Ngày nhỏ, cô bị “xơi đòn rất nhiều”. Cô mang cách giáo dục đó áp dụng với học sinh của mình, và vẫn luôn nghĩ đó là hướng đi đúng.
Trong tập 4 của “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, chương trình đã tìm đến một lớp học ở vùng nông thôn của cô giáo Lê Thị Nếp – giáo viên Trường Tiểu học Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Lớp học của cô Nếp là những học sinh mới vào lớp 1 được 2-3 tháng.
Thời điểm ekip thực hiện chương trình ghi hình là lúc các em đang học cách ghép vần, làm toán.
Cô Nếp được các chuyên gia đánh giá là có khả năng quản lý lớp học rất tốt. Cô được ví như một đạo diễn, một người nhạc trưởng, học sinh rất nghe lời cô.
Tuy nhiên, những hình ảnh thiếu tích cực trong lớp học của cô bắt đầu xuất hiện. Khi cô yêu cầu các em không xòe tay tính để làm toán, các em bắt đầu sợ sệt, căng thẳng và giấu diếm.
Khi các em làm việc riêng trong lớp, cô liên tục gọi các em khác trong lớp chỉ ra lỗi của bạn. Khi một học sinh nghịch dại khiến chiếc bảng không viết được, cô nhanh chóng buộc tội em mà không cần nghe lời giải thích.
Đỉnh điểm là khi một cậu bé quên sách đến lần thứ 2, cô lập tức gọi về cho bố mẹ em và yêu cầu cậu bé nói bố mẹ mang sách lên trường.
Cách hành xử này của cô trước lớp khiến cậu bé sợ sệt và trở nên mếu máo trong cuộc trò chuyện với bố.
Cô cũng thường xuyên đặt ra những câu hỏi nặng nề nhằm quy lỗi cho các em trước cả lớp.
Khi được phỏng vấn riêng, rất nhiều học sinh thú nhận “sợ cô Nếp”, thậm chí còn tranh nhau mách ai bị cô phạt nhiều hơn.
Theo những chia sẻ của cô Nếp, cách dạy dỗ của cô trong lớp học có nhiều nguyên do bắt nguồn từ cách giáo dục mà cô nhận được từ gia đình khi còn nhỏ.
“Ngày nhỏ tuy là con gái nhưng tôi rất nghịch và bị ăn roi rất nhiều”. Cô chia sẻ, gia đình cô là nhà giáo nên từ nhỏ cô đã được dạy dỗ rất nghiêm khắc theo quan điểm giáo dục cũ. Lớn lên, cô cho rằng đòn roi, những hình phạt chưa chắc đã phải là xấu, bởi nó giúp cô trưởng thành và nên người. Chính vì thế, cô mang cách giáo dục đó áp dụng với học sinh của mình, và vẫn luôn nghĩ đó là hướng đi đúng.
Sau những phân tích của chuyên gia, sau khóa tập huấn, cô Nếp đã nhận ra quan điểm giáo dục của mình đã cũ và cần phải thay đổi.
Đặc biệt, “những mong muốn của các em, những câu nói ngây thơ và chân thành của các em đã làm tôi sốc”. Cô giáo trường làng tin rằng, sự thay đổi trong tư duy, nhận thức là điều cốt lõi để giúp cô thay đổi hành vi.
Những thay đổi trong giờ dạy của cô Nếp, từ cách khuyến khích học sinh, thái độ khi các em mắc lỗi... đã khiến không khí lớp học nhẹ nhàng và vui vẻ lên rất nhiều. Những nỗ lực của cô Nếp đã được chính ‘những bông hoa nhỏ của cô’ ghi nhận: “Cô Nếp cười nhiều hơn”, “Cô không còn véo tai con nữa”, “Cô không phạt con nữa rồi”...
Nguyễn Thảo