- "Giáo viên rất tâm tư việc hiểu về chương trình mới. Bởi đến bây giờ mới bắt đầu định hình chương trình mới là như thế nào. Anh em cũng tâm tư không biết tương lai của mình ra sao".
Ông Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Oai A nói tại buổi triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2018 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức 25/1.
Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau xem lại kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý năm 2017 và bàn về kế hoạch triển khai năm 2018.
Các thầy cô tham dự hội nghị |
“Ngoài lý thuyết chung trong công tác đào tạo thì việc minh họa dành cho giáo viên là rất cần thiết. Đây là điều chúng tôi rất cần. Ví dụ như phương pháp giảng dạy mới thì minh họa kỹ năng, kỹ thuật đấy bằng các bài giảng mẫu, để cho anh em giáo viên hiểu rõ” - vị hiệu trưởng góp ý.
Với các lớp đào tạo đại trà, ông Trường đề nghị Sở xem xét tổ chức tại các cụm hoặc liên cụm để cho cán bộ, giáo viên của các trường đỡ phải đi lại xa và các nhà trường cũng có thể điều động số lượng tham gia học tập đông hơn.
Là một trong số những giáo viên cốt cán được đào tạo – được bồi dưỡng trực tiếp rồi về bồi dưỡng lại cấp quận/huyện, cô giáo Hoàng Thị Hương (thuộc phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ) băn khoăn về công tác đào tạo, bồi dưỡng:
Có những đợt tập huấn, chúng tôi tiếp thu cả một ngày sau đó nhìn nhau không biết mang cái gì về để giảng dạy tại cơ sở của mình”. |
Cô giáo Hoàng Thị Hương |
“Tôi đề nghị rằng đội ngũ "tập huấn" - những người mang những kiến thức, phương pháp, cách thức tổ chức đó về các quận huyện mình - phải là những người đã được sàng lọc, kiểm nghiệm. Để chúng tôi có thể coi đó như là một thước đo, cẩm nang, giáo trình mang về. Bởi có những đợt tập huấn, chúng tôi tiếp thu cả một ngày sau đó nhìn nhau không biết mang cái gì về để giảng dạy tại cơ sở của mình”.
Ở góc độ quản lý, bà Trần Lưu Hoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng cũng nêu lên những bất cập trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn:
“Với giáo viên tiểu học, những bộ môn như Ngoại ngữ, Tin học định mức giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế giảng dạy tại các nhà trường. Cấp THCS thì thiếu cục bộ, những giáo viên dạy các môn kỹ thuật, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật hầu như còn thiếu. Một số giáo viên vì vậy phải dạy kiêm nhiệm 2 bộ môn. Một bộ phận cán bộ quản lý chưa tích cực đổi mới trong nhận thức, tư duy; trong phong cách lãnh đạo quản trị nhà trường để phù hợp với yêu cầu".
Ông Chử Xuân Dũng |
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, với chương trình phổ thông mới được tổ chức từ năm học 2019-2020 thì công việc chuẩn bị giáo viên càng phải kỹ lưỡng:
“Bất cứ việc gì nếu chúng ta có ý thức về nó trước, được chuẩn bị trước thì khi triển khai sẽ phù hợp, đầy đủ, toàn diện và tránh sự lúng túng và đảm bảo chất lượng”.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng giáo viên không nên quá lo lắng việc liệu rằng mình có được dạy học, có thích ứng ở chương trình mới. “"Giáo viên sẽ vẫn được tiếp tục dạy học bình thường và sẽ có những lớp, khóa bồi dưỡng phù hợp để có thể tiếp tục đứng lớp, thích ứng với chương trình”.
Ông Dũng cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung đem lại hiệu quả, nghiêm túc, đi vào thực chất vấn đề, đáp ứng được công việc thực tiễn của các địa phương.
“Tránh vì thành tích số lượng bồi dưỡng được bao nhiêu, bởi con số đó không nói lên điều gì, mà chất lượng ra sao, về làm được gì mới là điều quan trọng”.
Sở GD-ĐT Hà Nội xác định một trong những việc cần làm thời gian tới là xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để bồi dưỡng qua mạng, tạo điều kiện cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tham dự bồi dưỡng về những nội dung chương trình mới.
Sở cũng yêu cầu cử cán bộ quản lý, giáo viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ và đúng thành phần; tránh tình trạng đi dự bồi dưỡng về không đứng lớp dạy bồi dưỡng đại trà được hoặc cử giáo viên dôi dư đi tham dự các lớp bồi dưỡng.
Thanh Hùng