"Thời của chúng tôi, lễ khai giảng không có hoa, không có bóng bay, không học trước, không tập dượt nên khi bạn bè gặp nhau sau ba tháng hè, tất cả vỡ oà trong niềm vui. Nghe tiếng trống đầu tiên của thầy hiệu trưởng, học sinh thấy xốn xang, bồi hồi" - thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, giảng dạy môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) nhớ lại.

Chúng tôi đã có những lễ khai giảng nhiều “không”

Chào anh Du! Anh có còn nhớ thời các anh đi học, lễ khai giảng diễn ra như thế nào không?

- Tôi học 12 năm phổ thông, 4 năm đại học và đi dạy đã hơn 20 năm. Tôi thấy rằng khai giảng luôn là ngày quan trọng đối với học sinh từ xưa cho tới nay.

Thời chúng tôi lễ khai giảng không có hoa, không có bóng bay, không học trước, không tập dượt, nên khi bạn bè gặp nhau sau ba tháng hè, tất cả vỡ oà trong niềm vui. Vì vậy mà nghe tiếng trống đầu tiên chào năm học mới của thầy hiệu trưởng, chúng tôi thấy xốn xang bồi hồi lắm. 

Chúng tôi đã được dự những lễ khai giảng nhiều “không” nhưng tràn đầy cảm xúc.

Anh thường chuẩn bị cho ngày khai giảng như thế nào?

- Chúng tôi được quy định đến trường phải mặc áo sơ mi trắng, quần tây, nhưng thực ra ai có cái gì thì mặc cái đấy nên "đồng phục" không giống nhau. Thứ giống nhau duy nhất là phù hiệu mà nhà trường phát.

Trong giai đoạn này những chiếc quần ông loe rất thịnh hành, nhưng chúng tôi không mặc theo trào lưu thời trang đó. Thời chúng tôi, nhà trường cũng không đòi hỏi những mẫu mã đồng phục phức tạp như bây giờ. Học sinh đi học chỉ mặc quần bình thường là ống bó, các bạn nữ cũng mặc quần áo như các bạn nam. Mãi tới năm 1989, học sinh nữ mới mặc áo dài tới trường.

Riêng giày dép, ai có gì mang cái đó. Lúc tôi học cấp ba, trường học mới quy định mang giày hoặc dép có quai hậu.

Đầu năm học mới, học sinh có được phụ huynh mua sắm quần áo và đồ dùng học tập mới như bây giờ?

- Không có đâu. Như bố mẹ tôi là công chức, nên vải vóc được phân chia theo chỉ tiêu. Thông thường hai năm tôi mới được may đồ mới một lần. Còn đồ văn phòng phẩm như vở, sách giáo khoa, bút, tẩy thì nhà trường đã phân phát. Nhiều người cho rằng cái hay của thời bao cấp là khi đi học thì tất cả học sinh trong lớp, trong trường thậm chí trong cả nước bình đẳng như nhau.

{keywords}

Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, giảng dạy môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM)

Chúng tôi cùng dùng những cuốn vở giấy màu vàng, những cục tẩy, những cây viết như nhau. Vậy nên vào lớp học không có cảm giác bạn này giàu, bạn kia nghèo và không có sự mặc cảm về sự giàu nghèo.

Dạy học hơn 20 năm và chứng kiến mỗi năm một lễ khai giảng, anh có còn cảm xúc như xưa?

- Hiện nay các trường tập dượt lễ khai giảng, nên cảm xúc của ngày “chính lễ” không còn trọn vẹn. Nhưng là giáo viên, mỗi năm lại chủ nhiệm lớp mới, ngày khai giảng chúng tôi vẫn có cảm giác bắt đầu một công việc mới.

Dù rằng trong xã hội hiện đại, chúng ta có làm mất đi sự thiêng liêng của lễ khai giảng bằng những kế hoạch tập dượt, nhưng tôi nghĩ, điều cốt lõi nhất là làm sao để giữ gìn cảm giác hứng khởi khi bước vào năm học mới. 

"Tôi nghĩ nếu khi nào dự lễ khai giảng mà không còn cảm giác gì nữa, không còn bồi hồi xúc động nữa, chắc lúc đó tôi sẽ nghỉ dạy".

Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngày khai giảng nên cố gắng giữ là ngày 5/9 hàng năm, và trước đó không nên có tình trạng tựu trường trước, học trước để làm mất đi cảm giác ngày mở đầu. Hãy để 5/9 là ngày trở lại trường đầu tiên của học sinh sau những ngày hè.

Là những học sinh ăn cơm gạo mốc, nhưng chúng tôi rất tự lập

Anh Du tự nhận xét: Thật sự, những đứa trẻ trong thời bao cấp như chúng tôi có khả năng tự lập rất cao. Vào trường, nếu có gì không hiểu thì hỏi cô chủ nhiệm, vì kể cho bố mẹ cũng không giải quyết được gì. May mắn thì bố mẹ chỉ đưa tới trường rồi đón về chứ bài vở hàng ngày chúng tôi tự học. Bố mẹ không quan tâm bài đó con làm như thế nào mà chỉ quan tâm cuối năm con đạt những gì. Nếu đạt học sinh giỏi thì là học giỏi, còn nếu đạt tiên tiến thì nói con phải cố gắng lên...

Đi học vào những năm sau giải phóng, anh có nhớ “cuộc sống” của học sinh bán trú lúc đó?

- Bố mẹ tôi là công chức nên những năm cấp một tôi đã học bán trú. Đối với tôi, trường cấp một giống như ngôi nhà thứ hai của mình. Những bữa cơm trưa ở trường... toàn có mùi mốc. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ thứ mùi mốc từ những bữa cơm do gạo để trong kho lâu ngày.

