Nhận thấy có những mối liên hệ nhất định giữa các môn học với nhau, cô Nguyễn Thị Thúy Nga (giáo viên dạy Địa lý Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương) nảy ra ý tưởng rồi mạnh dạn chọn lọc và soạn giảng một số chủ đề Địa lý và bằng tiếng Anh cho học sinh.

Đổi mới sáng tạo trong dạy học một cách linh hoạt theo hướng tích hợp liên môn và được học sinh đón nhận, cô Nga là một trong số 64 thầy cô giáo trên cả nước góp mặt tại lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây.

{keywords}
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga (giáo viên dạy Địa lý Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Thanh Hùng.

Cô giáo Nga thích nghề giáo viên từ bé khi trước đây bố chị cũng theo sư phạm nhưng rồi đành bỏ ngỏ khi phải tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Lúc chiến tranh kết thúc ông chuyển ngành.

Vừa muốn thực hiện ước mơ dang dở của bố, lại là con cả trong nhà với trách nhiệm quản lý việc học tập, hỗ trợ các em, nên chị quyết tâm theo kỳ được ngành sư phạm.

Năm thi đại học, chị cũng là học sinh duy nhất của trường đăng ký tất cả các khoa, trường sư phạm hồi đó (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2; ĐH Sư phạm Thái Nguyên; Khoa Sư phạm của ĐH QG Hà Nội và Trường CĐ Sư phạm Hải Dương).

Nhờ có một chút vốn tiếng Anh nên chị đăng ký cả 2 khối sư phạm ngoại ngữ và sư phạm địa lý nhưng trước khi đi thi thì nhận được quyết định tuyển thẳng vào khoa Địa lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vì thành tích đạt học sinh giỏi quốc gia.

Tốt nghiệp khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, chị Nga được tuyển về công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi nơi mà mình từng theo học.

Hơn chục năm dạy chuyên cùng sự nỗ lực của bản thân và sự cố gắng của học sinh, chị Nga tự tin với đóng góp cho thành tích học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý của trường chuyên nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung ở trong top cao toàn quốc nhiều năm qua.

Số học sinh chị bồi dưỡng đạt giải học sinh giỏi tỉnh đã lên đến hàng trăm, đạt giải quốc gia cũng đến 50 học sinh.

“Có lẽ điều khiến mình vui nhất là kết quả của học sinh và mới đây năm nay thì 10 học sinh đi thì thì cả 10 em đạt giải”, chị Nga chia sẻ.

Chị Nga tâm niệm để thích ứng chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên cũng cần phải đổi mới để vận hành chương trình được hiệu quả nhất.

“Trước có câu “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”, nghe tưởng đối lập nhưng tôi không nghĩ vậy. Vai trò của người thầy ở thời nào cũng không thể phủ nhận được, chỉ có điều chúng ta chuyển từ người thầy cung cấp cho học sinh kiến thức thành người dẫn dắt học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức”.

Chị Nga cho rằng đổi mới giáo dục là cơ hội thuận lợi để phát triển dạy học liên môn tích hợp.

Kinh nghiệm thời còn là học sinh phổ thông, trong quá trình học các môn đơn lẻ, chị Nga thường cố gắng xâu chuỗi lại để xem giữa các môn có mối quan hệ gì với nhau, thế nên giờ chị vấn thường nói với học sinh: “Nếu biết liên hệ giữa các khái niệm, các môn học với nhau các em sẽ học được sâu hơn nhưng thực tế lại nhàn hơn. Bởi trong Sử có Địa, trong Địa có Sử, thậm chí ngay cả tiếng Anh với Địa lý cũng còn có những mối quan hệ nhất định”.

Chị Nga muốn cho học sinh hiểu rằng các em cần tìm cho mình một phương pháp học phù hợp. Còn với giáo viên, cũng có cơ hội được tìm tòi, mở rộng kiến thức, hiểu biết ở nhiều lĩnh vực hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ phải đầu tư thời gian hơn và vất vả hơn.

