- Kể lại sự tàn phá của cơn bão số 10 khi mà năm học mới vừa bắt đầu chưa được bao lâu khiến nhà cửa và nhiều vật dụng dạy học bị hư hại, các cô giáo mắt đỏ hoe.

Sau cơn bão số 10 vừa qua, chỉ riêng tỉnh Hà Tĩnh, qua thống kê sau bão, 100% trường học tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh đều bị thiệt hại nặng nề.

{keywords}
Một lớp học tại Trường Tiểu học Kỳ Thịnh 2, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh- địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 vừa qua. Ảnh: Thanh Hùng.

Có dịp cùng đoàn công tác hỗ trợ của Bộ GD-ĐT qua Trường THPT Kỳ Anh sau bão ít ngày, chúng tôi gặp cô giáo Võ Thị Tú Anh khi đang phơi những cuốn giáo án ướt nhẹp của mình trên đống đổ nát còn sót lại của bức hàng rào cũ.

Cơn bão đi qua khu nội trú giáo viên đã mấy ngày, nhưng khi nhắc đến, đôi mắt cô đỏ hoe lăn dài những giọt nước mắt.

Năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu, nhìn cảnh nhà cửa, trường lớp tan hoang, cô giáo công tác 11 năm tại đây không kìm được cảm xúc: “Nhà tôi bị tốc hoàn toàn mái và trần phía trong. Đồ đạc phía trong như giáo án, máy vi tính, đồ điện tử ướt hết. Tránh bão ở trường về thấy cảnh như vậy, tôi rất buồn”.

Chị kể, mấy hôm bão chị phải gửi con về ông bà ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cách nơi mình công tác hơn 100 km, còn bản thân thì ở tạm nhà các đồng nghiệp ngoài trường. Giờ đây chị phải thuê người lên sửa lại căn phòng nội trú được nhà trường phân cho.

{keywords}
Cô giáo Võ Thị Tú Anh, giáo viên Trường THPT Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) không kìm được những giọt nước mắt khi kể về sự tàn phá của cơn bão vừa qua với căn phòng nội trú của mình.
Ảnh: Thanh Hùng. 

Chị Tú Anh phải tự xoay xở để khắc phục chỗ ở khi chồng chị là bộ đội công tác ở xa. Có 2 con, đứa nhỏ ở với mẹ, đứa lớn chị gửi ở quê với ông bà. Lương tháng hơn 5 triệu đồng, chị thổ lộ tủi thân khi chực nghĩ đến số tiền eo hẹp giờ phải bỏ ra để khắc phục hậu quả sau bão.

{keywords}
Cuốn giáo án của cô giáo được phơi khô nằm chơ vơ trên đống đổ nát hàng rào quanh dãy nhà nội trú dành cho giáo viên bị cuốn bay mái. Ảnh: Thanh Hùng.

Tại Quảng Bình, thầy Đỗ Hữu Diên, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết, khu nội trú của các giáo viên trường này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều gia đình cũng bị mất toàn bộ khi sập hàng rào, bay hết ngói,... Sách vở đồ dùng học tập cũng bị ảnh hưởng nhiều.

“Các thầy cô phải đem giáo án, tài liệu ra phơi khô, hiện các thiết bị điện tử phục vụ dạy học nước ngấm vào vì chưa có điện cũng chưa dám thử, hầu như ướt hết thì chắc chắn cũng hư hỏng nhiều. Hôm qua có gia đình có thử một vài thiết bị thì cắm điện vào bị cháy. Bị như vậy ai cũng buồn, nhưng trước hết các thầy cô phải tự nỗ lực đã, nhà trường cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ cho khu nội trú trước để các giáo viên ổn định chỗ ăn nghỉ và việc dạy học”, thầy Diên nói.

{keywords}
Bão làm khu nội trú của giáo viên Trường THPT Quang Trung, tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại. Ảnh: Thanh Hùng. 

Công tác tại trường đến nay là 6 năm, đây là lần thứ 2 cô giáo Trần Thị Thu Hiền trải qua cơn bão qua khu nội trú của trường, nơi dành cho các giáo viên xa nhà. 

“Năm đầu tiên ra trường và cũng là ngày đầu tiên ra trường để chuẩn bị đi dạy cũng là lần đầu tiên gặp bão. Năm nay khi bão đến, biết trước hiểm nguy, chúng tôi lên các phòng học của trường trú ẩn. Khi trở về phòng thì mọi thứ tan hoang, nhiều phòng hư hại. Ti vi, máy tính, tài liệu, sách và giáo án hầu như bị ướt hết”.

Việc làm đầu tiên của cô giáo trẻ khi trở về phòng là mang tài liệu, sổ sách và những tập bài kiểm tra của học sinh ra phơi.

“Thiên tai là điều chúng ta không thể lường trước. Tất cả chúng tôi đều xác định khi bão thì ai cũng như ai nên mọi người phải cùng nhau cố gắng khắc phục, chuẩn bị tinh thần để đến trường dạy cho học sinh, việc đồ đạc hư hỏng thì dần dần sửa chữa sau”, cô Hiền chia sẻ.

{keywords}

Cô Trần Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Quang Trung (tỉnh Quảng Bình) nói về căn hộ bị cuốn bay mất mái của mình chỉ sau một đêm bão về. Ảnh: Thanh Hùng.

Mấy ngày ngay sau bão, cô Hiền cùng các đồng nghiệp chủ yếu tá túc ở trường, 2 đêm ngủ trên các phòng trong trường.

