thàn phần của hội đồng trường bao gồm toàn bộ ban giám hiệu, tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn hiệu trưởng… đang tạo ra những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ các trường.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP. HCM cho biết, hội đồng trường tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện nay bao gồm cả ban giám hiệu, đảng ủy và nhiệm kỳ của hội đồng trường và đảng ủy là như nhau. Từ đó, ông Hoài cho rằng, khi các trường ĐH theo hướng tự chủ, tự thân thì việc giám sát hội đồng trường rất quan trọng. Do đó, để các hội đồng trường có năng lực thực chất, cần phải sửa đổi những quy định về hội đồng trường trong thời gian tới.

Hội đồng trường là mấu chốt thực hiện tự chủ đại học

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong quá trình thiết kế Luật GD ĐH 2012, quan điểm của ban soạn thảo là tự chủ là thuộc tính của các trường đại học. Dù lúc đó còn nhiều nghi ngại nhưng từ khi luật ra đời cho tới nay cho thấy, quan điểm này đã đi vào cuộc sống. Dù vậy, ông Ga thừa nhận, quá trình thực hiện tự chủ đại học vẫn còn nhiều vướng mắc.

Với vấn đề được nhiều đại biểu nhắc tới là hội đồng trường, ông Ga cho biết, đây là vấn đề khó nhất đối với thực hiện tự chủ đại học. "Giao tự chủ là giao cho tập thể hội đồng trường chứ không phải giao cho cá nhân hiệu trưởng. Hiệu trưởng chỉ là người chấp hành nghị quyết của hội đồng trường" - ông Ga nói.

Trong quá trình xây dựng luật, thành phần của hội đồng trường được bàn đi xới l ại nhiều lần. "Có người đề nghị bí thư đảng ủy là chủ tịch hội đồng trường để có quyền lực thực sự nhưng sau đó thấy khó đưa cứng như vậy. Cuối cùng, ban soạn thảo quyết định tách giữa ban giám hiệu và hội đồng trường bằng quy định hiệu trưởng không được kiêm chủ tịch hội đồng trường".

{keywords}
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, hội đồng trường là vấn đề vướng nhất của thực hiện tự chủ đại học hiện nay. Ảnh: Lê Văn.

Tuy nhiên, sau 5 năm nhiều trường vẫn chưa có chủ tịch hội đồng trường, vẫn rất khó khăn. Ngay cả nhiều trường thuộc Bộ GD-ĐT cũng không phải dễ tìm chủ tịch hội đồng trường tương đương với hiệu trưởng vì nếu tương đương thì ông ấy muốn làm hiệu trưởng chứ không muốn làm chủ tịch hội đồng trường.

Theo Thứ trưởng Ga, hiện tại, Bộ GD-ĐT cũng đã có một số quy định để tăng cường vai trò của hội đồng trường, chẳng hạn quy định mở ngành của trường phải có nghị quyết của hội đồng trường.

"Phải có chế tài thì mới thể hiện được vai trò của hội đồng trường. Còn nếu không như hiện tại trường có hội đồng trường và trường không có hội đồng cũng như nhau. Vì vậy không thể nào có tự chủ thực sự được".

Dẫn lại ví dụ Trường ĐH Dệt may là trường được coi là tự chủ hoàn toàn vì không có cơ quan chủ quản, ông Ga cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc vì ngoài Luật GD ĐH thì hoạt động của trường vẫn chịu quản lý của những luật khác. Chẳng hạn như Luật Đầu tư quy định nhiều hoạt động phải thông qua bộ chủ quản, mà trường không có bộ chủ quản thì làm được gì?

"Tự chủ cao nhất là không có bộ chủ quản. Hội đồng quản trị quản lý trường thông qua các nghị quyết. Đó là lý tưởng tự chủ. Tuy nhiên, hiện nay ra đời 1 trường như vậy lập tức gặp khó khăn. Cuối cùng họ lại phải đi xin có bộ chủ quản trở lại để dễ hoạt động".

Từ đó, ông Ga cho biết, sắp tới trong quá trình sửa Luật GD ĐH sẽ phải kiên quyết sửa đổi để hội đồng trường có uy tín thực sự.

"Tự chủ đại học thì phải có hội đồng trường. Khi hội đồng trường chưa có uy tín thì giao quyền tự chủ sẽ bị vướng. Giống như máy bay muốn tự động bay mà không có hệ thống tự động kiểm soát thì không bay được và nguy hiểm".

Sửa đổi Luật GD ĐH vào năm 2018
Luật GD ĐH được Quốc hội thông qua vào năm 2012 và có hiệu lực từ 1/1/2013.
Cho tới nay, bên cạnh những tác động tích cực, Luật GD ĐH cũng bộc lộ những hạn chế vướng mắc nhất định. Hơn nữa, sau khi luật ra đời có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước mới ra đời ảnh hưởng tới việc thực hiện luật. 
Vì vậy, Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội. dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 (10/2018).

Lê Văn