Hệ lụy sâu xa của việc nhà trường, giáo viên can thiệp sâu vào nhân cách của học sinh thông qua áp đặt đánh giá hạnh kiểm về lâu dài sẽ tạo ra những con người ngoan ngoãn giả vờ hay những người sống kiểu đa nhân cách.
Việc đánh giá hạnh kiểm học sinh ở nước ta đã tồn tại rất lâu cho dù các văn bản hướng dẫn cụ thể về nó được điều chỉnh, bổ sung thay đổi nhiều lần.
Trong trí nhớ của tôi thì khi thế hệ chị tôi (7x) đi học chuyện xếp loại hạnh kiểm đã tồn tại. Đến thế hệ của tôi (8x) thì kí ức về nó vẫn còn tươi mới. Hiện tại, đánh giá hạnh kiểm vẫn là vấn đề đang gây xôn xao dư luận và làm đau đầu cả phụ huynh, giáo viên lẫn học sinh.
Nếu chúng ta hình dùng rằng Việt Nam đã độc lập được hơn 70 năm (tính từ năm 1945), hòa bình hơn 40 năm (tính từ 1975), đã và đang diễn ra 4 cuộc cải cách giáo dục lớn thì câu chuyện về hạnh kiểm hiện tại sẽ là vấn đề rất lớn cho dù nhìn từ thực tiễn hay lý luận giáo dục.
Đánh giá hạnh kiểm gây ra nhiều hệ lụy
Hệ lụy dễ thấy nhất là việc làm tổn thương học sinh.
Hạnh kiểm thường được hiểu là “phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người”. Vì vậy, cách thức đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của cá nhân học sinh thành các loại như tốt, khá, trung bình, yếu, kém… sẽ làm cho học sinh cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
Nền tảng tồn tại của cá nhân là nhân cách vì thế mọi sự can thiệp sâu tác động vào nhân cách của cá nhân theo lối phủ định sạch trơn đơn giản như thế đều có tác dụng xấu.
Nó giống như một đòn trừng phạt về tinh thần đối với học sinh hơn là một biện pháp giáo dục.
Tư duy trừng phạt này chi phối mạnh mẽ trong phương thức nhận xét và đánh giá hạnh kiểm vì vậy mà mỗi buổi kiểm điểm lớp hay họp đánh giá hạnh kiểm, người giáo viên vốn nắm trong tay cả quyền lực và quyền uy đã trở thành người giống như quan tòa độc quyền phán xử.
Có những học sinh, nhất là những học sinh bị xếp vào dạng “học sinh cá biệt”, sẽ suốt đời mang theo vết thương lòng khi phải tham dự những buổi kiểm điểm cuối tuần hay đọc những lời nhận xét, những dòng đánh giá về hạnh kiểm trong học bạ cho dù sau này các em không ít người trở thành những người có phẩm cách đáng nể trọng.
Thứ hai, do đạo đức con người là một thứ rất khó đánh giá và định lượng chi tiết vì vậy cách thức đánh giá hạnh kiểm hiện tại dựa vào sự tuân thủ nội quy, thái độ đối với giáo viên và học lực là cách làm dễ tạo ra kết quả sai lầm.
Ngay cả ở trong đời sống và khoa học, rất khó để đo đạc và đánh giá đạo đức con người.
Trên thế giới ở thời điểm hiện tại có lẽ chưa có phát minh nào về đánh giá đạo đức con người phân biệt được người tốt, kẻ xấu rõ ràng.
Vậy thì tại sao giáo viên và nhà trường chúng ta lại có thể dễ dàng đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh thành các loại như tốt, khá, trung bình, yếu? Cơ sở nào để cho rằng học sinh đã có học lực trung bình thì không thể nào có được hạnh kiểm tốt?
Có thật là những người giỏi về khoa học, tri thức (cứ cho là học lực ở trường trùng khớp với những điều đó) là những người có đạo đức tốt?
Nếu thế giải thích thế nào khi có những kẻ có chuyên môn rất giỏi nhưng lại chuyên dùng chuyên môn ấy vào việc đục khoét của công, ăn cắp, ăn trộm thậm chí giết người?
Hơn nữa cơ sở nào để “kết nối” giữa việc vi phạm nội quy nhà trường như đi muộn, nói chuyện riêng… và việc có đạo đức xấu?
Có những trường hợp hai việc này trùng khớp ở mức độ nào đó nhưng không phải trường hợp nào cũng thế.
Nếu ai đã từng là giáo viên nhất là giáo viên lâu năm đều có trải nghiệm rằng có rất nhiều học sinh khi đi học hay đi học muộn, nói chuyện riêng, ngủ gật trong giờ, hay cãi lại giáo viên… nhưng sau này lại trở thành những người có nhân cách đáng trọng, có tình cảm chân thành, sâu sắc với thầy cô trong khi có nhiều học sinh 12 năm hạnh kiểm tốt lại trở thành người giả dối và ích kỉ chỉ toan tính vụ lợi cho bản thân.
Tôi nghĩ, khi gặp lại những học sinh ở hai thái cực trên, nhiều giáo viên sẽ có chút hối hận về những đánh giá chủ quan của mình khi các em còn đang đi học.