“Lúc đó phải đến 3 bữa chỉ ăn mỳ tôm qua bữa cho nhanh và tiện để tập trung về khắc phục nhà cửa. Sau khi một số phòng khắc phục sớm thì qua tá túc”.

Thiệt hại đủ đường là thế, nhưng khi nói về những đổi mới trong năm học mới, cô Hiền cười: “Trong đầu phải luôn có 2 chữ cố gắng, mà cố gắng thì vượt qua hết”.

5-6 cô giáo dồn ở 1 phòng

Mang thai đến nay được 5 tháng, cô giáo Phan Thị Minh Thu kể sau bão những phòng nào thiệt hại nặng thì các cô giáo phải dồn lại ở chung mà đông người quá nên phải trải chiếu ngủ cả ở dưới nền nhà. 

Hôm nhiều nhất là 6 cô giáo chia nhau một nửa trên giường, nửa còn lại nằm dưới nền. 

Tính thêm mấy cháu nhỏ con của các cô, tổng cộng lên đến chục người trong một căn phòng hơn 15 mét vuông.

{keywords}
Những ngày sau bão, những phòng thiệt hại nhẹ nhất, khắc phục được sớm là nơi các cô giáo dồn về ở tạm cùng nhau.

Sau bão chưa có điện, cô Thu cùng các đồng nghiệp của mình phải soạn giáo án bằng đèn pin, quạt tay cho con trẻ ngủ. Để tranh thủ ánh sáng, các cô ra ngoài sân ăn tối vào lúc 5 chiều.

Nhà cách trường 60km, chồng con ở quê, hiện chỉ một mình bầu bí ở lại khu nội trú, cô giáo dự tính phải nửa tháng đến một tháng nữa mới khắc phục được hoàn toàn sau bão.

Cũng mang thai cùng tháng như cô Thu, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương cùng phòng ghép tạm chia sẻ: “Tôi mang bầu nên được ưu tiên nằm giường, nhưng cả đêm nằm quạt mồ hôi ướt nhễ nhại, nóng không ngủ được”.

Mấy ngày sau bão, không có điện bơm nước, ngay cả cô Thu và cô Hương vẫn phải đi xách nước từ giếng về dùng cho sinh hoạt.

Cơn bão đã đi qua, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục những thiệt hại để có thể theo kịp các chủ trương của ngành giáo dục trong năm học mới.

Rửa từng món đồ chơi để trở lại dạy học

Cô Lê Thị Minh Thu, Hiệu phó Trường Mầm non Quảng Phú (Quảng Bình) cho biết, ngay sáng ngày hôm sau khi bão qua các cô giáo trường mình đã tập trung để dọn dẹp vệ sinh.

{keywords}

Cô Lê Thị Minh Thu, Hiệu phó Trường Mầm non Quảng Phú (Quảng Bình) bên khung cảnh sân trường trơ trọi. Ảnh: Thanh Hùng.

“Ở trường mầm non không có thầy nên các cô giáo nào cũng phải làm quen với việc chặt cây cối đổ gãy, thậm chí trèo lên mái để lợp ngói. Thế nhưng khó khăn nhất có lẽ là việc mất điện nhiều ngày liền, giáo viên phải vừa dạy vừa quạt tay cho các cháu, trong khi bản thân mình cũng nóng mướt mồ hôi”.

Để khắc phục đường điện chung, hiện ngày 2 buổi đều bị cắt điện, nên thường các lớp chia ra một cô giảng dạy, một cô thì đứng trực tiếp quạt cho các cháu.

Cô Thu cho hay, điểm trường Phú Xuân của trường mình chịu thiệt hại nặng nhất khi không chỉ các phòng học mà bếp ăn cũng bị tốc mái hết. Nhà trường chưa kịp tu sửa nên chưa thể cho các cháu ở lại vào buổi trưa. 

“Buổi trưa chưa có điện cho các cháu ngủ, bếp cũng chưa thể nấu, nên chúng tôi đành cho các em về nhà chiều quay lại trường học”.

{keywords}
Sau bão, những lớp học lại rộn tiếng cười nói của các em học sinh.

Ở điểm trường này còn bị ngập bùn cả các lớp học nên các cô giáo phải chia nhau rửa từng món đồ chơi cho các cháu. 

“Các cô tự ra giếng cách dạy phòng học khoảng 300m xách nước về rồi rửa bàn ghế, sàn nhà và kỳ cọ từng món đồ chơi trong 2 ngày liền. Đến nay, các phòng học dù được rửa rồi nhưng đang được tiếp tục khắc phục”.

{keywords}
Các em học sinh tại Hà Tĩnh tươi cười khi trở lại trường lớp. Ảnh: Thanh Hùng.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên điều khiến các cô giáo ở Hà Tĩnh và Quảng Bình ấm lòng và vững tin hơn khi nhận được sự giúp đỡ của các phụ huynh khi đến chặt cây và cùng lao động vệ sinh trường lớp với họ. 

Những nơi thiệt hại nặng, địa phương cũng huy động các lực lượng hỗ trợ, tạo điểu kiện tốt nhất để cô trò sớm trở lại nhịp dạy học.

Điều các cô giáo vui nhất là đến hiện tại hầu hết các cháu đã quay trở lại trường học sau cơn bão. Và những tiếng ô a lại tiếp tục vang lên trong từng lớp học.

Thanh Hùng