Một ngày làm việc của cô giáo Hằng bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc sau 17h chiều. Phần lớn thời gian trong ngày cô đều dành cho trẻ.

“Muốn dạy tốt phải hiểu trẻ”

Cô Nông Thị Hằng là giáo viên khối lớp 5 – 6 tuổi của Trường Mầm non Cẩm Giàng (Bạch Thông, Bắc Kạn). Bắt đầu nhận công tác tại trường từ năm 2012, cô luôn trăn trở việc tìm ra phương pháp giảng dạy giúp trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo.

{keywords}

Cô Hằng hướng dẫn học sinh tổ chức hoạt động góc

Đối với cô, giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách và nhận thức của trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, bằng những kiến thức sư phạm cùng kinh nghiệm “đọc vị” tâm lý trẻ, cô đã đúc kết nên những sáng kiến có giá trị trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

Theo cô Hằng, ở mỗi độ tuổi trẻ có một cá tính khác nhau. Vì vậy, giáo viên mầm non luôn phải khéo léo khai thác tính cách của trẻ. 

Ví dụ ở tuổi lên 3, các bé thường rất tinh nghịch, thích làm theo ý mình nên việc uốn nắn vào nề nếp rất khó. Tuy nhiên, nếu biết tìm tòi phát hiện ra ưu điểm của trẻ để khích lệ, khen ngợi kịp thời sẽ đem lại những hiệu quả tích cực.

Còn trẻ 4 – 5 tuổi thường bắt đầu thích khám phá cái mới, ưa hoạt động sôi nổi. Trong tiết dạy, giáo viên phải để trẻ tự khám phá và nói lên ý hiểu của mình. Cô giáo sẽ là người bổ sung, tổng kết giúp trẻ hiểu và nắm rõ hơn bài học.

“Muốn tiết học hiệu quả thì người thầy luôn phải thấu hiểu trẻ. Đối với học sinh nghịch ngợm, tôi luôn khéo léo nhắc nhở các con như “Hôm nay cô thấy con chưa được ngoan. Nếu tập trung hơn chắc chắn con sẽ làm tốt”. Hay đối với những trẻ nhút nhát, tôi luôn tích cực để các con tham gia hoạt động góc và sẽ biểu dương khi con hoàn thành nhiệm vụ” – Cô Hằng chia sẻ.

Luôn lấy trẻ làm trung tâm

Năng lực và tâm huyết, cô Nông Thị Hằng đã được Ban giám hiệu Trường Mầm non Cẩm Giàng chọn là nòng cốt để thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục.

Với sáng kiến “Tổ chức hoạt động góc lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường đã phân công cho cô giảng dạy chuyên đề. 

Bài giảng “Tổ chức hoạt động góc lấy trẻ làm trung tâm” của cô Hằng được Ban giám hiệu đánh giá rất cao. Phương pháp này cũng đã được các đồng nghiệp của cô áp dụng và nhân rộng.

{keywords}

Hoạt động góc là cách tổ chức lớp học không mới. Tuy nhiên, làm thế nào để trẻ được học thông qua hoạt động vui chơi mà không bị gò bó lại là một thách thức.

“Trong quá trình tổ chức hoạt động góc tôi luôn chú trọng việc lấy trẻ làm trung tâm. Ở đó, cô giáo chỉ có vai trò là người hướng dẫn, gợi ý cách chơi theo trình tự hợp lý còn trẻ sẽ là người thực hiện” – Cô Hằng chia sẻ.

Trong góc biểu diễn văn nghệ, khi các góc khác đến giao lưu, trẻ phải học cách cúi chào và thay phiên nhau dẫn dắt chương trình: “Chương trình văn nghệ xin được bắt đầu. Mở đầu chương trình là bài hát… Xin mời các bạn cùng lắng nghe”. Trong mỗi góc, các trẻ tự bầu ra nhóm trưởng để phân công công việc cho các thành viên. Theo cô Hằng, điều này sẽ rèn cho trẻ sự mạnh dạn, tự tin và phát triển thêm về ngôn ngữ cũng như khả năng lãnh đạo.

Hay trong góc sắm vai, các bé sẽ được đóng vai những người bán hàng giới thiệu về các loại rau củ quả: “Chào các bạn, đây là quả khế. Theo các bạn quả khế có vị gì? Quá khế cung cấp cho chúng ta chất gì?.

Trong quá trình đó, trẻ được nói như cách cô giáo giảng bài. Phương pháp này giúp trẻ ôn tập lại kiến thức và nhớ bài học lâu hơn. Sau khi kết thúc hoạt động góc, trẻ sẽ giới thiệu cho các bạn xem hôm nay mình đã chơi và học được những gì.

{keywords}

Tuy nhiên, việc thay đổi cách dạy khiến các em học sinh ban đầu rất khó thích nghi. 

Học sinh của cô Hằng đa số là dân tộc Tày, Nùng. Trẻ chưa được tiếp xúc nhiều với kỷ luật sân khấu nên nên việc tự giới thiệu chương trình là điều khó khăn. Nhiều em còn nói ngọng, không mạnh dạn, rất khó nói và bí từ. 

Các em luôn rụt rè và mếu máo khi không hoàn thành được nhiệm vụ. Những lúc như thế, cô Hằng phải là người khuyên nhủ, dẫn dắt và nói mẫu để trẻ bắt chước luyện tập. Cô cũng luôn phải nghiên cứu thay đổi giáo án để phù hợp với trẻ.

Sau hai tháng áp dụng phương pháp giảng dạy mới, học sinh của cô Hằng trở nên mạnh dạn, hứng thú hơn và thực hiện hoạt động góc rất nhuần nhuyễn. Trong kì thi giáo viên giỏi cấp trường, cô Hằng đã đưa hoạt động góc vào giảng dạy và đạt kết quả tốt. 

Đến thi giáo viên giỏi cấp huyện, cô cũng mạnh dạn thực hiện và đem lại thành tích cao.

{keywords}

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, cô Nông Thị Hằng vẫn luôn cố gắng tìm tòi và ứng dụng công nghệ thông tin, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập. Như khi dạy chữ cái nếu chỉ nói và mô tả, trẻ sẽ rất khó hiểu, nhưng nếu kết hợp hình ảnh sẽ tạo nên ấn tượng giúp trẻ nhớ lâu hơn.

Hay trong các tiết kể chuyện, cô luôn trình chiếu hình ảnh kèm nhạc đệm để trẻ đoán nội dung, ghép nối và tự sáng tạo thành một câu chuyện trước. Theo cô Hằng, một điều vô cùng quan trọng là cần tuyệt đối tránh dùng “tranh chết” trong giảng dạy.

Cô Hằng chia sẻ: “Khi dạy tôi luôn giúp trẻ nhận biết thông qua hình ảnh thay vì lý thuyết khô khan. Ví dụ, khi dạy trẻ cuối cấp về nhận biết trường tiểu học, tôi sẽ đưa trẻ đi thực tế để gợi mở, giúp các con hiểu rõ hơn môi trường mình sắp học. Việc được tự khám phá phòng học và tận mắt nhìn các trang thiết bị trong trường khiến trẻ vô cùng hào hứng.

Tôi cho rằng, phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm thú vị hơn cách dạy truyền thống bởi ở đó mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động để tự chiếm lĩnh tri thức mới”.

Thúy Nga