Thứ ba, kết quả đánh giá hạnh kiểm dễ gây chia rẽ giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với phụ huynh cũng như các phụ huynh với nhau.
Như trên đã phân tích, do việc đánh giá hạnh kiểm thiếu cơ sở khoa học cho nên kết quả tất yếu là không công bằng và thiếu sức thuyết phục.
Nhiều học sinh sẽ cảm thấy khó chịu, bất bình khi nhiều bạn “xấu tính”, “không tốt”, “ích kỉ” lại có hạnh kiểm tốt trong khi nhiều bạn “chơi được”, “tốt tính” lại bị xếp hạnh kiểm khá hoặc trung bình.
Đơn giản vì cách thức đánh giá hạnh kiểm đầy quyền lực nói trên đã làm cho học sinh có thái độ và hành vi kiểu “hai mặt”. Với thầy cô thì kính cẩn, lễ độ bề ngoài nhưng với bạn bè thì rất có thể lại tỏ ra ích kỉ, bất hợp tác. Phụ huynh cũng dễ nổi nóng khi thấy con mình ở nhà ngoan ngoãn và nhân cách cũng không có vấn đề gì lớn nhưng ở trường lại bị xếp hạnh kiểm trung bình.
Do nhiều lý do trong đó có lý do đến từ hệ thống hành chính giáo dục có tính tập quyền mạnh và phương thức vận hành trường học kiểu hành chính, mối quan hệ hợp tác theo chiều ngang giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với phụ huynh, giáo viên-phụ huynh-học sinh, học sinh với học sinh ở trường học Việt Nam rất yếu trong khi tính cạnh tranh lại rất cao.
Thực tế này có hại cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục nên những con người có tinh thần phong phú và lối sống dân chủ.
Cách thức đánh giá hạnh kiểm như hiện tại là một chất xúc tác làm cho tính cạnh tranh đó phát triển mạnh thêm và trong nhiều trường hợp chuyển thành xung đột, đố kị.
Cuối cùng, hệ lụy sâu xa của việc nhà trường, giáo viên can thiệp sâu vào nhân cách của học sinh thông qua áp đặt đánh giá hạnh kiểm về lâu dài sẽ tạo ra những con người ngoan ngoãn giả vờ hay những người sống kiểu đa nhân cách.
Học sinh sẽ biết lấy lòng thầy cô hay biết làm thế nào để có được hồ sơ đẹp, hạnh kiểm tốt trong khi thiếu đi cơ hội để mài sắc cá tính và phẩm cách của bản thân.
Cá tính và phẩm cách của cá nhân chỉ có thể được hình thành và phát triển trong môi trường dân chủ và cá nhân được tôn trọng.
Đánh giá hạnh kiểm là thứ đi ngược lại nguyên lý này.
Xã hội chúng ta hiện giờ tha thiết cần những cá nhân có tinh thần trách nhiệm, biết sống có phẩm cách, biết hợp tác với người khác để giải quyết các vấn đề của hiện thực thay vì những người giỏi ngoan ngoãn, vâng lời.
Cần thay đổi phương thức vận hành trường học, lớp học và đánh giá học sinh
Trong công cuộc cải cách giáo dục toàn diện hiện nay sẽ có rất nhiều công việc phải làm nhưng trong đó không thể không thay đổi phương thức vận hành trường học, lớp học và đánh giá học sinh.
Trường học và lớp học của chúng ta hiện tại về cơ bản vẫn được vận hành theo phương thức cũ mang nặng tính “quan liêu”.
Trường học, lớp học chỉ thực sự có sức sống và sức hấp dẫn khi nó được vận hành bằng phương thức dân chủ.
Mọi hoạt động đều phải được tính toán thiết kế dựa trên quyền lợi và mục tiêu phát triển học sinh.
Học sinh phải là nhân vật sôi nổi, chủ động trên vũ đài nhà trường, trong mọi sinh hoạt của nhà trường.
Nhân cách của học sinh được hình thành, phát triển không phải chỉ thông qua các môn giáo khoa mà còn thông qua môi trường vô hình của nhà trường.
Đánh giá học sinh cũng cần phải thay đổi. Cần mạnh dạn bỏ việc đánh giá hạnh kiểm đối với học sinh.
Thay vào đó là hướng đến giáo dục các em về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cá nhân và cộng đồng.
Nếu cần đánh giá thì nên đánh giá ở góc độ tuân thủ quy tắc công cộng mà các em đã đồng thuận trước đó và chỉ coi nó là sự đánh giá ở phương diện ấy thay vì coi nó là sự đánh giá về đạo đức.
Không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đối với sinh viên, cách thức đánh giá dựa vào “điểm rèn luyện” cũng là một thứ cần bãi bỏ để làm cho đời sống trường học được hồi sinh.
- Nguyễn Quốc Vương
Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm |
Điều 3. Căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm 1. Căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm: a) Đánh giá hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; b) Kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, cấp THPT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. 2. Xếp loại hạnh kiểm: Hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y) sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh. (Thông tư 58/2011 của Bộ GD-ĐT về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT) |