- Trao đổi với VietNamNet về chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) vừa được thông qua, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình - cho hay sự thay đổi chủ yếu tập trung vào một số chi tiết của kế hoạch giáo dục cho phù hợp hơn với thực tế. Những nội dung cơ bản về mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình vẫn được giữ nguyên.
Về cơ bản không thay đổi
- Phóng viên: Xin ông cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua có những điểm gì mới so với dự thảo công bố trước đó?
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình vừa được thông qua về cơ bản không thay đổi so với dự thảo công bố hôm 12/4 để lấy ý kiến chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Những thay đổi chỉ là đổi tên một số môn học ở tiểu học, nhấn mạnh hơn yêu cầu giáo dục hướng nghiệp ở cấp THCS và thay đổi trong kế hoạch giáo dục ở lớp 10. Đó chỉ là những thay đổi mang tính chất chi tiết ở kế hoạch giáo dục.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể vừa được thông qua. Ảnh: Lê Văn. |
Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học được lấy lại tên đang sử dụng trong chương trình hiện hành để đỡ gây thắc mắc cho giáo viên. Chương trình mới chủ yếu chỉ tổ chức lại nội dung các môn học này cho thiết thực hơn, phù hợp hơn chứ không tạo ra các môn học mới.
Bên cạnh đó, các môn Tin học, Công nghệ trước đây dự kiến dạy từ lớp 1 nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế, Ban soạn thảo Chương trình thấy rằng nếu dạy ngay từ lớp 1 thì các trường ở một số vùng nhất định khó có thể đảm bảo được cơ sở vật chất cũng như giáo viên. Vì vậy, trong Chương trình vừa được thông qua, Ban soạn thảo đã đưa môn Tin học và Công nghệ lên dạy từ lớp 3.
Ở cấp THCS, các môn học không thay đổi. Sự thay đổi chủ yếu là nhấn mạnh tính chất hướng nghiệp của cấp học này. Chương trình quy định rõ: các môn học đều tích hợp nội dung hướng nghiệp. Ở lớp 8 và lớp 9, một số môn học và hoạt động giáo dục phải có học phần hoặc chủ đề giáo dục hướng nghiệp. Hoạt động trải nghiệm cũng được bổ sung 2 chữ “hướng nghiệp” để nhấn mạnh nội dung hướng nghiệp của cấp học này.
Với quy định như vậy thì nội dung giáo dục hướng nghiệp trở thành bắt buộc trong chương trình, nhất là ở một số môn học và hoạt động giáo dục có lợi thế.
Thay đổi ở cấp THPT là ở lớp 10. Trong dự thảo ngày 12/4, lớp 10 là lớp dự hướng, có 14 môn và 1 hoạt động giáo dục. Một số chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng học như thế sẽ quá tải và nông.
Tiếp thu những ý kiến này, Ban soạn thảo đã sửa đổi kế hoạch giáo dục để thực hiện việc phân hóa ngay từ lớp 10. Sửa đổi như vậy cũng phù hợp hơn với Nghị quyết của Quốc hội là kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản ở lớp 9 và bắt đầu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10.
Các trường có điều kiện có thể bổ sung thời lượng học tập
Có ý kiến lo ngại rằng việc giảm thời lượng học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ông bình luận như thế nào về điều này?
- Theo dõi dư luận kể cả sau khi chương trình được thông qua, tôi vẫn thấy có hai luồng ý kiến trái chiều nhau: Một đằng muốn tăng thời lượng học để nâng cao chất lượng, còn một đằng muốn giảm thời lượng học nhiều hơn nữa để giảm tải cho học sinh.
Cả hai luồng ý kiến đều có lý. Đối chiếu chương trình của Việt Nam với số liệu trong báo cáo của một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESSCO) và Ngân hàng thế giới (WB), có thể thấy thời lượng học của học sinh Việt Nam tương đối thấp.
Ví dụ, theo báo cáo của OECD, thời lượng học trung bình của học sinh từ 7-15 tuổi ở các nước OECD là 7.400 giờ (một giờ bằng 60 phút). Trong khi đó, thời lượng học trung bình của học sinh ở độ tuổi tương đương của Việt Nam chỉ là 6.900 giờ, kể cả giờ học các môn tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.