{keywords}
Nhớ lại ngày khai giảng lúc còn là học sinh, anh Du cho biết  đó là  những lễ khai giảng không có hoa, không có bóng bay, không có học trước... 

Chúng tôi ăn những món ăn rất cơ bản. Không thể so sánh với hiện nay, nhưng thời điểm đó, bữa ăn ở trường bán trú vẫn đảm bảo đủ no cho học sinh. Trong trường dù gầy hay béo, giàu hay nghèo thì tất cả mọi người đều có định lượng ăn như nhau, ai cũng giống ai, không có chuyện bạn này ăn nhiều, bạn kia ăn ít.

Có điều gì anh chưa làm trong quãng đời học sinh để tới bây giờ vẫn còn tiếc nuối?

Có nhiều lắm đấy. Hồi cấp ba, tôi ước mơ trở thành một đạo diễn nhưng rồi không dám thi vào ngành này. Tôi cũng thích văn chương và viết nhiều tác phẩm nhỏ nhưng không dám gửi một bài thơ, bài văn nào cho báo chí vì sợ mọi người nói dở hơi. Dù thích môn văn nhưng tôi lại học trong lớp toán theo yêu cầu của gia đình. Rồi tình yêu đơn phương thuở học trò mà không dám nói, lúc có cơ hội thì trôi qua mất rồi (cười).

Những năm tháng đó, chúng tôi chỉ quan tâm làm sao để bước chân vào đại học. Áp lực đỗ đại học chi phối hết suy nghĩ nên có những mơ ước không dám thực hiện. Chúng tôi không năng động, tự tin như học sinh hiện nay. Tôi nghĩ, nếu can đảm hơn, cuộc đời mình bây giờ đã đi theo một hướng khác..

Thời chúng tôi, giáo viên như những tượng đài

Lúc đó, học sinh các anh bày tỏ sự trân trọng đối với giáo viên như thế nào?

- Thú thật, người mà tôi ấn tượng sâu sắc nhất không phải là cô giáo dạy lớp một mà cô giáo dạy lớp năm. Cô đã lo lắng cho chúng tôi như người mẹ thứ hai. Thậm chí, tôi đã từng nghĩ không thể lên được cấp 2 nếu không có cô.

Chúng tôi không tự tin để đứng trước giáo viên như bây giờ, thậm chí rất sợ các thầy cô và nếu như thầy cô có dạy sai thì cũng không dám tranh cãi.

{keywords}

Nhưng nghe tiếng trống đầu tiên của thầy hiệu trưởng học sinh thấy xốn xang, bồi hồi !

Thú thực, với chúng tôi lúc đó, thầy cô là một tượng đài không thể nào vượt qua. Còn bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ đây cũng là điểm dở khi nền giáo dục không có phản biện.
 
Từ một học sinh xem thầy cô như tượng đài, bây giờ đứng trên bục giảng, anh thấy học sinh ứng xử với mình như thế nào?

- Có một sự thay đổi rất lớn. Ngày xưa, chúng tôi thương thầy cô nhưng chỉ dám chờ tới ngày 20/11 để tặng cho thầy cô những món quà rất vặt vãnh như thiệp tự làm hay một bánh xà phòng. 

Còn bây giờ, khi tôi giảng bài, học trò thấy thương thì mua một lốc sữa để lên bàn. Các em thể hiện tình cảm một cách trực tiếp vì năng động, tự tin hơn rất nhiều. Sự phản biện của các em cũng nhiều hơn.

Tôi cũng nghĩ rằng mọi thứ đã thay đổi, điều mình dạy có thể bị học sinh phản biện và cần chấp nhận để có sự ứng xử phù hợp với học trò. Khi là học sinh, tôi khá khép kín, nhưng là giáo viên, tôi lại cởi mở hơn ngày xưa.
 
Anh rút ra được bài học gì từ cách dạy của các thầy cô trước đây để áp dụng lại với học sinh ngày nay?

- Tôi học được nhiều điều từ các cô giáo cũ của mình. Tôi nghĩ rằng, lịch sử là những câu chuyện để học trò thích và gợi mở từng vấn đề. Những câu chuyện đó sẽ trở nên sống động nếu có những hình ảnh sinh động. Cô giáo của tôi ngày xưa thay vì nói nhiều đã sử dụng những hình ảnh do cô tự vẽ để giảng dạy chúng tôi. Điều đó đúng như câu nói “dùng trực quan sinh động để dạy lịch sử”, và tôi cũng đã áp dụng điều đó.

Thầy giáo Nguyễn Viết Du sinh năm 1974, hiện là Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn. 

Thầy Du từng được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở nhiều năm liền, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM vì những đóng góp cho giáo dục, đặc biệt là bồi dưỡng học sinh giỏi thành phố.

Tôi không nghĩ rằng giáo dục ở thế hệ chúng tôi chưa hoàn thiện. Chúng tôi cũng học 12 năm phổ thông và có những giáo viên rất xuất sắc. Thế hệ chúng tôi cũng đã trưởng thành và ít nhiều có cống hiến cho xã hội. Vì vậy, những kiến thức giáo dục thời chúng tôi không phải là không tốt, nhưng có thiệt thòi là không được tiếp xúc với quốc tế nhiều nên có một số “lỗi”.

Hiện nay có nhiều thay đổi trong giáo dục. Tôi thấy những thay đổi đó kéo theo trách nhiệm của giáo viên chúng tôi. Tôi hy vọng rằng sau những thay đổi này sẽ là sự ổn định trong một khoảng thời gian dài.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Lê Huyền (thực hiện) - Clip: Văn Châu