{keywords}
Cô Thúy Nga trao đổi với học sinh tại lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây. 
. Ảnh: Thanh Hùng.

Nghĩ là làm, không chỉ với thành tích đào tạo, huấn luyện học sinh giỏi quốc gia mà cô giáo Nga cũng mạnh dạn theo đuổi đề tài đổi mới thực nghiệm dạy Địa lý bằng tiếng Anh trong trường THPT chuyên. Chị Nga theo đuổi hướng tích hợp này đơn giản dựa trên những thế mạnh của bản thân mình.

“Tôi thấy trong môn Địa lý thực ra có màu sắc của nhiều môn học như Sinh học, Hóa học, Lịch Sử,…thậm chí tiếng Anh. Các vấn đề mà môn Địa đề cập trong tiếng Anh cũng có rất nhiều như môi trường, tài nguyên, kinh tế, dân số,…”.

Từ đó, chị nảy sinh ra ý tưởng thử chọn lọc và soạn giảng một số chủ để Địa và được giảng dạy học tập bẳng tiếng Anh cho đối tượng học sinh phổ thông. Trong giờ học, cô giáo và học sinh sẽ trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, để làm được cũng chẳng phải điều dễ dàng.

Là cô giáo Địa lý, mặc dù trước đây học chuyên ngữ nhưng chị Nga cho hay cũng gặp không ít khó khăn và phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.

“Bởi diễn đạt một số vấn đề bằng tiếng mẹ đẻ đã khó nữa là bằng những thuật ngữ chuyên ngành. Để xây dựng một bài giảng trọn vẹn rất khó khăn. Mỗi bài giảng như vậy so với thời lượng soạn một bài bằng tiếng Việt thì lâu hơn rất nhiều và thậm chí khó định lượng được gấp bao nhiêu lần”.

Song với nỗ lực không mệt mỏi, đến nay chị đã áp dụng nhiều bài giảng và được học sinh đón nhận với hiệu quả tích cực. “Các em tỏ ra rất hào hứng với bài học bởi đều bàn đến những chủ để rất thực tế như môi trường, dân số, phát triển kinh tế,…” chị Nga say sưa khi nói về những giờ học.

{keywords}

Tinh thần mạnh dạn trong đổi mới của chị cũng được đền đáp khi có 2 bài được giải sáng kiến cấp tỉnh là Thực hành địa lý công nghiệp chương tình lớp 12 và Kinh tế Đông Nam Á ở chương tình lớp 11.

“Mục đích ngoài tích hợp liên môn thì tôi cũng muốn cổ động được tinh thần, phong trào học ngoại ngữ cho học sinh. Bởi xuất phát điểm bản thân tôi cũng là một người thích học ngoại ngữ và tôi nghĩ nó cần thiết cho bối cảnh hiện nay”, chị Nga chia sẻ.

Tuy nhiên, chị Nga cũng nhìn nhận ý tưởng sáng tạo cũng phụ thuộc vào điều kiện thực tế và đề tài của mình thành công khi áp dụng với học sinh trường chuyên, đặc biệt là các học sinh chuyên Anh có vốn ngoại ngữ khá tốt.

Cô giáo Nga tâm niệm người thầy giỏi là người dẫn dắt học sinh đi tìm kiến thức chứ không phải là cho học sinh kiến thức và sự sáng tạo của từng giáo viên là không giới hạn và bắt nguồn từ chính sự yêu nghề.

“Xã hội phát triển từng ngày nhất là trong thời kỳ hội nhập và bùng nổ công nghệ thông tin. Vì vậy bản thân mỗi giáo viên phải ý thức được sự sáng tạo ảnh hưởng đến sự sống còn của nghề nghiệp. Nếu không tự thân đổi mới, sáng tạo mà chờ người khác cầm tay chỉ việc thì bản thân chúng ta sẽ bị tụt hậu so với xã hội. Tôi nghĩ đổi mới sáng tạo chính là động lực, là tự tôn nghề nghiệp và giúp ta tự tin trước học sinh và đồng nghiệp”, chị Nga nói.

Thanh Hùng