Tuy nhiên, số giờ học ở các nước OECD cao như vậy vì tất cả các trường đều tổ chức dạy học cả ngày. Ở nước ta, chỉ có trên 70% số trường tiểu học dạy học cả ngày, còn trong số các trường THCS và THPT rất ít trường dạy học cả ngày.
Thêm nữa, việc tăng hay giảm thời lượng học, tăng hay giảm số môn học còn phụ thuộc vào định mức lao động và định mức biên chế giáo viên. Chẳng hạn, chỉ cần tăng số giờ học ngoại ngữ ở các trường THCS, THPT từ 3 tiết lên 6 tiết/tuần như đề nghị của một số cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh thì phải tăng gấp đôi số giáo viên ngoại ngữ ở gần 11.000 trường THCS và gần 3.000 trường THPT – một đòi hỏi bất khả thi không phải chỉ trong hoàn cảnh hiện nay mà trong cả năm, mười năm nữa.
Quy định về thời lượng học trong Chương trình GDPT tổng thể là quy định áp dụng cho các trường có thời lượng học tập trung bình.
Các trường có điều kiện dạy học cả ngày có thể sử dụng thời lượng giáo dục tăng thêm so để hướng dẫn học sinh tự học, dạy học các môn học tự chọn, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động xã hội tại địa phương, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao…
Giáo dục hướng nghiệp là nội dung bắt buộc
Nội dung hướng nghiệp ở cấp THCS sẽ được triển khai như thế nào trong chương trình môn học, sách giáo khoa?
- Chương trình mới chú trọng giáo dục hướng nghiệp nhưng không làm thay giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp chỉ nhằm 3 mục đích: Thứ nhất là cung cấp thông tin về các ngành nghề chính và thị trường lao động. Thứ hai là giúp học sinh tự đánh giá sở thích, năng lực, điều kiện của bản thân mình. Thứ ba là giúp học sinh chọn hướng đi sau THCS: học nghề hay tiếp tục học lên để vào ĐH.
Trong chương trình hiện hành có 4 nội dung giáo dục hướng nghiệp: Sinh hoạt hướng nghiệp, Học nghề phổ thông, Tích hợp vào các môn văn hóa, Tham quan và tham gia các hoạt động sản xuất.
Các trường có điều kiện dạy 2 buổi/ngày có thể bổ sung thời lượng học tập theo nhu cầu học sinh. Ảnh: Lê Văn. |
Nội dung này sẽ được triển khai trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Ở lớp 8 và lớp 9, các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương phải có học phần hoặc chủ đề giáo dục hướng nghiệp. Chương trình đã quy định thì SGK phải triển khai nội dung này.
Đổi mới thi cử là điều kiện thực hiện chương trình
Còn những điểm mới trong định hướng đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi cử của Chương trình mới là gì?
- Nguyên tắc đổi mới đánh giá giáo dục là đánh giá phải hỗ trợ việc phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, hỗ trợ việc thực hiện Chương trình.
Chương trình GDPT mới đề cao thực hành, thực học. Nếu vẫn giữ một kỳ thi chung, kể cả thi ở phạm vi từng tỉnh thôi, thì đề thi vẫn chỉ kiểm tra được kiến thức, kỹ năng giải bài tập là chính, chứ không đánh giá được kỹ năng thực hành của học sinh.
Để đáp ứng yêu cầu của những kỳ thi như vậy, giáo viên sẽ chỉ tập trung thời gian cung cấp kiến thức, luyện kỹ năng giải bài tập cho học sinh. Còn học sinh cũng sẽ không để “mất thì giờ” vào việc làm đề tài nghiên cứu, thực nghiệm, tham quan, khảo sát thực tế…
Nhiều chuyên gia giáo dục và người dân đã đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là một hình thức đánh giá có hiệu quả mà gọn gàng hơn. Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng yêu cầu đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Dự thảo Chương trình ngày 12/4 chọn giải pháp giao cho nhà trường tổ chức đánh giá định kỳ với nhiều hình thức khác nhau và dựa vào kết quả đánh giá này công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ do Quốc hội quyết định khi sửa Luật GD sắp tới. Ảnh: Lê Văn. |
Tuy nhiên, Luật Giáo dục hiện hành vẫn quy định có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng không quy định bỏ kỳ thi tốt nghiệp này. Vì vậy, Ban soạn thảo chỉ bổ sung vào Chương trình yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục như một điều kiện cần có để thực hiện Chương trình.
Việc giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ do Quốc hội quyết định vào năm tới trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Tháng 9 sẽ lấy ý kiến về các chương trình môn học và hoạt động giáo dục
Kế hoạch xây dựng chương trình môn học và SGK trong thời gian tới sẽ triển khai như thế nào, thưa ông?
- Việc xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục đã được khởi động từ cuối tháng 2/2017. Cho đến bây giờ, các Ban soạn thảo Chương trình môn học và hoạt động giáo dục cũng đã xác định được yêu cầu cần đạt của các môn và những định hướng của nội dung chương trình.
Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về chương trình từng môn học và hoạt động giáo dục, chỉnh sửa và công bố trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi như đối với Chương trình tổng thể. Sau đó sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Chương trình để các Hội đồng thẩm định môn học và hoạt động giáo dục xem xét.
Có thể lùi thời gian áp dụng chương trình mới
Với tiến độ hiện nay, liệu có phải lùi thời gian áp dụng Chương trình GDPT tổng thể như đề xuất của nhiều chuyên gia và cả Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội?
- Cho tới nay, Ban soạn thảo chương trình vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo chương trình đúng tiến độ để kịp triển khai chương trình, sách giáo khoa từ đầu năm học 2018-2019 như quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân về chương trình GDPT tổng thể vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Uỷ ban kiến nghị Bộ nên xin lùi thời hạn 1 năm để có thời gian chuẩn bị tốt hơn.
Tiếp theo, vào ngày 30/5, Bộ trưởng có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trên cơ sở phân tích ý kiến của chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, nếu cần thì báo cáo Chính phủ xin lùi thời hạn triển khai 1 năm.
Theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi thời hạn cũng tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác có đủ thời gian biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo một cuộc “thi đua” công bằng, góp phần nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Nếu bây giờ làm gấp thì chỉ có bộ SGK mà Bộ tổ chức biên soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và một, hai quyển SGK khác là kịp.
Nếu Ban chỉ đạo chuơng trình tiếp thu ý kiến của Ủy ban và Phó Thủ tướng thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ có tờ trình với Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới để Quốc hội xem xét, quyết định.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nói về sự thay đổi giữa các dự thảo chương trình, có bình luận cho rằng “Sự yếu kém về lý luận và thiếu các nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho cải cách đã làm cho những người làm chương trình không đủ tự tin để đứng vững trước dư luận và sự công kích, chỉ trích của học giới”. Ông nghĩ sao về điều này? - GS Nguyễn Minh Thuyết: Bộ GD-ĐT công bố Chương trình GDPT tổng thể lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và báo chí là để xin ý kiến các chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn gửi thư đến các vị nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT qua các thời kỳ và các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực để xin ý kiến. Ban soạn thảo Chương trình còn tổ chức 3 hội thảo ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để lấy ý kiến các Sở GD-ĐT ở 3 vùng. Đồng thời, Ban soạn thảo cử người trực tiếp đến 18 trường tiểu học, 18 trường THCS và 12 trường THPT ở 6 tỉnh thành đại diện các vùng trong cả nước để khảo sát thực tế và lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở. Tất cả những động thái nói trên là nhằm lấy được ý kiến của đông đảo chuyên gia, giáo viên và người dân để có chương trình giáo dục tốt nhất. Qua theo dõi các ý kiến đóng góp, tôi nhận thấy đại đa số ý kiến là xây dựng, chứ không phải “chỉ trích” hay “công kích”. Do đó, việc trân trọng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp cho Chương trình là điều tất yếu, thể hiện thái độ cầu thị của Ban soạn thảo Chương trình và Bộ GD-ĐT, phù hợp với mục đích lấy ý kiến. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc sửa đổi Chương trình lần này so với dự thảo trước đó chỉ tập trung vào một số chi tiết của kế hoạch giáo dục. Những nội dung lớn như định hướng phát triển chương trình, quan điểm xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục ở cả ba cấp học,… đều không thay đổi. Nói cách khác, đó chỉ là một số điều chỉnh về chi tiết cho phù hợp hơn với thực tế, chứ không phải thay đổi về cơ sở lý luận. Nhân dịp này, qua VietNamNet, tôi xin thay mặt Ban soạn thảo Chương trình cảm ơn ý kiến xây dựng của các chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và các tổ chức, cá nhân có nhiệt tâm với sự nghiệp giáo dục trong cả nước. |
Lê Văn (thực hiện)